Người Việt ở Hàn Quốc ai mà không thấy vô cùng quen thuộc với hình ảnh các “ajuma” (cách gọi các bà các cô có tuổi Hàn Quốc) để kiểu tóc “mì tôm”. Không khó để bắt gặp kiểu đầu “cộp mác” ajuma này từ các bộ phim Hàn cho đến đời thường.

Kiểu tóc xoăn “mì tôm” của các ajuma rất đặc trưng, khác hẳn so với kiểu tóc xoăn của nam thanh nữ tú Hàn Quốc. Đặc điểm nhận dạng nổi bật nhất chính là những lọn tóc ngắn, dày và “xoăn tít như lò xo”.

Rất khó để bắt gặp một người trẻ Hàn Quốc với “style” này. Nhưng các bà các cô Hàn Quốc có tuổi 99,99% đều yêu thích và làm kiểu tóc này, như thể có một “quy ước ngầm” với nhau.

Trên một diễn đàn của giới trẻ Hàn Quốc, có một bạn đã đưa ra câu hỏi: “Tại sao các ajuma lại thường làm tóc xoăn ngắn nhỉ?”. Chủ đề được rất nhiều người quan tâm và câu trả lời đưa ra cũng vô cùng đa dạng:

– Làm xoăn tít thò lò thì giữ được kiểu lâu, đỡ tốn tiền cắt tóc, làm đầu. Chăm sóc cũng dễ, gội đầu nhanh, sấy tóc mau khô.

– Tiết kiệm thời gian chăm sóc vì các bà các mẹ thường cũng bận rộn với việc nhà, chăm sóc con cái.
– Đơn giản là vì đẹp, sang, hợp “mốt” các bà các cô.

Bạn có tò mò lý do thực sự đằng sau kiểu tóc có thể gọi là “mốt” của các ajuma Hàn Quốc này không? Có thể bạn sẽ nghĩ rằng: Chắc là khi phụ nữ lớn tuổi, “gu” thẩm mỹ sẽ thay đổi theo?

Không! Thực tế đằng sau kiểu tóc “mì tôm” này là câu chuyện buồn của những người phụ nữ ở quốc gia từng nghèo đói nhất nhì thế giới.

Hãy thử mường tưởng hình ảnh của những ông chú, bà cô lớn tuổi ở nhà nhé. Hầu như họ đều có đặc điểm chung về tóc. Đó là tóc yếu, khô, dễ gãy, dẫn đến độ dày của tóc bị giảm đáng kể bởi hiện tượng rụng tóc do tuổi tác.

Nhiều người lớn tuổi gặp vấn đề rụng tóc nghiêm trọng đến mức phần tóc trên đỉnh đầu gần như biến mất hoàn toàn, chỉ còn trơ lại tóc ở hai bên đầu. Vì thế mà các phụ nữ Hàn Quốc lớn tuổi bù đắp nhược điểm về thể chất do tuổi tác này bằng cách làm kiểu tóc “mì tôm”, để mang lại cảm giác dày dặn, độ phồng và sức sống cho mái tóc.

Tuy nhiên, tại sao kiểu tóc này lại không thịnh hành đối với phụ nữ lớn tuổi ở các nước khác? Trước khi đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một chút về lịch sử bắt nguồn của “kiểu tóc ajuma” này nhé.

“Kiểu tóc ajuma” này được tạo nên bằng những dụng cụ điện tạo nhiệt cao và các loại hóa chất để làm xoăn những lọn tóc và giữ được độ xoăn trong thời gian dài.

Kiểu tóc này có tên gọi ngắn gọn là “tóc cuốn xoăn” 펌 – Perm, xuất hiện lần đầu tiên ở London, Anh vào khoảng năm 1905. Sau đó xu hướng tóc này lan sang Mỹ vào năm 1915 và trở thành “mốt” đối với phụ nữ Mỹ vào năm 1922. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng kiểu tóc xoăn này du nhập vào Hàn Quốc vào khoảng năm 1937.

Khoảng thời này là thời kì cực kì đen tối ở bán đảo Hàn Quốc. Khi ấy, Hàn Quốc là một đất nước vô cùng nghèo khó. Do đó, người Hàn Quốc đã không thể sử dụng điện để làm xoăn tóc. Thay vào đó họ cuộn những lọn tóc bằng than củi và giấy bạc, những “dụng cụ làm tóc” dễ tìm và rẻ tiền.

Lúc đầu, kiểu tóc này được làm bằng cách cuộn tóc bằng lô cuốn. Sau khi bôi một lớp thuốc lên tóc, đặt một bát chứa than củi đang cháy rực lên trên để làm khô lớp thuốc.

Thợ làm tóc dùng hai loại bột than trộn với nhau, tương tự như than tổ ong và than đá ngày nay. Họ nhào nặn bột than rồi cắt ra thành những miếng mỏng, có độ lớn khoảng một ngón tay út.

Sau khi châm lửa đốt, họ đặt những miếng than đã đốt nóng lên tóc, mỗi bên tóc hai miếng. Tiếp theo dùng kẹp tóc và giấy bạc cuộn lại để làm xoăn. Do đó, kiểu tóc này còn được gọi là “tóc xoăn lửa” (불파마) hay “tóc xoăn than” (숯파마).

Tuy nhiên, cách làm xoăn này có nhược điểm lớn là có thể làm đứt gãy tóc do nhiệt độ quá cao. Hoặc có khi còn gây ra hỏa hoạn do sử dụng nguyên liệu là than củi đốt cháy. Nên các hiệu làm đầu thường treo biển “Cẩn thận lửa” để cảnh báo khách hàng.

Mặc dù tiềm tàng những mối nguy hiểm như thế nhưng vẫn không làm giảm khát khao sở hữu một mái tóc xoăn “mì tôm” của phụ nữ Hàn Quốc thời ấy.

Nếu để kiểu tóc bình thường thì phải thường xuyên ghé qua hiệu tóc để cắt tỉa. Nhưng với kiểu tóc “mì tôm” thì không cần phải đến hiệu tóc nhiều lần.

Thêm nữa, việc giữ nguyên những lọn tóc “xoăn tít” cũng khá đơn giản, không tốn nhiều thời gian, công sức. Vì vậy, khi đến hiệu làm đầu, các bà các cô thường yêu cầu thợ làm tóc làm những lọn tóc xoăn bằng mức nhiệt cao hết mức có thể, càng xoăn càng tốt, để có thể giữ được trong thời gian dài.

Hình ảnh các bà mẹ trong bộ phim nổi tiếng Reply 1988 (응답하라 1988)

Khi chúng ta nhìn ngắm những bức ảnh xưa, có thể thấy những phụ nữ Hàn Quốc trẻ tuổi cũng để kiểu tóc “xoăn từng sợi”, giống như kiểu tóc “mì tôm” của các ajuma Hàn Quốc ngày nay.

Thực tế đó nói lên điều gì? Trong những ngày tháng gian khổ, nghèo nàn ấy, các bà các mẹ Hàn Quốc đã phải chấp nhận từ bỏ vẻ đẹp, để đi theo lựa chọn mang tính kinh tế. Và kiểu tóc xoăn này đã đi cùng năm tháng, trở thành kiểu tóc thịnh hành, mang tính biểu tượng cho các bà, các mẹ Hàn Quốc ngày nay.

Thời nay, những người trẻ tuổi Hàn Quốc được gọi là thế hệ “3 không” (삼포 – 삼: ba), 포기: từ bỏ). Tức là thế hệ trẻ Hàn Quốc có xu hướng từ bỏ 3 điều: Không hẹn hò, không kết hôn, không sinh con do vật giá đắt đỏ, chi phí sinh hoạt cao, khó tìm kiếm công việc…

Tuy nhiên, nhìn lại thế hệ người Hàn ngày xưa, họ thậm chí đã phải từ bỏ, hy sinh rất nhiều thứ, trong đó có vẻ đẹp của người phụ nữ, chỉ để tồn tại, duy trì cuộc sống. Có lẽ những khó khăn của thế hệ trẻ Hàn Quốc ngày nay “chưa thấm vào đâu” so với thế hệ trước.

Thông qua việc hiểu về lịch sử, nguyên nhân sâu xa hình thành trào lưu “kiểu tóc ajuma”, hi vọng khoảng cách giữa các thế hệ xưa và nay sẽ gần lại hơn nhờ sự thấu hiểu với những nỗi buồn quá khứ, sự đồng cảm với những suy nghĩ giấu kín của thế hệ trước.

Ngoài kiểu tóc, người Hàn Quốc còn có những đặc trưng khác về cơ thể mà người nước ngoài rất dễ nhận ra.

XEM THÊM:

author-avatar

About Hà Ly Hương

Gặp gỡ Hàn Quốc chỉ như một cuộc dạo chơi. Nhưng một mối nhân duyên đặc biệt đã mang đến cho tôi tình yêu đích thực, khiến tôi gắn bó và yêu mến mảnh đất này.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).