“Zainichi” (在日韓国人・在日本朝鮮人・朝鮮人 / 조선계 일본인) là cụm từ dùng để gọi tên cộng đồng người Hàn di cư đến Nhật Bản trong thời kỳ Triều Tiên thuộc Nhật (1910 – 1945), và chọn ở lại kể cả sau khi Nhật bại trận trong thế chiến II.

Nhiều năm trôi qua, khi mối quan hệ song phương giữa hai nước dần được củng cố, cộng đồng Zainichi phần lớn chia thành 2 nhóm: nhóm người có thường trú nhân Nhật Bản, đồng thời sở hữu quốc tịch và hộ chiếu Hàn Quốc & nhóm người quyết định chọn không có quốc tịch hay quốc tịch thay thế, được gọi là Chosen-seki (tiếng Nhật là 朝鮮籍, tiếng Hàn là 조선적).

Gần 7 thập kỷ trôi qua kể từ khi chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc, song trên nhiều phương diện, cộng đồng người Hàn sinh sống ở Nhật Bản vẫn “đứng bên lề xã hội”.

Hơn ai hết, họ đã và đang nỗ lực đấu tranh từng ngày để sự tồn tại của cả cộng đồng được nhìn nhận một cách khách quan hơn, cũng như nhận được sự đối xử bình đẳng hơn từ chính phủ Nhật Bản.

Kiên định trước sự phân biệt đối xử

Trong thời kỳ Nhật thuộc, tất cả những người thuộc cộng đồng Zainichi đều mang quốc tịch Nhật Bản. Sau khi Hàn Quốc được giải phóng vào năm 1945, những người chọn ở lại bị gán cho thân phận “Chosen”.

Chosen là phiên âm La-tinh cách đọc từ Joseon (조선 – Triều Tiên) của người Nhật. Đó là vương triều phong kiến cuối cùng, và cũng là triều đại nắm quyền lâu nhất lịch sử Hàn Quốc, kéo dài gần năm thế kỷ cho đến khi sụp đổ vào đầu những năm 1900.

Vào thời điểm đó, Chosen trong tiếng Nhật đề cập toàn bộ bán đảo Hàn Quốc. Người Hàn thuộc cộng đồng Zainichi chính thức mất quyền công dân Nhật Bản khi Hiệp ước San Francisco có hiệu lực vào tháng 4/1952.

Theo Bộ Tư pháp Nhật Bản, tính đến tháng 6/2017 có khoảng 30.000 người Chosen-seki trong cộng đồng Zainichi. Trong khi đó, hơn 535.870 người khác cũng thuộc cộng đồng này nhưng đã có quốc tịch Hàn Quốc.

Trước tình hình số lượng ngày càng giảm đi, người Chosen-seki phải đối mặt với nhiều sự bất tiện và phân biệt đối xử trong cuộc sống hàng ngày hơn.

Sinh ra và lớn lên ở Nhật Bản, người Chosen-seki thông thạo tiếng Nhật như người bản xứ. Mặc dù vẫn có thể xuất ngoại nhờ được cấp giấy tờ du lịch tạm thời, song họ gặp nhiều trở ngại do tự động bị xem là người Bắc Hàn, hoặc đối tượng đáng ngờ vì không có quốc tịch.

Ryang Sun Hee – thế hệ thứ 4 của cộng đồng Zainichi với thân phận Chosen-seki chia sẻ, “Bất cứ khi nào đến sân bay để đi nước ngoài, chúng tôi cũng đều bị triệu tập đến một phòng kín, bị buộc mở vali để khám xét.”

Kim Yun Ok – một người Chosen-seki khác kể thêm, “Chúng tôi có nghĩa vụ phải ký giấy đảm bảo rằng chúng tôi không liên quan đến bất kỳ chương trình hay kế hoạch vũ khí hạt nhân nào trong suốt chuyến đi.”

Bên cạnh những thủ tục rườm rà khi xuất ngoại, người Chosen-seki còn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử vô hình, những luật lệ bất thành văn trong cuộc sống hàng ngày.

Chẳng hạn như một số công ty ở Nhật chủ trương không thuê nhân viên là người Chosen-seki, đây là một trong những lý do chính khiến nhiều người quyết tâm lấy quốc tịch Hàn Quốc.

Ngoài ra, cộng đồng Zainichi nói chung cũng gặp khó khăn trong việc thuê nhà, khi một số chủ nhà làm khó bằng cách yêu cầu phải có người bảo lãnh là người Nhật, hoặc đơn giản là từ chối thẳng thừng ngay từ đầu.

Thậm chí, Kim Song Rang – một người Zainichi cho biết cô bị sốc khi bị từ chối hiến máu tại một trung tâm y tế ở Nhật, nhân viên của trung tâm này thẳng thừng với cô rằng họ không cần máu của người Zainichi.

Trường học Joseon ở Nhật Bản

Khi chiến tranh liên Triều kết thúc bằng Hiệp định Đình chiến, bán đảo Hàn không còn là một quốc gia thống nhất, nơi mà cộng đồng Zainichi có thể gọi là Tổ quốc. Kể từ đó, họ đã nỗ lực dể duy trì di sản văn hoá dân tộc, xây dựng cộng đồng vững mạnh và thành lập các ngôi trường Joseon để cung cấp giáo dục mang bản sắc dân tộc cho con em mình.

Chính Bắc Hàn đã từng hỗ trợ cộng đồng Zainichi rất nhiều khi đời sống của họ lâm vào khó khăn. Năm 1957, Bình Nhưỡng đã viện trợ 120 triệu JPY (đồng Yên của Nhật, khoảng 1,12 triệu USD), số tiền có giá trị tương đương 17 triệu USD ngày nay, để xây dựng trường học cho con em người Joseon ở Nhật.

Tất cả các học sinh theo học tại trường trước khi tốt nghiệp đều có cơ hội được tham quan Bình Nhưỡng, núi Baekdusan và những di tích lịch sử trong chuyến đi thực tế đến Bắc Hàn. Có lẽ vì lí do này mà mặc dù 90% cộng đồng Zainichi đều xuất thân từ Nam Hàn, điển hình là Jeju, song họ vẫn cảm thấy gần gũi với Bắc Hàn hơn.

70 năm trước, cảnh sát Nhật Bản từng xộc vào các trường Joseon và giết người vô tội vạ hòng mục đích khiến các ngôi trường này bị đóng cửa. Ngày nay, dù tội ác dã man đó đã đi vào dĩ vãng, tàn dư của sự phân biệt đối xử của người Nhật dành cho hệ thống trường Joseon vẫn còn hiện hữu rõ nét.

Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ học phí cho tất cả học sinh trung học, nhưng không bao gồm học sinh theo học tại các trường Joseon. Trong khi đó, học phí tại các trường Joseon không hề rẻ, trung bình khoảng 400.000KRW/tháng.

Luật pháp Nhật cũng không công nhận bằng tốt nghiệp từ trường Joseon và theo đó, những học sinh của trường cũng không đủ điều kiện để tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học chính thống.

Tuy nhiên, họ có thể tiếp tục học lên trường đại học trong hệ thống trường Joseon, hoặc nhập học theo quy chế tuyển sinh riêng thực hiện bởi các trường đại học Nhật Bản.

Nhiều người Zainichi có quốc tịch Hàn Quốc vẫn chọn theo học tại trường Joseon vì họ ít có cơ hội được giáo dục về di sản dân tộc trong các trường học Nhật Bản hoặc trường do Hàn Quốc mở ở Nhật.

Có bốn trường học do chính phủ Hàn Quốc tài trợ tại Nhật Bản, chủ yếu ở các thành phố lớn như Tokyo và Osaka. Trong khi đó, có khoảng 8000 học sinh đang theo học tại 64 trường Joseon, bao gồm các cấp từ tiểu học đến đại học trên toàn quốc.

Các trường Joseon đã đóng một vai trò trung tâm trong việc thống nhất cộng đồng Zainichi về mặt tư tưởng và tổ chức.

Hệ thống trường Joseon được tài trợ và nhận các sách hướng dẫn cũng như sách giáo khoa từ Chongryon (Tổng hội Liên hiệp người Joseon tại Nhật Bản) ngay từ những ngày đầu, và gần đây đã bắt đầu nhận tài trợ bổ sung từ các tổ chức phi chính phủ Hàn Quốc.

Giấc mơ về một bán đảo Hàn thống nhất của cộng đồng Zainichi

Khi được hỏi về nguyện vọng thống nhất, đa số người thuộc cộng đồng Zainichi cho rằng đó là một mục tiêu mà bán đảo Hàn cần hướng đến và thực hiện được.

Người Zainichi không thích bị gọi là người Nam Hàn, hay Bắc Hàn. Trong thâm tâm, họ chỉ cho rằng quê hương của mình ở bán đảo Hàn, và họ là những người con thuộc dân tộc Hàn.

Nhiều người Chosen-seki tuyên bố không muốn sở hữu quốc tịch Hàn Quốc cho đến ngày bán đảo Hàn thống nhất.

Cần phải nói rõ rằng, quê hương của người Chosen-seki nói riêng và cộng đồng Zainichi nói chung không phải ở Bắc Hàn.

Nhiều người trong số họ luôn ao ước được một lần trở về thăm quê hương của ông bà tổ tiên, chủ yếu nằm ở Hàn Quốc.

Dù vậy, với tư cách là những người con xa xứ với trái tim luôn hướng về cội nguồn, cộng đồng Zainichi luôn mơ đến ngày hai miền Nam Bắc Triều thống nhất để họ có thể có một quê cha đất tổ duy nhất đúng nghĩa.

Không chỉ cộng đồng người gốc Hàn có thân phận không được thừa nhận trên đất Nhật Bản. Trên chính quê hương Hàn Quốc, cộng đồng người gốc Joseon cũng không được thừa nhận, những người đến từ Tộc Joseon ở Trung Quốc.

Tổng hợp từ Korea Times

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).