Bước sang năm mới, thập kỷ mới – 2020 Hàn Quốc sẽ có rất nhiều chính sách được thay đổi theo hướng tốt lên dành cho người dân nói chung và người nước ngoài ở Hàn Quốc nói riêng.

Từ việc tăng tiền lương tối thiểu, chính sách giảm giờ làm xuống 52h, miễn học phí cho học sinh THPT đến bằng lái xe, thẻ cư trú và hộ chiếu.

Hãy cùng xem, chính sách nào ảnh hưởng đến bạn nhất trong năm 2020.

1. Tiền lương cơ bản năm 2020

Từ ngày 1/1/2020, tiền lương tối thiểu theo giờ sẽ là 8.590 KRW (7.4 USD), tăng 2,9% so với năm 2019. Lịch sử tăng lương tối thiểu ở Hàn Quốc từ năm 2015 đến nay:

  • Năm 2020: 8.590 KRW/giờ
  • Năm 2019: 8.350 KRW/giờ
  • Năm 2018: 7.530 KRW/giờ
  • Năm 2017: 6.470 KRW/giờ
  • Năm 2016: 6.030 KRW/giờ
  • Năm 2015: 5.580 KRW/giờ

Có thể thấy mức tăng 2.9% là mức tăng thấp thứ ba trong lịch sử, và là mức tăng thấp nhất trong nhiệm kỳ của chính quyền Tổng thống Moon Jae In. Mức tăng tiền lương tối thiểu của 2 năm trước đó lần lượt là 16.4% và 10.9%.

Vậy với mức lương tối thiểu này, một người lao động ở Hàn Quốc được nhận 8.590 KRW x 209 giờ = 1.795.310 KRW/ tháng.

Mức lương mới sẽ áp dụng với tất cả các hình thức lao động, không phân biệt quốc tịch Hàn Quốc hay người lao động nước ngoài.

2. Chế độ làm việc 52 giờ/tuần

Từ tháng 1/2020, ngoài các công ty lớn trên 300 nhân viên thì các công ty vừa và nhỏ với số lượng nhân viên từ 50 ~ 300 người sẽ buộc phải triển khai quy định mới làm việc 52 giờ/ tuần.

Theo Luật Tiêu chuẩn Lao động, thời gian làm việc chính thức là 40 giờ một tuần và thời gian làm thêm giờ tối đa là 12 giờ. Doanh nghiệp vi phạm lần một thì sẽ bị cảnh cáo, tái diễn lần hai sẽ có thể bị xử phạt tối đa 02 năm tù giam hoặc phạt tiền 20 triệu KRW (17.650 USD).

Các công ty lớn trên 300 nhân viên đã bị buộc phải thực hiện quy định này từ tháng 7/2018. Nếu vi phạm, nhà tuyển dụng có thể đối mặt với án tù giam tới 02 năm hoặc phạt hành chính dưới 20 triệu KRW.

3. Tăng thêm thời gian nghỉ phép cho người lao động

Từ ngày 1/1/2020, người lao động ở Hàn Quốc sẽ được xin nghỉ thêm 10 ngày phép, hưởng lương 100% mỗi năm để chăm sóc thành viên gia đình trong trường hợp ốm bệnh.

Trước đây, người lao động vẫn có thể xin nghỉ trong các tình huống tương tự nhưng thời hạn nghỉ phép thường là 30 tới 90 ngày. Việc nộp đơn xin nghỉ ngắn ngày là hoàn toàn không thể.

Nhân viên làm việc tại các cơ quan nhà nước hoặc các công ty có ít nhất 300 nhân viên cũng có thể đăng ký giảm giờ làm (단축근무) để chăm sóc các thành viên gia đình hoặc vì lý do sức khỏe cá nhân hay liên quan đến kế hoạch học tập.

Quy định này cũng sẽ được áp dụng cho các công ty cỡ nhỏ hơn với số nhân viên từ 30~299 người bắt đầu từ năm 2021 và các công ty ít hơn 30 nhân viên từ năm 2022.

Trước đó, hồi tháng 10/2019 Hàn Quốc đã áp dụng chính sách nghỉ 10 ngày hưởng 100% lương dành cho nam giới có vợ sinh con.

Hàn Quốc cũng đã có những chính sách khuyến đẻ, tùy địa phương và điều kiện mà gia đình có con đầu lòng có thể nhận tới 16 triệu KRW tiền hỗ trợ như tỉnh Gangwon.

4. Tăng trợ cấp chăm sóc trẻ em

Từ năm 2020, Chính phủ Hàn Quốc sẽ chi trả trợ cấp trẻ em 100.000 KRW (86 USD)/tháng cho trẻ nhỏ dưới 7 tuổi (từ 0 đến 83 tháng), thay vì dưới 6 tuổi như hiện hành. Tổng số trẻ em được nhận trợ cấp sẽ tăng từ 2.470.000 lên 2.630.000 trẻ.

5. Miễn phí tiền học toàn bộ ba cấp phổ thông

Hiện nay, Hàn Quốc đã miễn học phí đối với bậc tiểu học và trung học cơ sở. Với bậc trung học phổ thông, các học sinh lớp 12 sẽ được ưu tiên miễn học phí trước từ học kỳ II năm 2019.

Một học sinh trung học phổ thông phải trả trung bình 1.5 triệu KRW (1.300 USD) mỗi năm, bao gồm học phí, phí nhập học và các chi phí khác. Chế độ giáo dục miễn phí bậc trung học phổ thông, đang áp dụng cho học sinh lớp 12, sẽ được mở rộng áp dụng với học sinh lớp 11 từ năm sau.

Mỗi em học sinh sẽ có thể được giảm khoảng 1.580.000 KRW (1.366 USD) tiền học phí, đóng góp chi phí điều hành trường học, tiền sách giáo khoa trong một năm.

6. Trợ cấp cho người thất nghiệp 500.000 KRW/tháng

Từ tháng 7/2010, chính phủ Hàn Quốc sẽ áp dụng chính sách hỗ trợ xin việc làm cho người dân, theo đó, người có thu nhập thấp và thất nghiệp sẽ được nhận tiền hỗ trợ từ chính phủ 500.000KRW/tháng (440USD) trong vòng 06 tháng.

Khoảng 350 ngàn người sẽ nhận được khoản hỗ trợ trên từ nửa cuối năm 2020, với quy mô ngân sách cần thiết là 504 tỉ won (424 triệu USD). Đến 2022 số người được hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng năm sẽ được nâng lên con số 600 ngàn người.

7. Tăng cường phúc lợi cho người cao tuổi

Trong năm 2020, điều kiện được hưởng lương hưu cơ bản tối đa 300.000 KRW (260 USD), sẽ thay đổi từ người trên 65 tuổi thuộc nhóm 20% thu nhập thấp nhất thành nhóm 40% thu nhập thấp nhất.

Mức lương hưu cơ bản được nâng từ 250.000 KRW (216 USD) lên 300.000 KRW (260 USD). Tổng số người được hưởng lương hưu cơ bản sẽ tăng từ 1.560.000 lên 3.250.000 người.

Trong năm 2020, Chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ 740.000 việc làm dành cho người cao tuổi, tăng thêm 100.000 việc làm so với năm nay. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tầm trung, nếu tiếp tục tuyển dụng lao động đã qua tuổi nghỉ hưu, sẽ được hỗ trợ 900.000 KRW (778 USD) một người một quý trong vòng hai năm.

XEM THÊM: 13 Chính sách dành cho người già ở Hàn Quốc

8. Di động hoá giấy phép lái xe

Bằng lái thông thường sẽ dần được thay thế bởi mã QR lưu trên hệ thống bằng lái quốc gia. Bất kì ai đã vượt qua kì thi bằng lái xe đều được cung cấp 1 mã QR ( có thể tải về điện thoại hoặc kiểm tra online).

Ba nhà mạng viễn thông có kế hoạch phối hợp với nền tảng ứng dụng xác nhận cá nhân PASS của Cơ quan cảnh sát, hệ thống Xác minh thông tin giấy phép lái xe của Cơ quan giao thông đường bộ Hàn Quốc để giúp người dùng có thể tự đăng kí bằng lái xe phiên bản mobile dễ dàng vào quý đầu năm 2020.

Với dịch vụ này người dùng smartphone có thể đăng ký bằng lái xe của mình lên “Hệ thống kiểm chứng thông tin bằng lái” của Cơ quan quản lý giao thông đường bộ (Korea Road Traffic Authority, KoRoad) thuộc Cơ quan Cảnh sát quốc gia. Sau đó, tư cách và thông tin cá nhân của người sử dụng sẽ hoàn toàn có thể được kiểm tra theo thời gian thực.

XEM THÊM: Những điều chưa biết về những con số trên biển số xe ở Hàn Quốc

9. Thẻ chứng minh và hộ chiếu ở Hàn Quốc

Từ tháng 10/2020, dãy số chứng minh thư sẽ được sửa đổi bằng cách xóa mã vùng và thay vào đó một số ngẫu nhiên. Đây là lần thay đổi đầu tiên sau 45 năm, kể từ khi thiết lập hệ thống số an sinh xã hội ở Hàn Quốc năm 1975.

Ngoài dãy số chứng minh, thiết kế của thẻ căn cước sẽ được thay đổi toàn diện:

  • Taegeuk – dấu âm dương sẽ thay đổi màu sắc tùy vào góc độ
  • Tên và số an sinh xã hội sẽ được phóng lớn lên
  • Toàn bộ thông tin sẽ được in bằng laser
  • Thêm phần hình ảnh nhỏ kèm ngày tháng năm sinh vào góc bên trái và chúng chỉ hiện thị tùy theo góc độ.

Lần đầu tiên sau 32 năm, hộ chiếu của người Hàn Quốc cũng sẽ được thay đổi diện mạo. Hộ chiếu phổ thông sẽ được chuyển từ màu xanh lá cây sang màu xanh dương, dưới phần biểu thị tên tiếng Anh sẽ bổ sung thêm phiên âm tên bằng chữ Latin. Cả hình ảnh và chữ trên hộ chiếu đều được in bằng laser và không còn hiển thị số chứng minh thư.

10. Người có tiền án tiền sử không được kết hôn quốc tế

Những người có tiền sử vi phạm pháp luật, đặc biệt là các tội liên quan đến bạo hành sẽ không được làm hồ sơ kết hôn, mời bạn đời người nước ngoài sang Hàn Quốc.

Bộ Tư pháp cũng sẽ cải tiến hệ thống điều tra trách nhiệm của các bên khi ly hôn. Trước kia, người chồng Hàn Quốc có ảnh hưởng lớn trong việc gia hạn visa và sau khi ly hôn, người vợ người nước ngoài phải nộp đơn ly hôn có nêu rõ lỗi của các bên đương sự, hồ sơ chứng minh năng lực kinh tế mới có thể tiếp tục được ở lại Hàn Quốc.

Nhưng theo luật mới, Bộ Tư pháp sẽ ưu tiên gia hạn visa trước cho người vợ người nước ngoài và tiến hành điều tra sau.

Những trường hợp nghi ngờ kết hôn giả mạo vẫn sẽ phải thẩm tra trước khi xét duyệt gia hạn visa. Nhưng nếu xác nhận được tính chân thực của cuộc hôn nhân thì người vợ nước ngoài sẽ được gia hạn 3 năm mỗi lần đăng ký.

XEM THÊM:

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).