Tiếng Hàn là ngôn ngữ chắp dính, lại có nhiều nguyên tắc biến âm và trật tự câu đối ngược với ngữ pháp tiếng Việt nên có nhiều bạn cảm thấy ngôn ngữ này thật là “rối rắm” và không tự tin khi nói chuyện.

Nhưng một khi đã tìm đến với tiếng Hàn, ai cũng đặt cho mình một mục tiêu cụ thể như thi TOPIK, tìm việc làm, xem phim không cần phụ đề hay đơn giản chỉ muốn…”chém gió” với người Hàn Quốc.

Trong bài trước, TTHQ đã gợi ý cho các bạn 5 ứng dụng miễn phí, giúp bạn tự luyện TOPIK 6 một mình. Ở bài này, chúng ta sẽ được biết thêm những tip học phát âm chuẩn và nói một biểu hiện tiếng Hàn sao cho hoàn chỉnh và tự nhiên nhất.

1. Tránh xa các tài liệu phiên âm tiếng Việt

Chỉ cần bạn gõ “tiếng Hàn” trên Google là sẽ ra hàng ngàn tài liệu hướng dẫn học tiếng Hàn. Nhưng chọn tài liệu nào chuẩn và chính xác để học từ ban đầu là việc vô cùng quan trọng, sẽ quyết định tới cả quá trình học của bạn về sau.

Có nhiều tài liệu quảng cáo “Dễ đọc – Dễ thuộc” – sẽ ghi các câu tiếng Hàn giao tiếp có sẵn phiên âm ví dụ như:

  • 길다 (Dài) – Cìl~tà
  • 짧다 (Ngắn) – Cháp~tà
  • 높다 (Cao) – Nộp~tà
  • 낮다 (Thấp) – Nát~tà

Nghe qua có vẻ là chỉ cần nhìn vào phần phiên âm này là những người mới bắt đầu ABC cũng có thể phát âm chuẩn. Nhưng bản chất âm tiếng Hàn là âm không có dấu, việc phiên âm ra tiếng Việt có dấu như trên vô hình chung sẽ khiến các bạn ngộ nhận – gắn thêm thanh điệu cho những âm tiết tiếng Hàn và điều này vô cùng nguy hiểm.

Không chỉ tiếng Hàn, nếu các bạn áp dụng cách phiên âm thuần Việt để đọc tiếng Anh hay bất cứ ngoại ngữ nào cũng đều trở thành… thảm hoạ!

Nhiều sách dạy tiếng Hàn cho người nước ngoài có phiên âm ra tiếng latin. Ví dụ:

  • 길다 (Dài) – Gilda
  • 짧다 (Ngắn) – Jjalda
  • 높다 (Cao) – Nopda
  • 낮다 (Thấp) – Natda

Đây có thể tạm coi là phiên âm quốc tế để đọc trong giai đoạn ban đầu. Nhưng tốt nhất là bạn nên học thuộc mặt chữ và luyện đọc để bỏ hẳn tất cả các phần phiên âm.

Với người mới nhập môn thì học bảng chữ cái một cách hời hợt sẽ dẫn đến phát âm của bạn bị sai ngay từ đầu. Do đó, khi mới bắt đầu học tiếng Hàn, bạn nên dành thời gian học thuộc – nhớ mặt chữ và phát âm của 21 nguyên âm và 19 phụ âm trong tiếng Hàn. Chỉ cần nhớ được bảng chữ cái là bạn có thể ghép và đọc được hầu hết các âm tiết trong tiếng Hàn rồi, hãy tự tin lên nhé!

Ngoài ra, trong tiếng Hàn còn có các âm bật hơi, âm căng cùng nhiều quy tắc nối âm, biến âm cũng khá phức tạp. Tuy nhiên, nếu tham lam học tất cả các quy tắc này ngay từ đầu thì rất dễ bị “ngộp”. Các bạn hãy từ từ chinh phục từng quy tắc một để tạo cho mình tâm thế thoải mái nhất nhé!

2. Biểu hiện thông dụng thường không có… trong SGK

Các giáo trình tiếng Hàn luôn lấy ví dụ những biểu hiện “nắn nót” nhất để chúng ta học được những biểu hiện chuẩn nhất. Nhưng trong đời sống hàng ngày, nếu tiếp xúc với người Hàn Quốc thì các bạn sẽ thấy cách nói chuyện của họ khác một trời một vực so với trong sách vở.

Vì vậy nếu muốn học cách nói đúng chuẩn người bản địa thì ngoài sách giáo khoa, các bạn hãy tận dụng những nguồn học tiếng Hàn khác như: phim ảnh, show giải trí, talkshow, lời bài hát.

Ví dụ khi sử dụng các clip học tiếng Hàn trên một trang hướng dẫn luyện Nghe – Đọc qua các clip trên Youtube. Ứng dụng nổi tiếng trong cộng đồng những người nước ngoài học tiếng Hàn này có tên là KongKong – các bạn sẽ được cập nhật rất nhiều tiếng lóng, từ ghép mới hay những câu hội thoại ngắn được người Hàn Quốc sử dụng nhiều trong đời sống hàng ngày.

Tải ứng dụng KongKong cho điện thoại Android và iPhone:

3. Đừng tham lam, hãy kiên trì

Có một tình trạng phổ biến trên Facebook là mỗi khi ai đó hoặc một fanpage nào đó chia sẻ tài liệu học tiếng Hàn lập tức sẽ có hàng ngàn người share hay lưu lại. Nhưng thử hỏi trong số đó sẽ có bao nhiêu người mở lại để học?

Thời buổi công nghệ thông tin, tài liệu quá nhiều đôi khi lại càng làm cho ta bị rối. Nhiều bạn mắc bệnh tích trữ dữ liệu nhưng lại không biết cách sử dụng chúng cho hiệu quả.

Để khắc phục hiện tượng này, các bạn hãy chọn lọc những tài liệu nào thật chính xác và phù hợp với mình nhất và học theo thứ tự chứ đừng ôm đồm nhiều thứ.

Để nâng cao kỹ năng nghe – nói, nhiều người khuyên bạn nên xem phim, nghe nhạc. Nhưng cũng có bạn lại mải nghe nhạc hay mất cả ngày xem phim, quên hẳn đi mục đích học tiếng ban đầu. Vì vậy, nếu đã xác định xem để học thì các bạn chỉ tập trung phân tích MỘT biểu hiện mà thôi.

Các bạn nên đặt ra mục tiêu cụ thể như một ngày sẽ học bao nhiêu biểu hiện. Cũng cần biết rằng mỗi biểu hiện sẽ bao gồm 5 quá trình như:

  1. Nghe đi nghe lại ít nhất 5 lần
  2. Luyện đọc thành tiếng từ chậm đến nhanh dần
  3. Tìm hiểu ý nghĩa, tình huống sử dụng
  4. Viết lại biểu hiện ra giấy
  5. Học thuộc biểu hiện kèm theo ngữ điệu nói giống người bản địa

4. Luyện kỹ năng tổng hợp

Kỹ năng tổng hợp thực chất là viết lại biểu hiện mà bạn vừa học lên giấy. Dù bạn có trí nhớ tốt đến đâu thì cũng không thể nhớ được tất cả các biểu hiện hay các mẫu câu. Vì thế, cách hiệu quả nhất là chúng chúng ta cần luyện thói quen ghi lại những gì mình vừa nghe ra giấy.

Có một bí quyết ban đầu cho những người mới học là ngoài học từ vựng theo chủ đề, các bạn có thể học luôn các cụm biểu hiện mà mình tâm đắc nhất hoặc muốn tìm hiểu nhất. Ví dụ:

Thay vì học từ “사랑” (Yêu) thì các bạn học thuộc luôn cụm “사랑스러운 눈빛” (Ánh mắt yêu thương). Càng biết nhiều cụm từ hay thì khả năng ghép câu dài của bạn sẽ càng được cải thiện.

Ngoài ra, để nâng cao trình độ tiếng Hàn thì bạn còn phải trau dồi kiến thức ngữ pháp riêng. Ví dụ hôm nay bạn học một biểu hiện: “니가 그렇게 말했잖아” – thì sẽ tổng hợp được ngữ pháp “…잖아” có nghĩa là “cơ mà”, “còn gì”. Và chúng ta có thể vận dụng ngữ pháp này để đặt được nhiều câu khác.

5. Áp dụng phương pháp Shadowingđể hoàn thiện âm điệu

Đọc, Nghe và Nói gần như là những khía cạnh quan trong nhất của tất cả các ngôn ngữ. Nhưng để hiệu quả nhanh mà không tốn quá nhiều công sức, bạn cần học tiếng Hàn theo thứ tự Nghe, Nói, Đọc rồi mới viết. Có một phương pháp học Nghe – Nói hiệu quả là Shadowing.

Shadow có nghĩa là bóng(bóng râm, bóng do ánh sáng tạo ra). Còn Shadowing, hiểu đơn giản là cách học hay kỹ thuật luyện nói (cách nói, cách đọc) ngữ âm theo người bản ngữ tới mức nhanh và giống hết như một cái bóng của họ vậy.

Để làm được điều này, bạn cần làm theo các bước sau:

  • Bước 1: Chọn câu tiếng Hàn ngắn, đơn giản, thú vị, càng nhiều cảm xúc càng tốt.
  • Bước 2: Tìm cách để hiểu ngữ cảnh của câu tiếng Hàn đó.
  • Bước 3: Xem đi xem lại, nghe đi nghe lại câu tiếng Hàn đó thật nhiều lần, để ý từng phần âm đuôi, nối âm, nhấn trọng âm, ngữ điệu của từng câu, để ý cả cảm xúc của nhân vật đang nói.
  • Bước 4: Xem đi xem lại, dừng và bắt chước cách đọc theo từng câu, thậm trí từng cụm từ. Chỗ nào khó thì tra lại từ điển, tập nối âm theo, bắt chước theo, làm đi làm lại đến khi được thì thôi.
  • Bước 5: Tập nói ngay lập tức câu tiếng Hàn đó theo người bản ngữ, (không nhấn nút dừng), tập đi tập lại thật nhiều cho đến khi thành thục.
  • Bước 6: Tự quay video lại phần nói của mình rồi so sánh ngữ điệu với tài liệu gốc. Tiếp tục Shadowing đến khi hài lòng thì thôi.

Đặc biệt khi luyện nói thì bạn phải tập nói thật to cho tới khi miệng của bạn và não của bạn có thể nói chung mà không tốn sức. Bằng cách làm việc đó, bạn sẽ có khả năng nói lưu loát.

Đặc biệt, trong các clip học biểu hiện, bạn hãy quan sát xem tình huống hội thoại, thái độ, cử chỉ của người nói ra sao và thử trở thành một “diễn viên” để tái hiện lại ngữ điệu câu nói đó đúng như trong clip. Để dễ “nhập tâm” hơn, các bạn có thể đứng trước gương để tự quan sát biểu cảm, khẩu hình của chính mình nhé!

Cuối cùng, đây là 42 cấu trúc ngữ pháp tiếng Hàn cơ bản do TTHQ dày công biên tập để tiện cho các bạn tra cứu. Và luôn nhớ 100 Bài giảng tiếng Hàn miễn phí trên kênh Youtube của TTHQ giúp bạn nói tiếng Hàn sành điệu hơn.

Chúc các bạn gặt hái được kết quả tốt qua những kinh nghiệm học tiếng Hàn của TTHQ!

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).