Trong bối cảnh đời sống người dân chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, bắt đầu từ ngày 30/3/2020, trừ những hộ gia đình đang nhận viện trợ từ Chính phủ, thành phố Seoul quyết định hỗ trợ phí sinh hoạt khẩn cấp (재난긴급생활비) cho 1.17 triệu hộ có thu nhập trung bình dưới 100% từ 300.000 KRW đến 500.000 KRW.

Sau 7 ngày đăng ký, số tiền này sẽ được chi trả dưới hai hình thức: Phiếu mua hàng Sarang (사랑상품권) và Thẻ trả trước (선불카드) của ngân hàng Shinhan. Đồng thời, với mục đích hỗ trợ những cửa hàng nhỏ, trợ cấp này sẽ không được chấp nhận tại các cơ sở kinh doanh quy mô lớn.

Điều này đồng nghĩa với việc, các đại siêu thị như Emart, Lotte Mart… hay trung tâm thương mại: Hyundai, Shinsegae và các chuỗi cửa hàng DAISO đều không hỗ trợ thanh toán bằng thẻ trả trước này. Một số cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí cũng bị hạn chế.

Tuy nhiên, quy định này nhanh chóng trở thành chủ đề được bàn tán xôn xao trong cộng đồng. Dù không thể sử dụng tại những điểm trên, người dân hoàn toàn có thể mua sắm tại Homeplus – siêu thị lớn đứng thứ hai cùng ngành.

Trả lời phỏng vấn của báo chí vào ngày 6/5 vừa qua, một quan chức thành phố Seoul cho biết: “Cả 2 siêu thị này (Emart, Lotte Mart) đều đã phát hành phiếu mua hàng của riêng mình, họ cho rằng thẻ trả trước là phiếu quà tặng của các siêu thị khác và sẽ không chấp nhận thẻ này. Việc có thể mua hàng tại Homeplus là do doanh nghiệp vẫn chưa có bất kỳ phiếu mua hàng mang thương hiệu riêng”.

Trên thực tế, Homeplus đã từng cho ra mắt phiếu mua hàng riêng. Giải thích cho lập luận này, ông nêu rõ: “Không có vấn đề gì với hệ thống thanh toán của Homeplus (không giống như Emart và Lotte Mart), chúng tôi đã yêu cầu bỏ tên Homeplus ra khỏi danh sách nhằm đảm bảo sự thuận tiện của người dân”.

Ngoài ra, trợ cấp cũng gây nhiều tranh cãi do người nhận có khả năng đặt hàng trên các trang thương mại điện tử phổ biến tại Hàn Quốc, điển hình như: Coupang, Gmarket, 11street, Tmon…

Với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ, loại hình shopping trực tuyến đang dần chiếm lĩnh thị trường và ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Chính vì vậy, rất nhiều người dân cảm thấy không hài lòng với sự “thiên vị” không đáng có của chính quyền thành phố đối với vấn đề lần này.

Thử tìm kiếm từ khóa “tiền hỗ trợ khẩn cấp do thảm họa của thành phố Seoul” trên các cổng thông tin điện tử như Naver Blog hay Naver Cafe, cư dân mạng dễ dàng tìm thấy một loạt thông tin liên quan, nổi bật nhất là “Cách sử dụng tiền hỗ trợ thảm họa khẩn cấp trên Coupang”.

Thông qua bài viết này, người đọc có thể nắm được cách trả tiền bằng viện trợ tại các trang bán hàng online. Anh A chia sẻ: “Tôi cứ nghĩ trợ cấp này không mua được trên Coupang vì đây là một công ty lớn, nhưng tôi đã thử và thành công”.

Quan chức thủ đô giải thích: “Chúng tôi đã mở cổng thanh toán trực tuyến để giúp những người gặp khó khăn trong việc đi lại, không thể ra ngoài và chỉ có thể thanh toán trên mạng. Hơn nữa, đối với các công ty thương mại điện tử, vì là công ty tư nhân nên họ vẫn được xem là một doanh nghiệp nhỏ”.

Chính quyền Seoul đã bị chỉ trích vì nhiều lần đưa ra tiêu chuẩn sử dụng không rõ ràng, cụ thể khiến người dân gặp nhiều rắc rối.

Trường hợp của trung tâm thương mại NC, AK và siêu thị Costco, Kim’s club, No Brand là một ví dụ. Ban đầu, có thể dùng phí sinh hoạt khẩn cấp tại những nơi này, nhưng đột nhiên sau đó người dân lại nhận được thông báo không áp dụng tại các điểm trên.

Tổng hợp từ ChosunMoney Today

author-avatar

About Thu Thảo Phạm

Chuyển hướng sang học tiếng Hàn là một quyết định chưa bao giờ khiến tôi thất vọng. Và cũng bắt đầu từ ngày đó, tình cảm tôi dành cho Hàn Quốc ngày càng trở nên sâu đậm hơn.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).