Kim Ji Soo thường đến quán chơi game (còn gọi là PC bang trong tiếng Hàn) từ một đến hai lẫn mỗi tuần để chơi trò điện tử yêu thích của mình, League of Legends. Thế nhưng vẫn còn một lý do khác để anh ghé thăm nơi này vào tối muộn hoặc mỗi cuối tuần.

Sau khi đã đăng ký tại quầy tự phục vụ, Kim sẽ nhấn chọn mục “gọi đồ ăn” trên màn hình để đặt món cơm rang kimchi kèm trứng ốp la và cả một lon soda với giá không quá 10,000 KRW (~200k VND).

“Trước đây tôi thường ăn đồ ăn vặt khi chơi game hàng giờ tại quán nhưng giờ thì đã có cả đống lựa chọn từ những bữa ăn nhẹ cho đến đồ ăn vặt đêm muộn”, nhân viên văn phòng 35 tuổi cho biết. “Đôi khi tôi đến quán điện tử mà nghĩ về những món mình muốn ăn, hệt như đến nhà hàng vậy”.

Ngày càng có nhiều các phòng PC trở thành địa điểm để chơi game, ăn uống và giao lưu, phá bỏ hình ảnh cũ về một nơi mà mọi người chơi game trong những căn phòng thiếu ánh sáng, hút thuốc và ăn mỳ cốc ramyon trong khi mắt vẫn dính chặt vào màn hình.

Trong khi một số PC bang vẫn bán mỳ ăn liền và đồ đông lạnh đi kèm nước nóng và lò vi sóng để người chơi có thể chuẩn bị nhanh đồ lót dạ, một thế hệ mới các phòng chơi game hiện đang cung cấp thực đơn đa dạng với giá cả dễ chịu. Một số khác thậm chí còn nhắm tới đối tượng khách hàng sành ăn khó tính.

PC&Cook, một tiệm internet cafe ở khu vực Gangnam với 110 máy chơi game, phục vụ hơn 100 món ăn khác nhau, từ suất cơm trưa tới hamburger, mỳ pasta, gà rán và cả bánh gạo cay tteokbokki cũng như hàng tá loại đồ uống. Hầu hết các món ăn đều dưới 10.000 KRW (~190.000 VND), một số món dạng set thì đắt hơn.

“Tôi muốn thay thế hình ảnh cũ, bẩn của các PC bang thế hệ cũ bằng những món ăn thanh nhã, tốt cho sức khỏe”, cô Hyun Ji Young, chủ sở hữu PC & Cook cho biết. “Chúng tôi có ba nhóm nhân viên có kinh nghiệm trong ngành dịch vụ ăn uống hiện đang làm việc theo ca 8 giờ, 24 giờ mỗi ngày, ở trong bếp”.

Dựa trên những thành công bước đầu, tiệm game 5 năm tuổi này hiện còn cung cấp thực đơn của mình trên cả ứng dụng chuyển phát đồ ăn nổi tiếng là Baedal Minjok nhằm phục vụ các thượng đế không chơi game tại quán. Thời điểm bận rộn nhất là vào bữa trưa và tối, rất nhiều nhân viên văn phòng quanh đây đặt các suất cơm hộp, cô cho biết.

“Tỉ lệ doanh thu giữa phòng game và đồ ăn thay đổi từ 5:5 sang 4:6 và giờ là 3:7”, Huyn chia sẻ. Giờ thì đồ ăn đã trở thành nguồn thu nhập chính của tiệm.

Theo dòng xu hướng mới, nhiều nhà sáng tạo YouTube đã ghé thăm các PC bang nổi tiếng với thực đơn hấp dẫn và đăng tải clip meokbang, tức show ăn uống, trên kênh của mình. Một trong số những video có lượng xem nhiều nhất trên Youtube có tựa đề “PC bang meokbang” với hơn 3 triệu lượt xem.

“Tôi từng ăn hamburger và ramyon tại PC bang khi còn là học sinh và vô cùng bất ngờ khi phát hiện ra có thật nhiều thứ để ăn [ở đây]”, MBRO, một Youtuber nổi tiếng về meokbang đã chia sẻ trong video của mình khi đang ăn sáng bằng mỳ ăn liền, cơm rang bạch tuộc, màn thầu và uống caramel macchiato tại một quán điện tử địa phương.

Một chuyên gia trong ngành cho biết việc tăng cường cải thiện dịch vụ ăn uống thể hiện nỗ lực của các PC bang nhằm thu hút và giữ chân khách hàng giữa một thị trường bão hòa và đầy cạnh tranh về giá cả.

Nhiều tiệm game hiện đang tính phí khoảng 1000 KRW (~19.000 VND) cho mỗi giờ sử dụng máy tính với mức giảm giá có thể lên tới 500 KRW. Mức phí này tương tự hoặc thậm chí là rẻ hơn so với 20 năm trước đó.

Theo một điều tra năm 2018 với đối tượng là 79 quán game trên toàn Hàn Quốc, 80% cho rằng điều kiện kinh doanh kém đi nhiều do chi phí vận hành tăng cao, phí dịch vụ giảm và thiếu các nội dung mới mẻ.

Các quán chơi điện tử mọc lên như nấm tại Hàn Quốc vào khoảng những năm 2000 sau khi StarCraft của Blizzard và Lineage của NC Soft trở nên nổi tiếng sau khi ra mắt vào năm 1998. Số lượng quán game tăng lên hơn 21.000 điểm vào năm 2009.

Kế đó, lệnh cấm hút thuốc trong phòng chơi game vào năm 2013 và sự nổi lên của các loại hình game điện thoại đã ảnh hưởng nặng nề tới thị phần của ngành kinh doanh PC bang. Số quán game giảm xuống gần 1 nửa chỉ còn khoảng 11.000 điểm vào năm 2015.

Theo số liệu của Hiệp hội Văn hóa Internet PC Hàn Quốc (KCCA), tổng doanh thu của PC bang giảm từ 1.9 tỉ KRW vào năm 2010 xuống còn 1.5 tỉ KRW vào 2016 nhưng đã bật lên lại 1.8 tỉ KRW vào năm 2017 và ước tính đạt gần 2 tỉ KRW vào năm 2018.

“Dịch vụ ăn uống đã góp phần vào việc gia tăng doanh thu của các phòng PC thế hệ mới. Trong khi đó một số các trò chơi trực tuyến nhiều người chơi (multiplayer) mới như League of Legends và Battle Ground cũng thu hút nhiều người trẻ tới tụ tập ở các phòng chơi game”, Song Yo Sep, nhân viên KCCA, cho biết.

Các chuyên gia cho biết thành công của các trò chơi trực tuyến nhiều người chơi là vô cùng thiết yếu cho sự sống còn của ngành công nghiệp PC bang, bởi dạng trò chơi này khuyến khích mọi người ghé qua các điểm chơi game và tương tác với nhau để thảo luận chiến lược.

XEM THÊM: Điều gì làm nên các thương hiệu gà rán nội địa của Hàn Quốc?

Tổng hợp từ Yonhap News

author-avatar

About Huong Tran

Làm việc tự do, sống và hưởng thụ từng ngày ý nghĩa trên mảnh đất vừa xa lạ vừa thân quen Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).