Ảnh: Đại diện của công ty Olive Young đang tặng hoa cho khách hàng nữ, kỉ niệm ngày Quốc tế phụ nữ (세계 여성의 날). Ngày Quốc tế phụ nữ khá xa lạ với người dân Hàn Quốc và hầu như ít người mua hoa tặng vợ hay người yêu trong ngày này. Vào ngày 8/3, chỉ có một số tổ chức phụ nữ tham gia kỉ niệm ngày này để lên tiếng phản đối phân biệt nam nữ, bạo lực gia đình tại Hàn Quốc.


Nhân ngày 8/3, ngày Quốc tế phụ nữ, chúng ta cùng bàn một chút về vị trí của người phụ nữ Hàn Quốc trong xã hội.

Trong các bộ phim truyền hình Hàn Quốc thường có cảnh người đàn ông làm chủ gia đình ngồi đầu bàn ăn, người mẹ thì luôn đóng vai trò là người ở nhà đảm đương việc nội trợ. Cùng với sự phát triển của xã hội, Hàn Quốc đã có những thay đổi trong nhận thức, đặc biệt là của giới trẻ, về vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội hiện đại. Ngày nay con trai Hàn Quốc được dạy bảo rằng: Cần phải đối xử tốt với phụ nữ, làm việc nhà chăm chỉ thì mới có một cuộc sống hạnh phúc. Tuy nhiên, xét một cách tổng quan và trên mặt bằng chung thì vấn đề bất bình đẳng giới hay quan niệm “nam tôn, nữ ti” ở Hàn Quốc vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi.

Theo báo cáo về khoảng cách giới toàn cầu năm 2016, Hàn Quốc chỉ xếp thứ 116 trên tổng số 144 quốc gia được điều tra. Về cơ hội và sự tham gia vào các hoạt động kinh tế, khoảng cách về tiền lương giữa nhân viên nam và nữ ở Hàn Quốc là khá lớn. Xét theo tiêu chí lương bình quân của nam và nữ với cùng một công việc, Hàn Quốc chỉ đứng thứ 125.

Theo kết quả khảo sát của Bộ Tuyển dụng và lao động Hàn Quốc, lương tháng trung bình của lao động nam là 2,66 triệu won (~ 2.300 USD), trong khi con số này ở lao động nữ chỉ là 1,7 triệu won (tương đương 1.500 USD), tức chỉ bằng 64% so với nam. Một vài sếp nữ trong các tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc thực ra là họ hàng của những gia đình nắm giữ cổ phần chính. Tại sao cùng là một công việc nhưng lại có sự thiên vị như thế cho nhân viên nam? Vì các công ty Hàn Quốc vẫn đánh giá nhân viên nam làm việc hiệu quả, họ là những người trải qua hai năm nghĩa vụ quân sự nên có sự dạn dày và tính kỉ luật cao hơn nhân viên nữ.

Nói chung, việc cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp đối với người phụ nữ Hàn Quốc là khá khó khăn. Nhiều công ty hạn chế tuyển nhân viên nữ vì cho rằng việc họ nghỉ trong thời gian thai sản sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất chung. Trong một cuộc thăm dò của 3.000 công ty vào năm 2015, hơn 80% người khảo sát cho rằng chỉ có 1/3 người lao động nữ trở lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản. Hiện nay, luật pháp Hàn Quốc đã thúc đẩy bình đẳng giới trong phân công lao động khi: người cha được hưởng 53 tuần làm cha (nghỉ phép để phụ vợ chăm con) mà vẫn được trả lương – nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trong khối OECD. Nhưng chỉ có 2% số người sử dụng luật này trong năm 2014.

Sự thực là chính phủ Hàn Quốc tạo ra rất nhiều chính sách tốt đẹp để đảm bảo quyền lợi cho người phụ nữ như Luật tuyển dụng bình đẳng nam nữ, Luật hỗ trợ phụ nữ tái tham gia hoạt động xã hội sau khi nghỉ đẻ. Tuy nhiên, giữa luật pháp, chính sách và thực hiện trong thực tế còn một khoảng cách khá xa. Trên thực tế có rất ít những ông bố, bà mẹ “dám” dùng hết số ngày nghỉ cho phép vì xung quanh ai cũng làm việc “hùng hục”. Người nghỉ phép giữa lúc công việc đang bộn bề sẽ luôn mang cảm giác mắc tội với đồng nghiệp và sếp trong công ty.

Trong thời gian gần đây, giới trẻ Hàn Quốc liên tục có những tranh luận sôi nổi về vấn đề bình đẳng giới. Một nam ca sĩ nhạc rap sáng tác bài hát có câu ”Hãy dạng chân ra như lúc ở trong phòng khám phụ khoa” hay nam ca sĩ Jaejoong của JYJ phát ngôn cho rằng phụ nữ là “máy đẻ”. Tất cả những phát ngôn động chạm hay có xu hướng coi thường nữ giới  như trên đều bị phanh phui và phản ứng mạnh mẽ trên cộng đồng mạng Hàn Quốc.

Xét về yếu tố kinh tế, bất bình đẳng giới vô hình chung đã làm Hàn Quốc hao phí một lượng lao động nhất định, trong đó phải kể đến những lao động nữ có trình độ và được đào tạo bài bản. Về mặt xã hội, việc người phụ nữ Hàn Quốc khó có thể dung hòa giữa gia đình và sự nghiệp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lựa chọn sinh con và chăm sóc con cái của họ, điều này sẽ tạo nên những tác động tiêu cực và làm nghiêm trọng hơn tình trạng “tỷ lệ sinh thấp trong khi già hóa dân số cao” của Hàn Quốc hiện nay.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).