“Hồ sơ Pandora” (Pandora Papers) là tài liệu tập hợp những bí mật tài chính của nhiều nhà lãnh đạo và các tỷ phú nổi tiếng trên thế giới do Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) thu thập với sự cộng tác của hơn 600 nhà báo ở 117 quốc gia và vùng lãnh thổ; dựa trên 11.9 triệu thông tin tài chính bị rò rỉ từ 14 công ty tài chính trên thế giới.

Ngày 3/10/2021, tờ Washington Post, Reuters và nhiều kênh truyền thông của Mỹ đã chính thức công bố các bài báo đầu tiên dựa trên thông tin từ 11.9 triệu trang tài liệu của “Hồ sơ Pandora”.

Cũng giống như “Hồ sơ Panama” (2016) hay “Hồ sơ Paradise” (2017), “Hồ sơ Pandora” đang trở thành cơn sóng thần đe doạ giới siêu giàu và nhiều quan chức cấp cao.

Trước đó, “Hồ sơ Panama” đã khiến hàng loạt chính trị gia, quan chức đã phải từ chức, trong đó có Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, Bộ trưởng công nghiệp Tây Ban Nha Jose Manuel Soria…

Trong Hồ sơ Pandora có gì?

Với 2.94 terabyte dữ liệu, “Hồ sơ Pandora” chỉ ra những tài sản bí mật, những giao dịch bí mật và những tài sản được cất giấu kĩ của những người giàu có và quyền lực: hơn 330 chính trị gia và người trong văn phòng công quyền (90 trong số đó là người châu Âu), 15 nguyên thủ quốc gia ở Mỹ Latinh (các nhân vật đương nhiệm và đã nghỉ hưu), 46 nhà tài phiệt Nga , và 133 triệu phú từ danh sách người giàu của tạp chí Forbes.

Họ là những người có quyền lực, thay vì có thể giúp dọn dẹp hệ thống “thiên đường thuế” ở nước ngoài lại hưởng lợi từ chúng thông qua những công ty bình phong hay quỹ tín thác.

Các chính trị gia được điểm mặt chỉ tên như Tổng thống Chile Sebastián Piñera bị cáo buộc giấu cổ phần tại một công ty khai thác mỏ, hay cựu giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế Dominique Strauss-Kahn bị cáo buộc trốn thuế.

Vua Jordan, Abdullah II bị cáo buộc sở hữu 30 công ty và 3 dinh thự ở Malibu. Thủ tướng của CH Séc Andrej Babis được cho là sở hữu một lâu đài với rạp chiếu phim và hai bể bơi.

Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babiš, người tham gia tranh cử tuần này, đang phải đối mặt với câu hỏi tại sao ông lại sử dụng một công ty đầu tư ra nước ngoài để mua lại một lâu đài 22 triệu đô la ở miền Nam nước Pháp.

Tại Síp, Tổng thống Nicos Anastasiades sở hữu một công ty luật bị cáo buộc che giấu tài sản của một tỉ phú Nga đang đứng sau những công ty giả mạo.

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và phu nhân Cherie được cho là đã mua một tòa nhà thời Victoria ở London trị giá 8.8 triệu USD.

Svetlana Krybonokik, người được cho là đã sinh ra đứa con của tổng thống Nga Putin, cũng bị cáo buộc sử dụng tiền nước ngoài để mua một căn hộ ở Monaco vào năm 2003. Văn phòng Tổng thống Nga (Điện Kremlin) bác bỏ điều này, nói rằng “không có bằng chứng”.

Ngoài ra còn có các nghệ sĩ như ngôi sao nhạc pop Shakira, Elton John, Ringo Star, siêu mẫu Đức Claudia Schiffer, ca sĩ Tây Ban Nha Julio Iglesias…; thậm chí các nhân vật tội phạm như Raffaele Amato, trùm mafia Camorra người Ý.

Những thông tin cô đọng nhất từ Hồ sơ Pandora được tờ Washington Post tổng kết tới thời điểm hiện tại gồm:

  • Hồ sơ Pandora nêu chi tiết các hoạt động của gần 29.000 tài khoản nước ngoài.
  • Trong số đó có hơn 130 người được tạp chí Forbes xếp vào danh sách tỷ phú.
  • Các bang của Hoa Kỳ đã trở thành trung tâm của hệ thống ký gửi tài sản hải ngoại toàn cầu.
  • Các nhà lãnh đạo của các quốc gia trên năm châu lục sử dụng hệ thống gửi tiền ở nước ngoài, trong đó, có 14 nguyên thủ quốc gia đương nhiệm.

Những nhân vật Hàn Quốc bị điểm tiên trong Hồ sơ Pandora

Theo Newstapa, kênh truyền thông điều tra của Hàn Quốc, có 88.353 tài liệu có tên Hàn Quốc xuất hiện trong dữ liệu của Pandora Papers, trong đó 82.274 là của Ilshin, một công ty kế toán có trụ sở tại Hồng Kông.

Newstapa xác nhận có 275 cá nhân và 184 công ty của Hàn Quốc đã bị chỉ mặt điểm danh trong Pandora Papers.

Trong số đó, Giám đốc điều hành công ty giải trí SM Lee Soo Man là chủ sở hữu của 5 công ty nước ngoài ở Hồng Kông, và theo Newstapa, ông đã sử dụng công ty Polex Development để mua và bán bất động sản ở Malibu (Mỹ), phá vỡ giới hạn mua bất động sản ở nước ngoài.

Tuy nhiên, ngay sau đó phía SM đã thông báo sẽ thực hiện các hành động pháp lý do _”Danh tiếng của Lee Soo Man đã bị tổn hại nghiêm trọng vì những cáo buộc vô căn cứ.”

SM cho biết, “Các tập đoàn có trụ sở tại Hồng Kông được thành lập từ tài sản thuộc sở hữu của James Heejae Lee, cha của ông trùm giải trí Lee Soo Man, một người Mỹ nhập cư. Việc chuyển các khoản tiền từ Hàn Quốc sang Hồng Kông đều được giao dịch hợp pháp.”

Ngoài ra, tài sản ở Hồng Kông của cha Lee Soo Man được thừa kế lại cho vợ là Grace Kyonghyon Lee, và cuối cùng, theo di chúc của ông, số tài sản này đã được tặng cho Quỹ từ thiện JG Christian.

Ngoài Lee Soo Man, một nhân vật khác cũng đang được chú ý là Jeon Gyeong Hwan, cựu chủ tịch danh dự của Trụ sở của Bộ chỉ huy Saemaul Undong và cũng là em trai của cựu tổng thống Hàn Quốc Jeon Doo Hwan, bị cáo buộc đã thành lập một công ty ma ở American Samoa.

Tổng hợp từ Chosun

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).