Vấn đề “đi làm sớm để kiếm tiền” hay “tiếp tục sự nghiệp học tiếng Hàn” luôn là chủ đề được đưa ra bàn luận với nhiều ý kiến đa dạng khiến người trong cuộc là “các cô dâu đa văn hóa” đều phải cân nhắc rất nhiều.

Đây là hiện tượng phổ biến ở các gia đình đa văn hóa tại Hàn Quốc nói chung cũng như gia đình đa văn hóa Hàn – Việt nói riêng.

Một cách tổng quát, phần lớn các cô dâu Việt Nam sang Hàn Quốc đều có ước mơ đổi đời, bởi các cô dâu, phần lớn đều xuất thân từ những gia đình có thu nhập trung bình, tại Việt Nam họ đã từng phải trải qua một cuộc sống khá vất vả.

Có rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra bàn luận về “lý do lấy chồng Hàn”, nhưng đây là lựa chọn riêng của mỗi một cá nhân, không ai có tư cách để “chỉ trích” hay “phê phán” họ. Đối với họ, ngày rời quê hương bước chân sang đất nước Hàn Quốc là một quyết định không hề dễ dàng và đầy rẫy những thử thách đang chờ đón.

Bất kì cô dâu Việt Nam nào, khi mới sang Hàn Quốc đều mang một số tâm lý chung thôi thúc họ hướng đến quyết định “đi làm để kiếm tiền sớm”. Đơn giản là nếu đi làm, họ sẽ có một khoản lương kha khá (so với mức lương tại Việt Nam) giúp cho họ tự do trong kinh tế, giúp đỡ gia đình tại Việt Nam theo ý nguyện mà không cần phụ thuộc vào chồng.

Tuy lấy chồng khá sớm khi phần lớn lần đầu sang Hàn Quốc đều ở độ tuổi 20 ~ 30, cô dâu Việt nào cũng cần gây dựng nên một nền tảng vững chắc để có thể sinh sống tại Hàn.

Rất nhiều người trong số các cô dâu Việt chọn cách đi làm, kiếm tiền sớm để có được cảm giác “an toàn” về tài chính tại nơi xứ người. Ngược lại, rất nhiều cô dâu lại chọn cách “tiếp tục sự nghiệp học tiếng Hàn” để có được một cuộc sống “không bất tiện bởi rào cản ngôn ngữ”, nhanh chóng thích nghi với văn hóa nhà chồng.

Một gia đình đa văn hóa Việt – Hàn.

Kiếm tiền sớm và học tiếng Hàn là hai việc dường như không thể duy trì song song cùng một lúc và không thể “hoàn mĩ” được.

Một cô dâu Việt hiện đang nuôi con tại nhà và làm thêm công việc bán hàng online – lựa chọn của khá nhiều cô dâu đang trong thời kỳ bỉm sữa đã tâm sự rằng: “Mình vừa bán hàng online tại nhà và trông con, một tuần có 3 buổi học lớp hội nhập xã hội (사회통합프로그램). Thời gian đầu, miệt mài đi học và rất chịu khó học từ mới, nhưng do tin nhắn mua hàng đến nhiều nên phải xem điện thoại thường xuyên khiến mất tập trung.

Về đến nhà, phải đóng hàng gửi cho khách và chăm em bé, chuẩn bị cơm cho chồng… nên việc ôn lại kiến thức học ở lớp rất khó. Dần dần, nhiệt huyết học tiếng Hàn càng giảm và lần trước thi thiếu điểm, không thể lên lớp.”

Nếu không ở vị trí của các cô dâu Việt, chúng ta sẽ không biết “lý do” tại sao họ lại mong muốn đi làm sớm khi họ được người chồng Hàn Quốc lo liệu giúp. Có một vài lý do rất hiện thực mà người ngoài cuộc không biết.

Đạo làm con của người Việt

Cuộc sống Ở Hàn Quốc không đẹp như trong phim, nhưng lại là môi trường hoàn thiện hơn Việt Nam rất nhiều. Dù được hưởng một cuộc sống tốt hơn Việt Nam, nhưng các cô dâu Việt luôn hướng tới gia đình, đặc biệt là thời gian đầu mới sang Hàn Quốc.

Với mức lương cơ bản 1.500.000KRW (khoảng 29.000.000VND) – một số tiền rất lớn đối với nhiều người ở Việt Nam, sẽ giúp gia đình họ có một cuộc sống ổn định hơn rất nhiều.

Thêm nữa, một số tâm lý chung của gia đình có con gái lấy chồng nước ngoài là sẽ được “nhờ vả”, không phải là số đông nhưng cũng vì một phía bên gia đình Việt Nam gây áp lực. Đặc biệt, vào các dịp lễ tết các cô dâu Việt lại có những tình huống “dở khóc dở cười” vì mác “Việt Kiều” của mình.

Kinh tế gia đình tại Hàn “lao đao” khiến họ “lao đao” đi tìm việc

Ngày đầu sang Hàn, chắc hẳn các cô dâu Việt sẽ “sốc” khi biết kinh tế gia đình nhà chồng tại Hàn cũng không thuộc mức “khá khẩm” trong xã hội. Với vốn tiếng Hàn giới hạn, họ càng ngày càng cảm nhận được sự “khó khăn, vất vả” mà người chồng Hàn Quốc đang phải gánh trên vai.

Theo điều tra của Bộ Phụ nữ và Gia đình Hàn Quốc (여성가족부) trong nhiều năm, phần lớn các gia đình đa văn hóa đều có mức thu nhập không ổn định – thuộc đối tượng gia đình trung bình thấp. Do đó, một số cô dâu Việt chọn cách đi làm để giải quyết vấn đề “sinh kế” trước mắt.

Một số cô dâu khác cho rằng do chồng không chu cấp tiền tiêu hàng tháng dẫn đến việc muốn tự lập kinh tế và thoát khỏi cái tiếng “ăn bám chồng” mà có những người ác khẩu trong cộng đồng gán cho. Đối với cô dâu này, “tiền” là sự “giải thoát” cũng như “nâng tầm” nhanh nhất vị trí một người phụ nữ trong gia đình.

Nhu cầu đi làm để có tiền chi tiêu cho sinh hoạt cũng đã dẫn đến những trường hợp đau lòng.

Cô dâu Việt và ý chí tự lập kinh tế

Có vô vàn lý do để chúng ta muốn kiếm tiền. Xã hội văn minh và suy nghĩ cũng như tầm nhìn của phụ nữ thế hệ mới càng được mở rộng.

Khoảng 10 năm về trước, rất nhiều cô dâu Việt chỉ biết hy sinh cho gia đình con cái, trông chờ vào đồng lương của chồng. Chỉ khi con lớn, họ mới bắt đầu đi làm kiếm tiền. Sự thay đổi rõ rệt mà chúng ta cần phải công nhận đó là những cô dâu Việt giờ đây “hiện đại hơn” rất nhiều, trong cách nghĩ.

Cô dâu Việt Nam làm trong quán phở Việt Nam Ở Hàn Quốc.

Trước khi sang Hàn Quốc, cô dâu Việt được trang bị vốn tiếng Hàn cơ bản nhất trong đời sống thường ngày. Nên dù mới sang Hàn, ý chí làm chủ bản thân khá cao so với những thế hệ trước đây. Họ vẫn đang làm tròn nghĩa vụ của người vợ, người mẹ nhưng ý chí “tự lập kinh tế” lúc nào cũng “ngùn ngụt” trong suy nghĩ của các cô dâu.

Một số muốn “khẳng định” bản thân trong gia đình cũng như ngoài xã hội, nhu cầu này càng lên cao khi quyền bình đẳng được đề cập ngày một nhiều trên toàn thế giới.

Theo đó, các cô dâu Việt cũng mạnh mẽ cách gây dựng kinh tế cho riêng mình. Ví dụ: bán hàng online, làm thêm quán tiện ích, làm thêm dọn dẹp quán ăn Hàn Quốc, lấy nguyên liệu về làm thêm tại nhà… Qua đây cho thấy họ đang cố gắng rất nhiều.

Chính sách của Hàn Quốc đứng về phía cô dâu

Một trong những chính sách hỗ trợ của chính phủ là chế độ giúp đỡ xin việc làm cho các cô dâu đa văn hóa. Thông qua chế độ này, khá nhiều cô dâu đang rất “yên tâm” tìm việc làm phù hợp với mình. Dù không thông thạo tiếng Hàn, họ vẫn có thể tìm cho mình một vị trí nào đó trong xã hội.

Hội chợ việc làm giúp đỡ phụ nữ gia đình đa văn hóa tìm việc làm.

Tâm lý “tiếng Hàn khó”, học tiếng Hàn mất nhiều thời gian, “thích học lúc nào cũng được”

Việc học tiếng Hàn đối với cô dâu đa văn hóa cũng được coi là một “sự nghiệp”. Nhiều cô dâu từ bỏ sự nghiệp học tiếng Hàn vì “tiếng Hàn quá khó”. Cũng có thể do mất gốc, trong quá trình học không tập trung… các cô dâu Việt không còn hứng thú với việc học.

Tuy nhiên, có một sự thật chúng ta cần biết: Tiếng Hàn dễ học hơn tiếng Việt rất nhiều. Sự nỗ lực cố gắng sẽ hóa giải được tâm lý “tiếng Hàn khó” một cách dễ dàng.

Hơn nữ học bất kỳ ngôn ngữ nào cũng cần thời gian mới có thể cảm nhận được sự tiến bộ của bản thân. Thay vì suy nghĩ tính toán “đến bao giờ” mới thạo tiếng Hàn, chúng ta nên nghĩ ” học tiếng Hàn để làm gì” thì sẽ có động lực hơn.

Nếu đang ở Hàn, có rất nhiều lớp học tiếng Hàn miễn phí để các cô dâu học. Tâm lý “học miễn phí” khiến một số cô dâu nhầm lẫn sang việc “học lúc nào cũng được”.

Tình trạng các lớp học tiếng Hàn tại gia đình đa văn hóa là điển hình rõ rệt nhất. Hiện tượng thường xuyên nghỉ học, đi học muộn, bỏ học giữa chừng để đi làm là một trong số rất nhiều lý do mà các cô dâu Việt không thể tham gia học thường xuyên.

Một lớp học tiếng Hàn tại trung tâm đa văn hóa.

Dù với lý do gì, những cô dâu Việt chọn cách “đi làm sớm để kiếm tiền” sau những năm tháng làm việc miệt mài lại thổ lộ những tâm tư, đôi khi là “hối hận” vì đã đi làm sớm. Họ đã khá thất vọng về bản thân khi không nhận định rõ được sự quan trọng của tiếng Hàn và không có “tầm nhìn xa trông rộng” trong suy nghĩ. Rốt cuộc, tại sao họ lại “hối hận” khi đã lựa chọn cách “đi làm sớm để kiếm tiền”?

Đi làm sẽ làm mai một tiếng Hàn

Một hiện thực mà tất cả các cô dâu Việt Nam nên được biết đó là: Đi làm sẽ khiến năng lực tiếng Hàn “giậm chân tại chỗ” nếu không muốn nói là “tệ đi”.

Khi hăng say làm việc và được nhận những đồng lương do chính đôi tay mình làm ra, cô dâu Việt cảm kích và nhầm lẫn rằng những đồng lương này sẽ giúp họ có tất cả.

Tuy nhiên, họ lại mất đi sự “hòa hợp” cùng gia đình mới của mình thông qua ngôn ngữ. Bằng chứng là rất nhiều người chồng Hàn Quốc đã phàn nàn:

” Vợ là cỗ máy làm việc”
“Tôi rất khó khăn trong việc thể hiện tình cảm của mình để cô ấy biết, vì cô ấy không hiểu tôi nói”
“Chúng tôi đã đến với nhau 10 năm, nhưng không khác gì người ngoài sống chung một nhà”
“Những đứa con của tôi chúng cần nói chuyện với mẹ nhiều hơn nữa nhưng vợ tôi lại….”

Đứng ở vị trí một người vợ, cô dâu Việt cũng không tránh khỏi sự “bất tiện” trong cuộc sống hàng ngày, lúc nào cũng canh cánh cảm giác có lỗi khi không thể nào nói chuyện với con như những người mẹ khác, trừ việc tìm đến thông biên dịch hoặc “nói tiếng Hàn bằng cảm tính” để các con nghe.

Tình trạng không “chuyện trò” giữa vợ chồng cũng là nguyên nhân khiến gia đình đổ vỡ.

Việc không thông thạo tiếng Hàn còn gây ra nhiều hệ lụy như: Con chậm nói, nói tiếng Hàn không chuẩn, mẹ không thể kiểm tra bài cho con, không tự viết sổ liên lạc được, thường xuyên bỏ lỡ các thông báo từ nhà trường, con em bị cô lập ở trường học do mẹ là phụ nữ di trú kết hôn “không biết nói tiếng Hàn”, quan hệ vợ chồng – mẹ con luôn bị bức tường “ngôn ngữ” chặn lại…

Hãy cân nhắc giữa 2 lựa chọn

Vấn đề sinh nhai không phải là vấn đề của riêng ai. Và cũng không ai có quyền bắt ép các cô dâu Việt phải học tiếng Hàn thật giỏi. Đứng trước lựa chọn có thể thay đổi những ngày tháng sau này của cuộc đời, những cô dâu Việt Nam cần “sáng suốt” hơn cho lựa chọn của mình vì việc cải thiện và bồi đắp năng lực tiếng Hàn không những giúp cho cuộc sống giảm “bất tiện” mà còn đưa các cô dâu Việt đến với cơ hội được làm việc chuyên nghiệp hơn. Qua đây, tiềm năng hoạt động kinh tế xã hội cũng được khẳng định.

Một cô dâu Việt tâm sự: “Khi bắt đầu quyết định lấy chồng Hàn, tôi đã phải cố gắng để học tiếng Hàn. Mục đích là để nói chuyện với chồng, muốn kể những điều tốt đẹp về quê hương Việt Nam.

Sang Hàn được 1 năm, tôi đã rất vui khi được người Hàn khen nói tiếng Hàn tốt. Sau đó, một người Hàn đã tìm đến tôi nhờ tôi dịch một bức thư tiếng Việt sang tiếng Hàn. Tôi đã giúp họ nhiệt tình và nhận được số tiền công hậu hĩnh. Tôi không nghĩ, tôi có thể kiếm tiền từ việc này. Và từ đó tôi đã quyết định học thêm để trở thành thông biên dịch tiếng Hàn – Việt.

Đó là tôi của 12 năm trước. Tôi của bây giờ ư? Tôi đang làm công việc thông biên dịch tại gia đình đa văn hóa với mức lương ổn định. Tôi có thể dạy tiếng Việt cho người Hàn. Tôi có thể kể văn hóa Việt Nam trong những tiết học đa văn hóa tại trường cấp 1. Tôi đã vượt qua “giới hạn ngôn ngữ” và đang có một cuộc sống bình an.”

Cô dâu Việt dạy văn hóa Việt Nam tại trường mẫu giáo.

Trên đây là ví dụ về một trong những câu chuyện “thành công” của cô dâu Việt trên đất Hàn. Nếu biết tiếng Hàn, cô dâu Việt có cơ hội tham gia các lớp đào tạo nghề miễn phí, hơn hết sẽ có thể thực hiện những việc mình muốn làm hơn là phải làm các công việc chân tay.

Cô dâu Việt thành công với thương hiệu phở Miss SaiGon tại Hàn Quốc.

Chính phủ Hàn Quốc đã và đang tạo rất nhiều cơ hội cho các cô dâu gia đình đa văn hóa. Chế độ học miễn phí, hướng dẫn xin việc làm, chương trình dạy nghề… Sẽ giúp cho các cô dâu có một chỗ đứng vững trãi trong xã hội.

Học tiếng Hàn không có nghĩa là không kiếm được tiền, chỉ là thách thức sự kiên nhẫn của bạn. Vượt qua ngưỡng cửa thách thức, cô dâu Việt sẽ thu được không ít thành công trên đất Hàn.

XEM THÊM:

author-avatar

About Nguyễn Vân

Hàn Quốc sẽ thật đẹp khi biết trân trọng vùng đất này. Sự khác nhau về ngôn ngữ, văn hoá sẽ cho chúng ta những trải nghiệm thú vị.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).