Giao thừa là thời điểm chuyển tiếp giữa ngày cuối cùng của năm cũ sang ngày đầu tiên của năm mới. Đây là một trong những buổi lễ quan trọng trong tập quán, văn hóa nhiều dân tộc.

Giao Thừa (交承) có nghĩa là “Cũ giao lại, mới tiếp lấy – Lúc năm cũ qua, năm mới đến”. Đối với Tết Âm lịch, giao thừa là phút giây thiêng liêng lúc đêm 30 Tết, lúc này khí tiết chuyển sang lập xuân, chính thức bắt đầu năm mới.

Thời điểm đón năm mới đến không chỉ quan trọng trong văn hoá phương Đông mà cũng được người phương Tây coi trọng. Vào dịp này, nhiều quốc gia phương Tây và phương Đông thường tổ chức các lễ bắn pháo hoa hoặc các lễ hội khác để đón mừng năm mới vào đúng thời điểm 0 giờ 0 phút ngày 1 tháng 1.

Lễ cúng giao thừa của người Việt

Với người Việt Nam, giao thừa là phút giây thiêng liêng. Vào đêm 30 Tết, hay còn gọi là đêm trừ tịch, được coi là khoảng thời gian thiêng liêng nhất của năm khi các gia đình sum họp, chuẩn bị đón năm mới với những điều tốt lành sẽ đến và tiễn trừ năm cũ.

Trong đêm giao thừa, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị mâm cúng đặt lên ban thờ tổ tiên. Lễ cúng giao thừa thường được tiến hành vào giờ chính Tý, tức 12 giờ đêm 30 tháng Chạp.

Người Việt tin rằng, mỗi năm có các vị thần Hành binh, Hành khiển, Phán quan cai quản hạ giới khác nhau. Cứ hết một năm, vị Hành khiển cũ đã cai quản hạ giới trong năm cũ sẽ bàn giao công việc cho vị Hành khiển mới đi xuống cai quản hạ giới trong năm mới. Vì vậy, người dân làm lễ Trừ tịch với ý nghĩa để vị thần cũ giao lại công việc để thần mới tiếp nhận (trừ là trao lại chức quan, tịch là ban đêm).

Cúng giao thừa trong dân gian như là buổi tiệc để “tống cựu nghinh tân”, tiễn đưa những vị thần năm cũ và nghinh đón những vị thần mới. Xin các vị thần linh phù hộ cho gia đình một năm mới bình an, hạnh phúc.

Người ta tin rằng mọi điềm hay, dở xảy ra vào giây phút này có liên quan tới mọi sự hay, dở của tất cả thành viên gia đình trong năm mới.

Trong giây phút thiêng liêng ấy, mọi người đều quên đi tất cả những điều không hay trong năm cũ để hướng đến một năm mới may mắn, bình an.

Người Hàn – không ngủ trong đêm giao thừa

Trong tiếng Hàn, đêm giao thừa được gọi là 섣달 그믐. Theo phong tục từ xa xưa trên bán đảo Hàn Quốc, vào ngày này, nhà nhà sẽ bật đèn sáng trưng và mọi người cùng chơi các trò chơi cho đến tận sáng sớm ngày hôm sau. Có lời đồn là nếu ai ngủ trong đêm giao thừa thì lông mày sẽ bị bạc trắng.

Ngày xưa, người Hàn Quốc cũng cũng chú trọng vào việc “ăn Tết” hơn là “chơi Tết”. Ở nông thôn, nhiều nhà còn bày tiệc ăn uống linh đình từ tối giao thừa tới sáng ngày mùng một Tết.

Ngày nay thì phong tục thức trong đêm giao thừa đã bị mai một đi nhiều. Người ta chỉ kể lại cho nhau nghe về phong tục này rồi… đi ngủ như ngày thường để chuẩn bị làm lễ cúng tổ tiên vào sáng ngày hôm sau.

Các em nhỏ thường bị người lớn trêu bằng cách bôi bột trắng lên lông mày vì tội “dám ngủ gật” trong đêm giao thừa.

BẠN CÓ BIẾT: Hàn Quốc mất 100 năm để đòi lại Tết ta

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).