Hàn Quốc hiện có quy mô dân số 51.2 triệu người với tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 1.8 ngàn tỉ USD, xếp thứ 7 trên thế giới và thứ 3 ở châu Á về quy mô thị trường thương mại điện tử. Kết quả này được cho là nhờ vào việc Hàn Quốc là quốc gia có tốc độ kết nối Internet trung bình cao nhất thế giới.

Các website bán hàng trực tuyến ở Hàn Quốc chiếm đến 42% doanh số bán lẻ của cả nước. Tỷ lệ này vẫn tiếp tục tăng lên khi ngày càng có nhiều khách hàng được củng cố niềm tin về sự ổn định của giao dịch qua Internet và dịch vụ vận chuyển hàng hoá.

Đến tháng 6/2019, mức độ phổ cập Internet ở Hàn Quốc đạt mức 89.3% và được kỳ vọng sẽ tăng đến 91.6% vào năm 2021. Mức độ phổ cập điện thoại thông minh (smartphone) đạt mức 80.6% và ước tính tăng đến 85.4% sau 4 năm nữa.

70% khách hàng mua sắm trực tuyến ở Hàn Quốc thực hiện giao dịch qua máy tính, 25% giao dịch qua smartphone và khoảng 2% thông qua máy tính bảng (tablet).

Danh mục hàng hoá yêu thích

Theo kết quả phân tích dữ liệu của dịch vụ thống kê và phân tích KOSTA, danh mục hàng hoá nhận được sự quan tâm lớn nhất của người Hàn là các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến du lịch, xếp vị trí thứ nhất. Tiếp theo đó quần áo & thời trang và đồ gia dụng.

Phương thức thanh toán trực tuyến yêu thích

Khi mua sắm trực tuyến trên điện thoại, 34% người Hàn Quốc sử dụng dịch vụ cổng thanh toán trực tuyến như Naver Pay, Kakao Pay, Samsung Pay, Paypal. 29% ưa sử dụng các ứng dụng thanh toán của ngân hàng.

5 Website bán hàng trực tuyến lớn nhất Hàn Quốc

Gmarket

Gmarket là website mua sắm và bán đấu giá nổi tiếng ở Hàn Quốc. Không chỉ riêng người Hàn mà nhiều người từ khắp nơi trên thế giới cũng đang thực hiện mua bán dịch vụ và sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử này.

Được thành lập vào năm 1999 bởi Ku Young Bae, Gmarket được bán lại cho eBay với giá 1 tỷ USD sau 1 thập kỷ. Hiện tại, website hỗ trợ giao diện tiếng Anh, Hàn và Trung Quốc, là nơi mà bạn có thể dễ dàng mua bán bất cứ sản phẩm nào, từ bột protein cho đến váy cưới chỉ bằng vài cú “chạm”.

Tuy nhiên, vì Gmarket là một website bán hàng/đấu giá mang tính toàn cầu (tương tự Amazon), khách hàng khi mua sắm trên nền tảng thương mại điện tử này cần sáng suốt & cảnh giác rủi ro về hàng giả cũng như hàng có xuất xứ không rõ ràng.

Thông thường, người bán trên Gmarket không cần chịu bất kỳ chi phí vận chuyển nào cho các đơn hàng giao trong Hàn Quốc. Ngoài ra, Gmarket cũng cung cấp các chương trình khách hàng thân thiết & giảm giá mua sắm như Gstamp và Smile Points, bên cạnh nhiều coupon giảm giá ưu đãi khi mua hàng mỗi tháng. Khách hàng có thể chọn nhiều phương thức thanh toán khác nhau, từ chuyển khoản ngân hàng đến thẻ tín dụng/trả trước.

Coupang

Coupang là một trong những công ty giao dịch thương mại điện tử có tốc độ phát triển nhanh nhất không chỉ ở Hàn Quốc mà còn trên toàn thế giới.

70% doanh số của Coupang thu được nhờ giao dịch thực hiện qua smartphone. website ứng dụng bán lẻ trực tuyến này có danh mục hàng hoá được tuyển chọn kỹ càng, từ hàng hoá dành cho trẻ em đến vé sự kiện. Hiện nay Coupang mới chỉ hỗ trợ tiếng Hàn, song lại có giao diện được thiết kế trực quan và thân thiện với người dụng.

Kim Beom Seok – người sáng lập và là CEO của công ty có giá trị hơn 5 tỷ USD này cho biết ông sẽ chi hơn 100 triệu USD trong 2 năm tới để nâng cấp dịch vụ giao hàng trong ngày “Rocket Delivery”. Với hệ thống 20 kho hàng ở nhiều nơi trên toàn thế giới, Coupang vẫn ôm kế hoạch đẩy mạnh và cải thiện tốc độ giao hàng của mình.

11Street

Được SK Planet cho ra mắt và gia nhập vào đường đua thị trường thương mại điện tử sôi động ở Hàn Quốc, đến nay 11Street vẫn đang lớn mạnh không ngừng và được mở rộng sang các nước châu Á khác như Malaysia, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi mua sắm trên website, khách hàng có thể tự do lựa chọn đơn vị tiền tệ thanh toán. 11Street cung cấp đa dạng các mặt hàng từ quần áo, đồ trang sức, tạp hoá phẩm đến đồ điện tử.

Cũng như nhiều website bán hàng trực tuyến khác, 11Street cũng có hệ thống tích luỹ điểm thưởng/dặm (khoảng cách giao hàng nhất định), chấp nhận thanh toán qua Paypal và vận chuyển quốc tế.

Auction.co.kr

Auction là một công ty đấu giá thương mại điện tử trực tuyến được “ông lớn” eBay mua lại vào năm 2011. Mặc dù sức cạnh tranh của Auction không bằng các nhà bán lẻ trực tuyến khác trong nước, nhưng website này vẫn được nhiều người tiêu dùng biết đến nhờ tập hợp dữ liệu từ hơn 3000 website thương mại điện tử khác với với mục đích so sánh giá cả sản phẩm, giúp người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm với mức giá hợp lý.

Theo đó, kết quả về thông tin sản phẩm và nhà bán lẻ (từ công ty lớn đến các shop online) sẽ được hiển thị từ trên xuống theo thứ tự rẻ nhất đến đắt dần. Auction còn bao gồm nội dung được tạo bởi người dùng, từ các bài review sản phẩm (đánh giá sản phẩm sau khi sử dụng) cho đến ý kiến tham khảo từ chuyên gia.

WeMakePrice

WeMakePrice là chuyên trang thương mại điện tử của Hàn Quốc về giao dịch thường ngày, được thành lập với mục tiêu trở thành nền tảng thương mại điện tử đầu tiên ở Hàn Quốc. Sau nhiều năm, website này có phần “hụt hơi” trước sự lớn mạnh thần tốc của các nhà bán lẻ trực tuyến trong nước.

Tuy nhiên, WeMakePrice – công ty có giá trị khoảng 2 tỷ USD hiện nay vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng thị trường ra nước ngoài. Trên website, người dùng có thể thoải mái chọn mua sản phẩm theo nhu cầu vì WeMakePrice cũng có danh mục hàng hoá đa dạng, từ quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ nội thất đến vé concert.

XEM THÊM: Những điều cần biết khi mua hàng trực tiếp từ nước ngoài

Tổng hợp từ CJ Dropshipping

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).