Theo kết quả một cuộc khảo sát được thực hiện trên 2.000 nam và nữ giới Hàn Quốc trong độ tuổi từ 19 – 59, người Hàn có xu hướng ngờ vực người lạ khá cao. Đồng thời, mức độ tin tưởng của họ vào các nhóm chính trong xã hội rất thấp.

Những năm gần đây, bầu không khí hoài nghi và cảnh giác bao trùm lên toàn xã hội Hàn Quốc. Trong tổng số người tham gia khảo sát, 63.2% bày tỏ mong muốn dạy con cái họ rằng, “điều đầu tiên khi gặp người lạ là phải tỏ ra nghi ngờ”.

Được biết, kết quả tỷ lệ khảo sát được đã tăng so với cùng kỳ năm 2015, vốn chỉ ở mức 54.9%.

Đặc biệt, người ở lứa tuổi càng trẻ càng có sự cảnh giác cao độ đối với người lạ. Kết quả cụ thể như sau, độ tuổi 20 – 67.8%; độ tuổi 30 – 67.2%; độ tuổi 40 là 61.4% và người ở độ tuổi trung niên từ 50 trở đi là 56.4%.

Điều này dấy lên mối lo ngại rằng, niềm tin giữa người với người trong xã hội Hàn Quốc sẽ trở nên “cạn kiệt” trong tương lai.

Giữa người chưa có con và đã có con không có sự khác biệt đáng kể về thái độ. Ngoài ra, tỷ lệ tin tưởng vào thế hệ người đi trước lớn tuổi hơn chỉ đạt 16.3%, trong khi tỷ lệ này ở hậu bối, người nhỏ tuổi hơn cũng chỉ ở mức 13,8%.

Từ đây, ta có thể có cái nhìn thoáng qua về vấn đề mâu thuẫn giữa các thế hệ mà xã hội Hàn Quốc đang phải đối mặt.

Gia đình là nơi đáng tin cậy nhất

Người Hàn thậm chí cũng không mấy tin tưởng vào những người quen biết xung quanh. Chỉ một số ít trả lời rằng họ tin tưởng những người bạn học cùng trường (22.1%), kế đến là đồng hương (21,9%), hàng xóm (19.1%), cuối cùng là người cùng địa phương sinh sống với 16.7%.

Kết quả mới nhất tương tự với năm 2015, cho thấy tác động của chủ nghĩa địa phương (người cùng quê) và tình đồng môn (bạn cùng trường) trong các mối quan hệ đối nhân xử thế không còn đáng kể như trước.

Trong giới văn phòng, chỉ có tỷ lệ tin tưởng giữa đồng nghiệp với nhau là tương đối cao (44.8%). Niềm tin giữa nhân viên với tiền bối cấp trên (36.3%) hay ban đại diện công ty (30.4%) vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, người trung niên từ độ tuổi 50 lại có sự tín nhiệm cao đối với đồng nghiệp và sếp của họ.

Mặt khác, “gia đình” vẫn là nơi người Hàn gửi gắm niềm tin nhiều nhất. 85.6% tổng số người được hỏi cho biết họ tin tưởng người thân trong gia đình. Tỷ lệ này ở nam cao hơn nữ, và có xu hướng tăng dần theo độ tuổi.

Việc trở thành một người đáng tin cậy trong mắt người khác đòi hỏi sự kết hợp của một vài yếu tố. Theo đó, nhóm người dễ nhận được sự tin tưởng từ mọi người cần có phát ngôn và hành động có chừng mực, trước sau như một.

Biết giữ lời hứa và bí mật, ít nói, cẩn trọng trong công việc và kiên định cũng được xem là những tố chất cần có với tỷ lệ lựa chọn chiếm quá nửa. Trong khi đó, thái độ và hành vi không thể hiện được những tố chất này được cho là sẽ gây mất lòng tin từ người khác.

Niềm tin mong manh vào chính trị & truyền thông nước nhà

Lòng tin xã hội ngày càng thấp không chỉ giới hạn ở phạm vi mối quan hệ giữa người dân với nhau. Sau một loạt bê bối chấn động từ giới chính trị cho tới showbiz trong những năm qua, niềm tin của người Hàn ít nhiều đã bị bào mòn. Theo đó, chính trị gia là đối tượng ít được tín nhiệm nhất, với tỷ lệ chỉ đạt mức 3.7%

Tuy nhiên trên thực tế, các cơ quan cộng đồng và chính phủ Hàn Quốc đã lấy lại được uy tín đáng kể so với kết quả khảo sát năm 2015. Đặc biệt, tỷ lệ tin tưởng của người dân vào chính phủ tăng hơn gấp đôi, từ 8% (2015) đến 19.8% trong đầu năm 2020.

Đó có thể xem là một tín hiệu tích cực. Dù vậy, để củng cố niềm tin của người dân nơi chính phủ, những bài toán chính sách mà chính quyền tổng thống đương nhiệm cần phải giải quyết vẫn còn rất nhiều.

Phương tiện truyền thông Hàn Quốc đến nay vẫn chưa thể hiện đúng vai trò là “tai mắt” của người dân. Chỉ có 2/10 người cho biết họ tin tưởng vào những tin tức được đăng tải trên các phương tiện truyền thông trong nước.

Cụ thể, 29.4% số người được hỏi tin vào tin tức từ TV, báo giấy xếp vị trí tiếp theo với 19.1%. Kế đến là tin tức từ các cổng thông tin điện tử (15.7%), tin tức từ podcast (9.8%) và YouTube (8.3%).

Một người dân đến mua dung dịch khử trùng tay để ngăn ngừa virus COVID-19.

Chỉ có khoảng 3/10 người tham gia khảo sát cho biết họ tin tưởng những người được gọi là chuyên gia trong xã hội Hàn Quốc. Về các nhóm nghề nghiệp cá nhân, 40.7% khẳng định tin tưởng bác sĩ. Trong khi đó, tỷ lệ này ở nhóm nghề luật như thẩm phán, công tố viên, luật sư và công chức nhà nước lại không cao, đạt mức lần lượt 23.8% và 16%.

Niềm tin của người tiêu dùng đối với các kênh phân phối hàng hoá cũng khá thấp. Chỉ có 15.7% số người được hỏi tin tưởng chất lượng các sản phẩm được bán trên mạng. Kết quả này không có gì thay đổi so với cách đây 4 năm.

Sản phẩm được bán trên MXH hoặc những mặt hàng được quảng cáo là xách tay trực tiếp từ nước ngoài cũng không nhận được nhiều niềm tin từ người dùng.

Mặc dù hiện nay, hoạt động tiêu dùng đã chuyển dần từ kênh truyền thống sang trực tuyến, nhưng các kênh mua sắm trực tuyến vẫn chưa mang lại cho người tiêu dùng một niềm tin rõ ràng. Trong khi đó, phương thức mua hàng truyền thống đang nhận được đánh giá tốt hơn từ người tiêu dùng về mức độ đáng tin cậy của sản phẩm.

Gần một nửa số người được khảo sát tin tưởng vào chất lượng sản phẩm được bày bán ở các trung tâm mua sắm hàng hàng đầu trong nước như Lotte, Shinsegae và Hyundai. Trong khi tỷ lệ người tin tưởng mua dùng sản phẩm ở các siêu thị lớn như Emart, Lotte Mart và Home Plus cũng ở mức 42.8%.

Người Hàn cũng bị “ám ảnh tâm lý thương hiệu”, khi gần 50% người tiêu dùng ưu ái tin dùng sản phẩm đến từ các công ty lớn hơn và có tiếng hơn.

Chán ghét bị truyền thông “dắt mũi”

Niềm tin ở nhiều khía cạnh bị bào mòn, dẫn đến hệ quả người Hàn trở nên dễ ngờ vực trước mức độ thực giả của những thông tin được tiếp nạp hàng ngày.

Chẳng hạn, tỷ lệ nghi ngờ tin tức từ giới truyền thông là không đúng sự thật tăng từ 41.1% (2015) lên 51.3% trong năm 2020. Người trẻ ở độ tuổi 20 càng cảnh giác cao độ vì có cơ hội tiếp cận thông tin đa dạng nhất và nhanh nhất.

Trong lúc lo ngại về sự lây lan của virus COVID-19, các nhân viên phân loại hàng ở trung tâm phân phối tỉnh Gyeonggi vẫn khẩn trương sắp xếp hang khối lượng lớn để tiến hành đem giao.

Ngoài ra, tuỳ thuộc vào nguồn tin mà người xem quyết định được có nên tin theo hay không. Tỷ lệ người nghi ngờ vào tính chân thật của tin tức từ nguồn chính phủ giảm đi, từ 47.7% trong năm 2015 xuống còn 40.5% trong năm 2020.

Sự nghi ngờ về mức độ thật giả của thông tin cũng được phản ánh trong hoạt động tiêu dùng. Khi mua sắm, nhiều người có thói quen kiểm tra và so sánh giá cả, cho rằng đây là cơ sở đáng tin cậy quyết định chất lượng sản phẩm.

Trong giao tiếp hàng ngày, nhiều người mà đặc biệt là người trẻ tuổi, cho thấy có xu hướng nghi ngờ tính chân thật của câu chuyện đang chia sẻ. Mức độ tăng khá đáng kể, từ 24.8% (năm 2015) tăng lên 32.1% trong năm 2020.

XEM THÊM: Hàn Quốc vô sắc, có phải 90% người Hàn không muốn bị nổi bật giữa đám đông?

Tổng hợp từ Naver

author-avatar

About Hebe Nguyen

Thích được tự mình tìm hiểu những điều nhỏ bé nhất liên quan đến đất nước Hàn Quốc. Mỗi điều khám phá đều mang nét đáng yêu riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).