Đất nước Bắc Hàn, một trong những đất nước bí ẩn nhất của thế giới, quốc gia này khiến cho ai cũng phải tò mò và người Hàn Quốc cũng vậy.

Người Hàn cũng muốn tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống của những người Bắc Hàn thông qua những người trốn khỏi Bắc Hàn. Do đó đã có rất nhiều kênh của Hàn Quốc đã làm chương trình này, điển hình là chương trình “Bắc Hàn ư, tại sao?” của đài MBC.

Một trong những chủ đề được nhiều người Hàn quan tâm là đám cưới của Bắc Hàn có khác gì với đám cưới của Hàn Quốc, chỉ riêng chủ đề này đã kéo dài tới 2 tập của chương trình.

Cùng so sánh xem lễ cưới của hai miền có khác gì không nhé!

Sự gặp gỡ để tiến đến hôn nhân

Điểm chung đều là yêu rồi cưới. Và việc lựa chọn bạn đời của hai bên cũng giống nhau, cũng thích gặp những người có ngoại hình ưa nhìn, mắt mũi rõ ràng. Thêm nữa đều cân nhắc nghề nghiệp của người kia.

Đặc biệt Bắc Hàn thường sẽ chọn tiêu chí là đảng viên, không phải do muốn được nhận những ưu đãi đặc biệt mà là họ sẽ được xã hội công nhận như là một thành viên mới.

Điểm khác nhau là Bắc Hàn, thường là kết hôn sớm hơn so với Hàn Quốc. Đa phần họ sẽ kết hôn với một người bình thường. Trong trường hợp là sinh viên thì về nguyên tắc là sẽ bị cấm. Nếu trong trường hợp đã lỡ yêu, thì bắt buộc sinh viên đó phải thôi học.

Nhưng làm sao có thể cấm được những đôi lứa đang yêu nhau cháy bổng như thế. Thông thường các cặp đôi sẽ yêu lén lút và những người xung quanh họ thường sẽ nhắm mắt cho qua.

Ngoài ra tại Bắc Hàn những điểm hẹn hò như Hàn Quốc lại không có nhiều, tại Bình Nhưỡng chỉ có rạp phim Bình Nhưỡng, công viên Molabong… do đó các cặp đôi sinh viên quen nhau cũng phải rất chú ý để không bị phát hiện.

Tại Hàn Quốc, nếu so với Bắc Hàn thì dễ dàng hơn rất nhiều. Họ quen nhau thông qua các cuộc giới thiệu từ người thân và bạn bè.

Những năm gần đây, số lượng người Hàn Quốc tìm đến các công ty về thông tin kết hôn cũng tăng lên. Những công ty này xuất hiện như là một nơi chuyên lên kế hoạch đám cưới nhưng thêm vào đó sẽ giúp chọn bạn đời và tư vấn việc tìm ra được một người phù hợp.

Trước khi kết hôn

Điểm chung là cả hai bên sẽ đều xem hợp mạng hợp tuổi và ngày lành tháng tốt để kết hôn. Tuy nhiên, ở Bắc Hàn thì điều này không phù hợp với đường lối xã hội chủ nghĩa của họ và bị cấm. Nhưng người dân vẫn xem vì đây là một hình thức dân gian vốn dĩ đã có lâu đời.

Điểm hơi khác là đa phần ở Bắc Hàn thường sẽ không tổ chức đám cưới ở một nơi khác. Tất cả những người thân bạn bè của cô dâu chú rễ đều tham gia lễ cưới tại nhà của hai người hoặc ở trung tâm văn hóa.

Nhà nào có kinh tế khá giả hơn thì sẽ chọn tổ chức ở nhà hàng. Những nhà hàng nổi tiếng tại Bình Nhưỡng chỉ có Cheongryu, Munsu và Kyongheung. Đặc biệt là tại Kyongheung một năm thường có thể tổ chức khoảng tới 1000 đám cưới.

Chuẩn bị lễ cưới

Lễ vật của Hàn Quốc và Bắc Hàn đều sẽ không khác nhau là mấy. Nhưng điểm khác là ở Bắc Hàn lễ vật của cả hai sẽ được trao ngay trong lễ cưới. Còn tại Hàn Quốc thì chúng ta đã biết, chú rễ sẽ cùng những người bạn của mình đưa lễ vật trước cho bên nhà cô dâu.

Ở Hàn Quốc, chiếc hộp ham (함) này được giao cho cô dâu vào ban đêm và khi đến gần nhà cô dâu thì người mang quà, với bộ mặt vui vẻ cười nói, có thể kêu to “Mua hộp đi! Hộp để bán đây!”.

Ở Bắc Hàn thường sẽ tổ chức đám cưới vào ngày chủ nhật vì đây là ngày nghỉ, không buổi tiệc nào được phép tổ chức trong 2 ngày 15/4 và 16/2, là ngày sinh nhật của các cố lãnh đạo Kim Il Sung và Kim Jong Il.

Thường sẽ không có chủ hôn giống như Hàn Quốc mà sẽ gọi là người “xã hội” có thể là bạn bè của hai người, người này sẽ có một bài phát biểu nho nhỏ trong vài phút.

Đối với người Bắc Hàn, việc chuẩn bị chỗ ở riêng sau khi kết hôn như người Hàn Quốc có lẽ sẽ phải đợi rất lâu, nhưng thay vào đó bên phía cô dâu sẽ chuẩn bị những đồ gia dụng trong bếp, gối, chăn ấm… Mỗi nơi sẽ mỗi khác, như tại tỉnh Pyongang và tỉnh Hwanghae, chú rể sẽ chuẩn bị một phần những đồ gia dụng trong nhà. Nhưng tại tỉnh Hamkyong, cô dâu sẽ là người chuẩn bị.

Phía Hàn Quốc do có cuộc sống thoải mái hơn nên việc chi tiêu một đám cưới vì thế cũng nâng cao. Bên chú rể sẽ là người mua nhà, còn cô dâu sẽ là người mua những nội thất đem vào.

Tuy nhiên cũng theo số liệu thống kê gần đây, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có chi phí đám cưới cao nhất châu Á với ước tính trung bình có thể vào khoảng 27.545.000KRW. Điều này cũng khiến cho các cặp đôi ở Hàn Quốc trì hoãn việc kết hôn hiện nay.

Trong ngày cưới

Trang phục cưới của Bắc Hàn khác so với người Hàn Quốc. Cô dâu mặc trang phục truyền thống còn chú rể mặc áo vest. Cả hai đều sẽ không có lễ giao bái. Những quan khách sẽ rắc những bột hoa lên cô dâu chú rể như chúc phúc cho họ bắt đầu một cuộc sống mới.

Còn bên phía Hàn Quốc là cô dâu và chú rể sẽ mặc trang phục cưới hiện đại như các nước phương Tây là comple và váy cưới. Cuối buổi lễ thường là chụp ảnh kỷ niệm cùng gia đình và bạn bè tham dự tiệc cưới. Liền sau đó cô dâu và chú rể sẽ thay sang trang phục truyền thống để thực hiện một nghi lễ tiếp theo theo kiểu truyền thống.

Tại Bắc Hàn cô dâu và chú rể cùng với người thân trong nhà sẽ có từ 3-5 ngày để chuẩn bị lễ cưới và sẽ có người thân bạn bè phụ giúp.

Chính phủ Bắc Hàn có những quy định cho mức mua sắm trong những lễ Quan hôn tang chế tại các cửa tiệm (trong vòng đời con người sẽ có lễ trưởng thành, lễ kết hôn, lễ tang và lễ giỗ). Tuy nhiên trong tiệc cưới thì quan trọng nhất vẫn là rượu. Rượu sẽ được chính phủ Bắc Hàn cung cấp cho lễ cưới cũng như ngày lễ lớn của quốc gia. Tuy nhiên rượu dành cho đám cưới thường bị thiếu nên phải mua riêng.

Bánh gạo, mì, bắp, và rượu thường được phục vụ cho khách dự tiệc cưới, và khách thường chúc phúc cho đôi trẻ bằng tiền mừng hoặc ngô và gạo. Mỗi bên sẽ nhận quà từ khách bên đó, và sẽ cùng nhau ăn uống ca hát.

Đặc biệt hơn, vào ngay ngày cưới, người Bắc Hàn thường phải viếng thăm và đặt hoa trước tượng đài của hai nhà lãnh tụ Bắc Hàn và chụp hình kỷ niệm nếu không muốn bị phạt.

Nếu không có tượng đài nào gần đó, các cặp đôi mới cưới phải làm một tấm bảng ghi lời dạy của các lãnh tụ và chụp ảnh với tấm bảng đó. Họ không có khái niệm đi hưởng tuần trăng mật do kết thúc lễ cưới là Chủ nhật và thứ Hai là ngày đi làm.

Trong khi đó, ở Hàn Quốc sẽ tổ chức tiệc cưới ở nhà hàng. Khi người chủ trì hôn lễ (thường là bạn của cô dâu hoặc chú rể) ra hiệu, tiếng nhạc ngân lên, ánh đèn rực sáng và cánh cửa mở ra, cô dâu sẽ được bố đẻ dắt vào lễ đường.

Bố cô dâu sẽ “giao” con gái mình cho chàng rể mình tin tưởng sau nhiều năm dưỡng dục con gái trong không khí nghẹn ngào ở lễ đường. Đứng đối diện với nhau trước chủ hôn, cô dâu và chú rể sẽ nói lời thề nguyện và trao nhẫn cưới cho nhau.

Người chủ hôn thường có một bài thuyết giảng dài về tình yêu, hôn nhân và những trách nhiệm xã hội mới liên quan đến đời sống hôn nhân. Sau hôn lễ, rất nhiều cặp đôi đã kịp xin nghỉ phép để tận hưởng tuần trăng mật ngay vài ngày đến 1-2 tuần.

XEM THÊM:

Tổng hợp từ MBC, Daumnuac

author-avatar

About Hồng Yến

Biết đến Hàn Quốc qua những bản nhạc K-Pop. Đặt chân tới Hàn Quốc do niềm yêu thích và cũng như mong muốn tìm hiểu thêm về văn hóa, ẩm thực nơi đây. Hiện đang có sự quan tâm đến xã hội cũng như lịch sử Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).