Việt Nam đang đứng đầu trong số các cặp vợ chồng đa văn hóa chồng Hàn – vợ Việt ở Hàn Quốc. Theo thống kê năm 2018, cứ 4 cặp đôi kết hôn quốc tế thì sẽ có một cặp đôi mà cô dâu xuất thân từ Việt nam (chiếm 27.7% trên tổng số phụ nữ kết hôn di trú đến Hàn Quốc sinh sống).

Số trẻ em sinh ra trong gia đình đa văn hoá có mẹ là người Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ đa số với 34.7%.

Phần đông các cô dâu Việt đến từ các tỉnh miền Tây Nam bộ, nhiều nhất là ở Cần Thơ. Một nhà hoạt động của Trung tâm Chính sách nhân quyền Liên Hiệp quốc Hàn Quốc (KOCUN) (tổ chức phi chính phủ hỗ trợ các cô dâu Việt) ở Cần Thơ cho biết:

“Hoạt động môi giới kết hôn quốc tế ở Việt Nam bị pháp luật nghiêm cấm. Tuy nhiên trên thực tế, đa số phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Hàn Quốc đều thông qua môi giới. Nhiều người trong số họ ly dị và trở về quê nhà vì nhiều lý do, bao lực gia đình có, khác biệt về văn hoá cũng có. Đáng chú ý, khi hồi hương, nhiều người còn dắt theo con cái ở tuổi vị thành niên mang quốc tịch Hàn Quốc.”

Những cô dâu Việt ly hôn và trở về Việt Nam thường được gọi là cô dâu hồi hương (귀환여성).

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia, 1/5 trong tổng số gia đình đa văn hoá Hàn – Việt (19.3%) đi đến tan vỡ. Một quan chức của tổ chức KOCUN cho biết:

“Có người quay trở về Việt Nam khi chưa ly hôn chính thức tại Hàn Quốc, có người thì vẫn ở lại Hàn Quốc để tìm việc làm trong lúc chờ ly hôn. Chỉ nhìn vào thống kê tỷ lệ ly hôn thì cũng khó dự đoán chính xác được số lượng cô dâu hồi hương”.

Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc hiện cũng không có dữ liệu tổng hợp chính thức nào về đối tượng này. Tuy nhiên, nhìn chung, tỉ lệ kết hôn quốc tế Hàn – Việt ngày càng gia tăng, trong khi đó tỉ lệ ly hôn và hồi hương của cô dâu Việt cũng tăng lên theo từng ngày.

Đây là lý do vì sao những đứa trẻ trong gia đình Hàn – Việt tan vỡ theo chân mẹ hồi hương trong vài năm trở lại đây đã nổi lên như một vấn đề xã hội tại Việt Nam. Về nguyên tắc, công dân Việt Nam chỉ được mang một quốc tịch, người sở hữu 2 quốc tịch chỉ được xếp vào trường hợp ngoại lệ. Do đó, những đứa trẻ trong gia đình Hàn – Việt, sinh ra ở Hàn Quốc và mang quốc tịch Hàn Quốc được xem xét và đối đãi như người nước ngoài tại quê mẹ.

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi KOCUN năm 2016 ~ 2017, 81.4% trong số 113 trẻ em là con lai Hàn – Việt đang sống ở Việt Nam được khảo sát có quốc tịch Hàn Quốc.

Nếu những đứa trẻ này không gia hạn hộ chiếu và thị thực thường xuyên, chúng sẽ trở thành công dân bất hợp pháp. Ước tính hiện nay có nhiều trẻ em độ tuổi vị thành niên mang quốc tịch Hàn Quốc sinh sống Ở Việt Nam đang rơi vào tình trạng này.

Cô dâu hồi hương và sự hắt hủi của gia đình, xã hội

Phần lớn cô dâu Việt khi đi đến quyết định ly hôn thường không có lợi thế trong vấn đề giành quyền nuôi con vì khả năng tài chính yếu hơn so với gia đình chồng, và muốn gửi con để đi làm việc kiếm tiền ở Hàn Quốc cũng không phải chuyện dễ.

Nhiều người cảm thấy cầm chắc phần thua nên quyết định dẫn con cái quay về Việt Nam bỏ trốn và cắt đứt liên lạc với nhà chồng. Về luật, hành động tách con cái khỏi người cha một cách ép buộc trong khi người cha không biết gì và cũng không có cách nào liên lạc được với con mình đồng nghĩa với hành vi bắt cóc trẻ em.

Các nước như Việt Nam, Trung Quốc và Phillipines hiện không phải là thành viên của Công ước Hague về các khía cạnh dân sự đối với hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế (헤이그 국제 아동 탈취협약) nên việc hợp tác hay hỗ trợ về mặt tư pháp (사법공조) là điều không thể.

Nhiều cô dâu hồi hương chia sẻ, việc họ không thể tiếp tục cuộc sống tại Hàn Quốc và quay trở về quê bị xem là một thất bại cho cả gia đình. Đáng buồn là ngay chính bản thân họ cũng cảm thấy mình là gánh nặng của gia đình.

Ở các khu vực có nhiều trường hợp kết hôn quốc tế Hàn – Việt, nhiều cô dâu hồi hương rơi vào tình cảnh bị so sánh với con gái nhà hàng xóm – cũng là những cô dâu đã kết hôn và hiện đang sinh sống tại Hàn Quốc.

“Con nhà người ta hàng tháng vẫn thường xuyên gửi tiền trợ cấp về để nuôi gia đình, còn mày thì không!!!”

Theo một thống kê, khoảng một nửa số cô dâu hồi hương không ở lại quê nhà mà chuyển đến địa phương khác sinh sống (36.2%) hoặc sinh sống ở nước ngoài (11.5%). Đa số đều đang đi làm và kiếm được thu nhập bằng nhiều cách khác nhau, bao gồm làm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp (37%); làm nông (7%); tự kinh doanh (7%); số người thất nghiệp chiếm khoảng 28.8%.

Trong khi những cô dâu phải đi kiếm tiền để trang trải cuộc sống hậu ly hôn và quay về nước, những đứa con của họ thường được để lại ở quê để ông bà ngoại nuôi dưỡng. Tỉ lệ trẻ em được nuôi dưỡng bởi ông bà ngoại chiếm 64.4%, họ hàng nhà ngoại chiếm 12.5%. Chỉ 22.1% trẻ là được sống cùng mẹ.

Con lai sống như một cái bóng ở quê mẹ

Thuỷ (tên nhân vật đã được thay đổi), đã gặp và kết hôn với người chồng người Hàn Quốc của mình thông qua môi giới năm 2007. Một năm sau đó, con trai Hyun Suk (tên nhân vật đã được thay đổi) của hai vợ chồng cô ra đời.

Chồng của Thuỷ nghiện rượu nặng, không có nghề nghiệp ổn định và cũng không bao giờ giúp vợ chăm sóc gia đình. Trong một lần về Cần Thơ (Việt Nam) cùng con trai năm 2010, Thuỷ đã quyết định không trở về Hàn Quốc. Từ đó cô cắt đứt liên lạc với cả chồng và gia đình chồng.

Năm 2014, hộ chiếu Hàn Quốc của Hyun Suk hết hạn nhưng Thuỷ không thể làm hộ chiếu mới cho con. Việc Hyun Suk lưu trú tại Việt Nam một cách bất hợp pháp chỉ vỡ lỡ với phía công an khi cậu bé đã đến tuổi nhập học vào năm 2016. Khi ấy, Thuỷ đã tìm đến sự giúp đỡ của Trung Tâm chính sách Nhân quyền Liên Hợp Quốc Hàn Quốc (KOCUN) ở Cần Thơ.

Theo xác nhận từ phía Hàn Quốc, chồng của Thuỷ đã nhận được phán quyết ly hôn từ toà án và quyền nuôi con được trao cho người chồng. Để cấp hộ chiếu cho Hyun Suk thì cần có sự đồng ý từ người này.

May mắn thay, gia đình chồng cũ ở Hàn Quốc đã hiểu cho hoàn cảnh của mẹ con Thuỷ và đồng ý gửi các hồ sơ cần thiết để Hyun Suk được cấp tư cách lưu trú hợp pháp Ở Việt Nam vào năm 2017.

Chi phí phát sinh trong quá trình này được Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) hỗ trợ. Được biết từ năm 2016, KOCHAM đã và đang cung cấp các khoản hỗ trợ khẩn cấp cho con em gia đình Hàn – Việt được lưu trú hợp pháp ở Việt Nam, cũng như hỗ trợ về mặt giáo dục và y tế. Tính đến tháng 2/2019, tổng số trường hợp nhận được sự giúp đỡ đã lên đến con số 269 trường hợp.

Mi Jung (tên nhân vật đã được thay đổi), con gái của một cô dâu Việt khác cũng đã nhận được hộ chiếu mới với sự đồng hỗ trợ từ 2 tổ chức KOCUN và hiệp hội KOCHAM. Mi Jung được sinh ra ở Hàn Quốc, nhưng hai mẹ con em đã quay về Cần Thơ sinh sống sau khi người cha qua đời vào năm 2009.

Tiên (mẹ của Mi Jung – tên nhân vật đã được thay đổi) một mình lên Bình Dương làm việc để kiếm tiền gửi về quê cho ông bà ngoại nuôi hộ con. Hộ chiếu của Mi Jung hết hạn vào năm 2014, và cũng như Hyun Suk, cô bé không nhận được bất cứ một sự hỗ trợ pháp lý nào cho đến tuổi nhập học.

Năm 2014, một tờ báo Việt Nam đã thực hiện loạt phóng sự dài kỳ về con em Hàn Việt với tựa đề: “Những đứa trẻ không tổ quốc”. Min Jun (tên nhân vật đã được thay đổi, quốc tịch Hàn Quốc), nhân vật xuất hiện trong loạt bài viết đã bắt đầu sinh sống tại Việt Nam từ năm 2010. Mẹ của Min Jun để lại em cho bà ngoại đau yếu chăm sóc và lên TP. HCM để lập nghiệp. Hàng tháng, người mẹ gửi về khoảng 2 triệu VNĐ cho hai bà cháu làm chi phí sinh hoạt, song phần lớn tiền đều để chi vào phí thuốc chữa bệnh cho bà ngoại.

Min Jun không được đi học cho đến năm 10 tuổi. Vì là người nước ngoài sống ở Việt Nam nên em bị rơi vào”điểm mù” của giáo dục, tức là không nhận được sự hỗ trợ về mặt giáo dục đầy đủ như những trẻ em là công dân Việt Nam hợp pháp. Mang dòng máu Hàn – Việt nhưng không nói được tiếng Hàn, ở Việt Nam cũng chỉ với tư cách người nước ngoài, sự tồn tại lu mờ như một “cái bóng” của Min Jun ở cả hai nước đã một thời gây xôn xao dư luận Việt Nam.

Theo một khảo sát có liên quan, hơn một nửa số con em trong gia đình Hàn – Việt tan vỡ đang sống ở Việt Nam không biết nói tiếng Hàn (58.4%). 66.3% không có liên lạc với gia đình ở Hàn Quốc. Kể cả có liên lạc, tần suất liên lạc cũng chỉ khoảng 1~2 lần một năm (chiếm 11.5%).

Một nghiên cứu viên làm công tác gia đình đa văn hoá người Việt Nam cho biết: “Tương tự ở Hàn Quốc, đâu đó trong xã hội Việt Nam vẫn tồn tại định kiến và sự phân biệt đối xử với “những đứa con lai trong gia đình Hàn – Việt đổ vỡ” hoặc “mẹ đơn thân”. Những đứa trẻ này bị cắt đứt liên lạc với người cha, chịu sự thiếu thốn về mặt tình cảm do người mẹ quá bận rộn kiếm sống nên dễ bị cô lập và trở thành đối tượng bị bắt nạt.”

Hiện nay, dựa trên số liệu từ nhiều thống kê, ước tính có khoảng 4000 trẻ là con em gia đình Hàn – Việt ở độ tuổi vị thành niên đang sinh sống ở Việt Nam, tuy nhiên để đưa ra một con số cụ thể là không dễ dàng vì không có dữ liệu chính thức.

Một cặp vợ chồng khi chia tay nhau, dù trong bất kỳ tình huống hay hoàn cảnh nào, đối tượng dễ gặp tổn thương về tinh thần nhất vẫn là con cái, đặc biệt là con em trong gia đình đa văn hoá. Do đó, sự hỗ trợ về mặt chính sách của cả hai quốc gia dành cho đối tượng này là vô cùng cần thiết.

Chẳng hạn như tạo ra một hệ thống hỗ trợ pháp lý để bảo vệ quyền trẻ em nói riêng và nhân quyền nói chung của những đứa trẻ trong gia đình đa văn hoá tan vỡ để ít nhất có thể giúp các em được hưởng các quyền lợi cơ bản về giáo dục và chăm sóc y tế.

Ngày 20/6/2019 vừa qua, HLV trưởng đội tuyển bóng đá Quốc gia Việt Nam Park Hang Seo đã đến thăm và giao lưu cũng như dạy bóng đá cho trẻ em ở trung tâm Việt – Hàn tại Cần Thơ. Trong sự đón tiếp nồng nhiệt của người dân địa phương, đặc biệt là các em nhỏ, HLV Park bày tỏ mong muốn con em Hàn – Việt đang sinh sống ở đây có thể phát triển và hoà nhập tốt với cộng đồng.

Lee Young Sun, đại diện Quỹ người Hàn Quốc ở nước ngoài, người đồng hành cùng ông Park trong chuyến giao lưu đã có chia sẻ, “Con em gia đình Hàn-Việt có thể trở thành biểu tượng cầu nối cho sự giao lưu hợp tác song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam, giống như cách mà HLV Park Hang Seo đã làm. Vì vậy tôi hy vọng các em sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm từ xã hội và cộng đồng để có thể lớn lên trong điều kiện thật tốt và đóng góp vào sự phát triển của cả hai quốc gia.”

XEM THÊM:

Tổng hợp từ 신동아

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).