Năm 2006, việc đánh giá chỉ số quốc tế hoá trong xếp hạng đánh giá đại học được áp dụng lần đầu tiên ở Hàn Quốc. Thời điểm đó, số lượng sinh viên nước ngoài đến Hàn Quốc du học chỉ bằng 10% số lượng du học sinh người Hàn đang sinh sống ở các nước khác trên thế giới.

Để giải quyết những vấn đề phát sinh và tồn đọng do cánh cổng các trường đại học trong nước khi ấy chưa mấy rộng mở đón nhận người nước ngoài, chính phủ đã đưa vào áp dụng việc đánh giá chỉ số trên. Tiêu chí đánh giá chỉ số quốc tế hoá của 1 trường đại học bao gồm:

  1. Tỷ lệ giáo sư người nước ngoài
  2. Tỷ lệ sinh viên quốc tế đang theo học bằng cấp chính quy tại trường
  3. Tỷ lệ sinh viên quốc tế trao đổi tại trường
  4. Tỷ lệ sinh viên của trường được cử đi trao đổi ở nước ngoài
  5. Tỷ lệ đa dạng quốc tịch của sinh viên quốc tế

XEM THÊM: TOP 10 trường đại học đứng đầu Hàn Quốc 2019

Với việc đánh giá chỉ số quốc tế hoá được đưa vào thực hiện, số lượng sinh viên quốc tế ở các trường đại học Hàn Quốc tăng lên đáng kể. Không thể phủ nhận, chính sinh viên quốc tế là những người đã góp phần “giải quyết” các vấn đề, mối lo về tài chính cho nhà trường.

Mặc dù vậy, những năm gần đây các trường đại học Hàn Quốc lại đang “đau đầu” về vấn đề khác bắt nguồn từ sinh viên quốc tế: số lượng sinh viên người nước ngoài bỏ học, lưu trú bất hợp pháp ngày càng tăng.

Trong vòng 3 năm, số lượng du học sinh lưu trú bất hợp pháp đã tăng với mức độ chóng mặt, từ 4.294 người năm 2015 lên đến 12.529 người vào năm 2018. Tỷ lệ lưu trú bất hợp pháp của du học sinh nước ngoài ở Hàn Quốc năm 2018 là 14%. Theo thống kê của Bộ giáo dục, 63% trong số này có quốc tịch Việt Nam.

Kết quả cũng cho thấy có một sự tương quan giữa số lượng người Việt Nam đến Hàn Quốc theo dạng sinh viên học tiếng (Visa D4-1) ở các trường đại học gia tăng và vấn đề lưu trú bất hợp pháp.

Những khó khăn DHS thường gặp phải

Một trong những khó khăn lớn nhất của du học sinh khi theo học ở các trường đại học Hàn Quốc chính là việc theo kịp các lớp được tiến hành giảng dạy và học bằng 100% tiếng Hàn. Nhiều sinh viên phải “vật lộn” với thuật ngữ chuyên ngành và các từ ngoại lai mà giáo sư thường dùng trong khi giảng bài.

Một du học sinh Việt Nam đang theo học ngành truyền thông tại một trường đại học ở Seoul cho biết, “Dù cho có chăm chỉ đến đâu cũng khó lòng đạt thành tích tốt như sinh viên người Hàn.”

Du học sinh khác chia sẻ, “Nếu không theo học trường tiếng trước thì hoàn toàn không thể hiểu được nội dung bài giảng. Khi chia nhóm để làm bài tập với sinh viên người Hàn, những người này cũng chỉ tụ lại trò chuyện và bàn bạc về bài tập với nhau mà không đếm xỉa đến sinh viên nước ngoài.”

Mặc khác, nhiều du học sinh đã lên tiếng phàn nàn về việc các trường đại học Hàn Quốc chỉ tăng học phí áp dụng cho sinh viên quốc tế vì không thể tăng học phí của sinh viên trong nước.

Chẳng hạn, ở một trường đại học ở Seoul, mức học phí áp dụng cho sinh viên người Hàn là 3,5 triệu KRW/học kỳ. Trong khi đó du học sinh quốc tế theo học tại trường vốn đang đóng mức phí 3,8 triệu KRW/học kỳ, sau 1 năm con số này đã tăng hơn 4 triệu KRW. Do đó ở một số trường đại học, hội đồng du học sinh quốc tế đã được thành lập nhằm bàn bạc, thương thảo với nhà trường về mức học phí hợp lý cho sinh viên quốc tế.

Công tác hỗ trợ sinh viên quốc tế từ phía các trường đại học Hàn Quốc

Bộ Giáo dục Hàn Quốc đang triển khai hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục quốc tế (IEQAS) nhằm chứng nhận năng lực thu hút và quản lý sinh viên quốc tế của các trường đại học trong nước. Để trở thành một trường đại học được IEQAS công nhận, nhà trường phải thực hiện các biện pháp quản lý sinh viên để giảm số lượng sinh viên lưu trú bất hợp pháp.

Nếu được nằm trong danh sách của IEQAS, sinh viên quốc tế muốn theo học tại trường sẽ được hưởng lợi về việc xin cấp visa. Trong số các trường đại học hệ 4 năm ở Hàn Quốc, 107 trường được chứng nhận bởi IEQAS, trong số đó có 35 trường thuộc top có tỉ lệ sinh viên lưu trú bất hợp pháp dưới 1%.

Các trường đại học cũng đang tự nỗ lực trong việc đảm bảo chỉ số quốc tế hoá cũng như danh tiếng của nhà trường. Thay vì chỉ chăm chăm nhận sinh viên quốc tế hệ học tiếng, các trường bắt đầu tập trung vào chính sách thu hút và quản lý sinh viên người nước ngoài hệ chính quy.

Trường đại học Chung Ang với hệ thống tư vấn học thuật chuyên ngành (CAU Academic Advisory System) có thể được xem là điển hình cho các chính sách quản lý chất lượng sinh viên quốc tế.

Thông thường nếu sinh viên quốc tế không theo kịp chương trình học, bị tụt lại phía sau, chán nản và bỏ học giữa chừng, ngay lập tức sinh viên sẽ bị huỷ visa du học sinh và trở thành công dân lưu trú bất hợp pháp. Hệ thống tư vấn của trường đại học Chung Ang ra đời chính là để hỗ trợ, theo dõi việc học của sinh viên và ngăn chặn việc sinh viên bỏ học giữa chừng.

Phía nhà trường sẽ trích 10% tiền học phí của du học sinh chuyển về cho các khoa. Khoa sẽ dùng ngân sách này để chỉ định một đội ngũ gồm có giáo sư và trợ giảng thực hiện công tác hỗ trợ du học sinh quốc tế. Bên cạnh đó, trường cũng khuyến khích sinh viên Hàn Quốc và quốc tế kết nối với nhau thông qua các hoạt động gia sư, cố vấn, trao đổi ngôn ngữ nhằm hỗ trợ sinh viên quốc tế theo kịp tiến độ trên lớp.

Về phía các trường đại học ở Hàn Quốc, nếu nhà trường tăng cường các chính sách hỗ trợ, theo dõi và tư vấn việc học cho du học sinh, tỷ lệ bỏ học và lưu trú bất hợp pháp của đối tượng này sẽ có thể được giảm xuống. Việc trao đổi, giao lưu văn hoá với sinh viên người Hàn thường xuyên cũng sẽ giúp du học sinh có cảm giác gắn bó với trường hơn.

SỐC: ĐH Quốc gia Incheon đang truy tìm 164 DHS Việt Nam bỏ trốn bất hợp pháp chỉ sau 4 tháng nhập học

Tổng hợp từ 중앙일보

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).