Trong thời đại kỹ thuật số, việc học tiếng ngoại ngữ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết khi bạn có sẵn chiếc điện thoại thông minh trong tay và một vài ứng dụng thi TOPIK thực sự hữu ích.

Dưới đây là những ứng dụng được tuyển chọn cẩn thận giúp bạn thuận lợi học tiếng Hàn mọi lúc mọi nơi và tập trung phát triển từng kỹ năng cần thiết.

Trong 5 ứng dụng này, có 2 ứng dụng miễn phí hoàn toàn là Youtube & TOPIK 한국어능력시험, các ứng dụng còn lại bạn sẽ được sử dụng miễn phí với các bài giảng cơ bản, và nếu thấy hiệu quả thì đừng chần chừ đầu tư vào chúng nhé!

Ảnh chụp màn hình danh sách các ứng dụng học tiếng Hàn trên điện thoại iPhone.

1. Học tiếng Hàn với Memrise

Memrise là phần mềm chuyên về học từ vựng được xây dựng trên cơ sở khoa học về spaced repitition – kỹ năng học thuộc hiệu quả bằng cách lặp đi lặp lại kiến thức sau mỗi khoảng thời gian ngắt quãng thay vì cố nhồi nhét liên tục trong thời gian ngắn (massed repetition).

Sau khi đã lập danh mục những từ vựng bạn cần học trên trang web của memrise, quá trình học sau đó có thể được miêu tả đại khái như việc gieo trồng và chăm sóc các mầm cây từ vựng.

  • Bước 1: gieo hạt giống từ vựng vào đầu – seeding
  • Bước 2: nhắc lại vài lần để hạt giống mọc mầm – growing & watering
  • Bước 3: tưới cây sau mỗi khoảng thời gian giúp cây luôn khỏe mạnh thông qua việc làm quiz

Điểm đặc biệt nhất của phần mềm dạng Memrise đó là nó dựa vào hoạt động của chính người học để tính toán mức độ khó dễ của mỗi từ và đưa ra phương án quiz phù hợp. Thông qua memrise, không phải ngày nào bạn cũng cần ôn luyện lại tất cả các từ vựng một lượt.

Khi mới học từ, tần suất xuất hiện của từ đó nhiều hơn trong các quiz, có thể lên tới 2-3 lần mỗi ngày. Tuy nhiên nếu những lần làm quiz cho thấy bạn đã khá nhớ từ đó (bằng việc trả lời đúng) thì tần suất xuất hiện của từ giãn dần, có khi là vài ngày hoặc cả tuần mới cần xem lại một lần.

Memrise cũng cho phép bạn tạo ghi chú cho từng từ vựng để việc ghi nhớ dễ dàng hơn. Có nhiều người thường gắn từ với những hình tượng ngớ ngẩn, gây cười nào đó kiểu đồng âm, liên tưởng. Một cách khác là bạn có thể bổ sung các câu văn có chứa từ để quen với ngữ cảnh sử dụng từ trong câu.

Ngoài việc tự lập danh sách từ vựng cho riêng mình, nếu bạn học tiếng Hàn bằng tiếng Anh thì trên trang web cũng có sẵn vô số các bài học do cộng đồng người sử dụng lập ra trước đó. Bạn cũng có thể liên kết với bạn bè để cùng theo dõi quá trình học của nhau và tạo động lực học.

  • Miễn phí & có phí
  • Có ứng dụng dành cho Android & iPhone
Ảnh minh họa các chức năng của ứng dụng học tiếng Hàn Memrise.

2. Talk to me in Korea

TTMIK có lẽ là một trong những trang web học tiếng Hàn nổi tiếng nhất dành cho người ngước ngoài. Hyunwoo Lee, người sáng lập ra TTMIK là một thanh niên trẻ người Hàn thông thạo 5~6 ngoại ngữ và đặc biệt là hoàn toàn thông qua quá trình tự học. Dù không ra nước ngoài để học ngoại ngữ nhưng Huynwoo có khả năng sử dụng tiếng Anh thông thạo và phát âm rất dễ nghe.

TTMIK hiện cung cấp rất nhiều các dạng bài học đa dạng ở nhiều cấp độ và dạy bằng tiếng Anh.

Với các bạn bắt đầu học tiếng Hàn thì các bài giảng về ngữ pháp bắt đầu từ những kiến thức đơn giản nhất như chào hỏi đến các kiến thức phức tạp hơn ở bậc trung cấp sẽ là lựa chọn lý tưởng.

Mặc dù nói là bài giảng nhưng mỗi bài thực ra chỉ là các đoạn ghi âm cuộc trò chuyện ngắn chừng 20 phút giữa hai người Hàn nhằm giải thích cụ thể ý nghĩa, tình huống sử dụng và các ví dụ. Bạn có thể tải file mp3 để nghe trên điện thoại bất kỳ lúc nào thuận tiện.

Một chương trình rất hay khác của TTMIK là Iyaki (Talking). Đây là phần bài học luyện nghe và nói hoàn hảo dành cho người học ở bậc trung cấp tiếng Hàn trở lên. Có tới gần 150 bài hội thoại, mỗi bài từ 7~10 phút về các chủ đề đa dạng trong cuộc sống hàng ngày.

Khi nghe Iyaki, bạn hoàn toàn có thể cảm nhận được người Hàn thường “tám chuyện” với nhau thế nào. Từ việc làm thêm, đọc sách, xem phim đến hình mẫu con trai/con gái lý tưởng… Toàn bộ hội thoại đều bằng tiếng Hàn, có đi kèm file mp3 và bản chép nội dung dưới dạng pdf.

  • Miễn phí & có phí
  • Có ứng dụng dành cho Android & iPhone
Ảnh minh họa của danh sách các bài giảng trong ứng dụng học tiếng Hàn Talk To Me in Korean.

3. TOPIK 한국어능력시험

Ngoài hai ứng dụng học từ vựng và ngữ pháp nói trên, TOPIK là ứng dụng dành riêng cho các bạn muốn ôn luyện cho kỳ thi năng lực tiếng Hàn.

Ứng dụng này hiện cung cấp các bài thi đọc của TOPIK từ kỳ thi 35 đến 60 ở cả hai cấp I và II. Ngoài ra còn có các bài thi kiểu cũ từ kỳ thi 26 đến 34 ở ba bậc sơ cấp, trung cấp và cao cấp.

Ứng dụng TOPIK được thiết kế để bạn có thể làm bài thi ngay trên điện thoại và biết được mình trả lời đúng hay sai cũng như đáp án là gì và hoàn thành trong vòng bao nhiêu phút.

Ngoài ra một ứng dụng khác tương tự không kém phần hữu ích là TOPIK One. Ưu điểm của TOPIK One là cung cấp cả bài thi nghe và viết, đồng thời tích hợp cả từ điển giúp bạn tra cứu nghĩa của từ lạ bằng cách vô cùng đơn giản là chạm vào từ đó.

Hạn chế của TOPIK One là mặc dù cung cấp các bài thi TOPIK kiểu cũ từ đề 17 đến 34 nhưng kiểu bài thi mới thì chưa cập nhật nhiều.

  • Miễn phí
  • Có ứng dụng dành cho Android & iPhone

4. Hello Talk

Có thể nói Hello Talk là một trang mạng xã hội giúp kết nối những người học tiếng trên toàn cầu. Sau khi đăng ký tài khoản trên Hello Talk và lựa chọn cặp ngôn ngữ mình muốn học (Hàn – Việt) bạn sẽ được kết nối một cách ngẫu nhiên với những người Hàn học tiếng Việt và những người Việt học tiếng Hàn.

Điểm đặc biệt nhất của Hello Talk là nó được thiết kế dành riêng cho người học tiếng với khả năng “sửa sai” ở phần comment. Bạn chỉ cần viết vài dòng suy nghĩ đơn giản bằng tiếng Hàn, sẽ luôn có người Hàn nhiệt tình giúp bạn chỉnh lại câu sao đó đúng. Bạn cũng có thể ghi âm phần đọc của mình để người Hàn bản xứ nhận xét về kỹ năng phát âm của bạn.

Hello Talk sửa lỗi giúp bạn ngay cả khi đang nhắn tin.

Hoặc nếu có thắc mắc gì về ngữ pháp, từ vựng hay thậm chí là bất kỳ điều gì liên quan đến Hàn Quốc, bạn chỉ cần đăng câu hỏi lên và chờ đợi được giúp đỡ. Ngược lại, bạn cũng hãy nhiệt tình hỗ trợ người Hàn Quốc đang học tiếng Hàn trên Hello Talk nhé.

  • Miễn phí & có phí
  • Có ứng dụng dành cho Android & iPhone

5. Học tiếng Hàn trên Youtube

Một ứng dụng nổi tiếng nhất và cũng vô cùng đơn giản nhưng nếu bạn chưa biết cách tận dụng khai thác để có thể tranh thủ học tiếng Hàn mọi lúc mọi nơi thì hãy thử xem nhé.

Có vô số các kênh dạy tiếng Hàn cho bạn ở mọi cấp độ do chính người Hàn hoặc người Việt biên soạn như cô giáo dễ thương Hyeri Cheri chẳng hạn.

Không thể không nhắc tới 100 bài học tiếng Hàn giao tiếp liên tục được cập nhật của Thông tin Hàn Quốc với những nội dung được phân tích sâu sắc và đầy hấp dẫn của cô giáo Ngọc Anh. Nếu theo dõi kỹ, bạn hẳn sẽ nhận thấy có rất nhiều kiến thức khó có thể bắt gặp trong sách vở thông thường, đặc biệt được lồng ghép trong nhiều ngữ cảnh văn hóa cụ thể.

XEM THÊM:

author-avatar

About Huong Tran

Làm việc tự do, sống và hưởng thụ từng ngày ý nghĩa trên mảnh đất vừa xa lạ vừa thân quen Hàn Quốc.

3 thoughts on “Tôi đã tự học & thi TOPIK 6 chỉ bằng 5 ứng dụng học tiếng Hàn này – Không cần giấy bút!

  1. Nguyễn phi Long viết:

    Trong số những ứng dụng bạn chia sẻ, thì cái số 3: Topik và Topik one là mình thấy có vẻ đầy đủ nhất, học ngoại ngữ cần phải đầy đủ 4 kĩ năng: nghe, nói, đọc, hiểu. Vì vậy nếu bạn nghĩ không cần giấy bút là không đúng, ví dụ: ở Sài Gòn (Tp HCM, Vietnam) có rất nhiều người chạy xe ôm, chủ quán, người dân gần khu du lịch…..có thể nói chuyện với người nước ngoài đủ để hiểu được, nhưng nói họ viết một bài, một trang tài liệu, hay giấy tờ gì đó thì không thể. Nói nhưng không hiểu gì về một ngoại ngữ thì không nên khuyến khích. 🙂 Cần bài bản nếu đã làm bất cứ điều gì, việc học ngoại ngữ cũng vậy thôi.

    1. Huong Tran viết:

      Mỗi ứng dụng phù hợp để phát triển kỹ năng nhất định bạn ạ, không nên vì nó ko đầy đủ mà bỏ qua. Như Memrise dành để học từ vựng, TTMIK dành để học ngữ pháp, TOPIK ONE để ôn thi, Hello Talk giúp luyện viết và có thể hỏi người bản xứ các vấn đề về văn hóa, Youtube thì luyện nghe. Mình dùng cả 5 ứng dụng này đặc biệt nhiều trong khoảng thời gian ko có điều kiện ngồi bàn viết như thông thường 😀

  2. Nguyễn phi Long viết:

    Mình nghĩ đây là những lí do để học thêm một ngoại ngữ:
    -Sự hứng thú.
    -Động lực tinh thần.
    -Nhu cầu cụ thể khi so sánh với ngôn ngữ quốc tế là tiếng Anh.
    Khi bắt đầu học tiếng Anh từ lúc tuổi teen, sự hứng thú của mình chính là những ca khúc tiếng Anh bất hủ, động lực tinh thần là mình có thể nói và hiểu các sự kiện gặp trong cuộc sống nếu nó là tiếng Anh. Đặc biệt là môi trường giao tiếp, hiểu thêm về văn hóa của người Anh.
    Nếu học thêm tiếng Hàn hoặc Nhật thì đều có thể tự học được, mình cũng từng tự học được phần cơ bản tiếng Nhật khi còn học đại học, vì khi đó mình rất hâm mộ sự bền bỉ, an toàn, tốt của những vật dụng có tên “made in Japan”.
    Tuy nhiên, khi lớn hơn, thì mình lại hay gặp những vật dụng tốt, bền không kém có tên “made in Taiwan” hoặc rất nhiều thứ mình tái sử dụng để làm thí nghiệm lại có nguồn gốc từ nhà máy của Samsung, “made in Korean”, sự khác biệt cơ bản là giá cả nó vừa phải hơn đồ chính hãng “made in Japan”. Thật sự, là không thể chạm tới đồ “made in Japan” chính hãng, nội địa của Nhật vì giá nó quá cao.
    Nếu để giao tiếp thông thường, chỉ cần đầu tư vào tiếng Anh là đủ cho tất cả nhu cầu, gặp ai cũng nói được, xem tài liệu gì cũng hiểu được, vì nó là ngôn ngữ quốc tế, thông dụng. Tuy nhiên, nếu có cảm hứng khác, có một môi trường giao tiếp khác, chẳng hạn sự thích thú với một cô gái Hàn thì đó là động lực và môi trường tốt để học tiếng Hàn, cần có một môi trường và sự hứng thú thường xuyên để học thêm một ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh. Theo mình, môi trường giao tiếp hoặc cần đọc hiểu tài liệu là hai cái có giá trị nhất để học thêm một ngoại ngữ nữa, ngoài tiếng Anh. Học để làm được, để sử dụng thường xuyên điều gì đó thì nó mới có giá trị và phát triển.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).