Sáng 30/6/2020, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc (주 베트남 대한민국 대사관) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ Hàn Quốc” (2020 한국을 만나다) tại Hà Nội với mục tiêu thảo luận phương án khởi động lại nền kinh tế sau một thời gian ngưng trệ vì đại dịch COVID-19.

Hội nghị với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ Công thương, Bộ Công nghiệp, Bộ Nông nghiệp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cố vấn của Thủ tướng, 63 nhà lãnh đạo các tỉnh/thành trên toàn quốc.

Phía Hàn Quốc có sự tham gia của Đại sứ Hàn Quốc Park No Wan (박노완), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA), Lãnh đạo Văn phòng Xúc tiến Thương Mại và Đầu tư Hàn Quốc, Trưởng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc).

Hội nghị tập trung thảo luận phương hướng và hành động cụ thể để tăng cường hợp tác chiến lược giữa Hàn Quốc và Việt Nam trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, giáo dục và đào tạo, lao động, du lịch, hợp tác khu vực và trao đổi nhân sự.

Hội nghị này là một trong những sự kiện hàng năm do Bộ Ngoại giao Việt Nam lên kế hoạch nhằm tăng cường hợp tác và hỗ trợ với các đối tác quốc tế lớn và doanh nghiệp địa phương, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế.

Việt Nam và Hàn Quốc cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, đều vừa trải qua những giai đoạn đỉnh điểm của dịch bệnh. Thông qua hội nghị này, hai nước sẽ chia sẻ kinh nghiệm trong công tác kiểm soát tình hình dịch bệnh, tìm kiếm phương án hỗ trợ khôi phục kinh tế xã hội bằng cách điều chỉnh quan hệ hợp tác song phương theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Trong bài phát biểu về phương án tăng cường hợp tác viện trợ phát triển cộng đồng (ODA), đại diện Hàn Quốc nhấn mạnh Hàn Quốc sẽ tiếp tục ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng và phát triển của Việt Nam thông qua ODA.

Về phương án mở rộng giao lưu nhân sự và hợp tác địa phương giữa hai nước, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM) Kim Han Yong (김한용) nhấn mạnh sự cần thiết phải chuẩn bị phương án bình thường hóa nhập cảnh của các doanh nhân hai nước, đồng thời đề cập đến việc mở rộng giao lưu giữa hai nước.

Trên thực tế, ngay cả trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, Việt Nam đã từng chấp nhận cho nhập cảnh ngoại lệ với đội ngũ kỹ sư đến từ Hàn Quốc trực thuộc tập đoàn Samsung và LG.

Trên cơ sở hợp tác bình đẳng cùng phát triển, Hàn Quốc hy vọng Việt Nam cho phép nhập cảnh ngoại lệ sẽ được chấp nhận nhiều hơn.

Trong buổi họp cuối cùng, Kim Ki Joon (김기준), Chủ tịch KOTRA Khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương, chia sẻ: “Hàn Quốc và Việt Nam là những quốc gia ưu tú trong phòng dịch được cả thế giới chú ý. Nhìn vào ưu thế cơ bản của nền kinh tế hai nước, Hàn Quốc và Việt Nam có thể đạt được sự hồi phục nhanh chóng hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.”

Đặc biệt, mỗi phiên họp, các “kênh chủ lực” của kinh tế Hàn Quốc đã thu hút sự chú ý khi kêu gọi sự quan tâm, tạo điều kiện của chính phủ Việt Nam đối với sự khó khăn của các công ty Hàn Quốc khi đầu tư vào địa phương ở Việt Nam do tác động của COVID-19.

Yoon Ok Hyun (윤옥현), Trưởng Văn phòng đại diện Phòng TM&CN Hàn Quốc tại Việt Nam đồng tình quan điểm gỡ bỏ cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh. Ông nói: “Những chuyến thăm để tìm cơ hội đầu tư chỉ mất khoảng 4~5 ngày, nhưng thực tế là cần một chương trình đặc biệt. Do đó, nếu áp dụng cách ly 14 ngày sẽ mất rất nhiều thời gian quý giá. Ngoài ra, tôi hy vọng rằng cuộc điều tra thuế sẽ hoãn lại trong một thời gian”.

Ông Park Jong Sun (박종선), Trưởng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, lượng khách Hàn Quốc đến Việt Nam chiếm tới khoảng 40% khách du lịch quốc tế tại Việt Nam (4.2 triệu lượt trong tổng số 8.5 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2019), thì lượng khách Việt Nam đến Hàn Quốc du lịch mới chiếm khoảng 15% khách quốc tế đến Hàn Quốc. Điều đó cho thấy thị trường du lịch vẫn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác, đặc biệt là đưa khách Việt Nam đến Hàn Quốc.

Trưởng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam bày tỏ hy vọng Việt Nam và Hàn Quốc sớm mở lại đường bay và sớm mở lại du lịch. Khi mở lại các đường bay, không chỉ kích cầu du lịch và việc thông thương cũng thuận lợi hơn rất nhiều.

Vấn đề cách ly khi nhập cảnh đã gây ra không ít bất tiện, quy định có phần “khắt khe” này sẽ cản bước không chỉ khách Hàn Quốc mà tất cả khách quốc tế đến Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam với tổng số vốn lũy kế gần 70 tỉ USD, hơn 8.000 dự án đang tạo công ăn việc làm cho trên 700.000 lao động ở nhiều địa phương.

Chính phủ Việt Nam đang không ngừng hỗ trợ thông qua việc tạo môi trường đầu tư an toàn để các doanh nghiệp Hàn Quốc tiến vào có thể đạt được kết quả tốt. Đồng thời, thông qua hội nghị này, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã tiếp nhận thông tin về những khó khăn của các doanh nghiệp Hàn Quốc đang phải đối mặt và sẽ trình lên Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo.

XEM THÊM: Trước yêu cầu xin lỗi của người Việt, YTN lấy làm tiếc & sẽ thận trọng hơn khi đưa tin

author-avatar

About Hebe Nguyen

Thích được tự mình tìm hiểu những điều nhỏ bé nhất liên quan đến đất nước Hàn Quốc. Mỗi điều khám phá đều mang nét đáng yêu riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).