Có thể nhiều người nghĩ để kết hôn chỉ cần tình yêu là đủ nhưng ở Hàn Quốc bạn sẽ cần trung bình gần 200.000 USD để lấy được người mình yêu.

Công ty tư vấn hôn nhân DUO Info Corporation – một trong những công ty tư vấn hôn nhân lớn nhất tại Hàn Quốc đã công bố kết quả khảo sát trên 1.000 cặp vợ chồng và cho biết: chi phí trung bình để kết hôn ở Hàn Quốc là 231.860.000 KRW (196.000 USD, tương đương 4.6 tỉ VND).

Con số này gần gấp 6 lần số tiền trung bình mà người Hàn Quốc tuổi ngoài 30 kiếm được mỗi năm (32.900 USD) và gần gấp 9 lần so với thu nhập một năm (22.152 USD) của người Hàn Quốc từ 29 tuổi trở xuống.

Trong tổng số hơn 230 triệu KRW, các cặp vợ chồng sẽ phải chi trả cho các khoản sau:

1. Mua nhà ở: 170.530.000 KRW, chiếm 73.5% tổng chi phí kết hôn. Trong đó, có 64.1% cặp vợ chồng mới cưới lựa chọn chung cư, tiếp đến là nhà riêng và căn hộ một phòng (oneroom).

2. Đặt hội trường cưới (Wedding Hall): 13.350.000 KRW
3. Chụp ảnh cưới (studio, trang phục, trang điểm): 2.990.000 KRW
4. Lễ vật nhà trai chuẩn bị: 12.900.000 KRW
5. Lễ vật nhà gái chuẩn bị: 14.650.000 KRW
6. Đồ biếu sau đám cưới: 1.070.000 KRW
7. Sắm sửa đồ cho nhà mới: 11.390.000 KRW
8. Du lịch tân hôn: 4.880.000 KRW

Do quá nhiều khoản phải lo cho đám cưới nên nhiều cặp đôi buộc phải nhờ tới cha mẹ hay vay mượn để kết hôn. Một người phụ nữ 27 tuổi, làm việc trong ngành tài chính chia sẻ, cha mẹ cô đã trả gần 90% chi phí đám cưới. Cô nói: “Chúng tôi phải dùng tiền của cha mẹ mình, khoản tiền từ tiết kiệm nghỉ hưu của họ”.

Nhưng cũng chính vì phải phụ thuộc vào cha mẹ nên nhiều khi các cặp vợ chồng trẻ không được quyền chủ động quyết định đám cưới của chính họ.

Anh Lee, một người môi giới bất động sản 32 tuổi ở Paju cho biết, hơn một nửa số khách trong đám cưới tháng 11 của anh là những người mà anh và vợ anh không biết. “Khoảng 20% là gia đình và người thân, 30% là bạn bè của tôi và vợ, 50% còn lại là bạn bè của bố mẹ”, anh nói.

Quà cưới là món đồ đắt thứ hai đối với các cặp vợ chồng mới cưới, với ước tính khoảng 27.545.000 KRW, chi cho các món quà từ đồ trang sức đến tiền mặt. Theo phong tục, gia đình cô dâu chú rể trao đổi các món quà: lụa để may quần áo mới, hay những trang sức đơn giản để thể hiện lòng biết ơn tới gia đình thông gia.

Nhưng ngày nay, lụa đã được thay bằng túi xách đắt tiền, và trang sức thì bằng cả bộ đá quý. Quá trình này nếu không có sự dàn xếp khéo léo, rất có thể sẽ khiến quan hệ giữa hai gia đình tan vỡ nhanh chóng do bất hòa.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia có chi phí đám cưới cao nhất châu Á. Theo khảo sát, đám cưới ở Malaysia tiêu tốn trung bình 11.900 USD trong khi đám cưới ở Campuchia, có lễ hội kéo dài 3 ngày, có chi phí từ 15.000 ~ 20.000 USD. Tại Philippines, một đám cưới trung bình có giá 19.000 USD còn đám cưới ở Indonesia vào khoảng 8.200 USD.

Theo BBC, một đám cưới trung bình ở Trung Quốc khoảng 12.000 USD vào năm 2016 trong khi chi phí này ở Nhật Bản là 34.400 USD.

Chính vì lo ngại tốn kém cho việc mua nhà mới và tiệc cưới xa hoa nên các cặp đôi Hàn Quốc đang trì hoãn việc kết hôn.

Theo thống kê vào năm 2018, tỉ lệ kết hôn ở Hàn Quốc là 5/1.000 người, với 257.622 cặp đôi kết hôn. Con số này đã giảm dần từ năm 1996 khi tỉ lệ kết hôn đạt mức cao nhất mọi thời đại là 9/1.000 người và kỷ lục là 430.000 cặp kết hôn.

Với nam giới, áp lực lớn nhất của họ là phải mua được một căn nhà trước khi cưới vợ. Nhưng với tình hình bất động sản tăng không phanh tại thủ đô Seoul như hiện nay thì lấy vợ khó hơn cả việc hái sao trên trời.

Ngoài ra, phong trào #MeToo và đại dịch quay lén đã góp phần tạo ra “4B” hay “Four Nos” (“Bốn Không”), với những người phụ nữ thề sẽ không bao giờ kết hôn, sinh con, hẹn hò hoặc quan hệ tình dục.

Bộ phim đình đám gần đây, Kim Ji Young, sinh năm 1982, nói về một người phụ đã kết hôn và phải đối mặt với những trở ngại xã hội tồn tại cộng đồng do nam giới thống trị, cũng đã gây xúc động với nhiều phụ nữ và khiến họ càng quyết tâm… không lấy chồng!

XEM THÊM:

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).