Loại trái cây hiện đang vào mùa “hot” nhất ở Hàn Quốc không thể không gọi tên quả dâu tây.

Nếu đã thử ăn một lần, dù là người kén chọn nhất cũng khó khước từ những quả dâu ngọt lành, vốn là một trong những đặc sản đáng tự hào của người Hàn Quốc được xuất khẩu sang nhiều nước khác.

Những trái dâu tây Hàn Quốc thường khá to, mọng nước, có vị chua chua ngòn ngọt và hương thơm rõ rệt hơn so với người anh em được trồng ở các nước xứ nóng.

Dâu tây không những ngon mà chúng còn có rất nhiều lợi ích đối với sức khoẻ như làm đẹp da, giảm căng thẳng và mệt mỏi. Thế nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi dâu tây có xuất xứ từ đâu, rửa dâu, ăn dâu như thế nào mới là đúng cách chưa? Hãy cùng nghe dâu tây tự “bật mí” bí mật của chúng nhé.

1. Quê hương của dâu tây

Theo nhiều tài liệu ghi chép, dâu tây có nguồn gốc ở tận châu Mỹ xa xôi. Tuy nhiên, đến thế kỷ 18, chúng được các nhà làm vườn châu Âu cho lai tạo thành giống dâu tây được trồng rộng rãi khắp thế giới hiện nay.

Dâu tây vườn (Fragaria ananassa) – loại dâu đỏ ta thường thấy ngày nay, được phát triển ở Hàn Lan và trồng lần đầu ở Pháp vào năm 1750.

2. Du nhập vào Hàn Quốc

Hiện không có tài liệu ghi chép mô tả chính xác con đường du nhập của loại trái cây này vào Hàn Quốc. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng có thể dâu tây đã được đưa vào Hàn Quốc trong thời kỳ Nhật trị trên bán đảo Hàn, đầu thế kỷ 20.

Ở Nhật, dâu tây lần đầu được “ra mắt” trước toàn dân vào cuối thế kỷ 19 thông qua người phương Tây.

Tại Hàn Quốc, các giống dâu nước ngoài đa dạng bắt đầu du nhập vào nước từ năm 1917. Đến năm 1970, giống dâu tây được phát triển trong nước lần đầu được đưa vào trồng trọt, và hiện chiếm 70% sản lượng dâu ở Hàn Quốc.

3. Dâu tây bạch tuyết

Dâu tây không chỉ có màu đỏ mọng mà còn có cả loại màu trắng, với tên gọi “pineberry”, dâu tây dứa, hoặc dâu tây bạch tuyết.

Được phát hiện bởi những người nông dân Hà Lan vào đầu những năm 2000, loại quả mọc hoang ở Nam Mỹ với hương thơm đặc trưng vị trái dứa nhanh chóng được nhân giống sản xuất ở châu Âu.

Dâu tây bạch tuyết cũng sớm du nhập vào Nhật và được phát triển để trở thành đặc sản đáng tự hào của đất nước mặt trời mọc.

Dù đắt hơn gấp đôi so với dâu tây thông thường, hương vị và màu sắc độc đáo của dâu tây bạch tuyết đã khiến chúng trở thành món quà trái cây cao cấp được ưu chuộng.

4. Bạn đã biết ăn dâu đúng cách?

Nếu bạn là một tín đồ hảo ngọt và mê mẩn món dâu ướp đường, đây sẽ là một tin không mấy vui vẻ đối với bạn: các chuyên gia dinh dưỡng không khuyến khích chúng ta ướp dâu với đường trước khi ăn!

Không chỉ vì tiêu thụ quá nhiều đường sẽ gây hại đến sức khoẻ, mà bởi vì thêm đường vào dâu còn làm giảm các thành phần dinh dưỡng. Đường làm hao hụt rất nhiều vitamin B1, axit malic và axit citric trong dâu, làm giảm hiệu quả dinh dưỡng và ngăn không cho cơ thể chúng ta hấp thụ dưỡng chất từ quả dâu tây.

5. Dâu tây chứa Vitamin C gấp 10 lần so với táo

Cùng một khối lượng quả, dâu tây chứa lượng vitamin C gấp 1.5 lần so với quýt, 2 lần so với chanh và gấp 10 lần so với táo.

Chỉ cần ăn 6 quả dâu tây là bạn đã tự cung cấp đủ lượng vitamin C thiết yếu trong ngày. Tuy nhiên, do thành phần dinh dưỡng của dâu tây rất đa dạng, Hiệp hội Dinh dưỡng Hàn Quốc khuyên rằng nên ăn khoảng 10 quả/lần, ngày 2 lần là tốt nhất.

6. Dâu tây mùa nào là ngon nhất?

Vốn dĩ đúng mùa của dâu tây là mùa xuân. Nhưng thời điểm mà dâu có hương vị ngon nhất lại rơi vào mùa đông.

Ở Hàn Quốc, nhu cầu mặt hàng dâu tây trong mùa đông thường cao hơn so với các mùa còn lại trong năm. Lý do là dâu tây được sản xuất trong những tháng mùa đông có nhiệt độ thấp sẽ cho ra chất lượng tốt hơn và hương vị thơm ngon hơn nhiều.

Khi được trồng ở nhiệt độ thấp, sau khi hoa nở, phải mất 60 đến 70 ngày để chờ đến thời điểm thu hoạch dâu.

Nhờ thời gian được chăm sóc dài mà dâu càng tích luỹ nhiều chất dinh dưỡng, kích thước cũng to hơn, thịt quả mọng và ngọt hơn. Nhiệt độ lạnh cũng làm chậm quá trình hô hấp của cây vào ban đêm, nhờ đó hạn chế việc chất dinh dưỡng bị mất đi.

7. Rửa dâu tây đúng cách

Dâu tây nên được rửa nhanh dưới vòi nước đang chảy chứ không nên ngâm trong nước. Vitamin C là loại vitamin dễ tan trong nước, do đó ngâm rửa dâu hơn 30 giây có thể gây “thất thoát” lượng vitamin C dồi dào chứa trong quả.

Dâu sau khi mua về nên để nguyên trái, cho vào rổ lưới rồi rửa dưới vòi nước sạch qua 3 – 4 lượt nước, sau đó để ráo, ngắt cuống dâu là dùng được ngay.

8. Bí mật thú vị của dâu tây

Nhiều người vẫn nghĩ rằng phần hạt nhỏ trên bề mặt dâu tây là hạt của quả. Trên thực tế, phần này không phải là hạt, mà mới là phần quả của trái dâu. Ngược lại, phần thịt dâu màu đỏ chúng ta vẫn ăn bấy lâu nay lại không được xem là quả, mà thực ra là phần cuối của thân cây (đế hoa dâu).

Tóm lại, phần hạt màu vàng mà chúng ta nhìn thấy mới là quả thật, còn phần thịt dâu màu đỏ được gọi là quả “giả”. Bên trong những quả thật của dâu tây vẫn có hạt có chức năng thụ phấn, sinh sản như bao loại quả khác.

Ở Việt Nam, dâu tây Hàn Quốc trong những năm gần đây rất được ưa chuộng vì hương vị thơm ngon và giàu dinh dưỡng. Dù giá cả có phần đắt đỏ, song điều đó lại vô tình khiến dâu Hàn Quốc trở thành món quà trái cây cao cấp dành tặng những người yêu thương.

Theo Tổng công ty phân phối thực phẩm nông thủy sản Hàn Quốc, lượng dâu tây xuất khẩu sang Việt Nam năm 2015 đạt 773kg. Tuy nhiên, khi dâu tây chính thức trở thành mặt hàng được xuất khẩu vào năm 2016, số lượng này đã tăng vụt lên 80.646kg cùng năm và đạt đến con số 291.311kg trong năm 2018. Năm 2019, sản lượng dâu xuất khẩu sang Việt Nam tiếp tục tăng gần gấp đôi, đạt 523.842kg.

Ở TP.HCM, bạn có thể dễ dàng tìm thấy dâu tây Hàn Quốc được bày bán ở Emart. Dâu tây cùng với lê, táo và nho xanh (giống Shine Muscat) trở thành “tứ đại trái cây Hàn Quốc” được ưa chuộng chọn làm quà trái cây cao cấp ở Việt Nam trong dịp tết 2020 vừa qua.

Một số món ăn và thức uống làm từ dâu tây rất được người Hàn yêu thích

Sinh tố dâu chuối:

– Nguyên liệu: 2 – 3 quả chuối, 15 quả dâu, mật ong, 180ml sữa, đá viên

– Cách làm:

  1. Cắt nhỏ chuối và dâu tây
  2. Cho hỗn hợp chuối, dâu đã cắt nhỏ, sữa, đá viên, mật ong(tuỳ theo sở thích) vào máy xay sinh tố và bắt đầu xay.
  3. Trút hỗn hợp ra ly và thưởng thức.

Strawberry Latte (sữa dâu) theo công thức của Hanse

– Nguyên liệu: 14 quả dâu tây, 60g đường, 200 ~ 400ml sữa.

– Cách làm:

  1. Dâu tây rửa sạch và để ráo nước, ngắt cuống dâu. Xẻ dâu làm đôi (8 trái), nghiền nhuyễn rồi cho thêm 60g đường vào, trộn đều hỗn hợp trên.
  2. Đun hỗn hợp dâu đường ở lửa nhỏ trong vòng 3~5 phút, liên tục dùng muỗng khuấy đều
  3. Trong khi chờ hỗn hợp nguội sau khi tắt bếp, cắt 6 quả dâu tây còn lại thành miếng nhỏ
  4. Lần lượt cho xi-rô mứt dâu đã nguội, dâu tây xắt nhỏ và sữa vào trong chai hoặc ly. Nếu muốn uống đậm đặc, bạn chỉ cần cho khoảng 200ml sữa.
  5. Lắc, khuấy đều và thưởng thức.

Bánh sandwich cuộn dâu tây và cream cheese

– Nguyên liệu: 3 lát bánh mì sandwich, 20 – 25g cream cheese (kem phô mai) hoặc phô mai ricotta, 9 quả dâu tây.

– Cách làm:

  1. Cắt bỏ viền bánh sandwich và cán mỏng bánh bằng cán bột gỗ.
  2. Phết cream cheese hoặc phô mai ricotta lên 1 mặt bánh.
  3. Cho 3 quả dâu tây lên mặt bánh vừa được phết phô mai và cuộn lại chặt tay.
  4. Cắt cuộn thành khoanh nhỏ
  5. Xiên các khoanh bằng xiên que nhỏ để cố định bánh tốt hơn.

Hãy cùng nghía qua series món nước mùa dâu của các thương hiệu chuỗi cà phê ở Hàn Quốc để cảm nhận rõ hơn tình yêu của người Hàn dành cho dâu tây

XEM THÊM: Hái dâu tây ở Hàn Quốc, trải nghiệm thú vị

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).