Hàn Quốc vẫn luôn là một trong các nước có kết quả dẫn đầu trong Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA). Nhưng ẩn sau sự hào nhoáng của danh hiệu này là câu chuyện đánh đổi của cả một thế hệ.

Giáo dục Hàn Quốc thường được thế giới ngưỡng mộ bởi chất lượng học sinh xếp hạng rất cao, có vị trí tương đồng với các nước Tây Âu phát triển. Thế nhưng trên thực tế, những thành tích xuất sắc về giáo dục của nước này lại như con dao 2 lưỡi đang ngày ngày “kề lên cổ” học sinh, sinh viên, bởi giờ đây, người ta không chỉ học cho bản thân mình, mà còn đang học cho thanh danh của bố mẹ và đất nước.

Hầu hết học sinh trung học ở Hàn hay các bậc phụ huynh đều mơ đến 3 chữ cái quyền lực mỗi khi đi ngủ, đó chính là S.K.Y. Các chữ cái này đại diện cho 3 trường đại học hàng đầu gồm Đại học Quốc gia Seoul (Seoul National University – SNU), Đại học Hàn Quốc (Korea University – KU) và Đại học Yonsei (Yonsei University – YU).

Người Hàn Quốc quan niệm “tứ lang ngũ lạc”, tức là nếu ngủ 3 tiếng mỗi đêm, bạn có cơ hội vào trường SKY; ngủ 4 tiếng mỗi đêm có thể đậu vào những đại học khác; ngủ 5 tiếng mỗi đêm, hãy quên việc vào đại học đi.

Thi đại học ở Hàn Quốc và những điều chưa biết

Những lớp học xuyên đêm

Ở Hàn Quốc giờ ra tan học của học sinh THPT bình thường là 4 – 5 giờ chiều. Nhưng để thi đỗ đại học, đạt điểm cao ở lớp và khiến cha mẹ hài lòng, học sinh buộc phải tự học ở một khu riêng trong trường hoặc tham gia những lớp học thêm ngoài giờ tại trung tâm.

Các trung tâm dạy thêm được gọi là “hakwon” (학원) có vị thế rất quan trọng đối với hệ thống giáo dục Hàn Quốc. Theo thống kê, có gần 100.000 trung tâm luyện thi ở Hàn và tận 3/4 học sinh cả nước theo học tại các trung tâm này.

Phần lớn học sinh trung học ở đây coi việc học thêm hai hay ba ca mỗi ngày trong tuần là chuyện bình thường. Các bậc phụ huynh ở Hàn Quốc, cho dù khá giả hay không, cũng không tiếc tay chi hàng triệu won mỗi năm để cho con em được theo học tại các trung tâm.

Thông thường, các em thức dậy vào 6h hàng ngày. Buổi học tại trường bắt đầu từ 7h30, kéo dài đến 17h. Sau đó, mọi người ở lại trường để tự học và ăn tối, thường là để xem lại những gì đã học ngày hôm đó và nghiên cứu trước những thứ sẽ học vào ngày mai.

Đến 22h, một số em tham gia lớp học thêm, số khác về ký túc xá và tiếp tục tự học. Hầu hết học sinh chỉ đi ngủ khi đồng hồ điểm 2 giờ sáng hoặc muộn hơn. Và vòng tuần hoàn ấy sẽ cứ thế lặp lại đều đặn hàng ngày.

Cuối tuần, nhiều em phải học tới 5-6 ca. Chính phủ quy định các trung tâm phải đóng cửa vào lúc 22h nhưng một số nơi vẫn vi phạm. Họ khóa cửa lúc 22h nhưng các lớp ôn thi đại học vẫn tiếp tục diễn ra bên trong tới tận 2h sáng.

Vì thế, hình ảnh các chuyến tàu điện ngầm chật kín học sinh vào lúc 23h-24h không hề xa lạ ở Hàn Quốc, bởi đó là thời điểm các em kết thúc giờ học thêm tại trung tâm và trở về nhà.

Thiếu ngủ, không có thời gian nghỉ ngơi giải trí, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng; nỗi lo sợ điểm số, thua thiệt bạn bè cứ bám lấy mỗi bước đi đến trường. Ấy vậy mà đến khi về nhà, nhiều bạn trẻ Hàn Quốc vẫn tiếp tục bị bố mẹ gây áp lực và dày vò về chuyện học hành và thi đại học.

Cái giá phải đánh đổi liệu có đáng?

Kể từ sau năm 1953, đầu tư vào giáo dục đã đem lại cho Hàn Quốc một nền kinh tế phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Chỉ qua hai thế hệ, Hàn Quốc đã chuyển mình từ một nước phải đối mặt với nạn mù chữ trên diện rộng thành một cường quốc kinh tế. Các thương hiệu như Samsung, Hyundai, Daewoo hay LG là niềm tự hào được cả thế giới biết đến.

Tuy nhiên, ẩn sau sự hào nhoáng của thành tích này là câu chuyện đánh đổi của cả một thế hệ trẻ. Hàn Quốc giờ đây lại trở thành nước có tỉ lệ học sinh tự tử cao nhất trong số những quốc gia phát triển trên thế giới. Con số 5% người dân Hàn Quốc có ý định tự sát theo “Báo cáo điều tra xã hội năm 2018” của Cục Thống kê nước này khiến truyền thông các nước trong khu vực và quốc tế kinh ngạc.

Cũng theo tổng kết của Cục Thống kê, tự tử là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở học sinh. Lý do chính dẫn đến tự tử là áp lực nặng nề từ các bài kiểm tra và điểm số, lượng bài tập quá nhiều, thiếu thời gian nghỉ ngơi. Căng thẳng quá mức cũng dẫn đến nạn bắt nạt và bạo lực học đường ngày càng phổ biến và nghiêm trọng tại đất nước này. Với tất cả cảm xúc tiêu cực dồn nén, ngày thông báo kết quả thi đại học giống như thời điểm kích hoạt nút cò, khiến nhiều người nảy sinh ý nghĩ tự tử.

Sĩ tử Hàn Quốc kiêng kị những gì trước kỳ thi đại học?

Để giải quyết vấn nạn tự tử, chính phủ Hàn Quốc gần đây đã đưa ra một kế hoạch hành động liên bộ trong tháng 1/2019 để cố gắng giảm tỷ lệ tự sát xuống 17/100.000 vào năm 2022.

Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, áp lực cuộc sống dường như cũng là một loại văn hoá đã bén rễ quá sâu vào quốc gia này. Người Hàn áp lực từ khi bắt đầu đi học, cho đến tận khi đi làm, lập gia đình và sinh con đẻ cái. Thế nhưng họ chấp nhận điều đó như một phần tất yếu của cuộc đời. Ngày ngày người ta vẫn tiếp tục đi học, đi làm, chăm con, hiếu kính bố mẹ.

Họ để những nỗi áp lực không tên len lỏi vào từng tế bào cơ thể mình, biến thành một hoạt chất thúc đẩy bản thân phấn đấu và vươn lên không ngừng. Không thể phủ nhận, đây là nét tính cách quật cường mà cả thế giới vẫn luôn ngưỡng mộ ở người Hàn Quốc.

Cuối cùng, có lẽ đối với áp lực học hành và nỗi khổ mang tên “đại học” mà các bạn học sinh Hàn Quốc đang phải gánh chịu, chỉ có thay đổi từ trong suy nghĩ của cả xã hội nói chung và các bậc phụ huynh nói riêng thì tình hình mới có thể dần dần khởi sắc.

Giải thử đề thi tiếng Việt trong kỳ thi đại học ở Hàn Quốc

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).