Có thể bạn không biết đến cái tên Thomas Stanley nhưng có thể bạn sẽ biết đến cuốn sách bom tấn “The Millionaire next door” (Người hàng xóm tỷ phú) mà Thomas Stanley và cộng sự của ông là William Danko cùng nghiên cứu vào những năm 1990.

Cuốn sách bán được hơn 2 triệu bản và là nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm ăn theo như “Millionaire Minds” và “Millionaire Women Next Door.”

“The Millionaire next door – Người hàng xóm tỷ phú” là cuốn sách truyền cảm hứng đến người đọc rằng bất kì ai cũng có thể sống sung túc, họ thật sự không làm gì quá vĩ đại nếu biết hình thành thói quen tài chính tốt trong đời họ.

Đặc biệt, cuốn sách còn giúp các vị phụ huynh dạy con quản lý tài chính – không những khuyến khích chúng tự xây dựng vốn liếng trong tương lai, mà còn đảm bảo rằng chúng sẽ tự lập tài chính và không đụng đến tài sản của bố mẹ sau này.

1. Không khoe giàu

자녀에게 부모가 부유하다는 사실을 절대로 말하지 마라
Đừng bao giờ nói với con rằng cha mẹ chúng giàu có.

Khi khoe khoang với con về sự giàu có của mình, vô hình chung bạn đã khiến con trở nên tự mãn về một sự giàu sang được dựng lên không phải bằng thực lực của chúng.

Cha mẹ hay nói về tiền bạc trước mặt con cái sẽ khiến con bị khắc sâu quan niệm tiền bạc là trên hết và nhiễm thái độ khinh bạc của những kẻ có nhiều tiền. Ngược lại, cha mẹ hay “than nghèo, kể khổ” cũng sẽ khiến con tự ti, mang mặc cảm rằng chúng luôn cảm thấy mình kém cỏi, bất lực.

2. Dạy con tiết kiệm

당신이 아무리 큰 부자라도 자녀들에게 절제와 근검절약을 가르쳐라
Dạy con nếp sống kỷ luật và tiết kiệm, đừng lạm dụng những gì mình có.

Dù giàu có đến mức nào cũng phải tránh lãng phí không cần thiết, hãy xây dựng nhân cách thông qua việc giáo dục con rằng những khoản tiền chi tiêu không cần thiết, dù là vài đồng cũng chính là lãng phí.

Hãy đưa con đến ngân hàng để gửi tiền tiết kiệm, biết được cảm giác tích lũy, học cách kiểm soát ham muốn, cho con biết rằng tiêu bất cứ một đồng xu nào cũng phải suy nghĩ kỹ càng, tiêu tiền tùy tiện là sự buông thả ham muốn.

Cha mẹ cũng hãy mở cho con một tài khoản ngân hàng riêng, so với việc cho con tiền thì dạy con cách quản lý tài khoản sẽ tốt hơn.

3. Dạy con về phong cách sống

아이들이 성숙하고 엄격하며 어른스러운 생활 습관과 직업을 가지기 전까지는 부모가 부자라는 사실을 결코 알아차리지 못하게 하라
Hình thành cho con phong cách sống chín chắn, kỷ luật, trưởng thành trước khi con nhận ra cha mẹ giàu.

Có trách nhiệm là điều mà các ông bố bà mẹ phương Tây thường hướng cho con mình. Con cái sẽ thấy bố mẹ luôn giữ đúng lời hứa hay làm đúng với những gì nhắc nhở hoặc đề ra. Ngoài tính kỷ luật, trẻ luôn được bố mẹ nhắc nhở rằng: “Nếu con cần mua 1 món đồ đắt tiền, trước hết con phải tự nghĩ ra cách làm ra số tiền đó”.

4. Hạn chế hứa suông

자녀와 손자들에게 유산 상속이나 경제적 지원에 관해 되도록 말하지 마라
Không hứa sẽ chia tài sản hay hỗ trợ tiền bạc cho con cháu.

Có nhiều tỷ phú phương Tây thay vì để lại tài sản cho con cháu thì họ lại thành lập các quỹ từ thiện hoặc quyên tiền cho các đoàn thể yếu thế, các tổ chức từ thiện.

Tỷ phú Bill Gates từng nói: “Tôi hoàn toàn nghĩ rằng việc để lại quá nhiều tài sản cho các con thì chẳng đem lại lợi ích gì cho chúng”, ông đã dành hầu hết tài sản của mình để thành lập quỹ Bill & Melinda Gates vào năm 1994, quỹ từ thiện này hiện đã có giá trị lên tới 36 tỉ USD.

5. Không “dụ” con bằng tiền hay quà đắt tiền

협상 전략의 일환으로 자녀에게 현금이나 고가의 선물을 주지 마라
Đừng bao giờ cho tiền hoặc tặng quà đắt tiền cho con cái như một điều kiện trao đổi.

Nhiều cha mẹ hiện có thói quen dùng tiền để thưởng cho con trong mọi việc, từ học tập đến làm việc nhà… với suy nghĩ rằng, con sẽ biết phụ giúp bố mẹ công việc nhà và có động lực phấn đấu học tập.

Có thể mọi người cho rằng, đó là sự công bằng khi trả công cho con, nhưng vô hình chung khiến đứa con lớn lên với cái tính thực dụng. Trẻ sẽ mất đi một giá trị hạnh phúc trong cuộc sống, đó là cái cảm nhận “được là người có ích cho người khác” hay niềm hãnh diện được người khác tôn trọng, bởi vì lúc đó trẻ sẽ có thể làm bất cứ điều gì miễn là được trả giá “sòng phẳng”.

Tất nhiên bố mẹ cũng có thể thưởng tiền hoặc quà, nhưng đó là để đáp ứng một nhu cầu nào đó của trẻ chứ không đơn thuần là một sự trao đổi “tiền trao cháo múc”.

6. Không can thiệp vào cuộc sống của con

성인 자녀의 가족 문제에 참견 하지 마라
Không can thiệp vào chuyện gia đình của con cái đã trưởng thành.

Trong con mắt của rất nhiều bậc phụ huynh, con cái họ lúc nào cũng chỉ là những đứa trẻ còn non dại, cần phải theo sát, bao bọc, chỉ bảo, dạy dỗ… Điều đó vô hình khiến cho họ can thiệp quá sâu, quá thô bạo vào đời sống riêng tư của con cái.

Hậu quả là cha mẹ đã làm hạn chế tính độc lập, tự chủ, khả năng sáng tạo của con cái, khiến mối quan hệ giữa cha mẹ, con cái diễn biến theo chiều hướng tiêu cực: đứa trẻ có thể ngày càng lệ thuộc sâu sắc vào cha mẹ hoặc cảm thấy bí bách, khó chịu, có tâm lý muốn “thoát” ra ngoài và ngày càng xa cách cha mẹ…

7. Không ganh đua với con

자녀와 경쟁하지 마라
Đừng cạnh tranh với con mình

Trong việc nuôi dạy con cái, nhiều bậc cha mẹ cho rằng chiến lược mang lại hiệu quả chính là sự ganh đua. Họ cho rằng ganh đua là một công cụ duy nhất giúp con trẻ thành công trong việc học tập và trong sự nghiệp sau này của chúng.

Tuy nhiên, những nhận định không suy xét như “Ngày xưa bằng tuổi mày bố/mẹ đã…”, “Việc này bố/mẹ chỉ cần làm trong nháy mắt, sao con không làm được?”… thường gây thương tổn, gây nên sự đố kỵ và phá vỡ những mối quan hệ tốt đẹp.

8. Mỗi người con đều có cá tính khác nhau

자녀들 각자가 개별 인격체라는 사실을 잊지 마라
Đừng bao giờ quên các con là những cá thể đặc biệt, có năng lực và suy nghĩ khác nhau.

Điều cấm kỵ nhất với cha mẹ chính là so sánh trẻ với anh chị em trong gia đình. Cha mẹ không nên nói những câu như: “Tại sao con không học hành đàng hoàng như anh của con?”, “Tại sao chị của con ngoan ngoãn, mà con lại hư đốn như thế?”, “Tại sao em của con làm được mà con thì không?”… khiến trẻ gia tăng sự hằn học với anh chị em của mình.

Để ngăn ngừa từ xa tình trạng trẻ ghen tị với anh em của mình, cha mẹ nên đối xử thật công bằng với những đứa con của mình. Sự công bằng này phải thể hiện cả về vật chất lẫn tinh thần.

Ví dụ, mua quần áo mới thì phải mua đồng đều cho tất cả các con, nếu không thì phải giải thích một cách thuyết phục cho trẻ lý do tại sao trẻ này được mà trẻ kia thì không. Cha mẹ phải dành thời gian đồng đều cho tất cả trẻ; phải tỏ ra nghiêm khắc như nhau với những đứa con của mình…

9. Trân trọng mọi nỗ lực của con

부모가 생각하는 성공의 상징을 강조하지 말고 작은 것이라도 자녀의 성과를 강조하라
Đề cao thành tích mà con bạn đạt được, bất kể nó nhỏ bé đến đâu.

“Con thật thông minh” là lời khen nhiều bậc cha mẹ dành cho con. Cứ mỗi khi trẻ có tiến bộ liền được bố mẹ định nghĩa là thông minh. Kết quả sẽ khiến trẻ cảm thấy thông minh là điều quan trọng nhất. Trẻ sẽ trở nên tự phụ chứ không phải là tự tin, đồng thời trẻ ngại thử thách bản thân.

Thực tế, những đứa trẻ được khen là thông minh rất sợ phạm sai lầm trước mặt cha mẹ, bởi trẻ sợ cha mẹ phán xét hành động không thông minh của trẻ.

Ngược lại, khi cha mẹ khen “Con rất nỗ lực” sẽ mang đến hiệu ứng tốt cho trẻ, giúp trẻ hướng sự tập trung và cố gắng vào một vấn đề nhất định. Trẻ sẽ tin tưởng chỉ cần nỗ lực sẽ gặt hái được trái ngọt, bởi thế trẻ sẽ chấp nhận thử thách.

10. Giúp con hiểu những điều quan trọng khác

돈보다 귀한 것이 많다는 사실을 자녀들에게 알려 줘라
Chỉ cho con cuộc sống có nhiều điều quan trọng hơn tiền bạc

Tiền bạc có thể mang lại cho bé nhiều thứ, nhưng không thể mua được tất cả. Cha mẹ không chỉ là dạy con cách quản lý chi tiêu mà còn phải trân trọng những giá trị quý báu khác trong cuộc sống như sức khoẻ, tình yêu thương, những mối quan hệ…

Song song với việc dạy trẻ về tiền bạc, bạn nên dạy cho con mình biết cách làm thế nào để giúp đỡ người khác, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống với một tấm lòng ấm áp và biết yêu thương.

XEM THÊM: Bí quyết nuôi con tăng chiều cao & thể lực đứng đầu châu Á của các bà mẹ Hàn Quốc

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).