Tháng 10/2019, cổng thông tin việc làm Albamon X Job Korea vừa thực hiện một khảo sát trên 1.037 người Hàn trưởng thành, kết quả cho thấy 46.5% người tham gia khảo sát thừa nhận mắc hội chứng sợ nghe điện thoại” (tên tiếng Anh: telephonobia, telephobia; tên tiếng Hàn: 전화 공포증).

Theo đó, những người này cho biết họ cảm thấy thoải mái với việc giao tiếp thông qua tin nhắn văn bản hơn là trao đổi gọi điện.

Đối tượng sinh viên đại học mắc chứng sợ nghe điện thoại chiếm tỷ lệ đông hơn người đi làm, với tỷ lệ cụ thể là 47.3% ở sinh viên và 44.8% ở người đi làm.

Theo Albamon X Job Korea, “Hội chứng sợ nghe điện thoại” là nỗi sợ hãi xuất hiện khi một người đứng trước quyết định phải thực hiện hoặc tham gia vào các cuộc nói chuyện qua điện thoại.

Thông thường, người mắc phải hội chứng dễ nhận biết qua các dấu hiệu: do dự khi nhận và thực hiện cuộc gọi, xuất hiện những biểu hiện của căng thẳng khi phải nghe điện thoại như tim đập nhanh, lạnh người, run tay, lắp bắp…

Hội chứng này được xếp vào một loại của ám ảnh xã hội hoặc lo lắng xã hội, xuất phát từ việc người mắc phải có nỗi lo sợ bị người khác chỉ trích hoặc đánh giá.

Khi được cho phép chọn nhiều câu trả lời, 49.2% số người được hỏi cho biết họ sợ nói chuyện qua điện thoại vì đã quen với việc liên lạc bằng tin nhắn văn bản hoặc nhắn tin qua các ứng dụng messenger. 35% người cho biết họ sợ mắc lỗi trong khi nói chuyện điện thoại, 28% nói rằng họ không giỏi giao tiếp, 18% chỉ ra rằng do họ từng có kinh nghiệm “đau thương” khi phải nói chuyện với sếp hoặc đồng nghiệp cấp cao trong công ty qua điện thoại. 18% còn lại thừa nhận họ không nắm bắt hết nội dung cuộc trò chuyện qua điện thoại.

Khoảng 45% người mắc chứng sợ nghe điện thoại cho biết nỗi sợ hãi có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của họ. Đáng ngạc nhiên, số người tìm cách khắc phục chứng sợ nghe điện thoại bằng việc chuẩn bị “kịch bản hội thoại” trước khi gọi điện chiếm đến 53%.

XEM THÊM: Giới trẻ Hàn Quốc chạy trốn các quan hệ xã hội & giấu kín cảm xúc cá nhân

Người trẻ Hàn Quốc nói gì về việc ngại nghe điện thoại?

Hãy nhớ lại thử xem bạn có từng rơi vào tình huống nào tương tự dưới đây không nhé!

1. Nhờ người khác nói chuyện hộ

K (24 tuổi) thổ lộ: Mặc dù tôi cũng là thanh niên trai tráng đã giải ngũ, song cứ mỗi lần có việc phải trao đổi qua điện thoại là tim tôi lại đập liên hồi. Lần nọ, vì có vấn đề phát sinh về hợp đồng nhà, tôi còn phải nhờ vả bố mẹ gọi điện cho chủ nhà giúp, một phần vì đó là lĩnh vực bản thân không rành, phần nữa là vì quá ngại.

2. Ngắt dây điện thoại ở chỗ làm thêm

L (23 tuổi) chia sẻ: Khi làm việc ở quán cà phê, thỉnh thoảng sẽ có khách đặt giao hàng qua điện thoại. Thế nhưng tôi cứ lo sợ không biết khi bắt điện thoại phải nói gì nên đã từng lén ngắt dây điện thoại.

Tôi biết làm vậy là sai nhưng chỉ nghĩ đến việc không phải nhận đơn qua điện thoại nữa, tôi lại thấy nhẹ người. Có lần tôi đã giật bắn người vì nghe chuông điện thoại, đến mức làm đổ cả ly cà phê đang pha cho khách.

3. Sợ có người gọi đến nên để “chế độ máy bay” suốt 24 tiếng

Y (22 tuổi) cho biết: Mỗi lần làm bài tập nhóm, những lúc gấp mọi người thường hay gọi điện thoại cho nhanh đúng không? Nhưng tôi lại cảm thấy việc đó quá phiền phức, vì tôi vốn dĩ là kiểu người nhanh tay hơn nhanh miệng (nhắn tin giỏi hơn nói chuyện). Tôi cũng không biết cách từ chối khi có người trong nhóm gọi đến nhờ vả làm hộ phần này phần nọ, dù tôi đã làm xong nhiệm vụ của mình.

Những việc này lặp đi lặp lại nên tôi quyết định, cứ đến kỳ làm bài tập nhóm thì sẽ để điện thoại ở chế độ máy bay để không ai gọi được. Xin đừng hiểu lầm, nếu nhắn tin qua Kakaotalk thì tôi vẫn sẽ trả lời bình thường!

4. Vụt mất cơ hội làm việc vì yêu cầu phỏng vấn qua điện thoại

S (21 tuổi) than thở: Tôi đã từng vì quá thích quán cà phê nọ nên chỉ trông cho họ tuyển nhân viên thì tôi sẽ nộp đơn ứng tuyển ngay. Rồi một ngày điều cũng trở thành hiện thực. Hỡi ôi, trong thông báo không hề yêu cầu người ứng tuyển để lại email mà chỉ cần điền số điện thoại, vì họ sẽ phỏng vấn trực tiếp qua điện thoại mà thôi. Thế là tôi đành nói lời tạm biệt với công việc mà mình đã rất muốn nộp đơn.

5. Đồ ăn giao đến bị sai cũng đành ăn đại

L (20 tuổi) kể về trải nghiệm của mình: Tôi hay gọi đồ ăn qua ứng dụng vì không cần phải gọi điện như cách truyền thống. Có lần bên cửa hàng đã giao sai món tôi đặt và tôi chỉ nhận ra điều đó sau khi shipper đã đi mất. Khiếu nại sai món chỉ được giải quyết bằng cách gọi điện thoại, thế là tôi thà ăn luôn phần đồ ăn đó chứ nhất quyết không gọi lại cho cửa hàng.

6. Giả vờ hư điện thoại

J (24 tuổi) thú nhận: Tôi ghét nhận điện thoại nhưng lại ngại giải thích mỗi lần một lý do khác nhau. Vậy nên tôi đã giả vờ lấy lí do điện thoại có vấn đề không nghe gọi được để buộc những người muốn liên lạc với mình chỉ còn cách duy nhất là nhắn tin qua Kakaotalk.

7. Tiền lương chưa vào tài khoản cũng không dám gọi hỏi

K (21 tuổi) chia sẻ: Tôi đã làm ở chỗ nọ được bốn tháng nhưng có lần bị trễ tiền lương. Tôi cần tiền gấp vì đã tính dùng tiền lương để đặt vé tham gia lễ hội, thế là tôi đã nhắn tin Kakaotalk cho sếp. Sếp tôi có đọc tin nhắn nhưng không hiểu vì sao lại không trả lời.

Dù rất gấp nhưng tôi vẫn cố nhịn và chăm chỉ nhắn tin suốt cho sếp. Kết quả là mãi một tuần sau trường hợp của tôi mới được giải quyết. Một người đồng nghiệp của tôi rơi vào tình huống tương tự nhưng cô ấy đã được giải quyết ngay chỉ vì gọi điện trực tiếp cho sếp!

8. Bỏ lỡ thông báo đậu chỉ vì sợ nhận điện thoại từ số lạ

L (22 tuổi) tiếc nuối: Tôi rất ghét nghe cũng như nhận điện thoại. Hễ thấy đầu số là số điện thoại bàn hoặc tổng đài là tôi nhất quyết không bắt. “Nếu thật sự cần gấp thì họ sẽ để lại tin nhắn thôi” – tôi đã nghĩ như vậy và đã không bắt điện thoại cả ngày trời dù số bàn đó cứ liên tiếp gọi cho tôi.

Sang ngày hôm sau tôi mới biết số máy đó là của bên tổ chức một hoạt động ngoại khoá mà tôi đã đăng ký. Họ gọi điện thông báo tôi đã được chọn và muốn xác nhận tôi có thể tham gia hay không. Vì tôi không nghe máy, nên họ đã huỷ tư cách tham gia của tôi.

9. Mất 30 phút để soạn thảo kịch bản hội thoại

K (22 tuổi) kể lại: Tôi từng rơi vào tình huống phải gọi đến văn phòng khoa vì vấn đề học bổng. Nhưng đầu dây bên kia vừa có người bắt máy thì tôi đã run đến mức cúp điện thoại ngay lập tức.

Phải nói chuyện mà không chuẩn bị trước nội dung trong đầu thật căng thẳng. Thế là tôi đã ngồi soạn một đoạn hội thoại có nội dung như sau: “Xin chào, em tên là OOO, sinh viên của khoa OO…” Việc này đã ngốn mất của tôi 30 phút. Tôi nhớ mãi lần đó mình đã đọc vanh vách theo đúng kịch bản đã soạn.

Tổng hợp từ 대학내일

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).