Hàn Quốc có văn hóa ăn uống và vui chơi về đêm cực kỳ sôi động. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp các quán xá bán thịt nướng, đồ ăn vặt, bia gà… 24/24 hoặc đến tận 4-5 giờ sáng tại bất kỳ đâu ở Hàn Quốc.

Với tiêu chí phục vụ khách hàng đến “tận cửa”, gần như tất cả quán ăn tại Hàn Quốc đều có dịch vụ chuyển đồ ăn đến tận nơi. Ăn xong, khách hàng chỉ cần đặt bát đĩa ra ngoài cửa nhà. Nhân viên vận chuyển sẽ tới và đem về quán.

5 điều kỳ lạ về Hàn Quốc khiến người nước ngoài tròn mắt thán phục

Dân tộc… giao hàng

Trước đây, việc gọi món ăn chỉ thông qua những tờ rơi dán xung quanh nhà. Từ khi có smartphone, những ứng dụng gọi đồ ăn trực tuyến đã ngày càng phổ biến.

Có hai ứng dụng gọi đồ ăn được dùng nhiều nhất ở Hàn Quốc là 배달의민족 (Baemin, Dân tộc giao hàng) và 요기요 (Yogiyo). Với ứng dụng gọi món giao tận nơi này, bạn có thể tham khảo tất cả thông tin của các quán ăn gần khu vực bạn đang ở, nơi bạn muốn giao hàng, giá cả, giờ làm việc, review chất lượng từ khách hàng.

Ứng dụng Baedal Minjok ra mắt thị trường đặt đồ ăn vào năm 2011 và có liên kết với hơn 80.000 nhà hàng. Năm 2018, ứng dụng này thu được 227.3 triệu USD lợi nhuận cho công ty mẹ Woowa Brothers.

Yogiyo là ứng dụng giao hàng lớn thứ hai ở Hàn Quốc và liên kết khoảng 60.000 nhà hàng. Công ty bắt đầu khởi nghiệp vào năm 2012 và đang nhắm tới con số 100.000 nhà hàng trực thuộc vào cuối năm 2019. Hai ứng dụng này đã giành được thị phần lớn đủ mạnh để xóa sổ đối thủ Uber Eats của Mỹ ra khỏi Hàn Quốc chỉ sau hai năm hoạt động.

Bên cạnh đó, trước đây bạn phải gọi từ hai phần trở lên mới được giao hàng thì ngày nay, để áp ứng xu thế ngày càng nhiều người sống độc thân, có nhiều cửa hàng nhận giao hàng 1 suất. Ngay cả khi ở nhà một mình thì bạn vẫn có thể ung dung gọi gà rán hay chân giò luộc vào lúc 1 giờ đêm.

Cách thức gọi món và thanh toán cũng phát triển không ngừng từ trực tiếp gọi điện, trả tiền mặt, quẹt thẻ, internet banking và mới nhất là đặt hàng và thanh toán trực tuyến qua app liên kết với thẻ ngân hàng, hoặc trừ thẳng tiền điện thoại, hoặc dùng kakaopay mà không cần phải nhấc máy gọi điện gọi món trực tiếp.

Tổ chức tiệc tại nhà toàn bằng đồ gọi trực tuyến là “mốt” của các bạn trẻ… lười.

Khi giao dịch thực hiện, bạn chỉ cần ngồi chờ cửa hàng gọi điện đến để xác nhận đơn hàng và giao hàng. Thậm chí khi tiền đã thanh toán mà vì lý do bất khả kháng cửa hàng không giao hàng đến chỗ bạn được, thì nhân viên bên phía cung cấp ứng dụng sẽ gọi điện cho bạn để thông báo và chuyển khoản lại tiền vào tài khoản của bạn ngay lập tức.

Ăn xong chỉ cần để bát đĩa ra ngoài cửa là sẽ có người đến dọn.

Dịch vụ giao hàng ở Hàn Quốc “hoàn thiện” đến nỗi người Hàn Quốc tự hào với câu slogan: 우리는 어떤 민족입니까? 배달의 민족입니다. Chúng ta là dân tộc gì? Dân tộc giao hàng!

Nhanh chóng và tiện lợi là những ưu điểm khiến nền tảng giao thức ăn nhanh trên ứng dụng điện thoại ngày càng phát triển ở Hàn Quốc. Theo tờ South China Morning Post, thị trường giao thức ăn ở Hàn Quốc hiện nay đã đứng thứ tư trên toàn thế giới, với tổng giá trị lên đến 16.7 tỉ USD.

Chỉ trong tháng 8 vừa qua, ứng dụng giao hàng lớn nhất Hàn Quốc Baedal Minjok (배달민족) đã thực hiện 36 triệu lượt giao hàng, trung bình khoảng 1.2 triệu lượt mỗi ngày.

Hàn Quốc sẽ sử dụng bằng lái xe qua mobile từ 2020

Shipper giao hàng bị… ghét và sợ trên đường

Khi các công ty giao hàng này càng lớn mạnh, họ chú ý nhiều hơn đến những người tài xế giao hàng. Những tài xế này bắt đầu được trang bị xe máy mới mang màu sắc và tên công ty đại diện. Họ cũng được yêu cầu phải đội mũ bảo hiểm trên đường đi.

Tuy nhiên nhiều nhà hàng không hợp tác với các công ty này, vẫn sử dụng xe máy cũ không an toàn để giao thức ăn và cũng không có quy định nghiêm ngặt với tài xế. Các tài xế thường lái xe rất liều lĩnh vì hầu hết họ là các tài xế trẻ, nhiều người trong số đó còn là thanh thiếu niên.

Anh Choi Tae Il, một người đang tìm việc ở Paju, cho biết: “Tôi thấy những người tài xế đó không khác gì bọn lưu manh. Khi tôi thấy ai đó chạy xe máy quá tốc độ hoặc gây ra tiếng động lớn thì đều thường là tài xế trẻ tuổi”.

Tài xế giao hàng đang bị người đi bộ, cảnh sát và các nhà lập pháp lên án gay gắt. Gần đây, các chủ nhà hàng được yêu cầu phải đảm bảo tài xế của họ có bảo hiểm đường bộ nhưng nhiều mối nguy hiểm vẫn còn tồn tại.

XEM THÊM: Shipper – Nghề tay trái hot ở Hàn vì lương cao hơn nghề tay phải

Áp lực của shipper

Năm 2018, Kim Eun Bum qua đời khi anh đang đi giao hàng như thường lệ bằng xe máy ở đảo Jeju. Chàng thanh niên 17 tuổi này vẫn chưa có bằng lái xe nhưng vẫn được thuê giao hàng.

Nhà hàng này sau đó bị phạt 300.000 KRW vì đã thuê trẻ vị thành niên không đủ điều kiện để chạy xe máy giao thức ăn, nhưng lại không bị buộc tội cho cái chết của Kim.

Theo Cơ quan Phúc lợi và bồi thường Hàn Quốc, từ năm 2010 đến nay đã có 86 thiếu niên thiệt mạng và 4.500 người bị thương khi đang trên đường đi giao hàng.

Khi còn học cấp III, anh Shin Sung Sub, 27 tuổi, từng làm việc cho nhiều nhà hàng địa phương vào mỗi buổi tối sau khi tan học và được trả 209 USD mỗi tuần. “Giao thức ăn được trả lương cao hơn và cũng vui hơn các công việc bán thời gian khác vào thời điểm đó”, anh Shin chia sẻ.

Trong thời gian làm tài xế giao hàng, anh Shin từng có khoảng hai đến ba lần suýt chết trên đường và đã bị tai nạn ba lần, nhưng may mắn anh đều không bị thương nặng.

“Nhiều lần khi có hơn 10 đơn đặt hàng phải giao, tôi sẽ cố gắng giao ba đến bốn đơn hàng cùng một lúc. Điều đó khiến tôi bỏ qua các tín hiệu giao thông, lái xe giữa các xe và tăng tốc nhanh không cần thiết trong các ngõ hẹp”, anh Shin cho biết

“Một số nhà hàng sẽ được trang bị những chiếc xe máy hoàn toàn mới và thực hiện kiểm tra định kỳ, nhưng nơi làm việc đầu tiên của tôi chỉ một chiếc xe máy bị hỏng phanh sau. Ông chủ của tôi chỉ dặn tôi nên cẩn thận trên đường đi”, anh Shin nói.

Một tài xế giao hàng tuyệt vọng vì đâm phải một chiếc xe ngoại mà anh biết phải dành dụm nhiều tháng lương mới có thể trả hết số tiền đền bù sửa chữa.

Công ty Yogiyo đã chú ý đến an toàn đường bộ cho các tài xế của mình và cũng không còn tuyển dụng thanh thiếu niên, độ tuổi được ứng tuyển phải là 21 tuổi trở lên.

“Mọi nhân viên giao hàng đều được học một lớp về luật giao thông trước khi bắt đầu ra đường”, ông Choi Hyun Jin, người đại diện của Yogiyo, cho biết.

“Chúng tôi cũng gửi các bản tin hằng tháng về an toàn giao thông và tổ chức các buổi hội thảo định kỳ với sự tham gia của Cơ quan Cảnh sát đô thị Seoul để nhấn mạnh về việc lái xe có ý thức trên đường”, ông Choi nói.

Tuy nhiên, tai nạn giao thông vẫn diễn ra. Bộ Lao động Hàn Quốc báo cáo rằng đã có hơn 650 vụ tai nạn trong giai đoạn 2016-2019. Trong đó, Baedal Riders, một công ty chị em với Baedal Minjok, có 104 trường hợp và Yogiyo Plus, công ty con của Yogiyo, chiếm 56 vụ.

Vì các tài xế được trả khoảng 3.500 KRW cho mỗi lần giao hàng, họ bị ép phải làm việc nhanh nhất có thể. Nhiều người phải giao tới 11 đơn hàng trong một giờ. Do văn hóa “sống vội” ở Hàn, các tài xế thường bị khách hàng phàn nàn nếu giao đến thức ăn bị nguội.

Để giải quyết tình trạng này, khách hàng sử dụng ứng dụng Baedal Minjok hoặc Yogiyo nhận được thông báo rằng đơn hàng của họ sẽ mất 40 hoặc 50 phút để được giao.

Dù vậy, mỗi ngày ở Hàn Quốc, vẫn không hề khó để thấy những chiếc xe máy “chạy đua” trên làn đường của người đi bộ để giao kịp đồ ăn cho khách hàng.

Họ sẽ phải lái xe nhanh nhất có thể, thường là bỏ qua việc tuân thủ luật lệ giao thông, để có thể giao đồ ăn tới nơi khi nó vẫn còn nóng.

Giáo dục & Tốc độ, động lực thành công của Hàn Quốc

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).