Năm 2019, Việt Nam và các nước Đông Nam Á được người Hàn Quốc bình chọn trong top những khu vực muốn đến khám phá, du lịch và nghỉ dưỡng nhất.

Du lịch Đông Nam Á có độ hot nhất định nhờ danh sách rất dài các địa điểm đẹp và hấp dẫn, chi phí không quá cao. Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm và thiên nhiên còn ưu đãi cho các nước Đông Nam Á trở thành thiên đường trái cây, ẩm thực đáng dừng chân ghé lại.

Căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc và Nhật Bản dẫn đến chiến dịch tẩy chay Nhật trên mọi mặt trận, trong đó có du lịch. Năm 2019 xu hướng chọn địa điểm du lịch của người Hàn đã “bẻ lái” sang các khu vực khác.

Theo báo cáo của công ty du lịch Yellow Balloon Tour, nhu cầu về các tour du lịch trọn gói đến Việt Nam tăng đáng kể, vượt qua cả tour Bangkok và Pattaya của Thái Lan. Đặc biệt, lượng khách đặt phòng đến Việt Nam, bao gồm Hà Nội và Đà Nẵng, tăng trưởng hơn 90% so với cùng kỳ năm 2018.

XEM THÊM:

Đại lý du lịch trực tuyến Trip.com so sánh số lượng đặt vé máy bay giữa tháng 7 & 8/2019 và cho biết, lượng vé đặt đến Hà Nội tăng đến 43%. Tiếp theo là Kota Kinabalu của Malaysia (40%), Đài Bắc (37%), Thượng Hải (31%), Bali (30%) và Hồng Kông (19%).

Cơn sốt du lịch Việt Nam, nhất là các tour Đà Nẵng – Hội An, Hà Nội… vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo dòng sự kiện, trên các trang MXH Hàn Quốc, nhiều blogger cũng cho đăng tải bài viết về kinh nghiệm, những điều cần chú ý khi du lịch ở Việt Nam.

Là người Việt Nam, bạn có bao giờ tò mò người Hàn sẽ kháo nhau lưu ý điều gì khi đến quốc gia mình? Hãy đoán thử trước khi kéo xuống các hạng mục phía dưới nhé!

Có thể bạn chưa biết: Những khu phố văn hóa Hàn Quốc ở Việt Nam

Đổi tiền

Một trong những mẹo giúp tiết kiệm chi phí cho chuyến du lịch Đông Nam Á của người Hàn chính là đổi tiền Won (KRW) sang tiền đô la Mỹ (USD).

Sau khi đến Việt Nam, khách du lịch Hàn Quốc sẽ tiến hành đổi từ tiền đô sang tiền Việt. Ở Hàn Quốc, đồng đô la Mỹ có nguồn cung nội địa dồi dào và tỷ giá hối đoái chỉ ở mức dưới 2%.

Tuy nhiên, đồng tiền ở các nước Đông Nam Á lại có tỷ giá hối đoái ngoại tệ cao hơn (Việt Nam 11.8%, Indonesia 7%, Thái Lan – Malaysia 5%), do đó, tỷ lệ ưu đãi nhận được từ phí đổi tiền đô ra tiền địa phương lớn hơn và tiết kiệm chi phí hơn cho người du lịch.

Ngoài ra, khác với Hàn Quốc vốn đã rất quen thuộc với phương pháp thanh toán điện tử, ở các nước như Việt Nam, 90% giao dịch vẫn sử dụng tiền mặt. Do đó người Hàn cũng thường khuyên nhau nên trữ tiền mặt nhiều một chút thay vì bỏ tiền vào thẻ để tiện mua sắm và thanh toán các dịch vụ.

Cảnh giác vệ sinh an toàn thực phẩm

Mặc dù ẩm thực Việt Nam rất được người Hàn yêu thích, song thức ăn đường phố ở Việt Nam thường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm so với tiêu chuẩn Hàn Quốc. Do cơ thể chưa thích nghi nên khá nhiều người Hàn khi mới đến Việt Nam lần đầu thường hay gặp triệu chứng đau bụng, ngộ độc thực phẩm, thậm chí là khó chịu do thay đổi nước uống.

Vì vậy nên trong các loại thuốc dự phòng nhất định phải mang đi du lịch các nước Đông Nam Á của người Hàn, nhất là khi du lịch Việt Nam thường sẽ có loại thuốc cầm đau bụng đi ngoài.

Mẹo băng qua đường – để xe né mình

Giao thông ở các nước Đông Nam Á vẫn còn khá phức tạp. Đơn cử là ở Việt Nam, thật không dễ dàng để có thể băng qua những con đường lớn ngay cả khi đã có làn đường và tín hiệu đèn giao thông hỗ trợ.

Người Hàn Quốc để lại kinh nghiệm nên đi chậm một chút, hạn chế chạy hoặc đi với tốc độ nhanh để xe máy và các phương tiện khác có thể thấy và… kịp tránh người đi bộ.

“Lần đầu tiên thật đáng sợ, nhưng sau khi thực hành vài lần, tôi tập để ý dòng xe và cuối cùng đã có thể tự tin băng qua đường điêu luyện như người Việt.” – 1 blogger chia sẻ.

Nạn móc túi, cướp giật

Tỉ lệ cướp giật ở Việt Nam tuy chưa thuộc dạng nghiêm trọng lắm, song nhiều blogger trên Naver vẫn khuyên những ai đang đến Việt Nam du lịch nên tránh nhét ví vào túi sau, chịu khó quan sát và đặc biệt là nên “tạm quên” thói quen sử dụng điện thoại khi đi trên đường như ở Hàn Quốc.

Ngoài ra nên chuẩn bị túi du lịch mini đeo theo người, vừa tiện lợi trong việc bảo quản các giấy tờ quan trọng và đồ đạc cần thiết, vừa để tránh không tạo điều kiện cho kẻ gian làm việc xấu.

Mang vali lớn để… chứa quà

Vali khi về nước sau chuyến du lịch nặng hơn so với lúc đi là chuyện vô cùng hiển nhiên. Chưa kể đến việc người Hàn Quốc đặc biệt yêu thích các loại quà lưu niệm, bánh kẹo, trái cây sấy khô, cà phê và mì gói của Việt Nam vì giá thành phải chăng còn chất lượng thì không cần bàn đến. Do đó, dùng một chiếc vali lớn sẽ tiện lợi hơn trong việc trữ quà mang về tặng người thân và gia đình.

1 blogger người Hàn đăng tải danh sách cần chuẩn bị cho những ai có kế hoạch du lịch ở Đà Nẵng

Nhiều người Hàn cảm thấy ngạc nhiên khi ngay cả ở các nhà hàng và quán ăn lớn ở Việt Nam, khăn lạnh vẫn bị tính phụ phí. Do đó, khăn ướt cũng là một trong những món đồ không thể thiếu của người Hàn khi đi du lịch ở Việt Nam.

Khi du lịch đến các nước có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, để có thể ở lâu ngoài trời thì không thể thiếu kem chống nắng, mắt kính và quạt cầm tay.

Một số sản phẩm của Việt Nam được người Hàn gợi ý nhất định phải mua về làm quà:

Trà và cà phê

Trái cây sấy

Mì ăn liền

Cho đến… tép sấy và tương ớt

Quy Nhơn, phố Việt giữa lòng thủ đô Seoul

Tổng hợp từ Naver Blog

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).