Theo các tài liệu lịch sử thì vào năm 1300, khi người Mông Cổ xâm lược bán đảo Hàn Quốc, họ đã dựng rất nhiều xưởng rượu và chia sẻ cả bí quyết nấu rượu Arak của người Ba Tư trong quá trình xâm chiếm Trung Á và Trung Đông từ năm 1256.

Có lẽ chính vậy mà người Hàn Quốc có tửu lượng rất tốt. Và theo thống kê thì người Hàn Quốc uống rượu nhiều thứ 2 trên thế giới, chỉ xếp sau người Nga.

Rượu được sử dụng trong mọi bữa tiệc từ sang trọng tới bình dân, trong các cuộc gặp gỡ bạn bè, góp vui chia buồn… Sau giờ làm việc, rủ nhau đi uống vài chén rượu dường như đã trở thành thói quen của không ít người.

Cũng vì uống nhiều rượu nên người Hàn Quốc đã nghĩ ra các món 해장국 (Haejang-guk), haejang ở đây trong tiếng Hán có nghĩa là “giải rượu” – 해장국 là chỉ các loại canh giải rượu nói chung.

Các biến thể của Haejangguk khá đa dạng tùy thuộc đặc trưng của từng vùng cũng như mỗi nhà hàng sẽ có cách chế biến khác nhau với những nguyên liệu khác nhau, vì thế mùi vị cũng vô cùng khác biệt.

XEM THÊM: Công dụng & những cách chế biến sâm tươi cực tốt của người Hàn Quốc

1. Canh xương lợn Haejangguk

Như đã giới thiệu ở trên, thực chất 해장국 là chỉ các loại canh giải rượu nói chung. Nhưng món canh xương lợn được dùng để giải rượu phổ biến nhất nên được lấy luôn tên “Canh giải rượu”. Hoặc nhiều nơi còn gọi là 감자탕 hay 뼈해장국.

Món canh này được hầm từ xương lợn hoặc xương bò, có bột ớt và lá cải phơi khô ninh nhừ. Khi ăn cho thêm bột vừng và hạt tiêu thì ăn đến đâu sẽ tỉnh ra đến đấy.

Có một điều thú vị là nhiều người hiểu 감자탕 là canh khoai tây. 감자 là khoai tây, 탕 là canh hoặc lẩu. Trong 감자탕 đúng là có khoai tây thật, nhưng 감자 còn có một nghĩa nữa là tủy xương heo. Bởi vậy, để dịch đúng món canh này thì ta phải gọi là canh hầm xương có tủy, chứ không phải vì trong canh có khoai tây 감자 nên mới gọi là 감자탕.

Ăn canh 감자탕 hay 뼈해장국, ngoài nước dùng đậm đà thì bạn sẽ có thêm một thú vui nữa là ngồi dóc xương.

Canh thịt Haejangguk thích hợp với những ai bị say rượu nặng và có hiện tượng nôn ói nhiều kéo dài đến hôm sau. Chỉ cần ăn canh Haejangguk thì cho dù có đang say hay mệt đến mấy, cơ thể và thần kinh cũng được phục hồi, trở nên tỉnh táo lại rất nhanh chóng.

Ngoài ra còn có một số loại canh biến thể khác như: canh dồi lợn (순대국), canh tiết lợn (선지국). Những canh này cũng có đặc điểm là nước dùng ninh xương rồi trộn với thật nhiều bột ớt. Nếu ai không quen ăn cay thì rất có thể sẽ rất khó chinh phục các loại canh này.

2. Mì hải sản cay Jjambong

Súp cay Jjamppong (짬뽕) là món súp giải rượu khá đặc biệt, có sự kết hợp giữa ẩm thực Hàn và Trung Quốc. Sau khi trải qua một đêm dài với những cơn say, bát súp mì hải sản cay xé lưỡi sẽ giúp bạn lấy lại sức lực.

Hơi nóng đến từ món súp sẽ thiêu đốt mọi cơ quan trong cơ thể một lúc và giải phóng hết men rượu còn tồn đọng từ tối hôm trước.

3. Canh giá đỗ kongnamul-guk (콩나물국)

Đây là món canh giải rượu đơn giản nhất của người Hàn mà lại dễ hợp khẩu vị số đông. Thông thường, canh giá đỗ sẽ được dùng trong những trường hợp bị say rượu nhẹ.

Canh giá đỗ có hương vị thơm ngọt, thanh mát, không chỉ dùng riêng cho mục đích giải rượu mà còn là một món quen thuộc trong bữa cơm gia đình người Hàn Quốc. Canh này giúp giải cảm, thanh nhiệt và có tác dụng bồi bổ sức khoẻ rất tốt.

Nếu muốn ăn cay, bạn có thể cho thêm kimchi hoặc bột ớt.

Có một phiên bản sang hơn là 콩나물 국밥 – canh cơm giá đỗ và thành phố Jeonju là nơi nổi tiếng với món ăn này. Tuỳ từng nhà hàng mà vị của món canh cơm giá đỗ có thể thanh đạm hoặc cay nồng, nhưng chuẩn một bát canh ngon là phải có thật nhiều giá đỗ và đặt một quả trứng sống lên trên.

4. Mì ăn liền

Thông thường người Hàn Quốc sẽ chọn những món có nước – hoặc thật thanh đạm và mát như canh giá đỗ, hoặc thật nóng và cay như canh xương để giải rượu.

Nhưng nếu không có hai món này, họ sẽ chọn cách giải rượu bằng mì ăn liền – nhưng phải là mì thật cay.

5. Thuốc giã rượu

Nếu bận rộn, không có thời gian đi ăn uống cầu kỳ thì trước khi đi liên hoan hoặc xác định sẽ “xoã” hết mình tối nay, người Hàn Quốc sẽ thủ một vài gói hoặc viên thuốc giã rượu, gọi là 숙취해소제.

Xem bài phân tích về thị trường đồ uống giải rượu của Hàn Quốc để tìm hiểu về các thương hiệu đang thống trị thị trường này ở Hàn Quốc.

BẠN CÓ BIẾT: An Cung Ngưu Hoàng không phải thần dược, cẩn thận khi dùng!

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).