Câu chuyện về cuộc truy lùng lính đào ngũ trong phim “D.P.” đã khiến khán giả nhiều quốc gia tò mò về đội quân D.P của Hàn Quốc. Liệu đội quân này có thật ngoài đời hay không?

“D.P.” là viết tắt của “Deserter Pursuit”_, trong tiếng Hàn là 헌병 군무이탈체포조 – Đội quân truy bắt lính đào ngũ.

Môi trường làm việc “béo bở”

Trên thực tế, biệt đội này thực sự tồn tại trong quân đội Hàn Quốc, còn có một tên khác trong tiếng Hàn là “체포전담조”, tức là đội bắt giữ, là tên gọi thường chỉ xuất hiện trong các cơ quan cảnh sát.

Ngày xưa, những tổ chức mang tên “Đội bắt giữ” này thường hoạt động bí mật và mục đích để bắt giữ những cá nhân phản động.

Hiện nay trong quân đội Hàn Quốc có khoảng 100 binh sĩ D.P được tuyển chọn đặc biệt, hoạt động theo đội 2 người, cải trang giống như người bình thường, để tóc dài, sử dụng điện thoại trong thời gian làm nhiệm vụ bên ngoài.

Kim Jin Ho (tầm 34 tuổi), một cựu binh từng đầu quân trong D.P cuối những năm 2000 chia sẻ lại: “Vì được để tóc dài, mặc thường phục và đi lại tự do bên ngoài nên có nhiều binh sĩ thích công việc này.”

Jin Ho In, một cựu D.P khác cũng cho biết: “Tuỳ theo tính chất của từng đơn vị, nhưng đúng là có nhiều người lợi dụng công việc để ăn chơi, theo ngôn ngữ của chúng tôi là ‘hút mật’.

Kinh nghiệm truy tìm dấu viết

Việc truy tìm lính đào ngũ cũng giống như quá trình thám tử truy đuổi tội phạm trong phim. Ban đầu phải xác định được động cơ, phương thức đào ngũ, sau đó vạch ra lộ trình mà lính đào ngũ có khả năng di chuyển: về gặp gia đình, bạn gái, bạn bè hay những địa điểm ưa thích trước đây.

Lee Sun Hyuk, một D.P kể lại một lần làm nghiệp vụ, đã phải lùng sục từ Bắc tới Nam để truy tìm tung tích một lính đào ngũ. “Anh ta học ở tỉnh Jeolla nhưng địa chỉ thường trú ở Seoul, bạn gái lại đang ở Gyeongnam, Changwon, đơn vị đang làm nghĩa vụ ở tỉnh Gangwon.” Sau khi đi đến hết các địa điểm này, D.P mới phát hiện anh ta đang trốn trong nhà bạn gái ở Changwon.

Lính đào ngũ thường chọn quán nét (PC bang) hoặc phòng xông hơi công cộng (Jjimjilbang) để ẩn náu, đây đều là những nơi có tiện ích công cộng, giá tiền vừa phải, nhiều người qua lại nhưng không lo bị để ý hay dò xét.

Lính đào ngũ cũng không bị treo thẻ hay sổ tiết kiệm, vì đây là “thủ thuật” dụ dỗ họ tiêu tiền, để lộ ra dấu vết di chuyển. Khi “con mồi” rút tiền mặt hoặc dùng IP truy cập mạng, vị trí của anh ta sẽ ngay lập tức được thông báo cho bộ phận điều tra.

Hình phạt với lính đào ngũ

Có ba hình thức đào ngũ: đào ngũ không trở lại (không trở lại sau kỳ nghỉ phép), đào ngũ tại địa phương (rời doanh trại mà không có vũ khí), và đào ngũ có vũ trang (rời doanh trại mang theo vũ khí).

Trường hợp đào ngũ mang theo vũ khí bị xử nặng nhất. Các mức xử phạt bao gồm: tử hình, tù chung thân, phạt tù từ 1 đến 10 năm. Nếu làm sáng tỏ được động cơ đào ngũ thì có thể chỉ bị án treo hoặc quản chế trong đơn vị.

Phổ biến hay không phổ biến?

Những người lính D.P cũng xác nhận, đúng là có nhiều hình thức ăn hiếp, tra tấn giống như trong phim, ví dụ như bắt tân binh phải học thuộc những bảng số không liên quan đến nghiệp vụ, bắt tân binh ngáy to khi ngủ phải đeo mặt nạ phòng độc rồi đổ nước vào, bắt tân binh phải ăn đờm, bắt cởi quần lót để đốt lông trên cơ thể hoặc bắt họ phải thực hiện hành vi “thủ dâm” để làm trò vui cho các tiền bối.

Ngược lại, cũng có lính D.P lại phản bác “Đơn vị chúng tôi không đến nỗi khắc nghiệt như vậy. Tình hình của mỗi đơn vị là khác nhau.”

Các cựu binh D.P cũng cho biết, số vụ đào ngũ ngày càng ít đi, có chăng chỉ là lính được nghỉ phép rồi không chịu trở lại quân ngũ, trường hợp này không bị xử lý hình sự mà chịu kỷ luật theo chế độ riêng trong quân đội. Theo thống kê, số vụ lính đào ngũ đã giảm từ 472 vụ năm 2014 xuống còn 115 vụ năm 2019.

Một D.P khác kể lại, có những lính đào ngũ phải mai phục, truy đuổi hàng mấy năm ròng rã, đến khi bắt được thì cả đơn vị sẽ như có lễ hội, D.P sẽ được thưởng bằng một kỳ nghỉ phép dài ngày.

Cũng đừng quên rằng bộ phim “D.P.” đã được chuyển thể lại từ bộ truyện tranh trực tuyến “D.P Dog Day” của nhà văn Kim Bo Tong, phát hành vào năm 2015. Tác giả Kim Bo Tong cũng chính là một lính D.P nên những câu chuyện ông kể lại đều dựa trên trải nghiệm thực tế của chính ông.

Kim Bo Tong chia sẻ: “Tôi đã dành cả cuộc đời quân ngũ của mình để chứng kiến những người lính đào ngũ vì không chịu nổi sự tra tấn, ức hiếp trong quân đội; tôi cũng đã mục kích những tai nạn kinh hoàng được báo lại từ Cục điều tra. Có thể những câu chuyện này không phổ biến với ai đó, nhưng nó lại là sự việc xảy ra hàng ngày với một số người. Tôi chọn những câu chuyện cực đoan để giới thiệu, với mong muốn nó sẽ không bao giờ còn tái diễn nữa.”

Quân đội Hàn Quốc vào đầu tháng 9/2021 đã tuyên bố dẹp bỏ đội quân D.P từ ngày 1/7/2022. Khi được hỏi quyết định này có phải do sức ảnh hưởng từ phim “D.P.” hay không, một quan chức quân sự phủ nhận và cho biết, quyết định này đã được đưa ra trong quá trình soạn thảo luật về toà án quân sự năm 2018.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).