Ngày càng có nhiều người mắc bệnh vì dành quá nhiều thời gian cho những chiếc điện thoại thông minh.

Tháng 10/2019, đại diện Ủy ban Sức khỏe và Phúc lợi trong Quốc hội Hàn Quốc, ông Kim Kwang Soo, đã bày tỏ mối quan ngại về sự đe dọa đến sức khỏe cộng đồng đến từ tệ nạn smartphone, đồng thời kêu gọi chính phủ cần đưa ra những phản ứng thích hợp.

Ông Kim cho biết theo báo cáo năm 2018 của Trung tâm nghiên cứu Pew tại Mỹ thì Hàn Quốc hiện có tỉ lệ sử dụng điện thoại di động cao nhất thế giới, do đó ngày càng xuất hiện nhiều vấn đề về sức khỏe do việc lạm dụng điện thoại quá đà.

Số liệu từ Dịch vụ xem xét và đánh giá bảo hiểm y tế cho thấy số bệnh nhân bị chẩn đoán mắc phải “các bệnh liên quan đến điện thoại di động” đã gần như gấp đôi so với 5 năm trước.

Các căn bệnh liên quan đến điện thoại thông minh được nhắc đến trong chương trình bảo hiểm quốc gia gồm có hội chứng cổ rùa (hay còn gọi là hội chứng text neck – hội chứng “cổ tin nhắn”), hội chứng khô mắt, mất ngủ và hội chứng ống cổ tay.

1. Hội chứng cổ rùa

Năm 2018, chi phí y tế cho bốn căn bệnh trên đã lên tới 433.4 tỉ KRW, tăng 46.8% cho với mức 295.3 tỉ KRW của năm 2014. Cùng khoảng thời gian đó, số bệnh nhân cần điều trị vì những căn bệnh này là 5.462.746 người, tăng 14.8%.

Roh Young Hak, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại Trung tâm y tế đại học nữ Ewha, cho biết hội chứng cổ rùa là một tình trạng phổ biến ở những người sử dụng điện thoại di động.

Ngày càng có nhiều người dành thời gian để cúi gằm mặt xuống màn hình điện thoại thay vì một quyển sách,” ông nói.

Cách sửa tư thế phòng tránh chứng cổ

2. Hội chứng khô mắt

Nhiều người trước khi ngủ thường có thói quen xấu sử dụng smartphone để lướt web, xem phim, điều này cực kỳ tai hại.

Một cô gái ở Thâm Quyến, Trung Quốc sau một đêm dùng smartphone mắt trái không còn nhìn thấy gì nữa. Việc tiếp xúc với ánh sáng xanh từ màn hình không chỉ làm hỏng võng mạc mắt mà còn thúc đẩy “sự phát triển của các phân tử độc”, dẫn đến thoái hóa điểm vàng.

Viện Hàn lâm Nhãn khoa Hoa Kỳ (AAO) khuyến cáo việc tiếp xúc với màn hình (dù với mục đích cá nhân hay công việc) làm gia tăng tình trạng mỏi mắt, khô mắt, đau đầu và mất ngủ. Cũng theo AAO, bạn nên cố gắng giữ một khoảng cách đủ xa với màn hình các thiết bị điện tử và sử dụng các miếng lọc chống chói để bảo vệ mắt.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên điều chỉnh ánh sáng màn hình để mắt không phải làm việc quá sức và nghỉ ngơi theo “quy tắc 20-20-20”, nghĩa là sau mỗi 20 phút, hãy tạm rời mắt khỏi màn hình để nhìn một vật cách xa 20 feet (6m) trong 20 giây. Cuối cùng, chúng ta cần giữ ẩm cho mắt và ngừng sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ.

3. Hội chứng mất ngủ

Theo số liệu thống kê tại Hàn Quốc, sự gia tăng đột biến nhất diễn ra ở tình trạng mất ngủ, với 461.790 ca bệnh vào năm 2014 lên 587.529 ca vào năm 2018.

Lee Hyang Woon, nhà thần kinh học tại trung tâm giấc ngủ của đại học Ewha, giải thích rằng việc tiếp xúc với ánh sáng vào buổi tối và đêm sẽ “ảnh hưởng nghiêm trọng tới giấc ngủ” do can thiệp vào quá trình sản xuất hormon ngủ có tên là melatonin.

Cường độ ánh sáng từ màn hình điện thoại càng mạnh và thời gian bạn tiếp xúc với ánh sáng càng dài, bạn càng có khả năng gặp tình trạng rối loạn và suy giảm chất lượng giấc ngủ,” bà cho biết.

Trong những trường hợp cực đoan, tình trạng này có thể phát triển thành một dạng rối loạn mãn tính đối với nhịp sinh học gọi là hội chứng rối loạn giấc ngủ bị trì hoãn (DSPD).

Tình trạng ngày càng trầm trọng hơn khi không chỉ người lớn mà cả trẻ em cũng bị bị rối loạn giấc ngủ vì smartphone. Tuy nhiên, nếu trẻ em thức khuya chỉ để dính mắt vào màn hình điện thoại và mạng xã hội thì trách nhiệm phải được đặt ở cha mẹ, chứ không phải các công ty truyền thông xã hội.

Ngày càng có nhiều gia đình mà cả hai cha mẹ đều phải làm việc và điều này có thể có nghĩa là giờ đi ngủ sẽ trở nên muộn hơn, và vì vậy những thói quen trước khi đi ngủ như nhắc con vệ sinh, không dùng điện thoại hoặc máy tính bảng… có khi cũng sẽ bị bỏ qua luôn.

Giấc ngủ là yếu tố quan trọng, quyết định sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ em. Bởi vậy, các bậc phụ huynh nên xây dựng cho con một quỹ đạo thời gian hợp lý, giảm việc sử dụng điện thoại thông minh trước khi đi ngủ để con em mình có một giấc ngủ tốt hơn.

Theo các chuyên gia, trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiếp xúc với màn hình các thiết bị điện tử và trẻ dưới 5 tuổi chỉ nên giới hạn xem không qua một giờ mỗi ngày với sự giám sát của người lớn.

4. Hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay (Carpal tunnel Syndrome) là tình trạng dây thần kinh giữa bị chèn ép, gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh gây ra các triệu chứng như tê, ngứa và đau nhức ở vùng cổ tay và lòng bàn tay.

Hội chứng ống cổ tay xuất hiện ngày càng phổ biến đối với dân văn phòng khi họ phải thường xuyên gõ bàn phím, sử dụng chuột máy tính, lướt ipad.

Các chuyên gia hiện đã đưa ra một khuyến cáo dành cho những ai phải sử dụng công nghệ trong thời gian dài cần phải có các biện pháp phòng tránh căn bệnh này, cụ thể:

– Luôn giữ cho cổ tay thoải mái và nghỉ giải lao thường xuyên, tạm dừng công việc một chút, đi lại, vươn vai và vặn cổ tay sẽ giúp cơ thể được nghỉ ngơi.

– Dù bận đến đâu cũng cần phải chú ý đến tư thế, bàn tay phải được làm việc đúng cách mới có thể làm giảm sức ép lên dây thần kinh giữa.

– Nếu có các dấu hiệu của hội chứng này, nên đi kiểm tra sớm để có biện pháp xử lý trước khi chuyển biến nặng hơn.

XEM THÊM:

Tổng hợp từ Korea Herald

author-avatar

About Huong Tran

Làm việc tự do, sống và hưởng thụ từng ngày ý nghĩa trên mảnh đất vừa xa lạ vừa thân quen Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).