Đệ ngũ cộng hòa Hàn Quốc (대한민국 제5공화국), tức Nhà nước cộng hòa thứ 5, chỉ chính quyền Hàn Quốc trong giai đoạn từ tháng 3/1981 tới tháng 12/1987.

Có thể nói đây là một giai đoạn dù không dài nhưng chứng kiến nhiều biến động to lớn trong nước, đặc biệt về mặt chính trị, tạo dấu chấm hết cho một chế độ độc tài quân chủ đã kéo dài suốt hơn hai chục năm và mở ra một thời đại xã hội dân sự mới với thể chế dân chủ thực sự của Hàn Quốc như hiện tại.

Bối cảnh ra đời của nền cộng hòa thứ 5

Cuối tháng 10/1979, tổng thống Park Chung Hee (박정희) bị giám đốc Cục Tình báo Trung ương Hàn Quốc (KCIA) Kim Jae Kyu (김재규) ám sát, đẩy Hàn Quốc đi sâu hơn vào những bất ổn về mặt chính trị và xã hội.

Thủ tướng Choi Kyu Hah (최규하) trở thành tổng thống kế nhiệm, tuy nhiên chính phủ lâm thời của ông nhanh chóng bị thâu tóm toàn bộ quyền lực sau một cuộc đảo chính quân sự của thiếu tướng Chun Doo Hwan (전두환), đưa Hàn Quốc bước vào một chế độ độc tài quân sự mới.

Đệ ngũ cộng hòa 1981 – 1987, tiền đề của nền dân chủ hoàn toàn ở Hàn Quốc

Tương tự như Park Chung Hee, Chun Doo Hwan tiến hành nhiều biện pháp đàn áp thẳng tay đối với các đảng đối lập, báo chí và các phong trào dân chủ, điển hình là vụ thảm sát Gwangju đẫm máu vào tháng 5/1980 được cho là đã khiến hàng trăm người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương cũng như mất tích.

Đệ ngũ cộng hòa 1981 – 1987, tiền đề của nền dân chủ hoàn toàn ở Hàn Quốc
Đệ ngũ cộng hòa 1981 – 1987, tiền đề của nền dân chủ hoàn toàn ở Hàn Quốc

Tháng 8/1980, tướng Chun Doo Hwan chính thức lên làm tổng thống thứ 11 của Đại Hàn Dân Quốc sau một cuộc bầu cử chỉ có một ứng cử viên duy nhất. Kết hợp với việc bãi bỏ tất cả các đảng chính trị lâm thời, loại bỏ chính trị gia đối lập ra khỏi chính trường, thanh lọc công chức, nhà báo và công nhân trên diện rộng, chính quyền Chun Doo Hwan lập ra một đảng mới duy nhất lấy tên Đảng Công Lý Dân Chủ (민주저의당), sửa đổi Hiến pháp cho phép bầu cử tổng thống theo hình thức gián tiếp và cấm việc tái nhiệm kỳ bảy năm đối với chức vụ tổng thống.

Tháng 2/1981, Chun Doo Hwan tái đắc cử trở thành tổng thống thứ 12 của Hàn Quốc. Tháng 3/1981, Nhà nước Cộng hòa thứ 5 chính thức bắt đầu.

Đệ ngũ cộng hòa 1981 – 1987, tiền đề của nền dân chủ hoàn toàn ở Hàn Quốc

Đặc trưng của Đệ ngũ cộng hòa

Chính trị trong nước – Thắng lợi dân chủ hóa

Có thể nói một trong những đặc trưng lớn nhất của giai đoạn Đệ ngũ là sự phát triển mạnh mẽ của phong trào dân chủ hóa, tạo nền móng vững chắc cho một Cộng hòa đệ lục dân chủ và bền vững, kéo dài suốt hơn 30 tới thời điểm hiện tại.

Xã hội dân sự vốn bị đè nén dưới thời Park Chung Hee mặc dù vẫn chịu đàn áp quân sự ở thời Chun Doo Hwan nhưng đã được thôi thúc và không ngừng trỗi dậy, đặc biệt với sự dẫn đầu của giới tri thức trẻ ở các trường đại học.

Ngoài vụ thảm sát Gwangju vào 1980, một loạt các bê bối và tai nạn như vụ đánh bom của Bắc Hàn vào tháng 10/1983 tại Rangoon, Myanmar làm thiệt mạng hơn 20 thành viên chính phủ Hàn Quốc hay các bê bối liên quan đến người thân trong gia đình và cấp dưới của tổng thống Chun Doo Hwan đã làm suy yếu đáng kể sức mạnh và tính chính danh của chế độ. Chính quyền Chun Doo Hwan đã buộc phải mềm mỏng hơn, tạo điều kiện cho các trường đại học đạt được tự do hóa.

Đệ ngũ cộng hòa 1981 – 1987, tiền đề của nền dân chủ hoàn toàn ở Hàn Quốc

Giáo sư Lim Hyung Jin của trường Nhân văn thuộc trường Đại học tổng hợp Kyunghee phân tích: “Từ tháng 12 năm 1983, Chính phủ đã để các trường học được tự do. Cảnh sát thường trú giờ phải rút khỏi trường. Các sinh viên bị đuổi học được phép quay trở lại học. Lực lượng quân đội sinh viên bị giải tán và các hội sinh viên được khôi phục lại. Những giảng viên bị sa thải cũng được phép trở lại trường giảng dạy. Việc thực hiện tự do hóa trường học đã đánh dấu sự biến chuyển trong xã hội, và bắt đầu từ năm sau đó, tức là năm 1984, các hoạt động dân chủ đại học đã trở nên sôi nổi hơn.”

Bên cạnh đó, các phe phái đối lập với chính quyền Chun Doo Hwan cũng hoạt động mạnh mẽ trên chính trường. Năm 1985, Đảng Tân Hàn Dân Chủ (신한민주당) được thành lập, kế nhiệm vai trò hoạt động của Đảng Tân Dân Chủ trước đây.

Với sự tham gia của hai lãnh đạo nổi bật là Kim Dae Jung và Kim Young Sam, Tân Hàn Dân Chủ Đảng đã không ngừng thúc đẩy đòi hỏi quyền dân chủ sâu sắc hơn. Tại cuộc tổng tuyển cử lần thứ 12 năm 1985, Tân Hàn Dân Chủ Đảng giành thắng lợi lớn và trở thành đảng đối lập đáng gờm của Đảng Công lý Dân chủ với số phiếu bầu chỉ thấp hơn 6%.

Đệ ngũ cộng hòa 1981 – 1987, tiền đề của nền dân chủ hoàn toàn ở Hàn Quốc

Phong trào đầu tranh đòi dân chủ và quyền bỏ phiếu trực tiếp cũng ngày một dâng cao trong quần chúng nhân dân. Cảm thấy bất an, chính phủ tiếp tục đàn áp bằng vũ lực đối với các “phần tử cánh tả cực đoan”.

Đệ ngũ cộng hòa 1981 – 1987, tiền đề của nền dân chủ hoàn toàn ở Hàn Quốc
Đệ ngũ cộng hòa 1981 – 1987, tiền đề của nền dân chủ hoàn toàn ở Hàn Quốc

Tháng 1/1987, cái chết của sinh viên trường đại học quốc gia Seoul Park Yong Cheol (박종철) sau khi bị cảnh sát thẩm vấn đã trở thành ngòi nổ chính thức, thổi bùng ngọn lửa phẫn nộ trong lòng người dân. Tháng 4/1987, Tổng thống Chun Doo Hwan có bài phát biểu tuyên bố chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm sau khi hết nhiệm kỳ.

Đệ ngũ cộng hòa 1981 – 1987, tiền đề của nền dân chủ hoàn toàn ở Hàn Quốc

Tuy nhiên, việc Chun Doo Hwan từ chối sửa đổi Hiến pháp về bầu cử gián tiếp đã khiến nhiều tầng lớp xã hội đồng loạt đứng lên phản đối. Phong trào đấu tranh đòi dân chủ lan rộng ra các tổ chức tôn giáo và công đoàn. Tiêu biểu nhất là Cuộc đấu tranh dân chủ tháng 6/1987 với gần 1,5 triệu người dân trên toàn quốc kéo nhau xuống đường biểu tình và hô vang đòi dân chủ đã trở thành lời tuyên bố đặt dấu chấm hết đối với chế độ độc tài kéo dài hơn hai chục năm, chính thức đưa Hàn Quốc trở thành một nước dân chủ thực sự.

Đệ ngũ cộng hòa 1981 – 1987, tiền đề của nền dân chủ hoàn toàn ở Hàn Quốc

Ngày 29/6/1987, Lãnh đạo đảng Dân chủ Công lý, ông Roh Tae Woo (노태우), tuyên bố hứa hẹn cải cách hiến pháp, thực hiện bầu cử trực tiếp và phóng thích những người bị bắt cũng như lãnh đạo đảng đối lập là Kim Dae Jung.

Tháng 12/1987, Roh Tae Woo trở thành tổng thống thứ 13 của Đại Hàn Dân Quốc với 36.6% phiếu bầu. Chỉ 3 ngày sau khi Roh nhậm chức, một Hiến pháp dân chủ và tự do mới được lập ra, đánh dấu bước chuyển giao quyền lực hòa bình lần đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc.

Nhà nước cộng hòa thứ 5 bị bãi bỏ, mở đầu một thời kỳ mới của Nhà nước cộng hòa thứ 6 (Đệ lục cộng hòa) vẫn được duy trì và phát triển cho tới thời điểm hiện tại.

Kinh tế – Sa sút và phục hồi

Với những bất ổn chính trị và xã hội từ cuối thời Park Chung Hee, Cộng hòa đệ ngũ trong nửa đầu thập niên 80 đã chứng kiến rất nhiều khó khăn về kinh tế. Nợ nước ngoài trở thành một vấn đề chính yếu sau những phát triển mạnh mẽ về kinh tế ở giai đoạn trước đó. Bê bối kinh tế Lee-Chang khiến hai hãng công nghiệp lớn phá sản. Sụt giảm giá dầu, đồng đô-la mất giá và lãi suất vay giảm cũng ảnh hưởng sâu sắc tới nền kinh tế Hàn Quốc.

Tới nửa sau thập kỷ 80, kinh tế Hàn Quốc bắt đầu hồi phục với sự phát triển mạnh của các ngành công nghệ cao như sản xuất điện tử và chất bán dẫn. Năm 1985, Hyundai Motors bắt đầu xuất khẩu hai mẫu xe Pony và Excel sang thị trường Mỹ, đánh dấu những bước chân đầu tiên của Hàn Quốc trên thị trường ôtô quốc tế. Tổng thu nhập quốc dân tăng nhanh chóng với mức phát triển kinh tế trung bình khoảng 10%. Năm 1987, bình quân thu nhập trên đầu người của Hàn Quốc vượt 3000 đô-la.

Các tập đoàn lớn vẫn không ngừng phát triển kể từ sau Cộng hòa đệ ngũ. Tổng đóng góp vào thu nhập quốc dân của 10 tập đoàn lớn nhất tăng từ 1/3 vào năm 1979 lên hơn 1/2 (54%) vào năm 1989.

Việc tự do hóa nhập khẩu cũng khiến các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi trên thị trường trở nên đa dạng hơn, đi kèm với thiệt hại nặng nề của các công ty nhỏ lẻ trước sức ép hàng nhập khẩu giá rẻ. Tuy nhiên, chính phủ vẫn đảm bảo một môi trường phát triển thuận lợi dành cho các công ty lớn.

Sự phân hóa xã hội và chênh lệch giàu nghèo dần mở rộng.

Quan hệ đối ngoại

Dưới ngọn cờ chống Cộng, mối quan hệ giữa Hàn Quốc với Hoa Kỳ và Nhật Bản được thắt chặt trong giai đoạn Cộng hòa đệ ngũ, thúc đẩy Liên minh tam giác Hàn-Nhật-Mỹ.

Tuy nhiên, các chính sách thân Mỹ của chính phủ lại làm dấy lên một khía cạnh chống Mỹ trong phong trào dân chủ của quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, tinh thần bài Nhật cũng dâng cao trong nước do các tranh cãi về văn hóa và chính trị, chủ yếu liên quan đến thời Nhật trị tại Triều Tiên cũ, như nội dung trong sách giáo khoa lịch sử Nhật Bản và hệ thống nhập cư dành cho người Hàn định cư tại Nhật.

Mối quan hệ với Bắc Hàn trong những năm đầu Cộng hòa đệ ngũ không có gì tiến triển. Mặc dù các kế hoạch thống nhất được đề ra nhưng được sử dụng chủ yếu vì mục đích tuyên truyền.

Đặc biệt vụ nổ bom của Bắc Hàn vào năm 1983 sát hại 21 thành viên chính phủ, bao gồm 4 chính khách cấp cao là bộ trưởng bộ ngoại giao Lee Beom Seok, bộ trưởng tài nguyên điện Suh Sang Chul, bộ trưởng hoạch định kinh tế kiêm phó thủ tướng Suh Suk Joon và bộ trưởng thương mại công nghiệp Kim Dong Whi đã khiến mối quan hệ hai miền càng thêm tiêu cực. Sự căng thẳng này chỉ được giảm bớt sau khi Bắc Hàn gửi nhiều viện trợ cho Hàn Quốc sau trận lũ lụt vào tháng 9/1984.

Năm 1985, tổng thống Chun Doo Hwan đề xuất một hội nghị thượng đỉnh Nam – Bắc Hàn tại Bình Nhưỡng nhưng sau đó đã được tổ chức tại Seoul vào tháng 9, đánh dấu một bước chuyển biến tích cực trong mối quan hệ hai nước. Tuy nhiên, vụ đánh bom của điệp viên Bắc Hàn vào máy bay của hãng hàng không Korea Air vào 29/11/1987 đã một lần nữa làm xấu đi mối quan hệ này.

Ngoài duy trì quan điểm thân Mỹ, nhà nước cộng hòa thứ 5 cũng thúc đẩy gắn kết quan hệ ngoại giao với các nước NATO nhằm phát triển mối quan hệ kinh tế với cộng đồng các nước châu Âu. Quan hệ ngoại giao giữa Hàn Quốc với các nước châu Phi và châu Á như UAE, Lebanon, Pakistan, Brunei và Bhutan cũng được thiết lập trong giai đoạn này.

Phim ảnh

Năm 2005, một bộ phim truyền hình gồm 41 tập có tựa đề Cộng hòa thứ 5 (제5공화국) đã được thực hiện và phát sóng trên đài truyền hình MBC, phác họa một giai đoạn đầy bất ổn về chính trị và xã hội trong lịch sử Hàn Quốc.

XEM THÊM: Kỳ tích sông Hán & những điều chưa biết về sự phát triển kinh tế thần kỳ của Hàn Quốc

author-avatar

About Huong Tran

Làm việc tự do, sống và hưởng thụ từng ngày ý nghĩa trên mảnh đất vừa xa lạ vừa thân quen Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).