Ở môi trường công sở, dù bạn cố gắng làm việc chăm chỉ cật lực đến đâu thì cũng khó tránh khỏi những lúc sơ suất, bất cẩn gây lỗi.

Nhiều người có xu hướng cho rằng việc xin lỗi và nhận lỗi là biểu tượng của sự yếu đuối và khuất phục. Thật ra, học cách cảm ơn đã khó, nắm được nghệ thuật xin lỗi sao cho hiệu quả còn khó hơn.

Nếu bạn đã từng bất cẩn gây lỗi trong quá trình làm việc và vẫn còn thắc mắc về cách xin lỗi thế nào để cấp trên người Hàn mau nguôi giận, thì đây chính là bài viết dành cho bạn.

Bốn bước của nghệ thuật xin lỗi dành cho người đi làm

1. Nói lời xin lỗi

Đây là bước đầu tiên cũng là tối quan trọng của nghệ thuật xin lỗi dành cho người đi làm. Không biện minh, không đưa ra lý do, hãy bắt đầu cuộc đối thoại bằng cách nói lời xin lỗi.

Các biểu hiện xin lỗi cần biết:

  • 죄송합니다 – Dùng khi xin lỗi cấp trên, tiền bối
  • 미안합니다 – Dùng khi xin lỗi đồng nghiệp cùng trang lứa

2. Nhận lỗi

Hầu như mọi người đều làm rất tốt ở bước đầu tiên, tuy nhiên ở bước nhận lỗi thì không phải ai cũng có thể làm được. Nhiều người sau khi nói lời xin lỗi thường tìm cách biện minh cho lỗi lầm của mình – đây vốn là cơ chế phòng ngự, bảo vệ bản thân theo bản năng, tức cơ chế luôn ưu tiên cho rằng bản thân mình là quan trọng nhất.

Các biểu hiện bao biện thường gặp

  • 차가 막혀서 늦었어요 – Kẹt xe quá nên tôi đến trễ
  • 컴퓨터가 느려서 마감일을 놓쳤네요 – Vì máy tính chậm nên tôi đã trễ deadline

Ở bước nhận lỗi, nên tránh những biểu hiện bao biện nêu trên. Thay vào đó là kềm chế cái tôi và dũng cảm nhận lỗi. Biểu hiện nhận lỗi cần biết: 제 잘못입니다 – Đó là lỗi của tôi.

3. Hứa không tái phạm lỗi

Sau khi đã nói lời xin lỗi và xác nhận lỗi, bước kế tiếp sẽ là hứa không tái phạm lỗi.

Ví dụ trong trường hợp đi trễ: 앞으로 지각하지 않겠습니다 – Tôi hứa lần sau sẽ không đến trễ nữa

Thông thường, có thể kết thúc việc xin lỗi ở bước thứ ba.

4. Chuộc lỗi

Đã xin lỗi, nhận lỗi, hứa không tái phạm mà cảm thấy đối phương vẫn chưa nguôi giận thì phải làm sao? Câu trả lời là hãy đề xuất phương án chuộc lỗi cụ thể và thích hợp. Một điểm cần lưu ý, hãy đề xuất những phương án mang tính gợi ý cho đối phương có quyền lựa chọn.

Biểu hiện đề xuất phương án chuộc lỗi cần biết:

  • 30분 지각한 만큼, 30분 연장 근무하겠습니다 – Tôi sẽ ở lại làm việc trễ hơn 30 phút, bằng với số phút tôi đã đến trễ hôm nay
  • 이번 주 당직은 내가 할게 – Ca trực tuần này hãy để tôi làm cho

Ba phương pháp để nói lời xin lỗi hiệu quả

Để xin lỗi một cách hiệu quả ở nơi công sở, hãy cùng tìm hiểu 3 phương pháp sau đây.

1. Tìm hiểu và phán đoán chính xác tình huống

Đầu tiên, cần phải tìm hiểu 3 điều quan trọng sau:

  • Nguyên nhân khiến đối phương nổi giận
  • Trong quá trình đó bản thân đã gây ra lỗi lầm gì
  • Cụ thể, điểm nào trong lỗi của bạn làm đối phương nổi giận hoặc khiến đối phương chịu thiệt hại

Đặc biệt, trong quá trình nắm tình huống, không nên để suy nghĩ chủ quan chi phối nhận thức mà nên đứng ở lập trường của đối phương để suy nghĩ. Phán đoán chính xác tình huống và nguyên nhân bằng việc đặt bản thân vào vị trí của người khác chính là chìa khoá để xin lỗi thành công.

2. Xin lỗi một cách chân thành

Khi xin lỗi, điều quan trọng nhất là sự chân thành chứa đựng trong đó. Tác giả của cuốn sách “Sorry About That: The Language of Public Apology” (tạm dịch: Xin lỗi nhé: Ngôn ngữ xin lỗi đại chúng), Nhà ngôn ngữ học Edwin Battistella nhận định, “Một lời xin lỗi không có thành ý có khả năng khơi dậy sự tức giận trong lòng người khác.

Đặc biệt, những biểu hiện như “Tôi rất tiếc về việc đã xảy ra” (이런 일이 생겨 유감입니다) hoàn toàn không phải là một lời xin lỗi hiệu quả. Câu này sẽ hàm ý là người gây ra lỗi chỉ cảm thấy đáng tiếc về tình huống đã xảy ra chứ không có ý định chịu trách nhiệm cho lỗi lầm của họ.

3. Thời điểm xin lỗi thích hợp

Xin lỗi thành công cũng có thời điểm thích hợp. Hãy tưởng tượng, khi có ai đó làm lỗi với bạn, bạn sẽ kỳ vọng một sự xin lỗi từ họ. Nếu người đó không xin lỗi, bạn sẽ có cảm giác bị xem thường.

Việc bỏ lỡ thời điểm thích hợp không chỉ khiến việc xin lỗi sau này khó được chấp nhận hơn mà khi ấy, mọi việc có nguy cơ không thể ngã ngũ chỉ bằng một lời xin lỗi ngắn gọn. Do đó khi gây lỗi lầm, nên xin lỗi ngay tức khắc. Nếu đang ở sở làm, hãy cố gắng tranh thủ xin lỗi ít nhất là ngay trong ngày chứ không nên đợi đến ngày hôm sau hoặc muộn hơn.

Nghệ thuật nói lời xin lỗi tuỳ theo 7 tình huống thường gặp nơi công sở

Khi bắt đầu cuộc sống của người đi làm, thỉnh thoảng dù không cố ý nhưng chúng ta vẫn sẽ có lúc phạm sai lầm. Những lúc như vậy cần xin lỗi thế nào cho hiệu quả? Hãy tham khảo các biểu hiện sau đây.

1. Khi đi muộn

죄송합니다. 제가 교통 체증을 예측하지 못하고, 늦게 출발해서 늦었습니다.
(Tôi rất xin lỗi. Do tôi đã không lường trước được việc tắt đường nên đã xuất phát muộn và đến muộn.)

Khi đến công ty muộn khoảng 30 phút, nên gập người cúi đầu trong khi nói lời xin lỗi. Sau đó, có thể giải thích ngắn gọi về lý do đi trễ. Lưu ý, thay vì giải thích cụ thể dài dòng, chỉ nên nói tóm gọn lý do và hứa từ sau sẽ không đến muộn nữa.

Ngoài ra, khi biết có nguy cơ muộn giờ, khuyến khích bạn nên thông báo trước với người trong công ty qua điện thoại.

2. Đột xuất vắng buổi làm hoặc không thể tham gia các sự kiện

개인적으로 급한 일이 생겨 연락드리지 못했습니다. 정말 죄송합니다.
(Vì có việc khẩn cấp cá nhân xảy ra nên tôi đã không liên lạc trước được. tôi thành thật xin lỗi về việc này)

Khi vắng buổi làm không phép hoặc không thể tham gia một sự kiện của công ty, nên thành thật giải thích lý do. Thay vì biện minh bằng cái cớ cũ rích, hãy giải thích sơ lược tình huống của bạn.

Tuy nhiên, nếu thật sự không phải là tình huống khẩn trương thì cho dù có xin lỗi khéo đến đâu, hành động nghỉ làm đột xuất hay không tham gia sự kiện mà không báo trước hay có lý do chính đáng cũng có thể trở thành điểm trừ cho cuộc sống công sở của bạn sau đó.

3. Phạm lỗi trong khi làm việc

업무에 차질을 빚게 한 점 사과드립니다.
(Tôi thành thật xin lỗi vì đã gây trở ngại cho công việc)

Trong quá trình làm việc, ai cũng có lúc phạm lỗi. Tuy nhiên sẽ có những lúc sơ sót của cá nhân có thể mang đến thiệt hại cho tập thể lớn.

Nếu là việc có thể sửa chữa thì còn có thể nhẹ nhàng cho qua. Nếu là lỗi mang đến thiệt hại cho công ty thì nên một lần nữa xin lỗi thành khẩn vì sự thiếu sót và sai lầm của bản thân, sau đó đề xuất phương án bù đắp thiệt hại.

4. Để chuông điện thoại reo trong buổi họp

바로 휴대폰 전원을 끄겠습니다. 앞으로 주의하겠습니다.
(Tôi sẽ tắt điện thoại ngay đây ạ. Từ lần sau tôi sẽ chú ý cẩn thận hơn)

Nếu quên chưa tắt điện thoại và sơ ý để chuông điện thoại, tin nhắn vô tình reo lên, bạn nên tắt nguồn ngay lập tức và hứa sẽ không để xảy ra lỗi bất cẩn như vậy trong tương lai.

Mặc dù sơ suất này có thể làm gián đoạn cuộc họp, nhưng vì không phải lỗi lầm quá lớn nên chỉ cần một lời xin lỗi nhẹ nhàng như trên là có thể giải quyết vấn đề.

5. Vô tình làm hư hại vật dụng của đồng nghiệp

제 부주의로 이런 일이 생겨 죄송합니다. 최대한 제가 보상해드리고 싶은데요…
(Tôi xin lỗi đã để sự bất cẩn của mình gây ra việc này. Nếu có thể, tôi muốn được bồi thường cho bạn)

Trong tình huống ta bất cẩn làm hư hỏng, gây thiệt hại về vật chất, hoặc lỡ tay đổ cà phê lên áo đối phương, dù không cố ý nhưng đó rõ ràng cũng là lỗi của bản thân. Để đối phương không cảm thấy bị tổn thương hay khó chịu, cần đề cập đến vấn đề bồi thường.

Mặc dù hiếm có trường hợp mà đồng nghiệp với nhau lại đi đòi bồi thường, nhưng cho dù đối phương có nói không cần thì bạn cũng nên tặng một món quà nhỏ hay mời ăn một bữa để tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt đẹp.

6. Khi có hành động chỉ trích đồng nghiệp

지난번 저의 무례한 발언에 사과드립니다
(Tôi xin lỗi vì phát ngôn thiếu lịch sự lần trước)

Nếu đã từng lỡ vô tình nói xấu đồng nghiệp và để câu chuyện đến tai người được đề cập đến, cách tốt nhất là nên thẳng thắn nhận lỗi và xin lỗi về hành động của mình.

Nếu có thể, cố gắng không nên chỉ trích hoặc đồn thổi gây ảnh hưởng đến đồng nghiệp hay cấp trên. Sau này khi sự việc trở nên nghiêm trọng, không thể kết thúc mọi việc dễ dàng bằng một câu xin lỗi và cuộc sống công sở cũng vì vậy mà khó khăn hơn.

7. Không thể tham gia tiệc công ty

아내가 (아이가) 아파서 회식에 부득이하게 불참하게 되어 너무 아쉽네요.
(Vợ/con của tôi bị ốm nên bất đắt dĩ tôi không thể tham gia được. Thật là tiếc quá!)

Nhiều người đi làm sẽ nghĩ rằng tiệc công sở như là một phần của công việc. Trên thực tế việc tham gia tiệc công sở không phải là điều bắt buộc. Do đó khi không thể tham dự, có thể đưa ra những lý do việc nhà thích hợp như gia đình có người ốm hoặc có sinh nhật người thân, lễ giỗ…

Thay vì xin lỗi, có thể dùng các biểu hiện dưới đây, tuy nhẹ nhàng hơn song cũng không khiến đối phương cảm thấy khó chịu.

  • 아쉽네요 – Thật tiếc quá
  • 즐거운 시간 보내세요 – Mọi người ăn uống vui vẻ nhé!
  • 다음에 꼭 참석하겠습니다 – Lần tới tôi nhất định sẽ tham gia

⇢ Kinh nghiệm sống:

Tổng hợp từ Naver Blog

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).