1.Tăng lương tối thiểu

Mức lương tối thiểu theo giờ trong năm 2019 sẽ được nâng lên từ mức 7.530 KRW (6,6 USD) (năm 2018) lên 8.350 KRW (7,3 USD), tức tăng 10,9%.

Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử mức lương tối thiểu tại Hàn Quốc tăng lên hơn 8.000 Won/giờ, giúp người lao động nước này có mức thu nhập hàng tháng lên tới 1.745.150 KRW (tức 35,6 triệu đồng) tính theo quy định thời gian làm việc chính thức là 40 giờ/tuần. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi, từ nay tới năm 2020, sẽ tăng lên mức lương tối thiểu lên ngưỡng 10.000 KRW/giờ để đạt mục tiêu tăng trưởng lấy thu nhập làm trọng

2.Tăng tiền hỗ trợ chăm con

  • Hỗ trợ 100.000 KRW/tháng cho trẻ dưới 6 tuổi, ở mọi điều kiện và tình trạng thu nhập của bố mẹ.
  • Từ tháng 9/2019, hỗ trợ 100.000 KRW/tháng được mở rộng sang trẻ em trước khi vào lớp một, tối đa 84 tháng (tức tròn 7 tuổi).
  • Từ tháng 10/2019 hỗ trợ 2.500.000 KRW cho tất cả các sản phụ. (Đang trong quá trình xem xét và sẽ ra thông báo chính thức vào giữa năm 2019)
  • Tiền hỗ trợ nghỉ việc cho bố tăng từ 2 triệu KRW/tháng lên 2,5 triệu KRW/tháng

3. Tăng trợ cấp thai sản

  • Thẻ hạnh phúc (행복한카드): tăng từ 500.000 KRW lên 600.000 KRW (nếu là thai đôi, được tăng từ 900.000 KRW lên 1 triệu KRW).
  • Khi mẹ sinh, bố được nghỉ 10 ngày (5 ngày có lương và 5 ngày không lương) thay cho luật hiện tại là 5 ngày (3 ngày có lương và 2 ngày không lương).
  • Dịch vụ 아이돌봄 (산후도우미 – dịch vụ chăm sóc tại nhà sau khi sinh): chính phủ hỗ trợ 50 – 70% chi phí tuỳ gia cảnh. Từ năm 2018 trở về trước chỉ hỗ trợ các gia đình có thu nhập ít hơn 4.420.000 KRW/tháng (tiêu chuẩn 3 người), từ năm 2019 sẽ hỗ trợ cho các gia đình có thu nhập tới mức 5.530.000 KRW/tháng. Dĩ nhiên mức lương căn cứ sẽ cao hơn nhiều nếu gia đình có 4 – 5 người. Gia đình đa văn hoá thì ko cần phải xét mức lương hay gia cảnh nữa mà cứ đăng ký là sẽ nhận được tiền hỗ trợ.
  • Hỗ trợ nghỉ thai sản (출산휴가) : 100% lương trong 2 tháng đầu do công ty chi trả, tháng thứ 3 do bảo hiểm chi trả và mức tối đa tăng từ 1.600.000 KRW lên 1.800.000 KRW.
  • Mức hỗ trợ nghỉ chăm con (육아휴직) sẽ tăng: 3 tháng đầu được 80% lương ( tối đa 1.500.000 KRW). Những tháng tiếp theo được tăng từ 40% lên 50% ( tối đa tăng từ 1.000.000 KRW lên thành 1.200.000 KRW)
  • Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được khấu trừ thuế đối với chi phí nhân công trong một năm, nếu cho người lao động, bao gồm cả nam giới, được nghỉ việc chăm sóc con nhỏ trên 6 tháng và vẫn được quay lại làm việc.

4. Tăng tiêu chuẩn xử phạt uống rượu lái xe

Vào cuối năm 2018, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua bộ luật Yoon Chang-ho nhằm tăng cường xử phạt các trường hợp uống rượu lái xe, nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn giao thông thảm khốc tại quốc gia này. Yoon Chang-ho là một binh sỹ Hàn Quốc 22 tuổi thuộc Lực lượng Hàn Quốc trong quân đội Mỹ (KATUSA), trở thành nạn nhân của một vụ uống rượu lái xe gây tai nạn hồi tháng 9/2018 và hiện ở trong bệnh viện với tình trạng chết não. Các bạn của anh đã đệ đơn lên trang web của Phủ Tổng thống và lá đơn này đã được hơn 200.000 người dân Hàn Quốc ký tên ủng hộ.

Tổng thống Moon Jae In cũng từng phát biểu: “Lái xe uống rượu đâm người không phải là một tai nạn, đó có thể được coi là một hành vi giết người hoặc phá hủy toàn bộ cuộc sống của một người”.

Như vậy theo bộ luật này, tiêu chuẩn xử phạt uống rượu lái xe sẽ giảm từ 0.05% như hiện hành xuống còn 0.03%. Tiêu chuẩn để tịch thu bằng lái giảm từ 0.1% còn 0.08%.

Thêm vào đó, nếu như trước đây, người uống rượu lái xe bị bắt tới lần thứ 3 sẽ có thể bị ngồi tù từ 1 đến 3 năm hoặc phạt 10 triệu KRW (khoảng 8.800 USD); nhưng từ năm 2019, chỉ cần bị bắt đến lần thứ 2 là có thể bị ngồi tù từ 2 đến 5 năm hoặc phạt 2 triệu KRW.

5. Hoàn tiền mua ôtô nếu xe liên tục hỏng.

“Luật quả chanh” có nguồn gốc từ từ “Lemon” trong tiếng Anh, mang ý nghĩa là hàng lỗi, người mua tưởng mua quả cam, nhưng khi mang về nhà mới biết mua nhầm quả chanh chua, có hình dạng giống quả cam. “Luật quả chanh” vốn có ngồn gốc từ Mỹ và được chính thực áp dụng ở Hàn Quốc từ ngày 1/1/2019. “Luật quả chanh” phiên bản Hàn Quốc cho phép người mua xe ôtô mới hay hàng hóa ở Hàn Quốc được đổi hoặc hoàn lại tiền nếu sau khi mua, chúng liên tục gặp hỏng hóc hoặc không thỏa mãn các tiêu chí về chất lượng và công năng.

Theo dự thảo sửa đổi này, khoản tiền hoàn trả sẽ được tính toán bằng cách lấy quãng đường di chuyển bình quân của xe tô là 150.000 km làm tiêu chuẩn để khấu trừ vào giá thành xe, nhưng bao gồm tiền thuế mua ôtô và giá biển số xe vào tiền hoàn trả.

Ví dụ như nếu người mua xe với giá 30 triệu KRW (26.800 USD), đi được quãng đường là 15.000 km, có nghĩa là đã sử dụng 10% quãng đường đi bình quân của xe, nếu muốn hoàn tiền thì sẽ lấy 30 triệu KRW (26.800 USD) trừ đi 10% tức 3 triệu KRW (2.680 USD), được hoàn 27 triệu won (24.120 USD). Ngoài ra, dự thảo sửa đổi này cũng quy định hạng mục cụ thể về điều kiện đổi xe, hoàn trả xe, và các quy trình điều đình về việc đổi xe, hoàn tiền.

6. Nói không với túi nilon và cốc nhựa

Người dân Hàn Quốc đóng đồ vào thùng giấy ở khu vực phát thùng miễn phí của siêu thị.

Các cửa hàng cà phê tại Hàn Quốc sẽ phải phục vụ ly sứ cho khách đến uống cà phê ngồi tại quầy. Các khách hàng không lưu lại cửa hàng vẫn có thể mua cà phê bằng cốc nhựa, nhưng sẽ giảm giá cho những ai mang cốc riêng.

Trong năm 2019, Hàn Quốc cũng sẽ áp dụng quy định cấm sử dụng túi nilon dùng một lần tại các siêu thị lớn. Đối tượng áp dụng là 2.000 siêu thị lớn trên toàn quốc và 11.000 siêu thị có diện tích trên 165 mét vuông. Thay vì túi nilon, các siêu thị sẽ phải cung cấp các loại túi giấy, giỏ, túi có thể tái sử dụng.

7. Hỗ trợ tiêu dùng

Trong năm 2019, người dân Hàn Quốc sẽ có thể mua sắm tại các cửa hàng miễn thuế ở khu vực nhập cảnh của sân bay, tránh phiền phức khi phải mang theo đồ mua ở cửa hàng miễn thuế trong nước khi đi du lịch nước ngoài. Chế độ mới sẽ được áp dụng thí điểm tại sân bay quốc tế Incheon, rồi sau đó được mở rộng ra các sân bay lớn trên toàn quốc.

Ngoài ra người dân sẽ được khấu trừ thuế đối với các khoản phí vào cửa bảo tàng, thư viện, xem biểu diễn, thanh toán qua thẻ tín dụng. Tổng hạn mức các khoản khấu trừ là 1 triệu won (900 USD).

8. Bảo vệ động vật

Từ ngày 21/3, chủ thú cưng nếu vi phạm nghĩa vụ quy định như đeo dây cổ, rọ mõm với các loài thú cưng có đặc tính hung dữ, làm bị thương hoặc tử vong cho người khác sẽ bị phạt tù tối đa 3 năm, nộp phạt tối đa 30 triệu won (27.000 USD).

Ngoài ra, Hàn Quốc đang tiến dần tới việc xóa bỏ hoàn toàn việc ăn thịt chó, trước áp lực mạnh mẽ từ những người yêu động vật cũng như các tổ chức bảo vệ quyền động vật trên thế giới.

Vào giữa năm 2018, một tòa án của Hàn Quốc đã ra phán quyết chính thức buộc hành vi giết hại chó để lấy thịt là phi pháp. Người dân Hàn Quốc ngày nay cũng dần từ bỏ thói quen ăn thịt chó, khiến 40% số hàng quán bán món này phải đóng cửa. Bên cạnh đó, nhiều chiến dịch biểu tình nhằm phản đối việc ăn thịt chó đang được khởi động với biểu tượng là Tori – chú chó được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhận nuôi sau khi may mắn được cứu thoát khỏi lò mổ.

9. Mở rộng khu vực cấm hút thuốc

Hàn Quốc bắt đầu cấm hành vi hút thuốc lá tại khu vực quanh các nhà trẻ, trường mẫu giáo trên toàn quốc từ cuối năm nay. Hiện tại, địa điểm cấm hút thuốc mới chỉ quy định ở phía bên trong các nhà trẻ, trường mẫu giáo. Nhưng từ năm 2019, người dân sẽ không được phép hút thuốc trong phạm vi bán kính 10m phía ngoài tòa nhà nhà trẻ và trường mẫu giáo. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt 100.000 KRW (khoảng 90 USD).

Theo quy định mới này, chính quyền các địa phương sẽ phải gắn biển báo khu vực cấm hút thuốc lá tại hàng rào hoặc tuyến đường gần 50.000 nhà trẻ, trường mẫu giáo trên toàn quốc.

Tổng công ty hàng không Hàn quốc (KAC) cũng đã quyết định dỡ bỏ phòng hút thuốc trong nhà đối với các đường bay nội địa ở 14 sân bay trên toàn quốc.

10. Thanh niên được kiểm tra sức khoẻ miễn phí

Từ ngày 1/1/2019, khoảng 7,2 triệu thanh niên trong độ tuổi 20 và 30 tuổi, sẽ được kiểm tra sức khoẻ miễn phí do Cơ quan bảo hiểm y tế quốc gia Hàn Quốc (NHIS) tổ chức.

Cụ thể, hơn 461.000 người phụ thuộc ở độ tuổi 20, 30 tuổi của người tham gia bảo hiểm y tế ở nơi làm việc, cùng 2.468.000 thành viên gia đình của người tham gia bảo hiểm tại khu vực và 114.000 thành viên gia đình của người được hưởng trợ cấp y tế, cũng sẽ được hưởng ưu đãi về kiểm tra sức khỏe từ năm 2019.

Trước đây, chỉ có những người tham gia bảo hiểm y tế tại nơi làm việc ở độ tuổi 20, 30 và chủ hộ gia đình, mới được định kỳ kiểm tra sức khỏe miễn phí, dẫn tới tranh cãi trong xã hội về tính công bằng giữa các hộ gia đình trẻ.

Theo dự thảo sửa đổi này, ngoài các nội dung kiểm tra sức khỏe thông thường, những thanh niên độ tuổi 20, 30 sẽ được kiểm tra 1 lần về sức khỏe thần kinh (chứng trầm cảm). Bộ Y tế quyết định bổ sung thêm nội dung kiểm tra này do cân nhắc tới tỷ lệ tự tử ở thanh niên đang ở mức cao. Theo thống kê về nguyên nhân tử vong của Cục thống kê quốc gia, tự tử là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở độ tuổi 20, 30. Hiện tại, Cơ quan bảo hiểm y tế quốc gia Hàn Quốc chỉ tiến hành kiểm tra chứng trầm cảm 1 lần cho người ở độ tuổi 40, 50, 60 và 70 tuổi.

XEM THÊM: Lương tối thiểu 2020 sẽ là bao nhiêu?



Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).