Ngày nay, khi mà mạng xã hội (Social Media) đã quá phổ biến trong cuộc sống, bạn có thể tìm thấy các bức ảnh được đăng có nội dung hầu hết về đi du lịch nước ngoài, đi nhà hàng ăn các món đắt tiền và các buổi tiệc tùng thâu đêm không hề khó.

Những tài khoản đăng tải các bức ảnh này trên mạng xã hội không ai khác phần lớn là những người trẻ tuổi. Những từ như Swag, Flex và Inssa (인싸 – người có mối quan hệ rộng) đang xuất hiện trong giới trẻ Hàn Quốc được sinh ra từ văn hóa mới thể hiện sự khoa trương về vật chất và các mối quan hệ xã hội rộng của mình.

Giới trẻ Hàn Quốc cho rằng hoạt động tiêu dùng này là cách để nâng cấp danh tiếng và PR bản thân chứ không phải chỉ để phô trương hay khoe hàng hiệu xa xỉ trên mạng xã hội.

Lứa tuổi 20 – 30 quả là khoảng thời gian rất tuyệt vời, bạn bắt đầu tự lập, trưởng thành và kiếm được kha khá tiền. Nhưng nếu không lập kế hoạch chi tiêu và sa đà vào những sai lầm tài chính này, khi bước qua ngưỡng 30 tuổi, bạn sẽ thấy mình cứ nghèo dần đi.

Dưới đây là những sai lầm phổ biến về tiền bạc mà đa số giới trẻ Hàn Quốc đang mắc phải được tổng hợp dựa trên nếp sống của họ hiện nay, đọc thử và so sánh xem, bạn có sẽ thấy “bóng hình” của mình trong đó đấy.

1. Phụ thuộc quá nhiều vào khoản trợ cấp của gia đình

Bố mẹ có thể trợ cấp đầy đủ cho con cái từ các khoản chí phí điện thoại, mua sắm, vui chơi và học tập, thậm chí là mua nhà. Tuy nhiên, rất nhiều bạn trẻ Hàn phụ thuộc vào khoản hỗ trợ đó quá nhiều.

Lời khuyên là các bạn trẻ nên tìm việc làm thêm để có khoản thu nhập cho mình. Sau khi mức lương ổn định, nên nghĩ đến việc tiết kiệm tiền, thiết lập chiến lược cơ bản để đầu tư, dùng số tiền này cùng với sự hỗ trợ của gia đình bắt đầu xây dựng sự nghiệp.

2. Nghỉ việc dễ dàng

Đối với những bạn trẻ Hàn là người mới bước chân ra xã hội, việc không có đối tượng để so sánh khiến bạn dễ bỏ cuộc nếu có bất kì vấn đề khó khăn nào phát sinh trong công việc đầu tiên của mình.

Nhưng không ai có thể đảm bảo rằng công ty tiếp theo sẽ tốt hơn công ty hiện tại của bạn. Không những vậy, công sức và tiền bạc phải bỏ ra để xây dựng kinh nghiệm trong một lĩnh vực mới là rất tốn kém.

Trong tình hình suy thoái kinh tế thế giới, việc tìm một công việc mới cũng khó như đếm sao trên trời. Hãy suy nghĩ lại về lý do tại sao bạn cần phải đi làm trước khi suy nghĩ về lý do để rời đi.

3. Sống không biết ngày mai: Sống bằng thẻ tín dụng

Thẻ tín dụng giúp bạn chi tiêu thuận lợi, nhưng cũng có nguy hiểm là đôi khi bạn sẽ tiêu quá số tiền bạn thực sự sở hữu. Nợ thẻ tín dụng là một trong những vấn đề tài chính lớn nhất đối với những người trẻ.

Nếu bạn chọn thanh toán tối thiểu hàng tháng, bạn có thể trả hết nợ của bạn khi vừa bước vào ba mươi, khi bạn sẽ có nhiều chi phí khác cần tới tiền. Thật khó để tiết kiệm với thẻ nợ, và thậm chí còn khó hơn nếu có cả lợi nhuận, nên hãy cố gắng tập trung vào trả hết nợ thẻ tín dụng của bạn càng sớm càng tốt.

4. Không chuẩn bị cho tương lai (bảo hiểm y tế, quỹ hưu trí…)

 Khi ở độ tuổi vẫn còn trẻ, bạn không bao giờ nghĩ tới việc mình sẽ già yếu, bệnh tật nên thực sự rất thờ ơ với bảo hiểm y tế hay các quỹ hưu trí. Nhưng tuổi trẻ không bảo vệ bạn khỏi những tai nạn bất ngờ. Hãy tham gia những bảo hiểm y tế tốt nhất mà bạn có khả năng, bạn sẽ ngạc nhiên vì những lợi ích mình nhận được.

5. Chi tiêu quá nhiều cho tiền ăn hàng

Đồng nghĩa với việc xa nhà bắt đầu sống độc lập, hầu hết việc nấu ăn hàng ngày là một vấn đề đau đầu với các bạn trẻ Hàn trong khi chỉ với mấy cái click đơn giản thức ăn đã được ship về tận nhà.

Không thể nhịn đói hay ăn mì tôm cho qua ngày, nhưng cũng không nên gọi ship đồ ăn về nhà mỗi ngày vì số tiền ăn hàng hàng ngày này sẽ lớn hơn rất nhiều so với những gì bạn tưởng tượng. Hãy học các cách nấu ăn đơn giản để vừa tích kiệm tiền sinh hoạt vừa dinh dưỡng nhé.

6. Tiết kiệm chỉ để… tiết kiệm

Bạn đừng hiểu lầm khái niệm tiết kiệm của người giàu. Họ để dành tiền không đơn giản là giữ nó trong nhà và không bao giờ dám đụng đến.

Người giàu tích lũy tiền trong một khoảng thời gian nhất định và đến một giai đoạn nào đó, họ sẽ dùng toàn bộ số tiền này để đầu tư, làm cho tiền tiếp tục đẻ ra tiền.

7. Sống bằng sĩ diện, ưa chuộng vẻ ngoài hào nhoáng

Đây là sai lầm rất nhiều bạn trẻ Hàn Quốc mắc phải. Tốn rất nhiều tiền mua chiếc điện thoại thời thượng, tập thể thao tại các phòng tập siêu đắt tiền, mua quần áo theo xu hướng không có kế hoạch hay lựa chọn các dịch vụ du lịch sang trọng…

Mức sống sang hơn so với đồng lương bạn kiếm được sẽ khiến bạn cực kì mệt mỏi về lâu về dài. Và khi đã tự chủ được cuộc sống của mình bằng một khoản tiền tiết kiệm kha khá, thì thần thái của một người thực sự có tiền, vững chắc sẽ khác hơn nhiều so với nhiều người hào nhoáng, phù phiếm.

8. Sống ở khu nhà đắt đỏ

Ở thủ đô Seoul, nơi hơn 50% dân số Hàn Quốc đang sinh sống, giá nhà đã ngang bằng với New York của Mỹ, dù mức thu nhập của người dân không thể sánh bằng.

Nhưng đối với giới trẻ Hàn, họ ưa chuộng thuê các khu nhà gần bến tàu điện ngầm dễ di chuyển hay các khu nhà gần nơi làm việc của mình tuy giá thuê nhà có cắt cổ đến đâu.

Các khu phố đắt đỏ ở thành phố lớn không chỉ có giá thuê cao mà xung quanh còn rất nhiều khu vui chơi các cửa hàng mua sắm hay các nhà hàng luôn hấp dẫn hầu bao của các họ.

9. Đi học nâng cao bằng cấp “không cần thiết”

Trong xã hội phải cạnh tranh nâng cao SPEC khốc liệt như hiện nay, rất nhiều thanh niên Hàn Quốc chọn lựa việc học lên cao học hay đi học thêm các trung tâm đào tạo khác nhau theo xu hướng.

Việc này không chỉ khiến họ phải bỏ ra một khoản tiền khá tốn kém mà còn mất thời gian cho những kỹ năng không chắc giá trị tương lai trong chuyên ngành của mình.

10. Bội chi vào tiền mừng đám cưới

Hôn nhân là một sự kiện lớn trong cuộc đời, nhưng chi tiêu quá nhiều tiền mừng cho mọi đám cưới được mời có thể làm bạn hối tiếc sau này.

Tốt nhất là nên tham khảo ý kiến ​​với người lớn trong gia đình hay chọn lựa những đám cưới mà bạn thực sự nên đi để giảm thiểu và sắp xếp hợp lý các event không cần thiết.

Năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Hàn Quốc tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1999. Bất bình đẳng thu nhập và cảm giác tuyệt vọng kinh tế đã tác động nặng nề đến sức khỏe tâm lý và thói quen tiêu dùng của thanh niên Hàn Quốc.

Đối với nhiều người trẻ Hàn Quốc, các khoản tiêu dùng ngắn hạn trở thành một sự lựa chọn hợp lý để tận dụng tối đa giá trị của đồng tiền dựa trên đánh giá thực tế về tương lai mù mịt.

XEM THÊM: Người giàu ở Hàn Quốc chi tiêu như thế nào?

author-avatar

About Ngọc Vũ

Kết nối với Hàn Quốc như một cái duyên và gắn bó cùng Hàn Quốc như một định mệnh. Quan tâm tới văn hoá, xã hội, các tin tức thời sự và mối quan hệ quốc tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).