“Tim tôi như vỡ ra khi khoản đầu tư đầu tiên của mình sinh lời, tôi đau đầu tới mức mất ngủ cả đêm.”

Lee Hyun Min (33 tuổi), một nữ nhân viên văn phòng ở Hàn Quốc chia sẻ: Trước đây cô phải gọi điện cho hết ngân hàng này đến ngân hàng kia để hỏi về lãi suất gửi tiết kiệm. Nhưng sau khi biết đầu tư vào tiền ảo thì ngay ngày đầu tiên, 1.600.000KRW mà đã sinh lời thành 2.560.000 KRW. So sánh với lãi suất ngân hàng và đầu tư tiền ảo thì cô thấy rõ mặc dù mạo hiểm, nhưng đầu tư vào tiền ảo và chứng khoán vẫn lời hơn so với việc gửi tiết kiệm ngân hàng.

Vào thời điểm năm 2017, khi tiền ảo Bitcoin bắt đầu xâm nhập vào thị trường Hàn Quốc, nó vẫn còn là một câu chuyện đầu tư “hoang đường” với nhiều người. Nhưng sau khi có nhiều câu chuyện “giàu sau một đêm”, giới trẻ Hàn Quốc bắt đầu bị cuốn vào cơn sốt đầu cơ tiền ảo.

Vào thời điểm đó, khối lượng giao dịch Bitcoin hằng ngày tại Hàn Quốc lên tới 5.000 ~ 10.000 tỉ KRW (khoảng 4.5 đến 9 tỉ USD), tức là mỗi tháng có khoảng 135 đến 270 tỉ USD được đầu tư vào loại tiền ảo này.

Tuy nhiên, loại tiền ảo này bắt đầu giảm giá mạnh từ tháng 1/2018, khi chính phủ Hàn Quốc siết chặt các quy định giao dịch tiền ảo, khiến các giao dịch gần như không thể thực hiện. Tuy bị kiểm soát nhưng tổng giá trị vốn hóa thị trường tiền điện tử được niêm yết trên các sàn giao dịch đã tăng gấp 10 lần trong vòng 3 năm qua ở Hàn Quốc.

Cụ thể, chỉ số thị trường sàn giao dịch Upbit (UBMI – Upbit Market Index) của Hàn Quốc từng khởi đầu với mức 1.000 điểm ngày 1/10/2017 đã vượt ngưỡng 10.000 điểm vào ngày 13/3/2021, tăng gấp 10 lần chỉ trong vòng 3 năm 5 tháng.

Trong đó, đồng tiền điện tử có tỷ trọng giao dịch cao nhất là Bitcoin. Tốc độ tăng giá trị vốn hóa thị trường của các đồng tiền điện tử khác cũng rất nhanh. Chỉ số Altcoin, chỉ chung các đồng tiền điện tử khác ngoài Bitcoin, trên sàn Upbit từng đạt 1.000 điểm vào ngày 1/10/2017 đã tăng lên 4.700 điểm ngày 15/3/2021.

Dưới đây là một số lý do dẫn tới hiện tượng tái bùng phát xu hướng đầu tư tiền ảo ở Hàn Quốc.

Tiền ảo trong cuộc sống hàng ngày

Tại một số cửa hàng cà phê ở Seoul, mọi người cũng có thể đặt đồ uống bằng tiền ảo, trong khi một số người thuê nhà ở cũng có thể trả tiền thuê hàng tháng theo cách tương tự.

Công ty Điện tử Samsung đã nhúng một loại ví tiền điện tử mới vào dòng điện thoại thông minh Galaxy S10, chắc chắn đây là sự chuẩn bị để bắt kịp xu thế mới của thị trường.

Một số công ty toàn cầu như Tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới có trụ sở tại Mỹ AT & T, gã khổng lồ thương mại điện tử Nhật Bản Rakuten và công ty quản lý du lịch của Anh Coperate Traveller cũng đều chấp nhận thanh toán bằng tiền kỹ thuật số.

Tại Nhật Bản, Bitcoin được sử dụng như một phương tiện trao đổi an toàn, nhiều tiệm bánh tại đây chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin. Tương tự, tại các nước Bắc Âu như Na Uy, Thụy Điển, tiền ảo cũng được sử dụng làm phương tiện thanh toán.

Các doanh nghiệp lớn vào cuộc

Facebook, mạng xã hội có hơn 2 tỷ người dùng trên toàn cầu, cho biết sẽ có kế hoạch phát hành loại tiền ảo riêng với tên dự kiến là Libra. Loại tiền điện tử này sẽ mở ra một nền tảng hoàn toàn mới về thanh toán, dịch vụ và giao dịch.

Ở Hàn Quốc, công ty Kakao cũng có kế hoạch tích hợp ví tiền ảo điện tử của Samsung vào ứng dụng nhắn tin di động KakaoTalk, vốn đang có khoảng 50 triệu người dùng trong nước.

Các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Baidu, Alibaba cũng đang chuẩn bị ra mắt tiền điện tử của riêng họ để phát triển một mạng lưới thanh toán khổng lồ mới. Ngày càng có nhiều công ty toàn cầu áp dụng công nghệ chuỗi khối mở ra một nền tảng kinh doanh mới. Trong bối cảnh đó, người ta ngày càng chú ý nhiều hơn đến tiền ảo.

Cứu cánh của giới trẻ

Dịch COVID-19 kéo dài, thất nghiệp triền miên, trong bối cảnh khủng hoảng ngày càng gia tăng, thế hệ 2030 (độ tuổi 20 và 30) ở Hàn Quốc coi tiền ảo như một cứu cánh. Họ nhận thức rõ tất cả những nguy cơ khi tham gia vào sàn giao dịch điện tử, nhưng thôi thúc ý nghĩ “Nếu không đầu tư lúc này thì sẽ không thể thoát khỏi tình trạng hiện tại”. Cũng giống như việc xếp hàng mua xổ số, việc mua tiền ảo cũng được coi là một hình thức “đầu cơ” hoặc “một phát ăn liền” (한탕주의) mà nhiều người muốn thử vận may.

Theo thống kê về tình trạng đầu tư trên 4 sàn giao dịch tiền điện tử lớn là Bithumb, Upbit, Coinone, Korbit vào ngày 21/4/2021 có tổng cộng 2.495.289 tài khoản đầu tư mới trong quý đầu của năm 2021. Trong số này, có 816.039 người (chiếm 32.7%) ở độ tuổi 20 và 768.775 người (chiếm 30.8%) ở độ tuổi 30, tức cứ 10 người lại có 6 nhà đầu tư trẻ.

Một trong những lý do khiến giới trẻ Hàn Quốc rủ nhau đầu tư tiền ảo là tình trạng bấp bênh của thị trường bất động sản. Anh Kim, một nhân viên văn phòng chia sẻ: “Giá nhà cứ tăng vùn vụt, mấy tháng trước tôi xem giá nhà còn mở mức 500 triệu, vậy mà hôm nay xem lại, vẫn ngôi nhà đó nhưng đã thành 700 triệu. Người có tiền mới đủ sức đầu tư bất động sản, còn ít tiền như tôi thì chỉ có thể đầu tư tiền ảo.”

Nhiều người thú nhận, bản thân họ khi đầu tư cũng nhận thức được sự “mù mịt” của các biến động trên thị trường tiền ảo. Anh Jung, một dân chơi tiền ảo lâu năm cũng cho biết: “Rất ít người biết chính xác khái niệm, quy chế của tiền ảo. Nhiều khi việc đầu tư giống như quay bài trong sòng bạc vậy. Có một số người tự coi đó là một trò game ăn tiền.”

Vì đầu tư “cò con”, lại không có kinh nghiệm nên những nhà đầu tư tiền ảo trẻ tuổi bị đảo lộn cả cuộc sống vì đồng tiền nay. Giá cả biến động liên tục trong suốt 24 giờ khiến tâm trạng con người cũng lên xuống thất thường, khó tập trung vào công việc và sinh hoạt hàng ngày.

Tuy nhiên, cơn sốt đầu tư tiền ảo vẫn chưa có dấu hiệu giảm ở Hàn Quốc. Bởi trên các diễn đàn trực tuyến như Facebook, những “tấm gương làm giàu” vẫn được chia sẻ hàng ngày.

Ngày 22/4/2021, một người đã chia sẻ câu chuyện đầu tư “có một không hai của mình”: Ngày 20/4/2021, anh này bỏ 50 KRW cho đồng “Arowana Token (ARW)” được niêm yết trên Bithumb lúc 2:30 chiều. Đến 3 giờ chiều cùng ngày, tức chỉ sau 30 phút niêm yết, mỗi đồng đã tăng lên 53.800 KRW, tức tăng lên gấp 1.076 lần.

Giống như một “quả cầu lửa”, đồng “Arowana Token (ARW)” liên tục tăng cao, đạt giao dịch 3.980 tỉ KRW sau 8 tiếng đồng hồ niêm yết. Tiền điện tử này được sử dụng trong nền tảng phức hợp tài chính kỹ thuật số mới “Arowana” do Hancom With, một công ty blockchain liên kết với Hangul Computer Group đầu tư.

Sau khi đạt đỉnh mức 53.800 KRW, đồng tiền ARW đã giảm xuống mức 33.760 KRW từ ngày 21/4/2021 và nằm trong mức giao động 26.10~27.90% trong ngày. Các chuyên gia tài chính Hàn Quốc nhận định: Những đồng tiền ảo có mức tăng qua cao so với các đồng tiền khác sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro nên cần cẩn trọng khi đầu tư.

Tổng hợp từ Naver News

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).