Sau những vụ việc gây chấn động dư luận gần đây về tình trạng bạo lực trong các gia đình đa văn hóa, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình cùng các cơ quan có liên quan đã họp bàn và công bố một loạt các biện pháp mới sẽ được đưa vào triển khai nhằm tăng cường bảo vệ nhân quyền cho cô dâu người nước ngoài.

Một ứng dụng khai báo đa ngôn ngữ có tên “112 다국어 신고 앱” hiện đang được phát triển nhằm tạo điều kiện cho những phụ nữ di trú có thể dễ dàng khai báo với cảnh sát và xin tư vấn trong các tình huống bạo lực gia đình.

Đây là dịch vụ đường dây nóng mới mà cô dâu nước ngoài có thể khai báo với cảnh sát bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Dịch vụ này sẽ được cung cấp trên 13 thứ tiếng và là kết quả hợp tác giữa cảnh sát và tổng đài tư vấn Danuri (다누리콜센터) dành cho cô dâu người nước ngoài do chính phủ vận hành.

Ngoài ra, chính phủ sẽ tăng cường các chương trình giáo dục dành cho đối tượng là phụ nữ nhập cư và gia đình đa văn hóa cùng các biện pháp đa dạng khác nhằm hỗ trợ cô dâu người nước ngoài nhanh chóng ổn định cuộc sống mới và hòa nhập xã hội.

Bộ phát biểu trong buổi họp báo: “Chính phủ sẽ mạnh mẽ hỗ trợ để giúp các cô dâu nhập cư người nước ngoài ổn định trong xã hội và tiếp tục tăng cường các biện pháp xử phạt đối với hành vi phạm pháp chống lại họ và xâm phạm nhân quyền của họ“.

XEM THÊM: Kết hôn Hàn – Việt qua môi giới, thực trạng & định kiến xã hội Hàn Quốc về đa văn hóa

Mục tiêu của chính sách đề ra là xây dựng một “mạng lưới an toàn xã hội chặt chẽ” và loại bỏ những điểm mù về vi phạm nhân quyền.

Chương trình giáo dục dành cho cô dâu người nước ngoài gồm 8 tiếng đào tạo vốn chỉ triển khai tại Việt Nam và Philippine cũng sẽ được mở rộng triển khai tại Thái Lan. Chương trình này sẽ được miễn trong trường hợp cô dâu người nước ngoài đã từng cư trú hơn 6 tháng tại một nước thứ ba. Hai giờ đào tạo 다(多)함께 프로그램 dành cho các gia đình đa văn hóa cũng sẽ được đưa vào thử nghiệm.

Trung tâm Hỗ trợ gia đình đa văn hóa do chính phủ vận hành sẽ hợp tác với các trung tâm cộng đồng địa phương nhằm hỗ trợ các cô dâu tìm việc làm và ổn định cuộc sống.

Các nhà hoạt động cộng đồng sẽ tăng cường hoạt động để phát hiện sớm hơn các trường hợp bạo lực gia đình và thường xuyên theo dõi các gia đình có khả năng phát sinh bạo lực cao. Số lượng trung tâm tư vấn cho nạn nhân bạo lực gia đình sẽ tăng từ 5 trung tâm trong năm nay lên 7 trung tâm vào năm tới.

Thêm vào đó, các hành vi bất hợp pháp của trung tâm môi giới hôn nhân quốc tế bao gồm việc cung cấp thông tin cá nhân sẽ bị kiểm soát và xử lý mạnh tay. Các website môi giới bất hợp pháp với máy chủ đặt tại nước ngoài cũng sẽ bị chặn truy cập từ trong nước.

Nam giới Hàn Quốc có tiền sử phạm tội nghiêm trọng như bạo lực gia đình, bạo lực tình dục, giết người, cướp và hãm hiếp sẽ bị cấm kết hôn quốc tế.

Ngoài ra, quá trình nhập tịch dành cho cô dâu người nước ngoài đã ly hôn do các lý do bất khả kháng như bạo lực hay ngược đãi sẽ được đơn giản hóa. Hiện tại, các cô dâu trong tình huống này được yêu cầu phải nộp những bằng chứng chứng tỏ rằng mình “không chịu trách nhiệm trong việc ly hôn”.

Tuy nhiên, tới đây chính phủ cũng sẽ chấp nhận các bằng chứng cho thấy “không thể duy trì cuộc sống hôn nhân bình thường do các lý do phần lớn từ người chồng”.

Việc xét duyệt lưu trú ban đầu và gia hạn visa đối với các trường hợp không có vấn đề gì đặc biệt trong hôn nhân sẽ được thực hiện trên cơ sở “phê duyệt trước – điều tra sau”, đồng thời tăng thời hạn lưu trú từ 1 năm lên tối đa 3 năm.

Số lượng hôn nhân quốc tế tại Hàn Quốc đã tăng 8.5% lên 23.773 trường hợp vào năm 2018 so với năm trước đó. Các cặp đôi có chồng là người Hàn Quốc và vợ là người nước ngoài chiếm 67% các trường hợp trên.

XEM THÊM:

Tổng hợp từ Yonhap

author-avatar

About Huong Tran

Làm việc tự do, sống và hưởng thụ từng ngày ý nghĩa trên mảnh đất vừa xa lạ vừa thân quen Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).