Trong lịch sử cận đại, Rhee Syng Man (이승만), hay Lee Seung Man, là tổng thống đầu tiên của Đại Hàn Dân Quốc. Đồng thời cũng là tổng thống đầu tiên và duy nhất tính đến nay có một cuộc “hôn nhân quốc tế”.

Trước khi kết hôn

Rhee Syng Man sinh năm 1875. Ông là con trai thứ ba của Lee Kyung Sun, thuộc gia đình hoàng tộc của triều đại Joseon. Năm ông 16 tuổi, theo sự sắp đặt hôn sự của cha mẹ, ông kết hôn với một người phụ nữ Hàn Quốc họ Park, lớn hơn ông 2 tuổi.

Sau 3 năm, bà Park hạ sinh một người con trai. Không may, sau đó người con trai mắc bệnh thương hàn và mất tại bệnh viện thành phố Philadelphia. Sau cái chết bất ngờ của người con trai, cặp vợ chồng bắt đầu có những rạn nứt, mâu thuẫn dẫn đến ly hôn.

Francesca Doner, sinh năm 1900, gốc Đức, sinh ra ở Áo và lớn lên ở Vienna. Bà là con gái thứ 3 trong gia đình kinh doanh giàu có. Để kế thừa công việc kinh doanh của gia đình, bà từng có thời gian du học tại Scotland, học tiếng Anh và lấy chứng chỉ phiên dịch quốc tế.

Bà có ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Đức, thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và là bậc thầy về tốc ký. Năm 1920, bà kết hôn với một vận động viên đua xe nhưng ly dị sau 3 năm chung sống.

Cuộc gặp định mệnh và câu chuyện tình yêu của Rhee và Doner

Tháng 2/1933, Francesca Doner đi cùng mẹ trong một chuyến du lịch. Trong hành trình từ Paris, Pháp đến Thụy Sĩ, hai mẹ con bà đã lưu lại khách sạn Luxie bên hồ Leman. Nhà hàng trong khách sạn Luxie là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ tình cờ lần đầu tiên giữa Rhee Syng Man và Francesca Doner.

Vào thời điểm đó, nhiều người từ khắp nơi trên thế giới đến nhà hàng trong khách sạn Luxie để tham dự hội nghị Liên minh các quốc gia nên các bàn đều kín chỗ. Rhee Syng Man được sắp xếp ngồi chung bàn với mẹ con Francesca Doner và bà đã mở lời bắt chuyện với ông trước.

– Francesca Doner: Ngài đến từ đâu vậy?
– Rhee Syng Man: Tôi đến từ Hàn Quốc.
– Francesca Doner: Ồ, đó có phải nơi có dãy núi Geumgang (금강산) và những nhà quý tộc (양반) không?

Sau này trong nhật ký, bà đã thổ lộ rằng: “Tôi bị trúng tiếng sét ái tình ngay những giây đầu tiên nhìn thấy Rhee Syng Man. Tôi cảm thấy một sức hút thần bí tỏa ra từ người đàn ông phương Đông đó”.

Francesca Doner bị trúng tiếng sét ái tình ngay mấy giây đầu tiên khi nhìn thấy Rhee Syng Man.

Lúc bấy giờ, Rhee Syng Man đang gấp gáp tổ chức vận động kêu gọi độc lập cho Hàn Quốc trong cuộc họp báo với đại diện nhiều nước cùng các nhà báo từ khắp nơi trên thế giới.

Ngày hôm sau, Francesca xem ảnh và các bài phỏng vấn trên báo của nhà cách mạng người Hàn Rhee Syng Man. Bà đã cắt những mẩu báo liên quan đến buổi phỏng vấn của ông và gửi đến phòng khách sạn ông ở. Để đáp lễ, ông đã hẹn bà uống trà đàm đạo.

Chuyện tình của hai người đã bắt đầu như thế. Thời điểm đó, Rhee Syng Man 58 tuổi, còn Francesca 34 tuổi. Hai người chêch lệch đến 25 tuổi, một khoảng cách quá lớn. Ngoài ra, hai người lại đến từ hai nền văn hóa Âu – Á hoàn toàn khác biệt.

Khi thấy con gái yêu một chính trị gia tị nạn Châu Á có tuổi, mẹ của Francesca không hài lòng và quyết định kết thúc sớm chuyến du lịch để trở về Vienna, Áo.

Nhưng mối nhân duyên giữa hai người không kết thúc dang dở ở đó. Mũi tên của thần Cupid đã bắn trúng tim Francesca. Bà tiếp tục trao đổi thư từ qua lại với Rhee Syng Man ở Geneva.

Đầu tháng 7/1933, Rhee Syng Man được cấp visa sang Áo. Hai người đã có cuộc tái ngộ định mệnh tại Áo. Càng gặp gỡ và thấu hiểu lý tưởng giải phóng dân tộc của ông, Francesca càng yêu say đắm và ngưỡng mộ nhà cách mạng Hàn Quốc.

Khi Rhee Syng Man cầu hôn Francesca trong khu rừng của biệt thự Hermes, bà đã nhận lời cầu hôn không chút do dự. Sau 1 năm 3 tháng tìm hiểu, năm 1934, hai người đã tổ chức hôn lễ tại một khách sạn ở New York, Mỹ.

Khi đó, Rhee Syng Man đã 59 tuổi, bằng tuổi người cha đã mất của Francesca. Cuộc hôn nhân vấp phải sự phản đối kịch liệt từ gia đình Francesca và những người đồng chí của Rhee Syng Man. Nhưng vượt lên rào cản tuổi tác, biên giới, bất chấp sự phản đối của hai bên, đám cưới của hai người vẫn diễn ra.

Hình ảnh chuyến trăng mật của Rhee Syng Man và Francesca Doner.

Lúc đó, ông chỉ là một nhà hoạt động cách mạng nghèo khó. Mọi chi phí đám cưới đều do bà chi trả, kể cả nhẫn cưới. Bà đã giấu gia đình vì lo lắng mẹ và chị gái sẽ ngất khi biết việc này. Món quà duy nhất bà nhận được từ ông chỉ là một viên ngọc trai của đảo Jeju, to cỡ một hạt đỗ xanh.

Phải chăng tình yêu đích thực sẽ có sức mạnh chiến thắng tất cả?

Cuộc sống hôn nhân

Sau đám cưới, Francesca chính thức trở thành vợ của một nhà hoạt động cách mạng nghèo. Bà thấu hiểu và dung hòa những nét khác biệt trong văn hóa Á – Âu. Bà chấp nhận việc đàn ông Hàn Quốc thời đó không bao giờ vào bếp.

Bà cũng học tiếng Hàn, mặc hanbok và biết cách muối kim chi như những người phụ nữ Hàn Quốc khác. Tuy nhiên, bà không sống đơn thuần như một phụ nữ nội trợ. Bà dạy trẻ nhỏ học đàn piano.

Đồng thời, nhờ thành thạo nhiều ngôn ngữ, bà hỗ trợ đắc lực cho chồng với vai trò như một thư ký đánh máy các tài liệu ngoại giao theo đúng chính tả tiếng Anh cho chồng.

Bà không chỉ là vợ mà còn như một người đồng chí, luôn sát cánh và hỗ trợ Rhee Syng Man. Khi Rhee Syng Man nhậm chức tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, Francesca Doner chính thức trở thành phu nhân tổng thống Hàn Quốc đầu tiên. Bà được đánh giá là một đệ nhất phu nhân xinh đẹp với cách cư xử tinh tế và khả năng ngoại ngữ xuất sắc.

Tình yêu đích thực vượt lên trên mọi rào cản

Những năm cuối đời, khi ông bị truất quyền tổng thống, phải chuyển đến Hawaii và lâm trọng bệnh, bà cũng luôn ở bên ân cần chăm sóc. Sau khi ông qua đời vào năm 1965, bà trở về quê hương Vienna, Áo trong 5 năm.

Hai người không sinh con nhưng có một người con trai nuôi. Đến năm 1970, bà trở lại Hàn Quốc và sống 22 năm tại đây cùng gia đình con trai nuôi cho đến khi mất ở tuổi 92.

Bà chăm sóc ông những ngày ông lâm trọng bệnh.

Di nguyện cuối cùng của bà là được an táng cùng quyển kinh thánh và lá cờ thái cực mà tổng thống Rhee Syng Man đã sử dụng trong thời kì cách mạng.

Bà muốn ôm vào lòng những kỷ vật của ông và nằm xuống mãi mãi trên mảnh đất Hàn Quốc, nơi đất khách quê người đối với bà. Điều đó chứng tỏ tình yêu bà dành cho tổng thống Rhee Syng Man mãnh liệt biết bao.

Còn tình yêu của ông dành cho bà được gửi gắm trong một khúc ca xúc động, do ông tự viết lời tặng bà dựa trên bài hát truyền thống Arirang nổi tiếng của Hàn Quốc:

Arirang, Arirang, Arirang, ta băng qua ngọn đồi.
Có bao vì sao trên trời cao và bao ưu tư trong tim ta.
Arirang, Arirang, Arirang, ta băng qua ngọn đồi.
Chỉ thoáng lướt qua nàng nhưng dù chết đi sống lại ta cũng không quên được nàng.

아리랑 아리랑 아라리요, 아리랑 고개를 넘어간다.
청천하늘엔 별들도 많고, 우리네 가슴속엔 시름도 많다.
아리랑 아리랑 아라리요, 아리랑 고개를 넘어간다.
오다가다 만난 님이지만 살아서나 죽어서나 못 잊겠네.

XEM THÊM: Mối tình lãng mạn từ thời sinh viên của tổng thống Moon Jae In

author-avatar

About Hà Ly Hương

Gặp gỡ Hàn Quốc chỉ như một cuộc dạo chơi. Nhưng một mối nhân duyên đặc biệt đã mang đến cho tôi tình yêu đích thực, khiến tôi gắn bó và yêu mến mảnh đất này.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).