Khi tỷ lệ sinh quốc gia không ngừng giảm mạnh, thậm chí chạm mức báo động 0.98 vào năm 2018, Hàn Quốc bắt đầu mở rộng cánh cửa để chào đón người nhập cư nói chung và cô dâu nước ngoài nói riêng.

Nhờ đó, số lượng phụ nữ kết hôn di trú chuyển đến các vùng nông thôn Hàn Quốc sinh sống tăng vọt trở lại sau nhiều năm liên tục giảm. Phần đông các cô dâu trong gia đình đa văn hoá có quốc tịch Việt Nam. Cùng với sự phát triển của MXH, nhiều cặp đôi Hàn – Việt đã được mai mối và tiến hành chọn bạn đời thông qua Facebook.

Tuy nhiên trong năm 2019 vừa qua, nạn phân biệt đối xử và bạo hành trong gia đình đa văn hoá vẫn tiếp diễn một cách đáng lo ngại, khiến những người làm công tác quản lý ở cả 2 nước Việt Nam – Hàn Quốc đều đang hết sức đau đầu.

Thực tế khác xa phim ảnh

L. – một cô dâu Việt hiện đang sinh sống ở Daegu cho biết cô đã vỡ giấc mộng “Korea Dream” chỉ một thời gian rất ngắn sau khi kết hôn. Dù đã nỗ lực học tiếng Hàn để có cuộc sống thoải mái hơn nơi xứ người, L. vẫn không tìm được tiếng nói chung với chồng và gia đình chồng.

Theo đó, gia đình chồng vẫn giữ nguyên thái độ khinh thường, cho rằng cô lợi dụng và ăn bám chồng để có cuộc sống tốt hơn – một định kiến nhắm đến đối tượng cô dâu nước ngoài, đặc biệt là phụ nữ đến từ Việt Nam vốn đã hình thành và bám rễ trong tâm trí nhiều người Hàn.

“Nhiều người Hàn Quốc phớt lờ chúng tôi vì cho rằng chúng tôi đến từ nước đang phát triển. Một trong những hiểu lầm lớn nhất của người Hàn về chị em cô dâu Việt chính là họ nghĩ tất cả chúng tôi đều sẽ bỏ trốn ra đi sau khi được nhập tịch.” – L. nói trong bức xúc.

Ngày còn ở Việt Nam, L. đã nuôi giấc mộng “Korea Dream” vì hâm mộ phim truyền hình Hàn Quốc. Tuy nhiên, đời thực khác xa so với những thước phim đẹp đẽ, lãng mạn cô từng ngóng chờ để theo dõi mỗi ngày.

Đàn ông Hàn Quốc, ít nhất là những người chọn lấy vợ Việt Nam mà L. biết đều là những người đã có tuổi, không biết cách đối xử nhẹ nhàng, mềm mỏng với vợ, thậm chí nhiều người còn gia rất trưởng và độc đoán.

Trong những năm gần đây, có rất nhiều phụ nữ nước ngoài nhập cư sinh sống ở các vùng nông thôn Hàn Quốc, khu vực mà tỷ lệ kết hôn quốc tế chiếm đến gần 20% tổng các cuộc kết hôn, theo kết quả điều tra của Văn phòng Thống kê Quốc gia năm 2017.

Tính trên toàn Hàn Quốc trong năm 2018, xét theo quốc tịch của người vợ trong các gia đình đa văn hoá chồng Hàn – vợ nước ngoài, Việt Nam vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất (30%) – tức cứ 4 cặp đôi kết hôn đa văn hoá thì sẽ có một cặp là chồng Hàn và vợ Việt. Trung Quốc (21.6%), Thái Lan (6.6%) lần lượt xếp thứ 2 và thứ 3.

Thay vì được chào đón như những người hùng có công cứu rỗi tỷ lệ sinh đamg giảm không phanh & góp phần làm chậm tốc độ già hoá cơ cấu xã hội, nhiều người trong số khoảng 6000 phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Hàn và đến Hàn Quốc sinh sống mỗi năm như L. vẫn phải đối mặt với những định kiến sai lầm và chưa nhận được sự tôn trọng tối thiểu. Thậm chí, báo đài Hàn Quốc, Việt Nam cũng không ít lần đưa tin về những vụ bạo hành tinh thần & thể xác trong gia đình đa văn hoá, khiến dư luận sôi sục trong thời gian dài.

Những trường hợp bạo hành trong năm 2019 đã lại một lần nữa làm dấy lên sự quan ngại về việc các cô dâu Việt bị ngược đãi, bóc lột bởi chính chồng mình. Dư luận đồng thời chĩa mũi dùi vào việc chính phủ Hàn Quốc khuyến khích công dân nam nước này kết hôn quốc tế, song lại chưa triển khai đầy đủ các chính sách cũng như biện pháp hỗ trợ đối tượng phụ nữ kết hôn di trú.

Bên phản đối chỉ trích hoạt động môi giới hôn nhân Hàn – Việt hiện nay có tính chất không khác việc tuyển chọn mua vợ là bao, trong khi bên ủng hộ thì lại bày tỏ quan điểm cho rằng đây không hoàn toàn là hôn nhân dàn xếp, mà có sự đồng thuận của cả 2 vợ chồng.

Tháng 11/2019, một người đàn ông 55 tuổi đã đâm người vợ Việt Nam (30 tuổi) của mình tử vong và chôn xác cô ở tỉnh Jeonbuk. Trước đó, vào tháng 7/2019 đoạn video quay lại cảnh chồng bạo hành, đánh đập vợ trước mặt con nhỏ trong suốt vài giờ liền đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trên MXH 2 nước.

Trước những vụ việc đáng tiếc xảy ra liên tiếp, Bộ Tư pháp Hàn Quốc tuyên bố sẽ thi hành luật mới, cấm nam giới có tiền án bạo hành gia đình, tấn công tình dục, giết người hoặc phạm tội trộm cắp tài sản kết hôn với người nước ngoài nhập cư. Ngoài ra, Bộ này còn có kế hoạch triển khai một đường dây nóng cảnh sát đa ngôn ngữ mới để hỗ trợ cho những người vợ/chồng là người nước ngoài.

Tuy nhiên, một số chuyên gia chỉ trích những biện pháp trên chưa triệt để. Trong đó, có người đưa ra lập luận rằng những vụ việc bạo hành cô dâu Việt không chỉ là hệ quả của riêng vấn nạn “mua vợ”, mà nó còn là vấn đề xuất phát từ thói gia trưởng của người Hàn, thái độ của người Hàn đối với người nhập cư và bạo lực đối với phụ nữ vốn vẫn tồn tại ở Hàn Quốc từ trước đến nay.

Hôn nhân mai mối hay là hình thức mua vợ?

Trong nhiều năm trở lại đây, Hàn Quốc chứng kiến tình trạng mất cân bằng dân số và giới tính ở nông thôn do người trẻ thường có xu hướng di cư đến các thành phố lớn để sinh sống và lập nghiệp. Đặc biệt, phụ nữ Hàn Quốc lại càng không mấy mặn mà với việc ở lại vùng quê. Điều này dẫn đến hệ quả đàn ông nông thôn Hàn Quốc khó lấy vợ trong nước và nhu cầu lấy vợ các nước lân cận tăng cao.

Nhiều người sẵn sàng chi số tiền lớn để lấy vợ nước ngoài. Trong trường hợp lấy vợ Việt, họ sẽ chi khoảng 14.2 triệu KRW (tương đương 12.000 USD) cho bên môi giới để được lựa chọn, gặp gỡ ý trung nhân tương lai và tiến đến kết hôn.

Đa phần những người đàn ông này không cho rằng đây là hình thức mua bán mà chỉ đơn giản là trả tiền để được mai mối bạn đời. Tuy nhiên, có một sự thật là có đến hơn 35 chính quyền địa phương ở các vùng nông thôn Hàn Quốc quyết định cấp số tiền từ 3 – 10 triệu KRW để hỗ trợ những công dân sinh sống tại địa phương cưới vợ nước ngoài.

Một số trường hợp, vợ chồng phải sống tối thiểu với nhau 1 khoảng thời gian nhất định, nếu không sẽ phải hoàn lại tiền cho địa phương. Điển hình là quận Yangpyeong ở tỉnh Gyeonggi cung cấp cho những người đàn ông địa phương chưa lập gia đình trong độ tuổi từ 35 – 55 tuổi, làm việc trong ngành nông lâm ngư nghiệp lên tới 10 triệu won để kết hôn với cô dâu nước ngoài.

Facebook – Mảnh đất màu mỡ cho hôn nhân mai mối Hàn – Việt

Gần đây, nhiều nam giới Hàn Quốc tìm đến MXH cũng như các trung tâm mai mối hôn nhân online để tìm bạn đời. Trong những hội nhóm trên Facebook như nhóm “Bạn có thích lấy vợ Việt không?” (베트남 아내 좋아하세요?) , không khó để bắt gặp những bài đăng có nội dung như

  • Tên: XXX
  • 40 tuổi, chưa từng lấy vợ
  • Ý định tìm kiếm bạn đời nghiêm túc, không đùa giỡn.

Trên một nhóm Facebook khác dành cho đàn ông Hàn Quốc, các trung tâm mai mối Việt Nam & Hàn Quốc thay phiên đăng tải thông tin cá nhân của những phụ nữ Việt Nam có nguyện vọng lấy chồng Hàn với nội dung bao gồm tên tuổi, mô tả ngắn gọn về bản thân và số báo danh ứng viên của họ.

Đa số các cô gái đều ở độ tuổi 20 (9X đời cuối hoặc đầu năm 2000), được mô tả như sau: “Cô ấy đang học tiếng Hàn, vì vậy cô ấy có thể chuyển đến Hàn Quốc sau một thời gian ngắn nếu đồng thuận tiến tới hôn nhân. S-236 (số báo danh của cô gái) là ứng cử viên cực kỳ lý tưởng.”

Một công ty mai mối hôn nhân có trụ sở ở Seoul cho biết, khách hàng của họ sẽ trả khoản tiền cọc 2 triệu KRW trước khi bay đến Việt Nam và nán lại trong vòng 6 ngày, nơi họ sẽ gặp gỡ với khoảng 20 cô gái Việt Nam để chọn được người phù hợp lấy làm vợ.

Nếu may mắn gặp được người ưng ý, khách hàng có thể tổ chức kết hôn và hoàn tất quy trình đăng ký kết hôn hợp pháp ngay trong chuyến đi. Cô dâu sau đó sẽ được đào tạo khoá tiếng Hàn khoảng 3 tháng trong thời gian chờ chuẩn bị hồ sơ xin visa sang Hàn.

Đối với dịch vụ trọn gói 12 triệu KRW (khoảng 10.350 USD), bao gồm chi phí sính lễ cho nhà gái, quá trình đi từ kết hôn đến hoàn tất nhập cư mất khoảng 6 tháng. Để cô dâu Việt nhận được visa kết hôn, người chồng phải khai rõ nơi cư trú, trình bày lý lịch sạch (không có tiền án tấn công tình dục…) và có mức thu nhập hàng năm ít nhất 18 triệu KRW.

Theo 1 báo cáo năm 2017, độ tuổi trung bình của đàn ông Hàn Quốc lấy vợ Việt là 43.6 tuổi, trong khi đó độ tuổi trung bình khi kết hôn của cô dâu Việt là 25.2 tuổi. Dù không phải tất cả, song đã có nhiều phụ nữ trẻ Việt Nam khi đặt chân đến Hàn Quốc sau khi kết hôn đã nhanh chóng thất vọng khi nhận ra thực tế cuộc sống ở đất nước này không giống như viễn cảnh họ từng tưởng tượng.

John Lie, giáo sư ngành Xã hội học thuộc trường đại học California nhận định một cách thẳng thắn rằng chính K-Pop và phim truyền hình Hàn Quốc đã trau chuốt, mỹ miều hoá hình ảnh xã hội Hàn Quốc trong mắt người nước ngoài, khiến họ có những hình dung không sát với thực tế.

Ông cũng bổ sung thêm, một bộ phận người Hàn có thái độ kì thị người Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam xuất phát từ suy nghĩ thiển cận cho rằng người Đông Nam Á có xuất thân thấp hơn họ.

XEM THÊM: Hàn Quốc sẽ mạnh tay với môi giới kết hôn, giáo dục nhân quyền miễn phí & hỗ trợ cô dâu Việt tối đa

Muốn xã hội thay đổi, phải thay đổi chính những con người sống trong xã hội đó

Do nhiều yếu tố lịch sử, văn hoá, xã hội tác động (như việc người Hàn không được phép tự do xuất ngoại cho đến tận cuối những năm 1980), đến năm 2020 người Hàn vẫn chưa hoàn toàn thích nghi với việc chung sống với người nước ngoài trong cùng một xã hội, cũng như không phải ai cũng chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để đón nhận sự thay đổi từ xã hội thuần huyết – một dân tộc sang xã hội đa văn hoá.

Trong một cuộc khảo vào tháng 4/2019, chỉ có 42.48% trong số 4.000 người được hỏi cho biết đã sẵn sàng để sống hòa nhập với người nhập cư.

Chính phủ Hàn Quốc đã và đang triển khai các chính sách về lĩnh vực đa văn hoá, song phần lớn nội dung chỉ tập trung vào việc làm thế nào để người nước ngoài hoà nhập, thích nghi với văn hoá Hàn Quốc, cuộc sống ở Hàn Quốc.

Trong khi đó, 1 xã hội đa văn hoá – vốn là mục tiêu mà Hàn Quốc đang cố gắng hướng đến, phải là nơi có sự tương tác đa chiều, tức người Hàn Quốc cũng cần phải học hỏi và tập thay đổi giá trị quan, chấp nhận và tôn trọng những nền văn hoá đa dạng, bất kể vùng miền và quốc gia, dân tộc.

Giáo sư John Lie phân tích, thậm chí việc thay đổi để trở nên cởi mở và chấp nhận các nền văn hoá khác cũng chưa đủ. Xã hội Hàn Quốc cần thay đổi cả cái nhìn về thái độ gia trưởng và những đối xử bất công với phụ nữ. Tất cả phụ nữ, không chỉ riêng phụ nữ nhập cư cần nguồn lực và hỗ trợ tốt hơn, chẳng hạn như mở các cơ sở chăm sóc trẻ chất lượng đảm bảo, giảm bớt gánh nặng cho phụ nữ có gia đình đi làm, hạn chế biểu hiện của thói gia trưởng…

Thay đổi trong chính sách của chính phủ Hàn Quốc có thể tạo điều kiện môi trường sống thuận lợi cho người nước ngoài nhập cư, nhưng vẫn khó lòng thay đổi thái độ của người Hàn dành cho họ.

Điều quan trọng nhất là người Hàn cần biết rằng đã đến lúc, xã hội của họ cần phải chấp nhận và quan tâm hơn đến những người nước ngoài nhập cư, đồng thời tôn trọng các nền văn hóa khác nhau đang tồn tại trong cộng đồng để tiến đến mục đích cuối cùng là trở thành một xã hội đa văn hoá, xã hội toàn cầu thực sự vì lợi ích của chính họ.

Tổng hợp từ This Week in Asia

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).