Khi sinh sống và học tập tại Hàn Quốc trong một thời gian nhất định, việc phải giới thiệu tên tuổi khi giao tiếp luôn luôn là một “thử thách” cho người nước ngoài.

Thông thường, bạn sẽ rơi vào tình cảnh dù có lặp đi lặp lại năm bảy bận thì người nghe vẫn ngơ ngác không hiểu phải đọc hay viết tên bạn ra sao. Cuối cùng, bạn phải chọn giải pháp là “đưa tôi tự viết tên mình vậy”.

Đó là chưa kể ô trống điền họ tên trên các văn bản, giấy tờ hành chính ở Hàn rất hẹp. Tên người Hàn Quốc thường chỉ có ba ký tự: 이민호 nên dễ dàng viết gọn gàng, đẹp đẽ trong một ô vuông nhỏ. Nhưng đảm bảo là bạn Nguyễn Hoàng Minh Phương sẽ phải viết tên mình làm hai dòng nhỏ xíu trong ô vuông đó.

Cũng không hiếm người nước ngoài “toát mồ hôi hột” khi đọc tên cho người Hàn qua điện thoại. Ví dụ, “tên tôi là Kang Daniel” thì bạn sẽ phải đánh vần từng ký tự K – a – n – g… Đó là chưa kể việc đọc ký tự ABC theo kiểu tiếng Hàn cũng sẽ khiến bạn “lẹo lưỡi”. Nhiều khi người ở đầu dây bên này và bên kia còn có cơ hội dành ra 5 phút học từ vựng tiếng Anh theo kiểu: Không, không phải chữ B mà là chữ V trong Vacation; Không phải chữ E là mà là chữ N trong Number…

Bắt đầu từ tháng 6/2020, Hàn Quốc cũng sẽ có một thay đổi mới trên thẻ cư trú dành cho người nước ngoài: Bắt buộc phải có phần phiên âm tiếng Hàn ghi chú kèm với tên gốc. Trong quá trình này, người nước ngoài có thể chọn để phiên âm theo đúng tên gốc, hoặc đổi sang tên hoàn toàn mới.

Thẻ cư trú người nước ngoài ở Hàn Quốc có phần ghi tên họ gốc (bên trên) và tên tiếng Hàn (bên dưới).

Chính vì những bất tiện này mà có nhiều người nước ngoài sống tại Hàn Quốc sẽ quyết định đổi cho mình một cái tên chuẩn kiểu Hàn. Đọc đến đây, đừng ai dè bỉu “Tên bố mẹ đặt cho mà đổi thành những Taylor Nguyễn, Kevin Trần… Thật là sính ngoại quá đi!” Đã qua rồi cái thời đóng cửa ngồi nhà, “nhập gia” thì phải “tuỳ tục”. Điều quan trọng không phải là cái tên, mà là cách tiếp cận vấn đề để khẳng định con người thật, năng lực thật sự của mỗi người.

Đa phần các cô dâu nước ngoài sau một thời gian sinh sống sẽ nhập tịch và thay tên đổi họ để có một cái tên tiếng Hàn chính thống trên chứng minh thư.

Những người có visa ngắn hạn, không xác định ở Hàn Quốc lâu dài sẽ thường phiên âm tên mình theo phát âm tiếng Hàn. Ví dụ, tên là Đinh Thị Hương sẽ chuyển thành 딘 티 흐엉. Cách này cũng tạm ổn, vì trên giấy tờ vẫn được viết tên đầy đủ, còn trong giao tiếp hàng ngày thì đôi khi các bạn sẽ phải chấp nhận một số “dị bản” khi bị gọi tên. Bạn là Bình, nhưng sẽ có thể “bị” gọi là 빈, 빙, 비인…

Bản thân người Hàn cũng bị “lẹo lưỡi” khi đọc tên các cầu thủ nước ngoài tham gia thi đấu trong các câu lạc bộ thể thao trong nước. Vậy là họ tổ chức luôn cuộc thi đổi tên tiếng Hàn cho các cầu thủ (khổ chủ có hài lòng với quyết định này hay không thì chưa rõ)!

Các cầu thủ ngoại quốc của giải bóng đá chuyên nghiệp Hàn Quốc cũng đổi tên sang tiếng Hàn.

Tóm lại, mỗi người sẽ có một nhu cầu và mục đích khác nhau trong việc giữ hay đổi tên từ tiếng Việt sang tiếng Hàn. Nhưng dù chỉ là vì tò mò và muốn một lần thử đổi tên mình một cách “nắn nót” sang tiếng Hàn thì bạn hãy tham khảo các cách sau nhé!

1. Đổi tên tiếng Việt theo phiên âm tiếng Hàn

Viện ngôn ngữ Hàn Quốc có bảng quy định đổi chữ cái tự từ tiếng Việt sang tiếng Hàn, chúng ta có thể dựa vào bảng này để chuyển tên.

Bảng quy đổi phụ âm

Bảng quy đổi phụ âm Việt - Hàn khi đổi tên sang tiếng Hàn.

Bảng quy đổi nguyên âm đơn và nguyên âm kép

Như vậy, chỉ cần đọc và luyện tập là các bạn có thể đổi tên riêng và tất cả các địa danh từ tiếng Việt sang tiếng Hàn.

Ví dụ, ngoài cách giải thích món phở là “베트남 쌀국수” (mỳ gạo kiểu Việt Nam) thì chúng ta có thể dõng dạc thêm vào: Phở là “퍼”, tức là 베트남 쌀국수. Hoặc địa danh sân bay Tân Sơn Nhất, dựa theo bảng quy đổi phía trên sẽ là 떤선녓 공항.

Cách đổi tên người cũng chỉ cần dò đúng theo bảng quy đổi phía trên: Thế Lữ là 테르, Chế Lan Viên là 쩨라비엔…

2. Đổi tên tiếng Việt sang âm Hán Hàn

Cách đổi ngày cao cấp hơn và cũng tốn công sức hơn, vì bạn sẽ mất công tra ngược lại xem tên mình có âm Hán, nghĩa Hán là gì rồi sau đó dùng từ điển Hán Hàn để suy ra âm tiếng Hàn. Có một lợi thế là tiếng Hàn và tiếng Việt có hơn 60% thành phần các từ vựng có nguồn gốc Hán nên trong quá trình này, các bạn cũng có thể tích luỹ cho mình một vốn khá khá các từ Hán Hán.

Đổi một số họ Việt Nam sang Tiếng Hàn

Trần: 진 – Jin
Nguyễn: 원 – Won
Lê: 려 – Ryeo
Võ, Vũ: 우 – Woo
Vương: 왕 – Wang

Phạm: 범 – Beom
Lý: 이 – Lee
Trương: 장 – Jang
Hồ: 호 – Ho
Dương: 양- Yang

Hoàng/Huỳnh: 황 – Hwang
Phan: 반 – Ban
Đỗ/Đào: 도 – Do
Trịnh/ Đinh/Trình: 정 – Jeong
Cao: 고 – Ko(Go)
Đàm: 담 – Dam

Đổi một số tên đệm và tên phổ biến sang tiếng Hàn

Tên chữ A

An: Ahn (안)
Anh, Ánh: Yeong (영)
Ái : Ae (애)
An: Ahn (안)
Anh, Ánh: Yeong (영)


Tên chữ B

Bách: Baek/ Park (박)
Bảo: Bo (보)
Bích: Pyeong (평)
Bùi: Bae (배)
Bân: Bin(빈)
Bàng: Bang (방)

Tên chữ C

Cẩm: Geum/ Keum (금)
Cao: Ko/ Go (고)
Châu, Chu: Joo (주)
Chung: Jong(종)
Cung: Gung/ Kung (궁)

Cường, Cương: Kang (강)
Cam: Kaem(갬)
Căn: Geun (근)
Cha: Cha (차)
Chí: Ji (지)
Cù: Ku/ Goo (구)

Cửu: Koo/ Goo (구)

Tên chữ Đ

Đại: Dae (대)
Đàm: Dam (담)
Đạt: Dal (달)
Điệp: Deop (덮)
Đoàn: Dan (단)

Đông, Đồng: Dong (동)
Đức: Deok (덕)
Đắc: Deuk (득)
Đăng, Đặng: Deung (등)
Đạo, Đào, Đỗ: Do (도)

Tên chữ D

Diên: Yeon (연)
Diệp: Yeop (옆)
Doãn: Yoon (윤)
Dũng: Yong (용)
Dương: Yang (양)
Duy: Doo (두)

Tên chữ G

Gia: Ga(가)
Giao: Yo (요)
Giang, Khánh, Khang, Khương: Kang (강)

Tên chữ H

Hà, Hàn, Hán: Ha (하)
Hải: Hae (해)
Hân: Heun (흔)
Hạnh: Haeng (행)
Hạo, Hồ, Hào, Hảo: Ho (호)

Hiền, Huyền: Hyeon (현)
Hiếu: Hyo (효)
Hoa: Hwa (화)
Hoài: Hoe (회)
Hồng: Hong (홍)

Huế, Huệ: Hye (혜)
Hưng, Hằng: Heung (흥)
Huy: Hwi (회)
Hoàn: Hwan (환)

Hinh: Hyeong (형)
Hoan: Hoon (훈)
Hương: Hyang (향)
Hường: Hyeong (형)

Tên chữ K

Khoa: Gwa (과)
Kiên: Gun (근)
Khải, Khởi: Kae/ Gae (개)

Kiệt: Kyeol (결)
Kiều: Kyo (교)
Kim: Kim (김)

Tên chữ L

Lan: Ran (란)
Lê, Lệ: Ryeo (려)
Liên: Ryeon (련)
Liễu: Ryu (류)
Long: Yong (용)

Lý, Ly: Lee (리)
Lợi: Ri (리)
Long: Yong (용)
Lưu: Ryu (류)

Tên chữ M

Mai: Mae (매)
Mạnh: Maeng (맹)
Mĩ, Mỹ, My: Mi (미)

Minh: Myung (뮹)
Mã: Ma (마)
Mẫn: Min (민)

Tên chữ N

Nam: Nam (남)
Nga: Ah (아)
Ngân: Eun (은)
Ngọc: Ok (옥)

Tên chữ P

Phong: Pung/ Poong (풍)
Phát: Pal (팔)
Phạm: Beom (범)
Phương: Bang (방)

Tên chữ Q, S, T, V, X, Y

Quân: Goon/ Kyoon (균)
Quang: Gwang (광)
Quyền: Kwon (권)
Sơn: San (산)
Thái: Tae (대)

Thăng, Thắng: Seung (승)
Thảo: Cho (초)
Thủy: Si (시)
Tiến: Syeon (선)
Tâm/ Thẩm: Sim(심))

Văn: Moon/ Mun(문)
Vi, Vy: Wi (위)
Xa: Ja (자)
Yến: Yeon (연)

Trên đây là gợi ý đổi một số các tên cơ bản nhất khi muốn chuyển từ tiếng Việt sang tiếng Hàn. Tuy nhiên các bạn cũng cần chú ý, một chữ Hán có rất nhiều lớp nghĩa khác nhau. Đôi khi không phải lúc nào cũng ghép Họ – Đệm và Tên là sẽ chuyển thành một tên tiếng Hàn hoàn hảo.

Ví dụ, bạn tên là Nguyễn Thiên Hương, theo quy đổi thì sẽ thành 원천향, nghe như địa danh chứ không phải tên người. Vì vậy, có một cách khác là chúng ta sẽ dựa vào ý nghĩa tên thật của mình trong tiếng Việt và chọn một cái tên có nghĩa hơi tương tự đã có sẵn trong tiếng Hàn.

3. Mượn tên tiếng Hàn có ý nghĩa tương đương

Người Hàn cũng quan niệm rằng họ tên sẽ quyết định số phận, vận mệnh của một đời người. Các bậc cha mẹ người Hàn cũng khá “đau đầu” khi nghĩ tên cho con lúc mới chào đời. Họ thường nhờ các bậc cao niên, hoặc đến cả trung tâm nghiên cứu Hán cổ, thuê dịch vụ tư vấn đặt tên cho con.

Chỉ cần tra từ khoá “예쁜 아기 이름” (tên hay cho con) trên cổng thông tin Naver là bạn sẽ thấy có hàng loạt các bài tư vấn đặt tên cho con.

Danh sách các tên tiếng Hàn được ưa chuộng.

Danh sách 10 tên nam và nữ được nhiều người Hàn chọn cho con nhiều nhất năm 2017.

Vì tiếng Hàn cũng có chứa 60% thành phần tiếng Hán nên tên của người Hàn cũng là các âm Hán, có thể dễ dàng đổi sang âm Hán Việt. Tuy nhiên dạo gần đây, các bận cha mẹ Hàn Quốc có xu hướng đặt tên con theo âm Thuần Hàn như một cách bảo tồn âm tiếng Hàn gốc.

Dưới đây là ý nghĩa một âm Hán Hàn hay sử dụng trong tiếng Hàn phổ biến mà các bạn có thể tham khảo khi đổi tên:

기 (Gi, Ki): Sức mạnh, sự dũng cảm
은 (Eun): Ân huệ, ân điển hoặc ôn hoà, duyên dáng
군 (Gun): quân tử (thể hiện sự mạnh mẽ)
경 (Gyeong): kính trọng, cung kính

혜 (Hye): trí tuệ (thể hiện sự thông minh)
현 (Hyeon): nhân từ, nhân đức
정 (Jeong): chính nghĩa, cương trực
명 (Myeong): trong sáng

옥 (Ok): viên ngọc sáng
성 (Seong): thành đạt
석 (Seok): thạch (thể hiện sự cứng rắn như hòn đá)

Một số âm thuần Hàn cũng hay được dùng đặt tên như:

아름 (A-reum): xinh đẹp
보라 (Bo-ra): màu tím thuỷ chung
이슬 (I-seul): giọt sương
빛나 (Bin-na): toả sáng

나리 (Na-ri): hoa Lily
가온 (Ga-on): chính giữa, trung tâm thế gian
다은 (Da-eun): hiền hoà
보미 (Bo-mi): đứa trẻ sinh ra trong mùa xuân

XEM THÊM: Thẻ cư trú người nước ngoài sẽ có thay đổi, người Hàn Quốc phản ứng như thế nào?

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).