Don’t Worry Village: chào mừng bạn đến ngôi làng bình yên của Hàn Quốc, nơi trú ẩn cho những ai muốn chạy trốn khỏi căng thẳng vì cuộc sống.

Nhiều người ở Hàn Quốc cảm thấy đang gánh trên vai áp lực to lớn để thành công trong xã hội cực kỳ cạnh tranh, nơi thất bại hiếm khi được dung thứ.

Nhóm cư dân đầu tiên ở lại Làng Don’t Worry của Hàn Quốc. Ảnh: Empty Public Space

Làng Don’t Worry (괜찮아마을) được tạo dựng nhằm mục đích thay đổi điều đó, bằng cách khiến những người trẻ Hàn Quốc mệt mỏi với cuộc sống ồn ào, hối hả nơi thành phố; tìm được một chốn bình yên để tĩnh tâm và tìm ra những bước tiếp theo trong cuộc sống của họ.

Mokpo là một thành phố nhỏ nằm ở Tây Nam của bán đảo Hàn Quốc, cách khá xa thủ đô Seoul nhộn nhịp. Mặc dù trong lịch sử từng là một trung tâm giao thông và công nghiệp lớn với 230.000 người sinh sống, Mokpo gần đây đã mất đi phần lớn sự nổi tiếng và có nhiều tòa nhà bỏ hoang.

Điều này khiến nó trở thành địa điểm hoàn hảo để doanh nhân 33 tuổi Hong Dong Woo (홍동우) bắt đầu phát triển làng Don’t Worry Village (tạm dịch: Ngôi làng không lo lắng). Đây là nơi dành cho những người trẻ Hàn Quốc kiệt sức vì áp lực sống ở thành phố lớn hoặc đang tìm kiếm một nơi để tìm ra những ý tưởng mới.

Sau khi chuyển đến Mokpo vào năm 2017, Hong Dong Woo bắt đầu công việc tạo ra cộng đồng thanh niên tương lai theo ý niệm của mình – lấy cảm hứng từ những người mà anh đã gặp khi làm việc như một người bạn đồng hành trên đường.

Người sáng lập “Empty Public Space” Hong Dong Woo và nhân viên văn phòng của công ty tại thành phố Mokpo (Ảnh: Empty Public Space)

“Điều khiến mọi người đăng ký trải nghiệm cuộc sống ở làng Don’t Worry Village không phải là địa hình hay phong cảnh đẹp. Thay vào đó, họ muốn hòa chung vào không khí tập thể và muốn được chia sẻ về những khó khăn và lo lắng trong cuộc sống. Họ chỉ muốn nói với ai đó về những gì đang phải trải qua”, anh Hong nói.

Hàn Quốc là nước có số giờ làm việc trung bình dài nhất thế giới. Theo thống kê, văn hóa tham công tiếc việc khét tiếng này có thể gây thiệt hại cho thế hệ trẻ. Theo đó, tự tử là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong vào năm 2018 ở Hàn Quốc từ 10 đến 39 tuổi, theo thống kê của Statistics Korea.

Người dân Hàn Quốc cảm thấy một áp lực to lớn để thành công, và mặc dù điều này được cho là đã giúp Hàn Quốc trở thành cường quốc kinh tế như ngày nay, nhưng nó cũng đã tạo ra một xã hội cực kỳ cạnh tranh, nơi thất bại hiếm khi được chấp nhận.

Cư dân của Làng Don’t Worry cùng nhau thưởng thức bữa tối.

Thực trạng đó là một trong những yếu tố thôi thúc anh Hong xây dựng ngôi làng, một nơi dành cho những người trẻ Hàn Quốc dưới 39 tuổi cần nghỉ ngơi, tạm xa lánh cuộc sống hối hả của thành phố lớn.

Khởi đầu từ một tòa nhà bị bỏ hoang ở thị trấn Mokpo, nơi này đã nhận được nhiều sự quyên góp và ít lâu sau đó được mở rộng sau khi nhận được tài trợ từ một chương trình của chính phủ.

Với một khoản phí chỉ 200.000 KRW mỗi lần và được hoàn trả sau khi kết thúc khóa học sáu tuần – 30 người có thể cùng ở, cùng sinh hoạt, chia sẻ, kết nối và học tập.

Những kỹ năng mà họ có được khi đến với ngôi làng này đã giúp một số người tiếp tục thành lập doanh nghiệp của riêng mình tại Mokpo, bao gồm nhà hàng chay, quán cà phê và xưởng thủ công.

Trên thực tế, trong số 76 cư dân đã ở đến làng kể từ khi mở cửa vào năm 2018, 31 người dã chọn cách ở lại nơi đây và bắt đầu kinh doanh riêng hoặc tham gia các công việc địa phương.

Lee Jin Ah, 36 tuổi, là một trong những cư dân đầu tiên của làng, đã quyết định ở lại Mokpo chỉ sau 6 tuần đầu tiên thử sống ở đây.

Cô từng là quản lý cũ của một cửa hàng tạp hóa ngoại thành Seoul nhưng giờ thì cô đang làm nhân viên tài chính cho Empty Public Space – tổ chức đứng đằng sau Don’t Worry Village. Tổ chức này tạo ra lợi nhuận bằng cách sáng tạo nội dung và phát triển chúng trên mạng xã hội.

“Một ngày nọ, tôi đột nhiên tự hỏi tại sao phải đợi đến khi nghỉ hưu để thực hiện ước mơ của mình? Ở Seoul, mọi thứ ngày càng trở nên đắt đỏ hơn và tôi không có tiền để làm những việc tôi muốn làm, nhưng ở đây, mọi thứ có giá cả phải chăng hơn, có nhiều thứ phù hợp với khả năng của tôi hơn”, Lee Jin Ah tâm sự.

Một nhóm cư dân tại ngôi làng

Không chỉ tìm được sự tự do tài chính ở đây, cô cũng không còn lo lắng và bị áp lực xã hội đè nặng như hồi còn sống ở một thành phố lớn như Seoul.

“Chúng tôi không nói với nhau về tuổi tác hay sử dụng tên thật. Tôi dùng biệt danh ‘Que’ ở đây, nó có nghĩa là vui vẻ và có một tâm hồn tự do, trong tiếng Hàn”, Lee Jin Ah nói.

Điều này giúp mọi người tránh khỏi cảm giác lo sợ bị đánh giá bởi những thứ như tuổi tác, chiều cao, cân nặng hay nghề nghiệp khi tiếp xúc với những người xung quanh.

Ngay cả Hong Dong Woo, người sáng lập Empty Public Space, cũng không yêu cầu mọi người phải đối xử với mình một cách cẩn trọng như thói quen xử sự với cấp trên ở Hàn Quốc.

Anh Hong chia sẻ: “Chúng tôi sống trong một xã hội nơi bạn không thể tự tin vào chính mình nếu bạn không có một công việc phù hợp với tiêu chuẩn của xã hội. Chúng tôi muốn tạo nên một ngôi làng nơi truyền đi thông điệp rằng: Bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn chứ không phải những điều đi theo lối mòn của xã hội”.

Những phong trào như Don’t Worry Village xuất hiện ngày càng nhiều, ngay thủ đô Seoul cũng có văn hóa Salon. Tuy không giúp chạy trốn hoàn toàn nhưng những người tìm đến với văn hóa Salon đã có thể chăm sóc cho bản thân mình nhiều hơn, đánh dấu sự chuyển biến nhất định về quan niệm nhân sinh của xã hội Hàn Quốc.

XEM THÊM: Kỳ tích sông Hán & Con đường phát triển kinh tế thần kỳ của Hàn Quốc

author-avatar

About Hebe Nguyen

Thích được tự mình tìm hiểu những điều nhỏ bé nhất liên quan đến đất nước Hàn Quốc. Mỗi điều khám phá đều mang nét đáng yêu riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).