Ở trong kỳ trước, chúng ta đã tìm hiểu về những quy định dành cho du học sinh khi muốn làm thêm ở Hàn Quốc.

Tùy thuộc vào năng lực tiếng Hàn của bạn mà có được những công việc làm thêm khác nhau. Nếu tiếng Hàn chưa tốt, các bạn có thể làm ở quán ăn, cửa hàng tiện lợi, siêu thị… Khi làm những công việc làm thêm này, bạn sẽ được trả tiền lương tính theo tiêu chuẩn tiền lương tối thiểu năm 2020 là 8.590 KRW/giờ.

Nếu trình độ tiếng Hàn tốt hơn, bạn có thể có công việc với mức lương cao như: phiên dịch, dạy ngoại ngữ… và có mức thu nhập cao hơn. Một số sinh viên giỏi tiếng Hàn có thể nhận 150.000 – 200.000 KRW/ngày hoặc nhiều hơn khi làm thông, phiên dịch tiếng Hàn.

Các bạn có tò mò là liệu sinh viên Hàn Quốc có cần làm thêm giống như du học sinh không nhỉ? Thực ra nếu không phải trường hợp ngậm thìa vàng thì các sinh viên Hàn Quốc cũng khá chật vật khi xoay sở với cuộc sống tại các thành phố lớn.

Vì vậy dù không lo được tiền học phí thì nhiều bạn cũng phải tranh thủ làm thêm để tự trang trải 용돈, tức là tiền sinh hoạt cá nhân, như chi phí giao thông, cước phí điện thoại hàng tháng.

Các bạn sinh viên Hàn Quốc còn đối mặt với tình trạng thất nghiệp trong nước nên nhiều bạn còn trì hoãn việc tốt nghiệp, hoặc đã tốt nghiệp nhưng chưa tìm được việc làm ưng ý nên vẫn phải trung thành với những công việc bán thời gian.

Tuy nhiên, không phải cứ là người Hàn Quốc thì sẽ tìm được việc làm thêm ưng ý. Việc chính quyền của tổng thống Moon Jae In tăng lương tối thiểu “đột ngột” từ 7.530 KRW/ giờ (năm 2018) thành 8.350 KRW/ giờ (năm 2019) và tiếp tục là 8.590 KRW/ giờ (năm 2020) đã gây ra cú sốc lớn với hoạt động của các cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ, khiến họ không đủ trả tiền thuê người làm thêm.

Ngoài việc phải cạnh tranh thì các bạn sinh viên người Hàn Quốc cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề khác như bị chủ quỵt tiền, điều kiện làm việc thiếu thốn, bị bắt nạt nơi làm việc. Vì vậy, dưới đây là những lời khuyên “xương máu” của các tiền bối sinh viên Hàn Quốc đã có nhiều kinh nghiệm làm thêm.

1. Phải ký hợp đồng làm thêm

Với du học sinh nước ngoài, làm thêm mà không khai báo sẽ là một “tội nặng” nếu bị Văn phòng Xuất nhập cảnh Hàn Quốc phát hiện. Ngoài ra, việc khai báo sẽ là một biện pháp đảm bảo quyền lợi cho các bạn ngay từ ban đầu.

Nếu bị chậm lương, quỵt lương thì hợp đồng lao động chính là căn cứ để giúp các bạn đòi lại công bằng.

2. Phải rõ ràng chuyện thù lao ngay từ ban đầu

Có nhiều nơi mập mờ giữa thu lao thực tập và thù lao chính thức và mặc dù bạn đã làm quá 3 tháng nhưng chủ vẫn cứ “lặng lẽ” trả lương cho bạn như thời kỳ thực tập. Vì vậy, ngay từ buổi phỏng vấn ban đầu, các bạn nên hỏi rõ ràng về quy định giờ giấc, chế độ tiền lương.

Có một mẹo là khi trao đổi với chủ về bất cứ thông tin mới nào liên quan tới chế độ làm việc, các bạn nên viết ngay lại vào sổ và yêu cầu chủ cùng kiểm tra ngay tại chỗ. Đây vừa là cách giúp bạn nắm chắc công việc, vừa thể hiện cho chủ biết rằng mình là người nước ngoài nhưng không dễ bị coi thường.

3. Khảo sát môi trường xung quanh

Có những bạn ngay lần đi làm đầu tiên lại chọn nhà hàng hay cửa hàng tiện ích nằm giữa phố đông đúc, khách ra vào không ngớt. Tất nhiên nhiều khách có nghĩa là doanh thu cũng cao, nhưng nếu không có kinh nghiệm thì các bạn sẽ rất dễ bị “đuối” và nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi vì không theo kịp với tốc độ công việc.

Vì vậy khi chọn chỗ làm thêm, các bạn cũng hãy để ý lưu lượng khách ra vào xung quanh, nắm bắt độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp của các khách hàng có khả năng lưu lại chỗ làm của mình.

4. Chủ luôn theo dõi bạn qua CCTV

Đây hầu như là điều tất nhiên với mọi nhà hàng, cửa hàng tiện ích, vì vậy nên bạn phải học cách thích nghi với CCTV mọi lúc, mọi nơi. Hãy đảm bảo là bạn đã chấp hành mọi nội quy nơi làm việc như kiểm tra hàng hoá, dọn dẹp vệ sinh và sau đó tự cho mình quyền được nghỉ ngơi “đàng hoàng” mà không phải lấm lét theo dõi CCTV.

5. Thân thôi, đừng thân quá

Có nhiều nơi làm thêm hay hô khẩu hiệu “Chúng ta là gia đình”. Tất nhiên ban đầu bạn sẽ cảm thấy may mắn vì được làm trong bầu không khí thoải mái, ấm áp.

Nhưng có nhiều người chủ lợi dụng hai chữ “gia đình” để đề nghị bạn làm thêm vài tiếng, sai bạn làm thêm việc này, việc kia và lờ không trả tiền. Vì vậy, nếu muốn bảo vệ quyền lợi của chính mình, bạn phải luôn rạch ròi phân biệt “việc nào ra việc nấy” và dũng cảm nêu ý kiến nếu thấy có điểm chưa phù hợp.

6. Hãy tránh xa các bà cô ajumma

Nói như vậy quả là oan ức và có phần phiến diện, vì những cô bác này cũng bằng tầm tuổi cha mẹ chúng ta ở nhà mà thôi? Đôi khi bạn còn may mắn gặp được nhiều người tốt, chăm sóc và quan tâm cho bạn chẳng kém gì người thân trong gia đình nữa.

Nhưng 8/10 các tiền bối làm thêm đã truyền lại cho chúng ta bài học rằng: Các ajuma suy cho cùng cũng chỉ là đồng nghiệp của chúng ta mà thôi.

Họ lại hay hành xử theo cảm tính, ví dụ ban đầu họ có thể đối xử rất tốt với bạn, nhưng nếu bạn từ chối lời “nhờ vả” của họ, hoặc họ phát hiện ra chủ “ưu ái” cho bạn điều gì đó thì ác mộng sẽ đến với bạn từ đó. Các ajuma có thể bày đặt nói xấu bạn với chủ, mặt nặng mày nhẹ hoặc chừa cho bạn những công việc vô cùng… xương xẩu.

7. Hãy là chính mình

Làm thêm cũng giống như bước vào một xã hội thu nhỏ, nơi đó cũng tồn tại kẻ mạnh và kẻ yếu. Nhiều khi bạn sẽ cảm thấy bị choáng ngợp trong xã hội thu nhỏ đó và hình thành thói quen luôn cúi đầu xin lỗi, tự trách móc bản thân, mặc dù không hề mắc lỗi.

Nếu chẳng may gặp những vị khách chuyên gây sự (진상손님) thì bạn hãy bình tĩnh nhờ sự trợ giúp của chủ quán hay những người cùng làm xung quanh.

Đừng nghi ngờ phẩm chất hay năng lực của mình vì những chuyện không hay xảy ra nơi làm thêm, vì dù sao, bạn sẽ là người được quyền lựa chọn.

Danh sách 06 website tìm việc ở Hàn Quốc bạn nên biết:

  1. alba.co.kr
  2. jobkorea.co.kr
  3. albamon.com
  4. work.go.kr
  5. samsungcareers.com
  6. saramin.co.kr

XEM THÊM:

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).