Gần đây, trên Youtube xuất hiện rất nhiều nội dung Alba Vlog và điều này nhanh chóng trở thành đề tài gây tranh cãi trong cộng đồng.

Alba Vlog (알바 브이로그) là hình thức phát video trên nền tảng youtube, nội dung ghi lại toàn bộ hoặc phần lớn quá trình làm công việc bán thời gian thường ngày của người làm vlog.

Một mặt, Alba Vlog cho phép người xem trải nghiệm gián tiếp công việc bán thời gian, chẳng hạn như một nhân viên pha chế cà phê, tiệm bánh, cửa hàng tiện lợi. Mặt khác, đã có nhiều bình luận tiêu cực để lại trên các cộng đồng mạng như: “Tôi không hiểu tại sao người ta lại quay Alba Vlog nữa”, “Quay vlog thế này thì có tập trung làm việc được không?”, “Anh ta nhận lương để làm công việc này mà sao lại dành thời gian ngồi quay phim chính mình như thế?”, “Công thức quán cà phê bị lộ ra thì người khác cũng có thể bắt chước làm theo ở nhà mất”.

Làm vlog về công việc làm thêm có hoàn toàn xấu?

Dù vậy, đa số người xem các nội dung Alba Vlog này có phản ứng hoàn toàn trái ngược với cộng đồng mạng. Trên một vlog sản xuất bởi một nhân viên làm thêm ở quán cà phê, chính hình ảnh nhận gọi nước và thao tác làm nước thành thạo của người này, cũng như không gian khu vực pha chế nước được quay công khai đã nhận được sự tin tưởng từ người xem. Nhiều người để lại bình luận: “Trông khu vực pha chế thật đảm bảo vệ sinh”, “quá trình pha chế được công khai khiến tôi có cảm giác tin tưởng và muốn đến thử quán một lần.”

B, một nhân viên văn phòng cho biết: “Xem những vlog này có thể thấy được người làm vlog rất có ý thức rửa tay trước và sau khi pha chế, cũng như để tâm đến vấn đề vệ sinh nhiều hơn. Đứng trên lập trường là chủ sở hữu quán cà phê, nhìn số lượng người để lại bình luận chia sẻ rằng họ muốn tìm đến quán sau khi xem vlog cũng chứng minh đây là một hình thức quảng cáo hiệu quả.”

C, chủ một quán cà phê nhỏ bày tỏ quan điểm tích cực: “Nếu công việc không quá bận rộn, việc quay Alba Vlog có khi lại rất có ích cho quán. Bằng cách này, có thể giảm chi phí quảng cáo để tên tuổi quán có thể xuất hiện trên MXH. Ngoài ra, đây còn là một phương thức quảng bá hình ảnh quán cà phê vô cùng tự nhiên. Chỉ cần thu hút được sự quan tâm, thôi thúc ý định muốn tìm đến với quán của khách thông qua Alba Vlog là đã tốt lắm rồi. Nếu có nhân viên làm thêm bày tỏ ý định thực hiện Alba Vlog ở quán, ngược lại tôi cảm thấy mình còn phải cảm ơn họ.”

D, người có 5 năm kinh nghiệm làm công việc bán thời gian cho biết, “Gần đây số lượng vlog trên youtube xuất hiện rất nhiều và nội dung vô cùng đa dạng. Hơn nữa hoạt động sáng tạo là quyền tự do của mỗi người, tôi cảm thấy không có lý do gì để chỉ trích những người làm vlog mô tả cuộc sống làm thêm của họ.

Liên quan đến những ý kiến tiêu cực xung quanh Alba Vlog, D chia sẻ: “Nếu cần thiết, có thể xử lí làm mờ khuôn mặt hoặc xin phép sự đồng ý trước khi quay thì tôi nghĩ vẫn ổn.”

Ngoài ra cũng có nhiều người bình luận tích cực trên các vlog như: “Lâu rồi tôi mới lại muốn đến quán cà phê truyện tranh như thế”, “Bánh mì phô mai ở đây trông ngon thật” , “Cửa hàng mà có nhân viên thân thiện chu đáo thế này tôi sẽ đến mỗi ngày”.

Một số bình luận ấm áp khác như, “Tôi đã không biết là nhân viên phải quét dọn chăm chỉ thế này.” , “Các nhân viên làm thêm thật sự vất vả nhiều rồi.”

XEM THÊM: Làm việc 52h/tuần: Giảm giờ làm + giảm lương, người lao động có xu hướng làm thêm nhiều việc cùng lúc

Quan ngại rò rỉ công thức đồ uống từ Alba Vlog

Dù vậy, không ít quán cà phê đang đứng trước nguy cơ mất khách vì chính Alba Vlog. Một cư dân mạng cho biết, “Sau khi xem Alba Vlog ở quán cà phê, tôi đã làm theo công thức trong video và uống tại nhà. Trong quá trình pha chế, từ các loại bột đến thành phần trái cây đông lạnh, syrup đều được công khai nên chỉ cần mua đúng loại và làm đúng theo các bước trong vlog sẽ cho ra thành quả là ly nước có mùi vị y hệt ở quán.”

Vì các Alba Vlog quán cà phê thường quay trọn vẹn quy trình làm đồ uống nên có một số người xem và cho rằng: “Thức uống lạnh chỉ toàn thấy đá mà không thấy nước đâu”, “Soda trái cây có giá 4500 KRW (90.000 VNĐ) mà trông chỉ cho toàn là soda, syrup và đá thôi.”

E (30 tuổi), là một “fan cứng” của ice caffe latte nhưng sau khi xem các vlog trên đã cảm thấy hụt hẫng: “Thì ra ngày thường tôi đã chi số tiền đắt như thế cho một thức uống quá đơn giản. Thôi thì cũng xem như đây là cơ hội để thay đổi thói quen tiêu dùng, thay vì đến quán cafe, tôi sẽ tự pha coffee mix hoà tan rồi mang theo uống.”

Ngoài ra, từng có trường hợp, do quan ngại việc lộ công thức món trong nội dung một Alba Vlog, Ediya Coffee phải “đích thân” để lại bình luận thông báo: “Chúng tôi có thông báo liên quan đến quyền thương hiệu của chi nhánh làm lộ công thức đồ uống trong video trên.” Kết quả là vlog này đã được xoá ngay sau đó.

XEM THÊM: 5 Quán cà phê độc & lạ nhất ở thủ đô Seoul

Vì sao người trẻ lại đón nhận các Alba Vlog?

Các chuyên gia đã chọn ra một lý do điển hình nhất để lý giải cho cơn sốt Alba Vlog, chính là vì sự gia tăng số lượng người trẻ làm công việc không chính thức trong thời gian gần đây. Im Woo Taek – giáo sư ngành Xã hội học trường Đại học Keimyung phân tích: “Nhân viên làm thêm thường ở vị trí yếu thế, những người này thường tò mò không biết người khác cùng hoàn cảnh với mình có cuộc sống thế nào? Họ xem Alba Vlog vì cảm nhận được mối dây liên kết.”

Nhiều trường hợp, người trẻ làm thêm công việc pha chế tự học bổ sung những điều chưa được chỉ dạy trong thời gian huấn luyện, thông qua việc xem vlog.

Trong vlog có tựa đề “Lời khuyên của một nhân viên làm thêm ở quán cà phê 7 năm”, đã có rất nhiều câu hỏi được để lại dưới phần bình luận như: “Dùng sữa lạnh pha các loại bột thì bột có tan như khi pha sữa nóng không?”, “Người không có kinh nghiệm pha chế nước muốn đi làm thì nên bắt đầu học từ đâu?”

Giáo sư Im chỉ ra, “Người trẻ thường gặp căng thẳng do chưa thành thạo trong công việc. Đây là kết quả phản ánh sự lo âu của họ, đến công việc bán thời gian không chính thức họ cũng không muốn vụt mất.”

Koo Jung Woo, giáo sư xã hội học trường Đại học Sungkyunkwan, mô tả Alba Vlog là một kênh truyền thông cho người trẻ Hàn Quốc đang làm những công việc không chính thức. Giáo sư Koo phân tích:

“Sự gia tăng số lượng lao động không chính thức, bắt nguồn từ nạn khó xin việc trong những năm gần đây, là một yếu tố để người trẻ tìm thấy sự đồng cảm thông qua Alba Vlog. Thông thường, không có không gian dành cho người trẻ làm công việc không chính thức chia sẻ về cách họ tồn tại trong xã hội, vì vậy họ đã tận dụng chiếc cầu nối này để trao đổi thông tin với nhau.”

XEM THÊM:

Tổng hợp từ 머니투데이

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).