Mùa đông năm nay tương đối ấm áp, dự kiến cuối tháng 2 sẽ là thời gian các loại rau đặc trưng mang hương vị mùa xuân tại Hàn được gọi là “봄나물” (rau, lá mùa xuân) bước ra “trình làng” trên bàn ăn của mỗi gia đình.

Rau mùa xuân là tên gọi chung của rất nhiều loại rau, lá mọc vào mùa xuân. Một điều đặc biệt là những loại rau này “lạ lẫm” với nhiều người Việt Nam. Ngay cả người Hàn tuy rất thích ăn nhưng cũng hay bị nhầm lẫn tên gọi của các loại rau.

Nhắc đến mùa xuân, những người làm nội trợ ở Hàn Quốc, đặc biệt là những người cao tuổi đều nhớ ngay tới những món banchan mang hương vị mùa xuân sử dụng các loại rau như: dureup (두릅), rau cần (미나리), chwinamul (취나물), dalle (달래), naengi (냉이), rau ngải cứu (쑥)…

Nói chung, mỗi một loại rau lại có mùi hương khác nhau nhưng người Hàn Quốc lại miêu tả đó là hương thơm của mùa xuân nồng nàn hòa quyện trong miệng khi ăn.

Dưới đây là 5 loại rau mùa xuân người Hàn yêu thích nhất.

1. Naengi (냉이)

Naengi có mùi thơm đặc trưng, tuy nhiên lại có vị đắng nhẹ, được mệnh danh là loại rau có thể khiến người đang nhạt miệng ăn cơm một cách ngon lành.

Hàm lượng vitamin A và C cũng rất phong phú nên naengi xuất hiện không chỉ trong các món ăn kèm mà còn được dùng khi nấu canh nữa.

Người Hàn thường dùng naengi để làm món nộm tên là nộm naengi (냉이무침), hoặc cho vào thêm khi nấu canh đậu tương (냉이된장국) hoặc tẩm bột rán.

Nộm naengi

Canh naengi nấu đậu tương

2. Dureup (두릅)

Dureup là một trong những loại rau kỳ lạ với những người lần đầu tiên nhìn thấy. Nếu ở Việt Nam loại rau này sẽ được gọi là mầm vì dureup mọc ở trên cây và người Hàn hái khi vừa nảy mầm.

Những búp lá non mơn mởn khiến người ta “phấn khích” khi nhìn thấy. Dureup có bán nhiều tại các siêu thị nhưng người lớn tuổi lại thích tự mình hái dureup để cảm nhận sự non xanh.

Dureup không vị đắng nhạt như naengi, dễ ăn. Người Hàn Quốc thường luộc lên chấm nước tương ớt (고추장) để ăn. Khi ăn kiểu này, chúng ta sẽ nghĩ đến món rau luộc chấm nước mắm ở Việt Nam.

Người Hàn cũng dùng dureup làm ra nhiều món ăn khác. Chỉ đơn giản là luộc rồi chấm nước tương ớt (두릅초회) hoặc rán với bột mì (두릅전) hoặc ngâm với nước xì dầu đen (두릅장아찌)…

Rau dureup luộc chấm tương ớt

Rau dureup rán với bột mì

Rau dureup ngâm (두릅장아찌)

3. Chwinamul (취나물)

Chwinamul chủ yếu được hái trong rừng. Loại rau này có hương vị thơm mát vô cùng và dễ ăn nên người Hàn rất yêu thích. Từ chwinamul có thể chế biến thành hơn 20 loại thức ăn kèm và canh khác nhau.

Do là loại rau chủ yếu mọc vào mùa xuân, nên người Hàn dùng phương pháp bảo quản rau truyền thống là “phơi khô” chwinamul để có thể ăn quanh năm. Hoặc luộc rau lên bảo quản ở trong tủ đông lạnh.

Những món như nộm chwinamul, chwinamul ngâm hoặc xào cùng tỏi luôn làm bữa cơm của người Hàn thêm ngong miệng. Ngoài ra, người Hàn còn nấu cơm với chwinamul trực tiếp để ăn trộn như cơm trộn và cho đó là loại cơm tốt cho sức khỏe.

Nộm chwinamul

Chwinamul ngâm (취나물장아찌)

Món cơm chwinamul dân dã của người Hàn Quốc

4. Rau cần (미나리)

Rau cần ở Hàn Quốc không hề rẻ, một bó rau cần trung bình 1.500KRW (30.000VND). Tuy nhiên, khi mới sang Hàn, giữa một rừng các loại rau lạ mắt nếu bạn nhìn thấy rau cần nằm giữa quầy bán rau trong siêu thị chắc chắn sẽ vui như “bắt được vàng”. Tại Hàn, rau cần rất sẵn vào mùa xuân. Ngọn rau cần nhỏ hơn của Việt Nam nhưng thơm hơn.

Do rau cần có mùi thơm đặc biệt, không quá nồng mà thoang thoảng nên rất hợp khi ăn cùng thịt ba chỉ rán.

Không những thế, người Hàn Quốc còn sử dụng để làm nộm, xào, muối kim chi, rán với bột mì((미나리전) hoặc làm cơm trộn (비빔밥).

5. Rau ngải cứu (쑥)

Cũng giống như Việt Nam, người Hàn từ xưa luôn coi rau ngải cứu là loại thảo dược rất tốt cho phụ nữ. Chỉ với rau ngải cứu, người Hàn Quốc cũng có thể tạo nên một bữa cơm thịnh soạn gồm các món canh đậu tương ngải cứu, ngải cứu tẩm bột rán, cheon ngải cứu, tteok ngải cứu…

Món ngải cứu tẩm bột mì áp chảo (쑥전) là một trong những món ăn không những ngon mà còn đẹp mắt. Chúng được bày lên bàn cúng vào những dịp cúng Chuseok hoặc Seollal.

Nếu sống ở Hàn Quốc đủ lâu, bạn sẽ cảm nhận được “hương vị mùa xuân” thực sự mà những loại rau này mang lại.

Người Hàn coi rau mùa xuân là thuốc bổ tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, càng nhiều tuổi người Hàn lại càng ưu ái những món dân dã đậm chất truyền thống như trên.

XEM THÊM: Cách làm lá vừng ngâm đơn giản, đưa vị cơm đậm đà hơn

author-avatar

About Nguyễn Vân

Hàn Quốc sẽ thật đẹp khi biết trân trọng vùng đất này. Sự khác nhau về ngôn ngữ, văn hoá sẽ cho chúng ta những trải nghiệm thú vị.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).