Trừ những lý do đặc biệt, hầu như toàn bộ nam giới Hàn Quốc đều phải đi nghĩa vụ quân sự. Hai năm rèn luyện ít hay nhiều đã để lại trong họ nhiều ký ức, đến nỗi khi đã giải ngũ, những câu chuyện trong quân đội vẫn rôm rả trên bàn rượu của cánh mày râu. Đến nỗi các cô gái phải thốt lên “Các anh có dừng nói chuyện quân đội được hay không?”

Vậy đàn ông Hàn Quốc nghĩ gì khi xem phim “D.P.”?

Một số cho rằng bộ phim như đang kể lại quá khứ quân ngũ của họ, một số không xem phim để ngăn ký ức đau buồn ập về, một số lại cho rằng “D.P.” thổi phồng quá mức nạn bạo lực trong quân ngũ.

Cựu binh Ma Joon Bin chia sẻ: “Trong ‘D.P.’ có cảnh họ ném giày vào binh sĩ, tôi đã từng bị như vậy. Giờ nhìn lại, tôi thấy điều này thật không công bằng, nhưng đấy là chuyện phổ biến hồi đó”.

Nam diễn viên Ha Seok Jin sau khi xem “D.P.” cũng chia sẻ lại những kỷ niệm đầy ám ảnh trong quân ngũ của mình trên kênh Youtube riêng. Anh kể mình đã phải tụt quần để kiểm tra gì đó mà chính bản thân mình cũng không được cho biết, đó là những giây phút nhục nhã mãi không thể quên.

Một cấp trên của anh nuôi chó, bắt cấp dưới phải giơ tay chào cả con chó của mình theo quân lệnh. Khi chó đẻ, trong bày có một con chó con chưa tự bú mẹ được, người cấp trên đó đã gọi Ha Seok Jin vào phòng, bắt lột áo rồi đổ sữa lên ngực anh để cho chó con liếm.

Seok Jin cay đắng kể lại, có những ngày bị đánh sưng phù mặt, mặc dù không phải phiên mình nhưng vẫn phải gác thay cho tiền bối, một cấp trên đi qua còn mắng anh “Xem ra ở trong quân đội sướng quá nên mặt béo phù như vậy à?”

Câu chuyện của Ha Seok Jin chưa kết thúc ở đó. Trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, nếu anh không nhớ hết mặt, thuộc hết biển số xe của cấp trên trong đơn vị thì ngay lập tức sẽ bị các tiền bối “dần cho nhừ tử”. “Giờ tôi vẫn còn vết sẹo ở chân, là do hồi đó bị đánh”, Ha Seok kể lại.

Nam diễn viên Jeong Sung Yoon cũng chia sẻ quãng thời gian nghĩa vụ đầy nhọc nhằn khi phải chạy việc cho phu nhân của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng.

Không chỉ người thường, các diễn viên, ngay cả các chính trị gia cũng lên tiếng sau khi xem “D.P.”.

Lee Jae Myung, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Đồng hành cầm quyền, gọi những câu chuyện trong phim là “lịch sử man rợ” của quân đội Hàn Quốc.

Hong Joon Pyo, ứng viên tổng thống của đảng Hàn Quốc Tự do Đối lập, cho biết ông từng bị đối xử tàn tệ trong thời gian tại ngũ và cam kết sẽ chuyển chính sách nghĩa vụ quân sự bắt buộc sang tình nguyện nhập ngũ nếu được bầu.

Những sự việc ngày xưa được coi là “sự vô lý đương nhiên”, nay dần dần đã được đưa ra ánh sáng. Công chúng bắt đầu lắng nghe tiếng nói của những binh sĩ với thái độ thành tâm hơn trước.

Nhưng liệu quân đội Hàn Quốc có khả năng thay đổi không?

“요즘 군대 많이 좋아졌대. 걱정 마”
“Dạo này quân đội tốt hơn rất nhiều rồi. Đừng lo lắng!”

Đó là câu người ta hay an ủi những thanh niên trẻ trước khi nhập ngũ.

Từ năm 2019, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã cho phép binh sĩ sử dụng điện thoại di động trong doanh trại. Tòa án Tối cao Hàn Quốc năm 2018 ra phán quyết rằng một số người có thể từ chối nhập ngũ với lý do điều này trái đạo lý. Quốc hội Hàn Quốc năm 2020 thông qua dự luật cho phép các ngôi sao K-Pop hoãn nghĩa vụ quân sự cho tới khi họ 30 tuổi.

Đúng là từ khi được sử dụng điện thoại, các binh sĩ Hàn Quốc đã không còn chỉ biết nín nhịn âm thầm như trước. Đầu năm 2021, dư luận Hàn Quốc phẫn nộ khi xem những hình ảnh binh sĩ chia sẻ về suất ăn trong doanh trại. “Tôi tham gia huấn luyện tăng cường trong 1 tuần thì 5 bữa chỉ ăn cơm với kimchi”.

Năm 2021, sau một loạt những bê bối về bữa ăn nghèo nàn, nạn quấy rối tình dục, tổng tống Moon Jae In chỉ trích quân đội Hàn Quốc đã đánh mất lòng tin của người dân, yêu cầu quân đội tự chỉnh đốn lại tổ chức, thay đổi suy nghĩ để lấy lại niềm tin trong lòng dân chúng.

Kim Heon Sik, người từng tham gia truy lùng binh sĩ đào ngũ cũng bày tỏ ý kiến: “Nếu không thay đổi tận gốc văn hoá quân ngũ thì trước sau đều sẽ nảy sinh vấn đề, dưới cách này hay cách khác”.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).