Vụ lính biệt kích Bắc Hàn tấn công Phủ tổng thống Hàn Quốc (Blue House) ngày 21/1/1968 (chỉ 10 ngày trước Tết Nguyên Đán), được ghi nhận là vụ xung đột nghiêm trọng nhất giữa hai miền Nam – Bắc Hàn trong giai đoạn đình chiến, kể từ sau cuộc chiến huynh đệ tương tàn 1950-1953. Vụ tấn công này (청와대침투 사건) cùng với vụ bắt cóc chiến hạm Pueblo của Mỹ chỉ 2 ngày sau đó (23/1/1968) khiến đất nước Hàn Quốc rơi vào tình trạng hoảng loạn vì mức độ nguy hiểm và lì lợm mà các đội quân của Bắc Hàn gây ra.

Vụ tấn công này cho thấy lỗ hổng an ninh đáng sợ của phía Hàn Quốc; đồng thời cũng đánh dấu nhiều thay đổi trong chính sách quốc phòng của Hàn Quốc, như: thành lập quân dự bị địa phương, thay đổi chính sách cấp phát chứng minh thư…

⇢ Chiến tranh Nam – Bắc Hàn

Phủ Tổng thống Hàn Quốc. Ảnh: Wikipedia.

Bối cảnh vụ tấn công Phủ Tổng thống:

Kể từ cuộc đảo chính và củng cố sức mạnh chính quyền quân sự của tổng thống độc tài Park Chung Hee ngày 16/5/1961, mối quan hệ giữa hai miền Nam – Bắc Hàn trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Đặc biệt giai đoạn 1966 ~ 1969, ở khu vực phi quân sự giữa hai nước (DMZ) liên tục nổ ra các cuộc đấu súng.

Bên cạnh đó là ảnh hưởng từ chiến tranh Việt Nam, lúc này đang bước vào giai đoạn leo thang căng thẳng, buộc Mỹ phải dồn toàn bộ quân lực ở châu Á vào chiến trường Việt Nam, làm suy giảm đáng kể ảnh hưởng lên bán đảo Triều Tiên. Giai đoạn này, Bắc Hàn và Bắc Việt có mối quan hệ thân thiết, Bắc Hàn liên tục hỗ trợ Bắc Việt về quân sự và kinh tế.

Năm 1967 khi Park Chung Hee đắc cử tổng thống nhiệm kỳ 2, Bắc Hàn cho rằng nhóm thân cộng sản ở miền Nam sẽ lâm vào tình thế khó khăn hơn, do đó quyết định phải chuẩn bị lực lượng hỗ trợ những người đồng chí ở miền Nam chuẩn bị đấu tranh. Đến tháng 7/1967, đơn vị 124 (KPA Unit 124) được thành lập để thực hiện nhiệm vụ ám sát Park Chung Hee.

Bắc Hàn ám sát tổng thống Hàn Quốc năm 1968
Tổng thống Park Chung Hee, người giành chính quyền từ cuộc đảo chính quân sự 16/5/1961.

Về nhóm biệt kích của Bắc Hàn:

31 lính biệt kích Bắc Hàn được tuyển chọn từ đơn vị đặc nhiệm 124 kể trên. Nhóm biệt kích này được huấn luyện đặc biệt về chính trị và các kỹ năng chiến đấu trong vòng 2 năm. Trước ngày tác chiến 15 ngày, nhóm biệt kích thực hiện tấn công giả lập vào Phủ Tổng thống Hàn Quốc được xây dựng với kích thước thật.

Các kỹ năng luyện tập của nhóm biệt kích bao gồm: chính trị, chế tạo vũ khí, sử dụng máy bay, chiến đấu tay không (đặc biệt là kỹ năng dùng dao), ngụy trang, vác balo 30kg chạy liên tục ở tốc độ 13km/h…

Những tên lính này chia thành 6 nhóm với nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là cắt cổ tổng thống Park Chung Hee, sau đó giết lần lượt các quan chức cấp cao trong Phủ Tổng thống.

Kế hoạch chi tiết như sau: một nhóm đóng chốt ở cửa chính Phủ Tổng thống để quan sát tình hình và khống chế hai lính canh ở đây, cho các nhóm còn lại đột nhập. Sau đó, một nhóm sẽ lên tầng hai của Phủ Tổng thống, một nhóm ở tầng trệt, một nhóm vào phòng cảnh vệ, một nhóm khác đột nhập phá hủy phòng thư ký. Sau khi thực hiện kế hoạch thành công, nhóm biệt kích sẽ bỏ trốn đến Munsan và vượt sông Imjin quay về miền Bắc.

Diễn biến vụ tấn công của nhóm biệt kích Bắc Hàn:

Nhóm biệt kích Bắc Hàn xuất phát từ Yonsan ngày 16/1/1968, được trang bị 31 khẩu tiểu liên, 31 súng ngắn và các vũ khí khác. Đến 23 giờ đêm ngày 17/1, nhóm biệt kích tiếp cận và cắt hàng rào thép thuộc khu vực tuần tra của sư đoàn bộ binh số 2 Hoa Kỳ để xâm nhập vào Hàn Quốc. Sau đó, 5 giờ sáng ngày 19/1 dựng trại ở núi Simbongsan (thành phố Paju), sau khi vượt qua sông Imjin.

Đến 2h chiều cùng ngày, nhóm này bị 4 anh em tiều phu họ Woo phát hiện khi vô tình đi đốn củi ngang qua. Sau khi thảo luận quyết liệt về việc có nên giết 4 người này hay không, nhóm biệt kích quyết định dạy những người tiều phu về lý tưởng cộng sản và thả họ ra, đồng thời không quên dọa họ không được báo với cảnh sát. Tuy nhiên, những người tiều phu vẫn báo với cảnh sát thôn Beopwon.

Sau khi bị những người tiều phu phát hiện, nhóm biệt kích nhanh chóng dọn trại, băng qua núi Nogosan và đến núi Bibongsan vào lúc 7 giờ sáng ngày 20/1/1968. Cùng thời điểm đó, sư đoàn bộ binh số 25 của Hàn Quốc bắt đầu rà soát núi Nogosan, nhưng đã muộn. Đến đêm ngày 20/1, nhóm biệt kích tập trung tại chùa Seunggasa trên núi Bibongsan để chuẩn bị cho kế hoạch tấn công cuối cùng.

Bộ Chỉ huy tối cao quân đội Hàn Quốc tiếp tục gia tăng rà soát và tăng cường an ninh ở thủ đô, cử thêm sư đoàn bộ binh số 30 và lính dù kết hợp với cảnh sát để tìm kiếm ở các khu vực phường Hongje, phường Jeongneung và núi Bukaksan.

Nhóm biệt kích sau khi biết kế hoạch bị lộ liền thay đổi tác chiến, đổi sang trang phục lính sư đoàn bộ binh số 26 của Hàn Quốc với quân hàm được chuẩn bị từ trước và hành quân vượt qua hàng loạt các chốt gác của cảnh sát quốc gia.

Đến 10 giờ đêm ngày 21/1/1968, nhóm biệt kích tiếp cận chốt gác cuối cùng ở cổng thành Jahamun (cách Phủ Tổng thống 200m) thì bị cảnh sát trưởng phường Jongno là Choi Gyu Sik giữ lại kiểm tra, cảnh sát Choi bị bắn chết ngay lập tức khi bắt đầu nghi ngờ và rút súng ra. Sau đó chúng xả súng và ném lựu đạn vào chốt gác trước khi phân tán lược lượng chạy về phía Bắc.

Ngày 22/1/1968, quân đoàn số 6 Hàn Quốc tổ chức càn quét trên diện rộng để bắt và giết các thành viên của nhóm biệt kích. Trung đoàn 92 và sư đoàn bộ binh số 30 bắt được Kim Sin Jo đang trốn trong nhà dân trên núi Inwangsan. Tiểu đoàn 30 và Bộ Tư lệnh Phòng vệ thủ đô tiêu diệt 4 lính biệt kích ở phường Buam và trên núi Bukaksan.

Ngày 23/1/1968, sư đoàn bộ binh 26 giết một lính biệt kích trên núi Dobongsan. Ngày 24/1/1968, cũng sư đoàn này và sư đoàn bộ binh số 1 tiêu diệt thêm 12 lính biệt kích ở gần thôn Seongu. Đến ngày 25/1/1968 thêm 3 lính biệt kích bị tiêu diệt ở Songchu. Ngày 29/1/1968, 6 tên nữa bị tiêu diệt ở khu vực núi Papyeongsan. Tổng cộng 29 lính biệt kích Bắc Hàn bị tiêu diệt, cùng với Kim Sin Jo bị bắt và tên còn lại là Park Jae Kyung trốn thoát thành công.

Về phía Hàn Quốc, có khoảng 92 lính Hàn Quốc bị thương vong trong trận đấu súng (26 tử thương, 66 bị thương), cùng với đó là 24 thường dân đi trên chiếc xe bus rơi vào giữa làn đạn. Bốn lính Mỹ cũng bị chết khi khóa đường trốn thoát của nhóm biệt kích ở khu vực DMZ

29 lính biệt kích Bắc Hàn được chôn cất tại nghĩa trang dành riêng cho lính Bắc Hàn và lính Trung Quốc (북한군/중국군 묘지 제 1 묘역, nay gọi là 적군묘지) ở thành phố Paju.

Bắc Hàn ám sát tổng thống Hàn Quốc năm 1968
Kim Sin Jo, một trong hai lính biệt kích Bắc Hàn duy nhất còn sống sót và bị bắt, tên còn lại trốn thoát thành công.
Vũ khí của Kim Sin Jo đang được trưng bày ở Bảo tàng Chiến tranh Hàn Quốc: Súng tiểu liên PPS-43 và súng ngắn. Ảnh: Wikipedia.
Bắc Hàn ám sát tổng thống Hàn Quốc năm 1968
Vũ khí của Kim Sin Jo đang được trưng bày ở Bảo tàng Chiến tranh Hàn Quốc: Lựu đạn, kìm cộng lực để cắt lưới sắt và dao găm. Ảnh: Wikipedia.

Di sản của vụ tấn công Phủ Tổng thống:

Ngày 21/1/1968 cũng chính là ngày bắt đầu chiến dịch Khe Sanh ở Việt Nam, và chỉ 10 ngày sau đó là vụ thảm sát Tết Mậu Thân 1968 ở Huế. Với sự tính toán này của Bắc Hàn, phía Hàn Quốc gần như không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ quân đội Hoa Kỳ để đối phó với quân Bắc Hàn.

Ngày nay, nếu bạn có dịp ghé thăm tường thành trên núi Bukaksan phía sau Phủ Tổng thống sẽ nhìn thấy một vài cây thông còn chi chít vết đạn được đánh dấu ở đó. Cây thông này là bằng chứng sống về vụ đột nhập kinh hoàng của lính biệt kích Bắc Hàn.

Bắc Hàn ám sát tổng thống Hàn Quốc năm 1968
Những vết đạn trong vụ lính biệt kích Bắc Hàn tấn công Phủ Tổng thống trên cây thông ở núi Bukaksan.

Và ngay ở cổng thành Jahamun có bức tượng đồng của 2 cảnh sát Choi Gyu Sik (chết tại trận) và Jeong Jong Su (tử thương ngày 30/1/1968), những người đã hy sinh để bảo vệ Phủ Tổng thống.

Bắc Hàn ám sát tổng thống Hàn Quốc năm 1968
Tượng đồng của cảnh sát trưởng Choi Gyu Sik, người đã hy sinh trong vụ tấn công và được truy tặng anh hùng.
Bắc Hàn ám sát tổng thống Hàn Quốc năm 1968
Tượng đồng của sĩ quan cảnh sát Jung Jong Su, người đã hy sinh sau vụ tấn công và được truy tặng anh hùng.

Nhưng trên tất các dấu tích hữu hình đó, vụ tấn công Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 21/1/1968 của nhóm biệt kích Bắc Hàn đã làm thay đổi hoàn toàn mối quan hệ giữa hai miền.

Đầu tiên là sự cảnh giác của người dân Hàn Quốc với Bắc Hàn. Nếu như trước đó người dân Hàn Quốc vẫn hi vọng sự chia cắt giữa hai miền, giữa những người cùng dân tộc chỉ là tạm thời thì sự tàn độc và gan lì của những người lính biệt kích đã khiến họ phải kinh sợ mà nghĩ lại. Không dân tộc nào tìm kiếm hòa bình và thống nhất bằng cách tấn công và giết hại chính người anh em của mình như thế.

Cũng từ vụ tấn công trên, chính quyền Park Chung Hee lập tức phải sửa đổi cơ cấu cũng như luật pháp quốc gia, trong đó có việc thay đổi chính sách cấp chứng minh thư được áp dụng từ ngày 21/11 cùng năm. Song song với đó là chính sách diệt cộng, tìm và tiêu diệt thẳng tay những thành viên của đảng cộng sản hoặc những người thân cộng sản.

Gần 3 tháng sau vụ tấn công, ngày 3/4/1968, Hàn Quốc thành lập đội quân dự bị địa phương. Quân dự bị địa phương trước hết là những người lính xuất ngũ, những người từng được huấn luyện trong quân đội. Khi không có nhiệm vụ, đội quân dự bị này sinh hoạt như dân thường, nhưng trong tình huống khẩn cấp, những người lính dự bị sẽ được gọi đầu tiên, cùng với quân đội chính quy để bảo vệ quốc gia.

Clip thẩm vấn và phỏng vấn Kim Sin Jo, tên biệt kích Bắc Hàn duy nhất còn sống sót.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).