Đối với đại đa số chúng ta, thời thơ ấu luôn chứa đựng những ký ức tươi đẹp nhất, trong trẻo nhất. Dù sau này đã trưởng thành, bận rộn trăm bề với cuộc sống mưu sinh cơm áo gạo tiền, chúng ta cũng không tránh khỏi phút giây xao xuyến, bồi hồi khi bắt gặp lại vài ba món đồ chơi, nhũng thức ăn vặt từng được bày bán ở cửa hàng tạp hoá gần trường học.

Khi nhắc đến những món đồ huyền thoại thời thơ ấu, 9X Việt Nam “xúc động đậy” bao nhiêu thì 9X Hàn Quốc cũng bổi hổi bồi hồi bấy nhiêu. Điều thú vị là lứa học sinh 9X Hàn Quốc và Việt Nam đều có nhiều món đồ chơi và trò chơi tiêu biểu khá tương đồng.

Tuổi thơ của bạn có những món đồ huyền thoại nào dưới đây không?

Keo bong bóng (칼라 풍선)

Một trong những món đồ chơi huyền thoại của lứa học sinh 9X Việt Nam và Hàn Quốc những năm 2000 chính là keo bong bóng. So với bong bóng xà phòng mau tan, bong bóng được thổi từ keo giữ được lâu hơn, và bạn có thể tạo hình tuỳ thích cho bong bóng trong lúc thổi.

Không ít bạn nhỏ vì từng quá yêu thích loại đồ chơi này mà đã cố phồng mang, trợn má thổi đến hụt hơi để được một quả bóng thật to. Đồ chơi này hiện nay vẫn được bày bán ở các tiệm tạp hoá gần trường học ở Hàn Quốc với giá khoảng 900 KRWtuýp.

Trò chơi rút thăm trúng thưởng (문구점 뽑기)

Ở các cửa hàng văn phòng phẩm ngày xưa ở Hàn Quốc thường sẽ có 2 trò chơi trúng thưởng may mắn. Một là bỏ đồng xu vào máy đồ chơi để máy “nhả” ra một quả bóng, trong đó chứa món quà ngẫu nhiên bé bé xinh xinh. Nhiều bạn nhỏ rất thích thú sưu tập lại những món đồ chơi trúng được từ máy.

Trò thứ hai là trò bốc thăm trúng thưởng (종이뽑기). Ở trò chơi này, bạn cũng sẽ bỏ ra số tiền nho nhỏ vài trăm won để mua một chiếc thăm ngẫu nhiên.

Thông thường, các thăm trong bảng sẽ đánh số từ hạng 1 ,2, 3 (1등, 2등, 3등) đến hạng n (n 등 – tuỳ người bán quyết định). Nếu bạn may mắn bóc trúng thăm từ hạng 1 – 3, hoặc đến hạng 5 tuỳ nơi, bạn sẽ nhận được quà may mắn tương ứng.

Hầu như giá trị quà đều không cao, nhưng đối với học trò khi ấy mà nói, chỉ cần nghe 2 từ “trúng thưởng” thì đã rất vui rồi.

Ở Việt Nam cũng có trò chơi rút thăm trúng thưởng tương tự. Khi chơi, bạn cũng bỏ tiền ra để mua những chiếc thăm được giấu trong những chiếc kẹo. Nếu số trong thăm trùng khớp với số được dán trên những món đồ chơi hoặc tiền mặt phần thưởng treo trên gian, bạn sẽ nghiễm nhiên được ôm “chiến tích” của mình về nhà.

Thế nhưng xác suất trúng món đồ chơi theo ý mình là rất khó. Nếu không may mắn, cùng lắm có thể xem như là bạn bỏ tiền ra để mua kẹo ăn, tuy thất bại nhưng vẫn rất ngọt ngào đúng không?

Thú ảo (다마고치: Tamagotchi)

Ra mắt vào năm 1996 bởi 1 công ty Nhật Bản, thú ảo Tamagotchi hay còn gọi là máy nuôi gà ảo ở Việt Nam đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng, là một item sành điệu mà học sinh tiểu học đến trung học đều mơ ước có được.

Khi nuôi thú ảo, bạn phải cho chúng ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc, thậm chí còn phải dọn dẹp chất thải cho chúng. Nếu có sai sót trong quá trình nuôi, thú ảo của bạn có thể chết bất đắc kì tử.

Cũng chính vì luật chơi khắc nghiệt này, nhiều bạn nhỏ đã khóc từ ngày này qua ngày khác khi chứng kiến công trình chăm bẵm thú ảo bao ngày của mình lại đổ sông đổ bể vào một ngày đẹp trời.

Ốc mượn hồn (소라게)

Chán chê với thú ảo, 9X Hàn Quốc và Việt Nam tiến đến nuôi cả “thú cưng” sống – ốc mượn hồn. Ốc mượn hồn hay còn gọi là cua ẩn sĩ, thường chui vào những vỏ ốc rỗng và luôn mang theo vỏ ốc khi di chuyển.

Ở các tiệm văn phòng phẩm Hàn Quốc, chúng sẽ được bán trong những chiếc hộp nhựa có kèm cát. Tuỳ vào kích thước và độ đẹp của ốc mà giá tiền cũng chênh lệch.

Có thể nuôi ốc bằng những thức ăn dễ kiếm như cơm, cá, trái cây. Tuy nhiên trong điều kiện nuôi nhốt, loại động vật này lại vô cùng dễ chết nếu các điều kiện như độ mặn, độ ẩm của môi trường nuôi không thích hợp. Bằng chứng là nhiều bạn chỉ nuôi được vài ngày thì những con ốc thường chuồn mất hoặc cả ngày không chịu chui ra khỏi vỏ.

Thêu chữ thập (스킬자수)

Thêu chữ thập từng gây cơn sốt trong giới học sinh, nhất là học sinh nữ. Sau này loại hình này còn phổ biến đến giới công sở, nội trợ. Đi đến đâu chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp cảnh các bạn nữ tỉ mẩn ngồi thêu những bức tranh dễ thương từ chỉ đủ màu sặc sỡ.

Thêu tranh chữ thập có độ khó vừa phải, đòi hỏi sự kiên nhẫn nhiều hơn là khéo léo, giá thành lại hợp túi tiền của học sinh nên rất được ưa chuộng. Nhận được một món quà được chăm chút tỉ mỉ bởi sự nhẫn nại và thành tâm của đối phương như tranh, vỏ gối chữ thập thì còn gì bằng!

Trò thảy đá (공기놀이)

Tương tự như trò thảy đá ở Việt Nam, nhưng học sinh ở Hàn Quốc sẽ dùng những hạt nhựa đủ màu sắc thay vì sỏi đá.

Luật chơi về cơ bản là giống nhau. Sau khi rải 5 viên nhựa xuống, bạn nhặt một viên thảy lên. Trong lúc viên nhựa đang nảy lên, bạn phải nhanh chóng nhặt 1 viên trên sàn rồi chụp lại viên vừa thảy. Cứ thế người chơi lần lượt thảy – nhặt – chụp cho đến khi hết 5 viên nhựa.

Thảy đá không khó như banh đũa (chơi chuyền) nhưng đòi hỏi người chơi phải nhịp nhàng, khéo léo và tập trung. Chỉ cần sơ suất, bạn có thể bắt hụt đá và thua cuộc.

Một số loại quà vặt mà học sinh 9X Việt Nam – Hàn Quốc ngày xưa đều yêu thích

Kẹo son môi

Mì gói trẻ em

Snack các loại

Kẹo mút

Kẹo C

Kẹo dẻo jelly

XEM THÊM: Tuổi thơ Hàn Quốc & Niềm hạnh phúc với những cặp lồng cơm

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).