Nếu là người thường xuyên quan tâm theo dõi những xu hướng mới nổi lên trong xã hội Hàn Quốc, bạn sẽ nhận ra một điều, ngày càng có nhiều thuật ngữ chuyên dành để gọi tên và mô tả hội những người thích một mình và các hoạt động của họ.

Từ tên gọi “hội người theo chủ nghĩa ghét bị làm phiền” (귀차니스트), “tộc thích ở một mình” (혼족), tộc ở nhà (홈족)… đến định nghĩa về các hoạt động mà những người trẻ thuộc nhóm người này thường có xu hướng làm như “ăn một mình” (혼밥), “uống một mình” (혼술), “du lịch một mình” (혼여)… Và mới đây lại xuất hiện thêm một khái niệm mang tầm vĩ mô là nền kinh tế độc thân (독신경제).

Chỉ cần gõ một trong số những từ khoá trên, những bài báo đưa tin xoay quanh về nhóm người trẻ thích một mình này sẽ hiện lên nhiều vô kể. Tác giả các bài báo ra sức mổ xẻ, phân tích vấn đề bằng một loạt các số liệu thống kê, doanh số bán hàng đáng tin cậy và thu thập ý kiến của rất nhiều nhà chuyên môn, người có chức trách để khẳng định cho luận điểm của họ, rằng “người trẻ Hàn Quốc ngày càng thích ở một mình”.

XEM THÊM: 6 Điều sẽ mất chỉ vì chăm chăm chụp hình sống ảo!

Thật vậy, người trẻ Hàn Quốc ở độ tuổi 20 ngày càng có xu hướng thu mình, thích ở một mình, dè dặt cả việc gặp gỡ những người bạn ở bên ngoài. Nhưng nếu hỏi họ khi quyết định hạn chế tiếp xúc với bạn bè như thế có cảm thấy cô đơn, hay ít nhất là từng cảm thấy cô đơn không, đa số sẽ trả lời cho bạn là “Có”.

Tại sao lại có sự mâu thuẫn này?

Nếu đã nhức đầu với những con số phần trăm thống kê chi chít mà vẫn chưa thoả nỗi tò mò, Hãy cùng thử lắng nghe người trẻ Hàn Quốc nghĩ gì về sự lựa chọn của họ. Khoan vội nhận định đúng sai, liệu bạn có thấy chính mình trong những trong những câu chuyện dưới đây?

Vì mỗi người mỗi cảnh với hàng trăm mối lo khác nhau

“Đã lâu rồi tôi mới gặp lại hội bạn thân. Nhưng cuối cùng buổi gặp mặt ấy lại biến thành kiểu tụ tập rồi… mạnh ai người đó nói về chuyện của bản thân. Thật ra tôi đã đến với ý định chia sẻ về cấp trên “chíu khọ” ở công ty tôi đang thực tập, nhưng có vẻ bạn bè tôi ai cũng có quá nhiều nỗi lo lớn hơn so với tôi. Từ chuyện thi trượt đến băn khoăn chuyện tình cảm. Rốt cuộc tôi đã ra về mà không nói được lời nào về bản thân, đành phải lên twitter để bày tỏ nỗi lòng, giải toả căng thẳng.” – L (25 tuổi)

Có một nỗi sợ mang tên “sợ sẽ biến bạn thân thành thùng rác cảm xúc”

“Những lúc thật sự mệt mỏi tôi lại càng không muốn gặp bạn bè. Ngày xưa vì quá thân thiết nên tôi đã từng vượt quá giới hạn, than thở quá nhiều với người bạn thân. Kết quả là người bạn thân không chịu nổi nữa liền bật lại với tôi: “không phải có mỗi mình cậu mệt mỏi đâu!” Rồi cô ấy nói thêm “Đừng biến tớ thành cái thùng rác cảm xúc của cậu như thế.”

Từ đó trở đi, mỗi khi muốn bày tỏ nỗi niềm băn khoăn tôi đều phải nhìn sắc mặt xem người đó có muốn nghe hay không. Nhưng bạn cũng biết đó, cuộc sống luôn có những khoảnh khắc mệt mỏi mà. Mà cũng chẳng phải lần nào họ cũng lắng nghe tôi. Rồi tôi nghĩ cũng tuyệt thôi nếu có thể trút nỗi lòng với ai đó, dù người ta không thèm phản ứng hay trả lời cũng được. tôi thật sự không biết làm thế nào để xoa dịu trái tim cô đơn của mình cả.” – Y (22 tuổi)

Ngại phải giải thích cụ thể

“Phải thích cụ thể về lý do tôi buồn chỉ để nhận sự an ủi càng khiến tôi cảm thấy mình thảm thương hơn. Đem hết ruột gan giãi bày với một người quen biết, từ sau đó trở đi nhìn mặt họ thôi cũng đã thấy ngượng rồi. Bạn bè trên mạng thì khác. Chúng tôi không gặp nhau, họ cũng không hỏi tôi chi tiết, thành ra lại thoải mái hơn cho tôi khi chia sẻ. Tôi chỉ muốn phơi bày bản thân trong phạm vi bản thân cho phép thôi.” – C (24 tuổi)

Mong muốn sở thích cá nhân được tôn trọng

“Tôi là fan ruột của một nhóm nhạc idol. Lúc còn học cấp 3, thông qua việc nói chuyện về idol mà tôi đã thân được với rất nhiều bạn. Nhưng khi vào đại học mọi chuyện lại khác hẳn. Có lần một người bạn nói với tôi rằng cô ấy không thể hiểu nổi sao fan girl (chỉ người hâm mộ nữ) lại có thể vung tiền qua cửa sổ cho idol như thế.

Tôi đã bị sốc. Từ đó trở đi tôi giấu việc mình cũng là fan girl của idol. Vì chỉ nghe những lời như vậy thôi cũng đã thấy tổn thương rồi. Mặt khác, tôi cảm thấy tồi tệ vì có người phán xét sở thích của mình. Không lẽ ở ngoài đời tôi không thể kiếm được một người bạn nào để chúng tôi có thể thoải mái trò chuyện về tình yêu thần tượng hay sao? Tôi cảm thấy ngột ngạt quá!” – P (23 tuổi)

Sự đồng cảm quá mức có thể biến tướng thành sự can thiệp

“Đôi khi bạn bè tôi có phần nhiệt tình thái quá, đưa ra lời khuyên vượt ngoài phạm vi ủng hộ như một người bạn thông thường. “Tớ muốn cậu tốt hơn nên mới khuyên cậu làm vậy. sao cậu không làm?”

Nghe những lời ấy tôi càng tổn thương hơn. Thật ra tôi cần sự đồng cảm hơn là một giải pháp cụ thể. Nếu một người bạn của bạn đang mệt mỏi, chỉ cần nói là “Tớ hiểu rồi, chắc cậu có nhiều phiền muộn trong lòng lắm.” , vậy là đủ rồi mà?” – J (22 tuổi)

Việc giữ liên lạc với người khác thật phiền phức

“Những người thuộc “chủ nghĩa ngại phiền phức và thích ở một mình” (귀차니스트) như tôi thường không liên lạc với bạn bè mấy. chỉ khi nào có việc, tôi mới kiểm tra tin nhắn. Bình thường tôi còn chả buồn đụng đến điện thoại. Thậm chí dạo gần đây tôi còn có suy nghĩ cảm thấy gánh nặng khi có ai trách móc là sao không giữ liên lạc. không phải con người ta sợ sau này sẽ có lúc cô đơn nên duy trì quan hệ thôi sao. Tôi chẳng rõ suy nghĩ của mọi người thì thế nào

Không ai bỗng dưng có việc xảy ra rồi chạy đến đòi người khác an ủi. Có lẽ vì vậy nên họ mới cố gắng duy trì quan hệ như một hình thức tham gia bảo hiểm chăng? Một người không thể chăm sóc người khác như tôi thì thà ở 1 mình sẽ tốt hơn. Liên lạc khi cần, không liên lạc thì cũng có thể nhẹ nhàng hiểu cho – kiểu quan hệ tình bạn này trên đời không có sao? Hay là chỉ mình tôi lạ đời?” – K (23 tuổi).

Ai cũng có một người bạn chỉ “seen” tin nhắn rồi không một câu trả lời

“Bạn của mọi người khi thấy tin nhắn của mọi người đến liền trả lời ngay sao? Bạn của tôi lại toàn là những người mặc định không trả lời – cũng không thèm đọc tin nhắn. Có lúc đã 1 ~ 2 ngày trôi qua rồi mà họ cũng không đọc tin nhắn. Tôi đã bỏ cuộc vì quá mệt mỏi khi phải chờ đợi tin nhắn trả lời. Không có người bạn nào dễ liên lạc 1 chút sao?” – K (23 tuổi)

Nỗi niềm thầm kín có thể bị đồn thổi

“Tôi đã từng tâm sự với 1 người bạn ngoài đời để rồi chứng kiến câu chuyện của mình được truyền đi khắp bốn phương. Từ đó tôi cảm thấy dường như trên đời này không có bí mật nào được bảo toàn nếu đem đi kể ngay cả với người thân thiết nhất. Vì vậy, bây giờ tôi chỉ muốn thổ lộ nỗi lòng với một người hoàn toàn xa lạ, ít nhất thì sẽ không cảm thấy bị phản bội như trước.” – K (21 tuổ)

Không nhận được sự đồng cảm như mong đợi

“Tôi đã kỳ vọng nhận được sự đồng cảm sâu sắc khi bày tỏ nỗi lòng nhưng rồi chỉ nhận lại được một lời an ủi rất chung chung đại khác. Nhìn thấy biểu hiện không để tâm và ngữ điệu hờ hững ấy tôi còn tổn thương hơn. Những lúc như thế tôi lại hối hận vì đã nói. Đó là người bạn hiểu tôi nhất nên tôi muốn nhận được sự an ủi từ cô ấy thôi mà..” – H (22 tuổi)

Thổ lộ điều bí mật có thể khiến người khác nhìn tôi bằng ánh mắt kỳ lạ

“Khi mối quan hệ với người yêu 3 năm đang dần nguội lạnh, có một người đã xuất hiện, tiếp cận tôi và bày tỏ sự quan tâm đến tôi với tần suất liên tục. Tôi thấy mình thật sai nhưng nói thật là tôi đã cảm thấy rung động. Tôi muốn đem chuyện này kể với bạn bè, vì bản thân tôi cũng cảm thấy rất đau khổ khi có những cảm xúc này.

Nhưng bạn bè tôi cũng có quen biết người yêu tôi, tôi sợ rằng nếu nói ra sẽ bị bạn bè nhìn bằng ánh mắt kì thị nên đành im lặng. Chia sẻ rồi cũng không nhận được đồng cảm, chưa kể đến trường hợp kinh khủng nhất là việc có thể đến tai người yêu hiện tại. Ước gì có ai lắng nghe nỗi lòng của tôi mà không có thành kiến.” – K (22 tuổi)

Sẽ rất khó và cũng không cần thiết để đưa ra nhận định hay phân tích đúng sai về những câu chuyện kể trên. Đó cũng là lí do vì sao trong bài viết gốc, tác giả chỉ khái quát chung những lý do vì sao người trẻ Hàn Quốc ở độ tuổi 20 có xu hướng lựa chọn “giữ cho riêng mình” những nỗi niềm thay vì tiếp xúc, gặp gỡ bạn bè nhiều hơn. Ngoài ra, tác giả không đưa thêm bất kỳ bình luận nào thể hiện quan điểm cá nhân.

Ở góc độ của người biên tập, gửi đến những ai thấy được chính mình trong những câu chuyện trên, hy vọng bạn sẽ nhận được sự an ủi vì biết rằng ở ngoài kia cũng có người trẻ đang trải qua những chuyện như mình.

Xin được kết lại bài viết bằng dòng cảm xúc mà nữ ca sĩ Park Gyuri (cựu trưởng nhóm KARA) đã đăng tải trên trang Instagram cá nhân ngày 15/10/2019: “조금 더 모두에게 관대한 세상이 되었으면” (Tạm dịch: Tôi mong rằng mọi người sống trên thế giới này có thể đối xử rộng lượng và bao dung với nhau hơn.)

⇢ Tìm hiểu thêm về xã hội Hàn Quốc:

Tổng hợp từ 대학내일

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).