Ngày 18/11/2019, Hàn Quốc và Mỹ tổ chức vòng đàm phán thứ 3 về vấn đề chia sẻ chi phí duy trì sự hiện diện của binh lính Mỹ trên bán đảo Hàn Quốc để tiến tới ký kết Thỏa thuận Các biện pháp đặc biệt (SMA) lần thứ XI.

Hai bên tập trung thảo luận về các vấn đề chính còn chưa được thống nhất như phần chi phí tổng cộng mà phía Seoul cùng chia sẻ và những nội dung cần đưa vào thỏa thuận chia sẻ chi phí

Trưởng đoàn Hàn Quốc Jeong Eun Bo và người đồng cấp Mỹ James DeHart chủ trì vòng đàm phán kéo dài hai ngày tại Seoul.

Vào ngày họp cuối cùng (19/11/2019), dự kiến cuộc họp lẽ ra sẽ kéo dài từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều, nhưng vào lúc 12 giờ 40 phút chiều cùng ngày, trưởng đoàn đàm phán phía Mỹ James DeHart đã thông báo cắt ngắn thời gian đàm phán để Hàn Quốc có thêm thời gian cân nhắc lại.

Phía Mỹ cho rằng: “Hàn Quốc là một quốc gia giàu có, do đó có khả năng và nên chi nhiều tiền hơn bù đắp chi phí quốc phòng”.

Cụ thể, Mỹ yêu cầu Hàn Quốc trả khoảng 5 tỉ USD cho việc Mỹ đưa quân tới đây bảo vệ, cao hơn thỏa thuận một năm hiện tại khoảng 1 tỉ USD.

Tuy con số nghe có vẻ rất lớn nhưng thực tế chỉ ra rằng sứ mệnh “bảo vệ thế giới tự do” là một nhiệm vụ tốn kém. Một lý do quan trọng cho vấn đề này chính là việc các quốc gia không phải một phần của liên minh do Mỹ dẫn đầu, như Trung Quốc, cũng đang chi ra số tiền kỷ lục cho quốc phòng.

Về cơ bản, yêu cầu Seoul trả nhiều tiền hơn là lựa chọn duy nhất mà Mỹ hiện có. Bởi trước các mối đe dọa quân sự và hạt nhân thường xuyên từ Bắc Hàn, Washington không thể đóng cửa các căn cứ quân sự hoặc rút 28.500 lính Mỹ khỏi Hàn Quốc được.

Mỹ hiện có khoảng 800 căn cứ quân sự tại hơn 70 quốc gia. Chỉ riêng ở Đức con số này là 174. Mỹ thậm chí có một căn cứ đóng tại Aruba, một hòn đảo nhỏ xíu ngoài khơi biển Ca-ri-bê.

Những căn cứ nước ngoài này được vận hành trên tiền thuế của người dân Mỹ. Chi phí không chỉ đến từ việc vận hành, bảo trì mà còn cả việc thanh toán chi phí sử dụng đất hoặc bờ biển của những quốc gia khác.

Ngoài ra, còn có chi phí duy trì mối quan hệ ngoại giao với các quốc gia đó để đảm bảo họ không đột nhiên đuổi quân đội Mỹ về nước. Được biết chi phí duy trì các căn cứ quân sự nước ngoài của Mỹ là 156 tỉ USD mỗi năm.

Trước yêu cầu của Mỹ, chính giới Hàn Quốc phản đối và cho rằng đòi hỏi này là không thích đáng, là cư xử không đẹp với nước đồng minh.

Ý tưởng về việc Seoul chi nhiều tiền hơn cho các binh sỹ Mỹ cũng không nhận được sự đồng tình từ công chúng Hàn Quốc. Kết quả một cuộc thăm dò dư luận vừa công bố cho thấy, có tới 96% người được hỏi ý kiến phản đối Hàn Quốc đóng góp chi phí cao hơn cho việc bảo vệ quân sự của Mỹ.

Có thể hai bên sẽ khó thu hẹp được bất đồng ý kiến trong tương lai gần. Mức gánh vác chi phí quân sự của Hàn Quốc có thể sẽ không được quyết định đúng thời hạn trong năm nay.

XEM THÊM: Chế độ của Hàn Quốc dành cho người Bắc Hàn vượt biên

Tổng hợp từ Kyunghyang

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).