Bị kì thị hay phân biệt đối xử trong tiếng Hàn được gọi là 차별 당하다. Theo báo cáo của chính phủ Hàn Quốc cho thấy năm 2018, khoảng 20% người nước ngoài tham gia khảo sát nói rằng bị kì thị, phân biệt đối xử vì vấn đề quốc tịch, ngôn ngữ, vẻ bề ngoài và nghề nghiệp.

Trước khi tìm hiểu về những hình thức phân biệt đối xử dưới đây, các bạn cần biết:

– Không chỉ ở Hàn Quốc mới có phân biệt đối xử, ngay cả ở Mỹ, châu Âu hay nhiều nước tân tiến khác cũng tồn tại hiện tượng này.
– Phân biệt đối xử là trải nghiệm mang tính khu biệt, cá nhân và phụ thuộc vào trình độ nhận thức của từng người. Bên cạnh những người có thái độ tiêu cực cũng có rất nhiều người Hàn Quốc tốt bụng, có tư tưởng tân tiến, mở mang.
– Khi đọc bài này bạn cũng thử nhìn nhận lại xem bản thân mình hay Việt Nam cũng tồn tại những kiểu kì thị hay phân biệt nào không nhé!

1. Kỳ thị chủng tộc

Cụ thể, số liệu thống kê của Statistics Korea năm 2018 cho thấy khoảng 21,2% trong số 1,3 triệu người nước ngoài tại Hàn Quốc nói rằng họ bị người dân nước này kỳ thị. Trong số đó, 60,9% cho biết nguyên nhân là do quốc tịch, và 25,7% là do trình độ tiếng Hàn thấp.

Người Hàn Quốc bên ngoài luôn giữ vẻ lịch sự, thân thiện. Nhưng nếu bạn đến từ Mỹ hay một đất nước nói tiếng Anh bạn sẽ được đối xử sốt sắng, ưu ái hơn là từ các nước châu Á.

Kì thị ở Hàn Quốc

Một sinh viên đến từ Kenya từng thổ lộ trên truyền hình: Mỗi khi tôi đi tàu điện ngầm và nếu trên tàu trống thì sẽ chẳng ai ngồi cạnh tôi dù ghế có trống đi chăng nữa. Mới đầu mọi người nghĩ tôi đến từ Mỹ nhưng khi họ biết tôi là người Kenya thì họ có vẻ khinh thường tôi. Tôi đã sốc khi một ajumma đột nhiên chạm vào da mình.

2. Kỳ thị đa văn hoá

Mặc dù số lượng gia đình đa văn hóa tăng mạnh trong xã hội Hàn Quốc song những đứa con lai vẫn bị kỳ thị do nhận thức đã ăn sâu trong tâm trí người dân. Nhiều người Hàn không xem bọn trẻ là những người thuần Hàn.

Tại sao có những người Hàn lại kì thị con lai?

Nhiều năm qua, Hàn Quốc luôn được xem là một quốc gia thuần chủng. Vì vậy, hiện tượng đa văn hóa ngày càng tăng mạnh, trở thành mối đe dọa đến tính thuần chủng của dân tộc.

Một thị trưởng tại thành phố Iksan ở tỉnh Jeonbuk đã có phát ngôn phân biệt kỳ thị đối với các gia đình đa văn hóa tại Hàn Quốc.

Thị trưởng Jeong đã tham dự một sự kiện của các gia đình đa văn hóa tại trường đại học Won Kwang vào ngày 11 tháng 5, và đã phát biểu: Xét theo khía cạnh sinh học và khoa học, có một từ chuyên dùng là sức mạnh tạp chủng. Nếu chúng ta dẫn dắt những đứa trẻ thông minh và xinh đẹp theo cách lệch lạc, vấn đề có thể trở nên nghiêm trọng như cuộc bạo loạn của bầy ruồi vậy. (생물학적, 과학적으로 얘기한다면 ‘잡종강세’라는 말도 있지 않으냐. 똑똑하고 예쁜 애들을 사회에서 잘못 지도하면 파리 폭동처럼 문제가 될 수 있다).

Vấp phải sự phản đối và yêu cầu từ chức mạnh mẽ của cộng đồng Gia đình Đa văn hóa. Thị trưởng Jeong đã tìm đến hiện trường nơi họp báo của các đoàn thể phụ nữ nhập cư để xin lỗi công khai.

Ông Joeng bày tỏ: bản thân tôi đã sử dụng sai từ ngữ trong quá trình truyền đạt thông điệp rằng trẻ em Gia đình Đa văn hóa thông minh và vượt trội, cùng với lời xin lỗi ông cúi đầu hứa: Tôi sẽ đề ra những chính sách đa văn hóa mang tính thiết thực trong tương lai, nếu như sau này vẫn còn thiếu sót sẽ chấp nhận bất cứ mọi chỉ trích từ quý vị.

3. Về năng lực

Năng lực ở đây bao gồm năng lực nói tiếng Hàn, nói tiếng Anh và năng lực trong công việc. Người Hàn Quốc rất thích những ai chăm chỉ, nghiêm túc trong công việc. Vì vậy, nếu bạn chăm chỉ thì chắc chắn sẽ gỡ lại được 70% những định kiến tiêu cực còn lại.

Người Hàn Quốc thường là đến công ty sớm nhất và cũng về công ty sớm nhất, họ chỉ biết công việc và công việc, họ ưu tiên mọi thứ cho công việc, họ ghét sự lười biếng và đi muộn về sớm, họ luôn yêu cầu sự đúng giờ và trao đổi thông tin rõ ràng. Cần cù, tuân thủ thời gian làm việc đúng giờ, trung thực được đánh giá cao trong doanh nghiệp Hàn Quốc.

Tuy nhiên nếu bạn ở Hàn Quốc một thời gian mà không nói được tiếng Hàn thì sẽ khiến các đồng nghiệp, người thân xung quanh ức chế.

Ở trường đại học thì còn có một chi tiết thú vị hơn. Việc bạn nói tiếng Anh giỏi sẽ khiến bạn trở nên cool hơn trong mắt các bạn người Hàn bởi người Hàn giỏi ngữ pháp nhưng rất ám ảnh việc phải giao tiếp tiếng Anh. Vì thế việc bạn tự tin khi nói tiếng Anh sẽ có giá trị hơn việc bạn nói giỏi tiếng Hàn.

4. Về giới tính

Đầu tiên, nếu bạn là nữ và là người Việt Nam thì rất có thể sẽ gặp những câu hỏi: Sang đây lấy chồng hả? Hoặc bạn ở nhà đẹp, xe đẹp, chồng trẻ thì lại bị kích thêm mấy câu vô duyên khác: Ủa, chồng trẻ vậy? Bình thường chồng mấy cô dâu khác già lắm mà?

Các bạn cũng nên hiểu nguồn cơn của những câu hỏi này là do phụ nữ Việt Nam chiếm đa số các nàng dâu nước ngoài ở Hàn Quốc.

Tuy nhiên bạn cũng đừng buồn, bởi bản thân người phụ nữ Hàn Quốc cũng bị phân biệt đối xử.

Văn hóa Hàn Quốc vẫn mang tính gia trưởng sâu sắc, xác định vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và nam giới dựa trên quan điểm giới tính truyền thống, đặc biệt là đối với nuôi dạy trẻ em. Nhiều doanh nghiệp có quy luật bất thành văn: phụ nữ có thể làm gián đoạn hoạt động kinh doanh vì nghỉ thai sản.

Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc không muốn tuyển dụng phụ nữ có con vì nghi ngờ mức độ cam kết của họ và lo ngại các bà mẹ sẽ không thể dành nhiều thời gian cho công việc theo yêu cầu. Ngoài ra, nhà tuyển dụng cũng không muốn phải trả lương cho nhân viên nữ trong thời gian nghỉ thai sản như pháp luật quy định.

Từ khi Hàn Quốc phát động chiến dịch đẩy lùi văn hóa gia trưởng bảo thủ, ngày càng nhiều phụ nữ lên tiếng về phân biệt đối xử trong tuyển dụng và làm việc, ngay cả khi hệ thống pháp lý vất vả đấu tranh để kiểm soát các doanh nghiệp.

Phụ nữ Hàn Quốc có tỷ lệ việc làm rất thấp trong khi trình độ học vấn cao, cho thấy phân biệt giới trong tuyển dụng đang tiếp diễn dưới nhiều hình thức.

Một số vụ kiện pháp lý gần đây chống lại các công ty Hàn Quốc là bằng chứng cho thấy vấn đề này rất phổ biến trong xã hội Hàn Quốc. Ba ngân hàng lớn bậc nhất nước này là KB Kookmin, KEB Hana và Shinhan bị phát hiện đã loại bỏ ứng viên nữ một cách vô lý và thao túng điểm số cho ứng viên nhằm mục đích ưu tiên nam giới.

5. Kì thị ngoại hình

Người hàn có Chủ nghĩa hình thức thái quá. Đặc tính này cũng phần nào giống người Việt Nam chúng ta. Một bà mẹ cho con đi học thêm mở một trung tâm nào đó, thì lập tức bà mẹ bên cạnh cũng phải cho con đi học bằng được.

Họ coi trọng chủ nghĩa tự tôn và cái tôi của mình. Họ cố gắng giấu đi những điều kém cỏi vì sợ người khác coi thường, họ không muốn chịu thua và tính canh tranh khá cao. Họ hay chạy theo mốt, kể cả trong việc sử dụng ngôn ngữ, hay chơi chữ và lạm dụng từ nước ngoài để chứng tỏ mình sành điệu và hiểu biết.

Kì thị ở Hàn Quốc

Nhìn chung, người Hàn Quốc rất chú trọng chau truốt ảnh chân dung trong hồ sơ xin việc. Họ còn có xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ nhằm gia tăng lợi thế khi xin việc. Các chuyên viên từ các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ chia sẻ với những người tìm việc, ngoại hình là cách thức đánh bại đối thủ cạnh tranh.

Điều này dẫn tới trào lưu coi trọng hình thức một cách quá đáng ở Hàn Quốc. Nhà quản lý ở nhiều doanh nghiệp biết thực trạng trên và họ thuê chuyên gia nhân tướng học để phân tích tính cách, năng lực của ứng cử viên. Để tăng điểm khi đi xin việc, nhiều bạn trẻ Hàn Quốc quyết định phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi khuôn mặt và vận mệnh.

6. Phân biệt giàu nghèo

Một bộ phận giới trẻ trong độ tuổi 20 – 30 cho rằng, họ đang sống trong xã hội có sự kỳ thị rõ ràng giữa những người được ăn bằng thìa vàng và những người phải ăn bằng thìa đất.

Theo đó, dân thìa vàng được sinh ra trong gia đình giàu sang, nhung lụa, học tại các trường danh tiếng và có công việc ổn định ở tương lai.

Trong khi đó, dân thìa đất kém may mắn hơn. Họ phải lao động vất vả với đồng lương ít ỏi, tương lai không biết đi về đâu.

Kì thị ở Hàn Quốc

Giới trẻ thậm chí còn gọi đất nước mình là địa ngục Joseon. Joseon là triều đại phong kiến tồn tại từ hơn 5 thế kỷ trước tại Hàn Quốc. Khi đó, Nho giáo chiếm giữ vị trí thống trị. Xã hội có sự phân chia giai cấp, vị trí con người rất khắc nghiệt.

7. Kì thị vùng miền

Người Hàn Quốc cũng có sự kỳ thị về nơi sinh ra và lớn lên của một cá nhân. Nếu bạn sinh ra và lớn lên ở thủ đô Seoul, đó là một điểm cộng trong hồ sơ xin việc của bạn.

Nếu bạn sinh ra và lớn lên ở địa phương thì đó là một điều bất lợi và bất lợi hơn nữa khi bạn tốt nghiệp một trường đại học ở địa phương.

Người Hàn cũng có những định kiến như: Trai Nam gái Bắc (trai miền Nam manly, gái miền Bắc xinh xắn); những người ở Jeonnam bảo thủ (theo thiên hướng theo cộng sản), hay người ở Gangwon nơi trồng nhiều khoai tây có thể bị trêu là Mày suốt ngày ăn khoai tây hả?

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).