Sau tình trạng sụt giảm nhẹ vào năm 2009 do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lưu lượng khách bay hàng năm tại Hàn Quốc đã không ngừng tăng trưởng với tỷ lệ thấp nhất là 5% trong 9 năm liên tiếp, nâng tổng số khách từ 51.1 triệu người trong năm 2009 lên 117.5 triệu người trong năm 2018.

Ở phân khúc quốc tế, các hãng bay nước ngoài chỉ chiếm 31.5% thị phần trong năm 2018. Vị thế chiếm lĩnh của các hãng hàng không nội địa không có gì gây bất ngờ khi 12% khách bay tại sân bay Incheon là khách quá cảnh và Hàn Quốc vốn có lưu lượng khách bay Hàn Quốc đi quốc tế lớn hơn nhiều so với khách bay quốc tế tới Hàn.

Tính tới thời điểm hiện tại, Hàn Quốc có 2 hãng bay lớn là Korean Air và Asiana Airlines cùng 6 hãng bay giá rẻ chuyên chở hơn 40 triệu khách mỗi năm. Trong số các hãng hàng không giá rẻ, Eastar Jet, T’way và Jeju là các hãng bay độc lập. Tập đoàn Korean Air sở hữu toàn phần Jin Air. Trong khi đó, Air Seoul và Air Busan thuộc sở hữu của Asiana Airlines.

Thị phần quốc tế (%) Thị phần nội địa (%)
Korean Air 23 22
Asiana Airlines 16 19
Jeju Air 15 9
Jin Air 6 11
T’way 9 5
Air Busan 4 14
Eastar 3 10
Air Seoul 2 0

Các hãng hàng không giá rẻ hiện đang phát triển với tốc độ đáng kể, chủ yếu tại khu vực Đông Á và được coi là động lực chính giúp thúc đẩy thị trường bay quốc gia.

Jeju Air hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Hàn Quốc bắt đầu dịch vụ vào năm 2005. Ba hãng hàng không giá rẻ khác là Air Busan, Eastar Jet và Jin Air đều được được thành lập trong giai đoạn làn sóng mới về các hãng bay khởi nghiệp giai đoạn 2008 ~ 2009. Air Seoul được thành lập muộn hơn cả vào năm 2016.

Ngoài ra còn có hai hãng bay khác là Air PhilipAir Pohang bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2018 nhưng Air Pohang đã đóng cửa ngay cuối năm đầu hoạt động và Air Philip ngừng bay vào đầu năm kế tiếp.

Vào tháng 3/2019, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc đã cấp giấy phép hoạt động cho ba hãng khởi nghiệp khác là Aero K, Air PremiaFly Gangwon. Cả ba hãng hàng không giá rẻ đều dự kiến sẽ bắt đầu dịch vụ vào cuối năm 2020.

Hàn Quốc có 4 sân bay quốc tế chính là sân bay Incheon, Gimpo, Busan và Jeju. 99% khách bay tại Incheon Airport là khách bay quốc tế, trong khi đó sân bay Busan, Gimpo và Jeju chủ yếu phục vụ các chuyến bay nội địa với lưu lượng khách nội địa trong năm 2018 lần lượt là 83%, 73% và 94%. Tuyến bay Gimpo – Jeju là một trong những chặng bay bận rộn thế giới với gần 80 ngàn chuyến bay mỗi năm.

Ngoài các sân bay chính, Hàn Quốc còn vận hành 11 sân bay khác nhưng chỉ có 4 sân bay quốc tế là Daegu, Muan, Cheongju và Yangyang.

Khách du lịch tới Hàn Quốc đã tăng gấp đôi so với thập kỷ trước. Trong đó 10 thị trường nguồn lớn nhất gồm có Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Nga và Indonesia.

Đối với người Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Philippines và Việt Nam là những điểm đặt chân phổ biến nhất. Trong đó du lịch Việt Nam là thị trường phát triển mạnh mẽ nhất với 3.5 triệu khách Hàn Quốc ghé thăm trong năm 2018, so với chỉ 400 nghìn người của 10 năm trước đó.

XEM THÊM: 5 hãng hàng không Hàn Quốc có đồng phục đẹp nhất

Korean Air (KAL) và Jin Air (JNA)

Hãng hàng không Korea Air (대한항공) trực thuộc công ty Korean Air Lines Co., Ltd. là hãng bay lớn nhất của Hàn Quốc tính theo số lượng máy bay, các điểm đến quốc tế và số chuyến quốc tế.

Được thành lập vào năm 1946 dưới tên Korean National Airlines (Hãng hàng không quốc gia Hàn Quốc), sau nhiều năm phát triển và mở rộng kém hiệu quả, hãng hàng không quốc gia này được bán cho tập đoàn Hanjin vào năm 1969 và chính thức đổi tên thành Korean Air.

Tính đến tháng 10/2019, Korean Air sở hữu đội bay gồm 169 máy bay phục vụ các tuyến bay tới 126 thành phố trên 44 quốc gia, trong đó có 13 đường bay nội địa.

Jin Air (진에어) là hãng hàng không giá rẻ lớn thứ 2 tại Hàn Quốc, được Korean Air thành lập vào tháng 7/2008 với mục đích ban đầu chủ yếu phục vụ các tuyến bay nội địa Hàn Quốc. Tuy nhiên, lưu lượng khách nội địa của Jin Air không tăng trưởng nhiều trong vòng 3 năm qua do hãng tập trung vào phát triển ở thị trường quốc tế. Năm 2018, Jin Air đã phục vụ các chuyến bay đến 6 thành phố trong nước và 26 điểm đến nước ngoài với tổng số khách nội địa và quốc tế lần lượt là 3.5 triệu và 5.4 triệu.

Tháng 8/2018, Jin Air bị Bộ Giao thông Hàn Quốc trừng phạt và áp đặt lệnh hạn chế không cho phép đăng ký thêm máy bay mới do vụ bê bối liên quan đến việc em gái chủ tịch hãng Korean Air là bà Cho Huyn Min đã được phép tham gia hội đồng quản trị của Jin Air từ năm 2010 đến 2016 mặc dù không hề mang quốc tịch Hàn Quốc (Cho có quốc tịch Mỹ).

Sự phát triển của Jin Air bị ảnh hưởng trầm trọng với mức tăng trưởng khá thấp trong quý 1 năm 2019, đồng thời giới hạn tiềm năng phát triển trong thị trường nội địa của tập đoàn Korean Air. Korean Air hy vọng áp đặt này sẽ được bãi bỏ vào cuối năm 2019 nhưng nếu điều đó không trở thành hiện thực, hãng có lẽ sẽ phải xem xét việc mua thêm một hãng giá rẻ thứ cấp khác.

Năm 2018, tập đoàn Korean Air nắm giữ 33% số khách nội địa (Korean Air 22% và Jin Air 11%) và dẫn đầu thị trường quốc tế với 30% thị phần (23% Korean Air và 6% Jin Air).

Asiana Airlines (AAR), Air Busan (ABL) và Air Seoul (ASV)

Tập đoàn Asiana là ông lớn thứ hai trong thị trường bay Hàn Quốc mặc dù nắm giữ phần lớn hơn về thị trường nội địa so với Korean Air. Asiana chiếm 34% thị phần nội địa trong năm 2018 (Asiana Air 19% và Air Busan 14%) cùng 22% thị trường quốc tế (Asiana 16%, Air Busan 4% và Air Seoul 2%).

Asiana Airlines được thành lập vào tháng 2/1988 để phục vụ cho nhu cầu bay ngày càng lớn của Hàn Quốc trong giai đoạn phát triển kinh tế bùng nổ thời kỳ đó. Asiana bắt đầu lên lịch trình dịch vụ chỉ một tuần trước khi chính phủ Hàn Quốc bãi bỏ lệnh cấm du lịch nước ngoài vào 1/1/1989, giải phóng nhu cầu lớn trên thị trường đã bị kìm hãm trước đó. Khởi đầu với các chuyến bay nội địa giữa Seoul và Jeju, chỉ trong vòng 1 năm rưỡi, Asiana đã mở bốn đường bay mới tới Nhật Bản.

Với chiến lược phát triển dài hạn tập trung vào cạnh tranh về chất lượng, Asiana đã phải mất tời 6 năm hoạt động kể từ năm 1989 mới bắt đầu thu được lợi nhuận.

Ban đầu chính phủ chỉ cho phép Asiana khai thác các chuyến bay tới Nhật Bản, Đông Nam Á và Mỹ nhưng các quy tắc này sớm bị bẻ gãy. Tại thời điểm hiện tại, Asiana vận hành 14 chuyến bay nội địa và 90 chuyến bay quốc tế trên toàn thế giới.

Air Seoul (에어서울) là hãng hàng không giá rẻ nhỏ nhất và mới nhất, chỉ cung cấp dịch vụ trên các đường bay quốc tế. Trong năm 2018, Air Seoul đã phục vụ 1.7 triệu khách, tăng 109% so với năm trước đó.

Air Busan (에어부산) là hãng hàng không giá rẻ ở Busan, Hàn Quốc. Hãng thành lập năm 2007 và bắt đầu khai thác thương mại vận chuyển hành khách từ năm 2008 với các đường bay chính là Seoul-Busan và Jeju-Busan.

Air Busan đã cung cấp dịch vụ cho 4.5 triệu khách nội địa và 3.6 triệu khách quốc tế trong năm 2018, trở thành hãng hàng không giá rẻ lớn thứ 3 về tổng thể. Lưu lượng khách quốc tế đã tăng tới 122% chỉ trong vòng 3 năm trong khi thị trường nội địa chỉ tăng trưởng ở mức khiêm tốn là 38%.

Asiana hiện đang tìm kiếm một nhà đầu tư mới để thay thế cho cổ đông lớn nhất hiện tại là tập đoàn Kumho Industrial (Kumho dự định sẽ bán cả gói cổ phần của mình gồm các cổ phần tại Air Seoul và Air Busan cùng với 33% cổ phần tại Asiana).

T’way Air (TWB)

T’Way Air (티웨이항공) được thành lập lần đầu tiên vào năm 2005 dưới tên Hansung Airlines, sau đó đặt tên lại vào năm 2010. Hiện nay T’way là hãng bay giá rẻ lớn thứ 3 của Hàn Quốc trên thị trường quốc tế và lớn thứ 4 về tổng thể.

Năm 2018, T’way đã phục vụ 2.9 triệu khách bay nội địa và 4.2 khách bay quốc tế. Lưu lượng khách quốc tế của T’way đã tăng gấp bốn chỉ trong vòng 3 năm trong khi số khách nội địa chỉ tăng 12%.

Jeju Air (JJA)

Jeju Air (제주항공) được thành lập vào năm 2005 như một thương vụ đầu tư hợp tác giữa tập đoàn Aekyung và chính quyền đảo Jeju. Đây là hãng hàng không giá rẻ lâu đời nhất và cũng là lớn nhất của Hàn Quốc với 7.3 triệu khách quốc tế và 4.7 triệu khách nội địa vào năm 2018. Jeju Air tập trung chính vào phát triển thị trường quốc tế từ sau khi bắt đầu dịch vụ quốc tế vào năm 2009.

Jeju hiện chiếm giữ 15% thị trường nội địa và 9% thị trường quốc tế. Bên cạnh tuyến hoạt động vô cùng đắt khách là Gimpo-Jeju và các tuyến nội địa khác, Jeju Air còn sở hữu hơn 20 đường bay tới các quốc gia châu Á khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Philippines và Việt Nam.

Eastar Jet (ESR)

Eastar Jet (이스타 항공) được thành lập vào tháng 10/2017 và thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào năm 2009 trên tuyến Seoul – Jeju. Chỉ sáu tháng sau đó, chuyến bay quốc tế đầu tiên cũng được cất cánh từ Seoul tới Kuching, Malaysia.

Easter Jet hiện vận hành trên mạng lưới chuyên chở quốc tế với 14 điểm đến trên 8 quốc gia. Hãng đã phục vụ 3 triệu khách nội địa và 2.9 triệu khách quốc tế trong năm 2018. Lượng khách quốc tế đã tăng gấp đôi trong vòng 3 năm và khách nội địa tăng gần 50%, thể hiện chiến lược tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa so với các hãng hàng không giá rẻ khác.

XEM THÊM: Kỳ tích sông Hán và con đường phát triển kinh tế thần kỳ của Hàn Quốc

Tổng hợp từ CAPA

author-avatar

About Huong Tran

Làm việc tự do, sống và hưởng thụ từng ngày ý nghĩa trên mảnh đất vừa xa lạ vừa thân quen Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).