Địa ngục Joseon có gì khi mà giới trẻ Hàn Quốc dường như là những người vô cùng may mắn và hạnh phúc?

Sinh ra trong một đất nước có nền dân chủ phát triển mạnh mẽ, trưởng thành trong niềm hãnh diện về một kỳ tích mang tầm vóc toàn cầu ở cả phương diện kinh tế lẫn chính trị, hưởng thụ cơ sở vật chất tiên tiến, chế độ phúc lợi xã hội đáng ghen tị, chất lượng cuộc sống cao cấp và không thể không nhắc tới ánh sáng lấp lánh đầy hào quang của K-Pop cùng làn sóng Hàn lưu.

Vậy nhưng, kết quả từ một cuộc khảo sát được công bố trong những ngày cuối cùng của năm 2019 đã cho thấy điều hoàn toàn ngược lại. Trong số 5.000 người trẻ Hàn Quốc ở độ tuổi 19 ~ 34 tham gia khảo sát, có tới 80% coi Hàn Quốc là một “địa ngục” và 75% muốn từ bỏ đất nước mình.

Giới trẻ ngày càng cảm thấy bi quan về cuộc sống hơn bao giờ hết, đặc biệt là phái nữ. Trung bình cứ 10 nữ giới thì có 8 người (79%) muốn thoát Hàn. Tỷ lệ này ở nam giới là 72%.

Dù mới chỉ ở những năm đầu xây dựng sự nghiệp, có hơn 30% số người trẻ tự cảm thấy bản thân là một thất bại và 85% tin rằng những người sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn hoàn toàn không thể cạnh tranh với những người sinh ra trong môi trường thuận lợi.

Trái ngược ở thế hệ trước đó (độ tuổi 35 – 59) gồm những người sinh ra và lớn lên trong công cuộc xây dựng đổi mới đất nước, đồng thời trải qua những thời điểm khó khăn của nhiều đợt khủng hoảng kinh tế, chỉ có khoảng 65% cảm thấy đất nước mình là một địa ngục và muốn rời đi.

Địa ngục Joseon

Hell Joseon (헬조선), tức Địa ngục Joseon (địa ngục Triều Tiên – mượn tên của triều đại Joseon thống nhất kéo dài hơn 500 năm trước khi bị Nhật Bản chiếm đóng và chia cắt sau chiến tranh hai miền), là một hình ảnh châm biếm xuất hiện từ năm 2009 nhưng trở nên đặc biệt phổ biến tại Hàn Quốc trong khoảng 4-5 năm đổ lại đây, ở giới trẻ.

Năm 2015, hình ảnh Địa ngục Joseon đã được @Yakawa_Miho phác họa qua một tấm bản đồ giả tưởng có tên “Bản đồ Bán đảo Lửa địa ngục”. Dù chỉ mang tính chất gây cười, tấm bản đồ này đã phần nào thể hiện được những khía cạnh cuộc đời của một người Hàn Quốc.

Bản đồ địa ngục Joseon.

Trên bản đồ, việc sinh ra tại đất nước này chẳng khác gì bước chân qua Cánh cửa địa ngục (출새의 문 = 헬게이트), ngay lập tức bị gông cùm trong một hệ thống ước định chặt chẽ quyết định số phận của cả một đời người. Đằng sau cánh cửa địa ngục là điểm tập trung của những Con người nô lệ (노예전조지).

Đi theo con đường Xã hội Nhân văn (문과), ngước lên phía xa sẽ thấy ở đỉnh cao là Ngai vàng của các Chính trị gia (정지인의 옥좌), dấn sâu hơn là Vũng lầy của kẻ thất nghiệp (백수의 웅덩이), xa thăm thẳm là Cứ điểm của giới công chức (공무원 거점).

Đi theo con đường Khoa học và Kỹ thuật (이과), mục tiêu lý tưởng là Thành trì của các tập đoàn lớn (대기업 성채) nhưng cũng có thể kết thúc của bạn sẽ là Sào huyệt của những Kẻ tự kinh doanh (자영업 소굴), Khu rừng Di dân (이민의 숲), Ngôi đền của Kiếp rán gà (치킨 사원) hoặc thê thảm hơn nữa là Công viên Tapgol (탑골공원), công viên nằm ở gần phố cổ Insadong ở thủ đô Seoul, nổi tiếng với hình ảnh những người già nghèo khổ tới giết thời gian hoặc ăn bữa trưa miễn phí từ các tổ chức thiện nguyện.

Dĩ nhiên, không phải ai cũng tiếp cận được với Kho vũ khí Thìa vàng (금수저 무기고) ở phía dưới bản đồ.

Ngoài Hell Joseon, một cụm từ sinh sau hiện cũng rất được giới trẻ ưa chuộng sử dụng đó là Tal-Jo (탈조) – tức Thoát Triều. Park Ji Na, một sinh viên đại học Seoul ở độ tuổi 20, trả lời Asia Times: “Chúng tôi nói đùa rằng Hàn Quốc là ‘Địa ngục Joseon’, nhưng cũng có một từ khác được dùng phổ biến hơn dạo gần đây đó là ‘Tal-Jo’ […] Chúng tôi chỉ nhắc tới nó trong các câu chuyện để đùa vui nhưng nếu có cơ hội được đi ra nước ngoài và làm việc, tôi sẽ đi.”

Một số ý kiến cho rằng đây không phải là tâm lý độc nhất chỉ có ở Hàn Quốc. Bae Hee Kyung, chủ một học viện gần Seoul, bày tỏ quan điểm: “Tôi nghĩ tất cả các nước giàu có đều có hiện tượng khủng hoảng tầng lớp trung lưu.”

Ở nhiều quốc gia phát triển, thời kỳ hậu công nghiệp hóa, tầng lớp trung lưu đều gặp phải tình trạng chất lượng sống giảm, cơ hội biến mất và bất bình đẳng giàu nghèo gia tăng.

Những xu hướng này xuất hiện trong bối cảnh toàn cầu hóa khi mà nguồn vốn và công việc dần được phân phối sang các nước kém phát triển hơn với lợi thế về nhân công giá rẻ.

XEM THÊM: Những ông bố ngỗng Hàn Quốc – Nai lưng kiếm tiền cho vợ con sống ở trời Tây

Hàn Quốc có gì khác biệt?

Với Hàn Quốc, sự chuyển dịch từ đói nghèo sang thịnh vượng chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn đến thần kỳ. Trong khi thế hệ trẻ từ khoảng giữa những năm 1960 tới giữa những năm 1990 có thể kỳ vọng vào nguồn công việc ổn định mang lại thu nhập tương đối cùng mức sống ngày càng tăng lên nhờ phát triển kinh tế thì thời thế hiện đã thay đổi.

Daniel Tudor, tác giả cuốn sách nổi tiếng Korea: The Impossible Country (tạm dịch: Hàn Quốc: Đất nước bất khả) bình luận: “Tại đây, nếu bạn nhìn vào thế hệ của cha mẹ mình, họ sở hữu ít của cải vật chất hơn nhưng họ có một hy vọng rằng sau mỗi năm, họ sẽ được trả nhiều hơn, họ có thể mua được nhà và giá cả sẽ đi lên, nhờ đó họ có thể có được cảm giác thành tựu và giàu có”.

Điều này không còn đúng cho thế hệ trẻ hiện tại vì hai lý do. Thứ nhất, nền kinh tế Hàn Quốc đã vào thời kỳ chín rộ, tăng trưởng bắt đầu chậm lại từ mức 2 con số xuống còn 1 con số.

Thứ hai, tình trạng lạm phát giáo dục khiến số công việc mới tạo sinh không thể đáp ứng được khối lượng lao động trình độ cao trong nước. Các tập đoàn lớn như Samsung, Hyundai và LG và thậm chí là các công ty cỡ trung bình đều có xu hướng mở rộng phát triển ra toàn cầu, tận dụng nguồn lao động giá rẻ và thị trường tiêu thụ ở các nước kém phát triển hơn thay vì trong nước.

Theo báo cáo mới nhất từ Ngân Hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK), tỷ lệ người lao động hiện đang làm các công việc nằm dưới năng lực trình độ đạt mức kỷ lục là 30%, cho thấy chi phí dành cho giáo dục bị lãng phí trầm trọng, đồng thời thể hiện một hiện trạng rằng Hàn Quốc có lẽ đã dần cạn kiệt nguồn công việc chất lượng cao.

Theo nghiên cứu của BOK, các sinh viên tốt nghiệp đại học được cho là “lao động phù hợp năng lực” khi làm việc tại các vị trí quản lý, chuyên gia và văn phòng. Tất cả các công việc khác đều được xếp vào dạng “lao động dưới trình độ (underemployment)”.

Tuy nhiên, có tới 57% người lao động có trình độ đại học tại Hàn Quốc hiện đang làm việc trong ngành dịch vụ và bán hàng, bên cạnh 12% làm việc tại các vị trí lao động bậc thấp.

Không chỉ về mặt kinh tế, giới trẻ Hàn cũng có cảm nhận mạnh mẽ về bất bình đẳng xã hội. Một báo cáo năm 2016 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy Hàn Quốc là quốc gia có tình trạng bất bình đẳng thu nhập tồi tệ nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương khi một nửa dân số chỉ sở hữu vỏn vẹn 2% tài sản quốc gia.

Trong một đất nước mang nặng tư tưởng Khổng giáo, giáo dục được coi là chìa khóa đi tới thành công. Dù vậy, hệ thống giáo dục đại học và chế độ tuyển sinh hiện tại đã thể hiện nhiều bất cập khi càng góp phần làm gia tăng khoảng cách giữa tầng lớp thượng lưu và bình dân.

“Tầng lớp đặc quyền có rất nhiều tiền và dùng tiền đó để vào được các trường đại học (danh giá), như vậy cuộc sống của họ được đảm bảo. Cho dù có cố gắng thế nào chăng nữa, chúng tôi thậm chí còn không biết liệu có khả năng mua được một căn nhà hay không – Tôi không biết chúng tôi sẽ sống ra sao trong tương lai!”.

Lee Byung Hoon, giáo sư xã hội học tại trường đại học Chung Ang, giải thích: “Một cách khách quan thì Hàn Quốc vẫn tốt hơn nhiều quốc gia khác. Nhưng người Hàn Quốc cảm thấy bất mãn bởi sự bất bình đẳng về cơ hội. Họ cảm thấy sân chơi không công bằng ngay từ đầu và nỗ lực của họ không được đền đáp xứng đáng.”

Một cảnh trong bộ phim điện ảnh Ký Sinh Trùng, phản ánh mặt tối của xã hội Hàn Quốc - Địa ngục Joseon.

Những áp lực cạnh tranh từ thủa nhỏ để vào được trường đại học tốt, để có một công việc tốt ổn định và để được thăng tiến trong sự nghiệp cũng khiến nhiều người trẻ mệt mỏi.

“Tôi thức dậy vào khoảng 5 rưỡi sáng, đi làm và về nhà vào 11 giờ đêm. Vào các cuối tuần, tôi qua mệt mỏi, chỉ ngủ hoặc làm việc mà mình chưa hoàn thành trong tuần.” Park Guen Young, 35 tuổi, trả lời Korea Herald. “Tôi cảm thấy như ở đây mình không có cuộc sống.”

Với Park, người đã sống ở Úc hai năm, lựa chọn còn lại chính là rời khỏi đất nước và tìm kiếm cơ hội nơi khác. “Tôi biết cuộc sống ở nước ngoài không hoàn hảo nhưng ít nhất tôi nghĩ sự cân bằng công việc – cuộc sống sẽ được cải thiện và tôi có thể tận hưởng hiện tại hơn”, cô nói.

Đi về đâu?

Với tỷ lệ tự sát cao thứ 2 thế giới và đứng đầu trong số các nước OECD, tỷ lệ sinh rơi xuống mức báo động, tỷ lệ giới trẻ không kết hôn và từ bỏ mối quan hệ yêu đương không ngừng tăng cao, hẳn không ai có thể phủ nhận những thực tế nặng nề đang diễn ra trong xã hội Hàn Quốc.

Tuy nhiên, Tal-Jo – thoát Hàn – chỉ là một xu hướng ngôn ngữ thể hiện nhu cầu của giới trẻ, đây không thể và cũng sẽ không bao giờ là một giải pháp. Ở khía cạnh cực đoan, đã có người nói rằng: “Điều tuyệt nhất đối với người Hàn Quốc đó là không sinh ra ở địa ngục Joseon, điều tuyệt vời thứ hai chính là chết càng sớm càng tốt.”

Đây là một nhận định rất đáng buồn bởi việc đánh mất nhu cầu cá nhân như một phương thức né tránh hiện thực, tự coi nhẹ giá trị bản thân khi so sánh với tầng lớp đặc quyền, đồng thời không ngừng phóng đại nỗi tức giận và thất vọng trong cộng đồng rất có thể sẽ mang lại tác dụng ngược, ngày càng làm tăng cường cảm giác bất an và mất hy vọng ở giới trẻ.

Chế độ kinh tế xã hội từng phát triển rực rỡ trong nhiều thập kỷ trước đây có thể đã lỗi thời, nhận thức văn hóa cùng truyền thống cạnh tranh, so sánh và đề cao quá mức vai trò của bằng cấp cũng dần bộc lộ nhiều khuyết điểm.

Bên cạnh những nỗ lực của chính phủ nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm thiểu bất công và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, có lẽ người trẻ Hàn Quốc cùng cần nhận thức một điều rằng nếu thế hệ cha ông họ có thể tay không làm nên điều thần kỳ kinh tế, chính trị thì chính họ cũng đang nắm trong tay một cơ hội để tạo ra điều thần kỳ mới về văn hóa tinh thần.

Trong khát vọng thoát khỏi địa ngục Joseon, mong họ sẽ không quên mất rằng thiên đường hóa địa ngục Joseon cũng là một lựa chọn.

XEM THÊM: Tộc Joseon – Những người mang dòng máu Triều Tiên lay lắt thân phận nhập cư trên quê cha đất tổ

author-avatar

About Huong Tran

Làm việc tự do, sống và hưởng thụ từng ngày ý nghĩa trên mảnh đất vừa xa lạ vừa thân quen Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).