Ngày nay có nhiều người lắp camera trong nhà để chống trộm, để kiểm tra xem con em mình có chơi ngoan hay không, hoặc đơn giản chỉ để kiểm tra thú cưng trong nhà.

Camera an ninh này được gọi tắt là CCTV (Closed-circuit television, 폐쇄회로 텔레비전) và việc lắp CCTV ở nơi công cộng hay nhà riêng là việc vô cùng phổ biến ở Hàn Quốc.

Ngoài camera an ninh, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đã sản sinh ra những căn nhà thông minh (Smarthome). Trong một căn nhà thông minh hay Smarthome, mọi nơi sẽ được kiểm soát bằng các thiết bị điện tử.

Chúng sẽ sử dụng các cách giao tiếp riêng đề kết nối & hiểu nhau như: Bluetooth, hồng ngoại, sóng siêu âm, Wifi… và người điều khiển sẽ là bạn qua chính chiếc điện thoại hay giọng nói.

Mặt trái của công nghệ

Tuy nhiên, sự tiện dụng của công nghệ cũng gây ra không ít nguy cơ cho người dùng vì các thiết bị thông minh như smart camera rất dễ bị tin tặc tấn công.

Đầu năm 2019, một vụ tấn công vào hệ thống an ninh gia đình tại bang Illinois của Mỹ xảy ra khiến người dân nước này lo ngại. Vụ việc được phát hiện khi Arjun Sud nghe thấy tiếng của người đàn ông khác trong phòng của con trai mình: Con bạn dễ thương quá nhỉ! Khi bị phát giác và định gỡ camera xuống, tin tặc này chuyển sang quấy rối và đe doạ chủ nhà.

Những ngày vừa qua, dư luận cũng vô cùng lo lắng và phẫn nộ thay cho ca sĩ Văn Mai Hương khi những hình ảnh nhạy cảm của cô bị rò rỉ do bị hack dữ liệu camera.

Những sự việc tương tự với vụ ca sĩ Văn Mai Hương cũng sẽ còn tiếp tục xảy ra và thậm chí còn có thể nghiêm trọng hơn nữa nếu như các nhà sản xuất thiết bị không đầu tư thích đáng vào việc xây dựng hệ thống bảo mật.

Tại Việt Nam, việc lắp đặt một bộ camera quan sát là hết sức đơn giản, bạn chỉ cần bỏ ra một số tiền nhỏ từ 3.5 triệu đến 12 triệu VND là có thể có từ bộ camera 1 mắt nhìn đến 8 mắt nhìn. Tuy nhiên bộ camera giám sát nhà bạn cũng bị hack một cách rất dễ dàng bởi tin tặc.

Hầu hết smart camera hiện nay đều cho phép truy cập thông qua nền tảng web và tin tặc có thể điều khiển trực tiếp với toàn bộ chức năng trên nền tảng này.

Nói cách khác, mỗi camera sẽ có một website riêng. Vấn đề là những trang web này và đường truyền hình ảnh có thể dễ dàng tìm được thông qua hệ thống tìm kiếm chuyên biệt, như Shodan hay Censys chẳng hạn.

Đối với người dùng, chúng ta cũng cần phải tự bảo vệ mình bằng cách cài đặt mật khẩu đủ mạnh và thiết lập một hệ thống mạng riêng chỉ dành cho các thiết bị an ninh trong nhà thay vì dùng chung hệ thống mạng Wifi.

Ngoài ra, chúng ta cũng thể giảm thiểu nguy cơ bị tấn công bằng cách thay đổi mật khẩu truy cập thường xuyên. Đặc biệt là đối với các hệ thống được lắp đặt bởi bên thứ ba, bạn phải thay đổi mật khẩu và tên đăng nhập ngay sau khi hệ thống được lắp đặt xong.

Nếu bạn vẫn giữ nguyên mật khẩu và tên đăng nhập do công ty lắp đặt cung cấp, hệ thống an ninh của bạn sẽ bị tấn công rất dễ dàng do những mật khẩu và tên truy cập này thường rất đơn giản và được dùng chung cho tất cả các khách hàng.

3 KHÔNG khi dùng camera an ninh

1. Không lắp đặt camera an ninh ở những vị trí nhạy cảm

Camera an ninh là con dao 2 lưỡi nếu bị lắp sai chỗ. Trên thế giới, trừ trường hợp để camera an ninh trong phòng ngủ để trông coi trẻ sơ sinh, các công ty bảo mật không bao giờ khuyến khích người dùng lắp chúng ở vị trí nhạy cảm như trong phòng riêng, WC…

2. Không sử dụng camera an ninh với mật khẩu mặc định

Đây là sai lầm chết người mà nhiều gia đình đã mắc phải. Trong trường hợp sử dụng camera an ninh có thể truy cập từ xa, việc để nguyên mật khẩu mặc định đồng nghĩa chúng ta đã trao quyền riêng tư vào tay kẻ xấu.

Chính vì vậy, việc đầu tiên cần làm sau khi cho lắp đặt camera an ninh là đổi ngay mật khẩu khó đoán. Nên kết hợp thêm các kí tự đặc biệt, viết hoa viết thường. Ngoài ra, nên đổi mật khẩu định kỳ tối thiểu là 06 tháng một lần.

Trên thực tế, với kiểu mật khẩu ngớ ngẩn như “123456” thì tin tặc chỉ mất khoảng… 0.23 giây để lần ra.

3. Không giám sát kỹ thuật viên sửa chữa, lắp đặt camera an ninh khi có vấn đề

Bất kể bạn là người bình thường hay người nổi tiếng, kẻ xấu luôn lăm le muốn có được hình ảnh nhạy cảm. Chính vì vậy, không được phép cho người mà bạn không tin tưởng động chạm vào camera trong gia đình.

5 cách phát hiện camera bị tấn công

1. Kiểm tra xem có tiếng động lạ nào phát ra từ camera của bạn hay không

Nếu bạn nghe thấy một tiếng động lạ phát ra từ camera an ninh của mình, chắc chắn camera an ninh của bạn đã bị tấn công giống như trường hợp của gia đình Mỹ được đề cập ở đầu bài.

2. Camera quan sát của bạn bị xoay bất thường

Nếu bạn phát hiện ra camera an ninh gia đình của bạn đang chuyển động bất thường mà không phải do bạn điều chỉnh, rất có thể camera của bạn đã bị hack. Có ai đó đã hack camera của bạn và kiểm soát nó quay theo ý muốn.

3. Kiểm tra lại cài đặt của bạn trên camera có bị thay đổi không

Những tin tặc đột nhập vào camera an ninh của bạn và chúng có thể để lại một số thông tin trên phần cài đặt. Vì vậy, bạn hãy thường xuyên kiểm tra xem các cài đặt bảo mật trên camera của bạn có bị thay đổi hay không, mật khẩu trên camera quan sát của bạn có trở về mặc định?

4. Kiểm tra xem có đèn LED nhấp nháy không

Nếu bạn thấy đèn LED nhấp nháy ngẫu nhiên, camera an ninh của bạn có thể đang bị hack. Trong trường hợp đó, tốt nhất bạn nên gọi dịch vụ sửa chữa camera để được hỗ trợ một cách nhanh nhất có thể.

Nếu đèn LED của bạn sáng và bạn không bật nó lên thì đó là một dấu hiệu nhận biết rằng camera an ninh của bạn đã bị hack và truy cập trái phép.

5. Tăng đột biến trong lưu lượng mạng

Một cách để xác định xem hệ thống giám sát của bạn đã bị xâm nhập là để kiểm tra lưu lượng dữ liệu trên mạng của bạn và trên camera quan sát của bạn. Nếu có sự gia tăng đột ngột trong lưu lượng mạng, có khả năng hệ thống đã bị tấn công để gửi video ra ngoài.

XEM THÊM:

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).