Sau xung đột với Nhật Bản trong cuộc chiến Nhâm Thìn Oa Loạn (임진왜란 – 1592) và cuộc xâm lược lần thứ hai của Mãn Châu (병자호란 – 1636), từ trong lòng triều đại Joseon đã có những thay đổi rõ rệt ở nhiều lĩnh vực, trong đó có hệ tư tưởng. Đến thế kỷ 19, nhiều học thuyết mới ngoài Nho giáo nhanh chóng được du nhập vào bán đảo Triều Tiên.

Trong giai đoạn biến động này, giới quý tộc (lưỡng ban) tăng lên đáng kể, tầng lớp trung nhân giàu có cũng ngày một đông hơn. Cũng từ đây, gisaeng nổi lên trong xã hội và có những vai trò quan trọng nhất định. Gisaeng tạo nên một làn sóng mới trong lĩnh vực thẩm mỹ, vốn ít có cơ hội tỏa sáng trước đây bởi những quy định về thân phận con người.

Dưới đây là nội dung về lịch sử của hanbok dành cho các gisaeng (기생한복) – một nét cách tân từ trang phục hanbok sơ khai, khởi nguồn của vẻ đẹp được công nhận rộng rãi trong trang phục truyền thống thời đương đại của người Hàn Quốc.

Cách tân màu sắc – vượt trên quy luật trang phục phân tầng thân phận

Thời Joseon, Hanbok cũng là một công cụ để nhận diện thân phận của con người. Giới lưỡng ban (yangban) mặc hanbok với màu sắc nổi bật, ngược lại thường dân chỉ mặc hanbok trắng. Do đó những người thấp cổ bé họng còn được gọi với cái tên “dân tộc bạch y” (백의민족 – dân tộc áo trắng).

Nguyên nhân của sự phân tầng này là do chi phí của việc nhuộm vải quá lớn đối với tầng lớp dân thường. Thời Joseon, kỹ thuật nhuộm vải phát triển, nhưng giá thành còn cao. Mặt khác, chi phí nhuộm vải cũng bị can thiệp nhằm tạo rõ sự phân biệt giai cấp.

Do đó ngoài tầng lớp lưỡng ban có khả năng tiêu dùng vải nhuộm, người dân thường dùng vải màu trắng hoặc ngả vàng làm trang phục. Tuy nhiên, vào các dịp đặc biệt như lễ hội, người dân có thể nhuộm trang phục thành những màu có tông nhạt như xanh nhạt.

Dù vậy, gisaeng đã vượt ra khỏi quy luật này khi họ mặc hanbok nhuộm màu sặc sỡ và may bằng vải vóc đắt tiền. Một số nhà nghiên cứu cho rằng gisaeng phải tiếp xúc với giới thống trị, do đó trang phục của họ không thể giống phụ nữ thông thường.

Không dừng lại ở việc nhuộm hanbok cho có màu sắc bắt mắt, gisaeng còn sáng tạo ra một loại hanbok mới. Mốt “상박하후” (上薄下厚/ thượng bạc hạ hậu) của gisaeng trở nên phổ biến, làm thay đổi toàn bộ hanbok của một triều đại.

Tạo hình hanbok qua các giai đoạn Cao ly cổ, Cao ly, Tiền Joseon và Hậu Joseon.

Xu hướng thượng bạc hạ hậu của gisaeng hanbok

“상박하후” (tức: thượng bạc hạ hậu) miêu tả mẫu hanbok mới được sáng tạo nên bởi tầng lớp gisaeng với phần jeogori ở trên ngắn, co nhỏ, trong khi phần váy (chima) ở dưới mở rộng, phong phú. Gisaeng thường mặc jeogori màu vàng, chima màu xanh dương hoặc đỏ.

Bước vào hậu kỳ Joseon, hoejang-jeogori (회장저고리) được ưa chuộng hơn cả. Hoejang-jeogori (회장저고리) là loại jeogori trang trí viền cổ áo, viền tay áo và nơ bằng vải màu khác (thường là đỏ tía). Hoejang-jeogori được chia thành banhoejang-jeogori (반회장저고리) hoặc samhoejang-jeogori (삼회장저고리) tùy theo cách trang trí áo jeogori.

삼회장저고리 (samhoejang-jeogori)

Từ những năm 1900, minjeogori (민저고리) trở nên thịnh hành hơn (loại áo jeogori với những phần như viền cổ áo (깃), viền tay áo (끝동) và nơ (고름) không ráp với vải khác màu).

Jeogori của gisaeng ôm sát đường cong cơ thể hơn so với jeogori truyền thống. Đây là điểm mới mẻ và táo bạo trong xã hội Joseon khi trang phục của người phụ nữ buộc phải nhã nhặn, kín đáo.

Hơn nữa, nhằm tôn vẻ đẹp hình thể người phụ nữ, jeogori ngày càng được cắt ngắn và bóp sát thêm. Táo bạo là thế, nhưng gisaeng tinh tế thiết kế thêm phần vải trắng nịt ngực. Nhờ đó, jeogori mới vừa theo đúng tiêu chí kín đáo, vừa tôn được vẻ đẹp của người phụ nữ.

Banhoejang-jeogori cùng váy đặc trưng của gisaeng. Phần ngực được cuốn bằng một miếng vải trắng

Trái ngược với phần thân trên ôm sát, phần chima ở thân dưới được mở rộng dần. Để chima có độ phồng to như mong muốn, gisaeng mặc thêm nhiều lớp đồ lót ở bên trong như 속속곳, 단속곳, 무지기…

Các loại trang phục lót. Gisaeng mặc nhiều lớp lót để tạo độ phồng cho váy.

Độ dài của chima thay đổi dần. Khi hanbok “cách tân” này mới ra đời, váy chima dài từ phần dưới ngực đến chân, do jeogori lúc này chưa ngắn quá mức. Về cuối thời Joseon, jeogori ngắn lên trên ngực, chima được mặc bắt đầu từ phần trên ngực.

Với cách mặc này, vòng 3 phụ nữ trông to hơn thực tế, đúng với thời trang “thượng bạc hạ hậu” rất được ưa chuộng của giới gisaeng. Vạt chima được xếp hướng về phía bên phải. Khi gisaeng ra ngoài, họ dùng tay để kéo vạt này lên để thấy cả nội y bên trong. Đây là động tác phổ biến chỉ có ở gisaeng.

Về cuối triều Joseon, gisaeng để kiểu tóc 얹은머리 (đội gia thế đặc trưng). Từ những năm 1900, đại đa số gisaeng để kiểu tóc jjokjin (쪽진 머리): tóc được tết, búi gọn sau gáy trong sinh hoạt bình thường. Khi ra ngoài, họ đội thêm jeonmo (전모). Một số gisaeng còn sử dụng áo trùm, vốn chỉ những phụ nữ, tiểu thư nhà quý tộc dùng trước đây.

얹은머리 (gia thế đặc trưng của gisaeng)

Jeonmo là loại nón tầng lớp cheonmin đội khi ra ngoài hoặc trong các chuyến dạo chơi. Jeonmo có khung làm bằng tre, sau đó dán giấy dầu lên để trang trí. Giấy dầu này có vẽ hình bươm bướm, hoa, hoặc các chữ “thọ” (壽), “phúc” (福), “phú” (富), “quý” (貴) thể hiện mong ước cuộc sống no đủ. Khi đội, jeonmo che mất một phần khuôn mặt, vừa làm người nữ có vẻ đẹp bí ẩn, e thẹn, vừa giữ đúng lễ nghi xưa.

Cô gái trong trang phục gisaeng hanbok, đầu đội nón và đang múa quạt giấy.

Jeonmo

Các kiểu buộc tóc thời Joseon.

Kiểu tóc 쪽진 머리

Thay đổi cục diện hanbok thời Joseon

Vào cuối triều Joseon, dưới sự định hình của giới thống trị, Nho giáo ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn với phụ nữ. Hàng loạt luật lệ được đặt ra, trong đó có cả những quy định hạn chế người nữ tham gia các công việc ngoài xã hội. Trong bối cảnh đó, gisaeng trở thành một tầng lớp đặc biệt: những phụ nữ tiện dân bước ra xã hội với trí tuệ không thua gì giới cầm quyền.

Gisaeng trang điểm lộng lẫy, mặc trang phục hoa lệ được làm từ những nguyên liệu đắt tiền, đội gia thế (tóc giả) và đeo nữ trang sang trọng. Ngay giữa xã hội trọng nam khinh nữ nặng nề và chế độ phân tầng giai cấp nghiêm ngặt, gisaeng đã trở thành “nguồn cảm hứng” của phụ nữ đương thời. Có thể có những người mang định kiến về gisaeng, nhưng tất cả đều bị gisaeng kích thích cảm giác muốn làm đẹp, chăm chút cho bản thân.

Hình ảnh thiếu nữ đầu đội tóc giả, mặc gisaeng hanbok với phần thân màu đỏ.

Tiêu biểu nhất là hanbok với jeogori ngắn của gisaeng đã nhanh chóng lấy lòng các phu nhân của tầng lớp lưỡng ban. Họ học theo jeogori ngắn, chật của gisaeng, kết hợp với phần váy rộng, hơi kéo lên để lộ lớp đồ lót.

Theo một số ghi chép, các khuê nữ của giới quý tộc bị ép phải theo phong cách này của gisaeng, các phu nhân lưỡng ban cũng hăng hái học theo. Điều này cho thấy, ngay cả đàn ông, những người có vị thế hơn trong xã hội Joseon cũng không hề phản đối thời trang mới này dù nó đi ngược với những gì xã hội áp đặt lên phụ nữ. Thậm chí, nam giới Joseon cũng phải mê mệt trước những cách tân của gisaeng.

Ảnh minh họa hai nhân vật nam và nữ mặc hanbok truyền thống trong phim truyền hình cổ trang Mặt Trăng Ôm Mặt Trời.

Tiểu thư các gia đình quý tộc cũng mặc hanbok có jeogori ngắn theo gisaeng (hình ảnh từ bộ phim “Mặt Trăng Ôm Mặt Trời”)

Sau cùng, những người phụ nữ thường dân Joseon cũng tiếp nhận hanbok với jeogori ngắn này. Tuy nhiên, đây là đặc quyền của một số người, không phải ai muốn cũng có thể mặc trang phục này. Phong cách “thượng bạc hạ hậu” của gisaeng biến đổi toàn bộ cục diện hanbok thời hậu Joseon.

Bức tranh dân gian cổ về người phụ nữ thời Joseon mặc hanbok lộ ngực đan giã gạo.

Phụ nữ thường dân trong trang phục hanbok học theo gisaeng

Vượt định kiến xã hội, mang theo khát vọng tự do bình đẳng

Hanbok do gisaeng cách tân có phần xa hoa và một chút “khêu gợi” về mặt giới tính: áo ngắn và ôm sát cơ thể, váy phồng to bởi nhiều lớp đồ lót, để lộ đồ lót bên trong, gia thế đắt tiền…

Hình ảnh một cô gái mặc gisaeng hanbok trong một bộ phim cổ trang của Hàn Quốc.

Dù vậy, nó vẫn được chào đón và trở thành thời trang chung của đất nước Joseon vào hậu kỳ. Chẳng phải chỉ đơn thuần vì phụ nữ muốn làm đẹp, hay để được lòng người nam mà hanbok này đạt được những “thành tích” như thế.

Giữa xã hội đầy những bất công với người nữ, đặc biệt là phụ nữ tầng lớp tiện dân, hanbok của gisaeng như một điểm sáng. Vượt lên quy định về lễ nghĩa, tiết hạnh mà Nho giáo đè lên vai người nữ, gisaeng tạo ra một “công cụ” chống lại định kiến mà xã hội đặt lên mình.

Gisaeng Hanbok - Nam giới mặc hanbok (trái) và nữ mặc hanbok (phải).

Hanbok trước đây có phần jeogori rộng và dài, và phần váy kéo dài tới chân. Một mặt, hanbok rộng tượng trưng cho mong ước cuộc sống sung túc, dư đầy và mang đặc trưng tính cách của dân tộc Hàn. Mặt khác, thiết kế này nhằm che đi thân hình người phụ nữ, và vô hình chung khiến họ gặp khó khăn trong sinh hoạt. Đây chính là hiện thân của những bó buộc đặt lên người nữ trong thời đại này.

Trang phục hanbok mới do gisaeng khởi xướng nhằm mục đích tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ một cách khéo léo. Gisaeng vẫn mặc trang phục đẹp để đón tiếp khách, thậm chí có phần kín đáo khi thêm vào rất nhiều trang phục lót bên trong. Đồng thời vẫn “khơi gợi” một cách tinh tế, đủ để làm say lòng bất kỳ người đàn ông nào. Và đương nhiên, họ khiến phụ nữ, kể cả phụ nữ quý tộc, “thèm thuồng” bộ trang phục phá cách nhưng vẫn không phản cảm này.

Gisaeng Hanbok - Cô gái mặc bộ hanbok kỹ nữ có phần váy màu đỏ và phần thân trang điểm bằng những bông hoa trên nền trắng.

Ở bất kỳ thời đại nào, con người luôn khao khát sự tự do và không muốn bị bó buộc. Đặc biệt tại Joseon hà khắc, mong ước này lại càng mạnh mẽ hơn, nhất là những người phụ nữ tầng lớp tiện dân.

Hanbok của gisaeng đi ngược lại với định kiến xã hội, quy định của Nho giáo về thân phận tiện dân và nữ nhân. Nó thể hiện khao khát được tự do, bình đẳng. Đây chính là nguyên nhân đưa trang phục này trở thành hình mẫu của hanbok thời Hậu Joseon.

Tổng hợp từ Naver, Kim YeonaKwon Oh Jang

author-avatar

About Mai Huyên

Mình không biết tại sao lại thích Hàn Quốc. Có lẽ do ly kem mát lạnh và ngọt ngào đó; hay là buổi nắng rực rỡ nơi hòn đảo xinh đẹp; cũng có thể do cơn mưa hè, ngày mọi người nói 안녕 lần cuối.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).